Chương 3

Hồi Ký - Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Non nước đang chờ gót lãng du
Đâu đây vẳng tiếng hát chinh phu...
Thế Lữ

Hai nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh

Khi tôi vừa lớn lên và có chút hiểu biết về người mình và về nước mình thì cũng như tất cả các thiếu niên khác, tôi vừa ghét Tây vừa sợ Tây. Các bà mẹ ngày xưa hay có lối doạ con :

-- Mày không ngoan, tao gọi ông Tây đến bắt đi bây giờ...

Như đã nói trong đoạn hồi ký về tuổi ấu thơ, khi tôi mới lên 10, tôi biết tới hành động anh dũng của cụ Đề Thám hay thán phục thái độ của liệt sĩ Nguyễn Thái Học và dù còn bé bỏng, tôi mơ ước trở thành những con người chọc trời khuấy nước như người hùng Yên Thế và vị lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Tới khi tôi mấp mé vào tuổi trưởng thành và đọc những truyện của Nhất Linh trong đó có những nhân vật như Loan và Dũng thì tôi mơ được theo gót chân anh ra chốn hải hồ để đem chí bình sinh dãi nắng mưa... Tôi cũng biết mong manh về những chuyện bôn ba hải ngoại của những người như Cường Để, Phan Bội Châu, Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Ái Quốc... và biết sơ sơ là bố tôi cũng bị Tây bắt vì có dính líu tới vụ Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong gia đình, tôi biết đại khái là thằng cháu bằng tuổi tôi tên là Viện, con anh Tư ở phố Hàng Đường, có làm chính trị. Nhưng thằng này khinh mình hay sao mà mỗi lần mình gợi chuyện thì nó lại lảng đi. Có thể nó muốn giữ bí mật, sợ lộ ra thì sẽ bị Pháp bắt chăng ?

Rồi tôi rời ghế nhà trường và rời bỏ Hà Nội để đi mưu sinh ở Moncay, Bắc Giang, Hưng Yên hay Kiến An bằng đủ các thứ nghề như thợ rèn, thợ cầy, thầy giáo, thư ký toà án... ở đâu cũng chỉ ở trong một thời gian rất ngắn ngủi. Sau đó tôi lang thang đi theo gánh hát rong và cũng không bao giờ ở lại một nơi nào quá hai hay ba tuần lễ. Không ở đâu lâu nên không có thời gian để kết bạn hay để được kết nạp vào một tổ chức chống Pháp nào đó. Bị bắt giam ở Cà Mâu cùng với hai anh kép hát Cải Lương vào giờ thứ 25 của cuộc đảo chính là một biến cố tôi không chờ đợi.

Trong những năm tôi đi theo gánh hát rong như thế, ở miền Bắc đã sùng sục nổi lên một không khí cách mạng vì ngay khi Thế Chiến 2 mới khởi đầu, ''mẫu quốc Pháp'' bị thua trận ở chính quốc và mất uy tín ở những thuộc địa rồi. Quyền uy của thực dân trong ba nước Đông Pháp bị mất dần vào tay Nhật từ 1940 cho tới khi bị mất luôn vào ngày mùng 9 tháng 3, năm 1945. Nếu những cuộc khởi nghĩa trước đây của các nhóm Cần Vương, Văn Thân, Đông Du và Việt Nam Quốc Dân Đảng bị thất bại thì một cuộc khởi nghĩa nào đó trong lúc này sẽ có nhiều cơ hội để thành công. Nạn đói năm Ất Dậu vừa qua còn là một hoàn cảnh rất thuận lợi để cho Cách Mạng bột phát nhanh hơn...

Đó là những giác ngộ của tôi vào đầu mùa Thu năm 45 này khi ngồi nói chuyện chính trị với Phạm Xuân Thái ở căn nhà số 13 đường Paul Bert, Dakao.

Vào mùng 6 và mùng 8 tháng 8 năm 1945, hai quả bom nguyên tử san bằng hai thành phố lớn ở Nhật Bản. Đài New Delhi loan tin Nhật đầu hàng. Coi như Thế Chiến 2 chấm dứt. Thủ Tướng Trần Trọng Kim xin từ chức nhưng được mời giữ chức xử lý thường vụ cho tới khi có chính phủ mới. Tình hình Việt Nam biến chuyển ngay lập tức với sự từ chức của chánh phủ Trần Trọng Kim. Tại Saigon một số đoàn thể gồm có Việt Nam Quốc Dân Đảng, Hoà Hảo, Cao Đài, Tịnh Độ Cư Sĩ, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong vội vàng họp nhau lại để thành lập một tổ chức chính trị gọi tên là ''Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất'' để đáp ứng với tình thế mới. Thành phố Saigon có vẻ tấp nập hơn trước. Ai cũng thấy bồi hồi trong lòng. Tôi thấy mình ngứa chân ngứa tay quá rồi...

... Người đẩy tôi vào hành động lúc đó là Nguyễn Duy Hinh, một ký giả và chủ báo rất quen biết của Miền Nam sau này. Nguyễn Duy Hinh thường tới gặp Phạm Xuân Thái, do đó chúng tôi quen nhau. Trước đây Nguyễn Duy Hinh là người có nhiệt tình đối với cuộc đảo chính ngày mùng 9 tháng 3 của Quân Đội Nhật và bây giờ anh là một thành viên của Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất. Thấy tôi muốn hoạt động, anh ấy giới thiệu tôi với những người trong Đảng Dân Chủ đang nằm vùng trong tổ chức Thanh Niên Tiền Phong như Phạm Ngọc Thạch, Kiều Công Cung.

Tôi trở thành một đoàn viên của Thanh Niên Tiền Phong. Hoạt động của tôi lúc đầu chỉ là công tác văn nghệ. Tôi được phái đi dạy cho các thanh niên, các học sinh hát bài Tiếng Gọi Sinh Viên bây giờ được đổi tên là Tiếng Gọi Thanh Niên. Trước đây, khi vừa ở Lục Tỉnh trở về Saigon, tôi được Trần Văn Khê đưa tôi tới gặp Lưu Hữu Phước là một trong ba chủ nhân của một cửa hàng bán bản nhạc ở đường Bonard với bảng hiệu là Hoàng-Mai-Lưu (do ba cái tên Hoàng [Huỳnh] Văn Tiễng, Mai Văn Bộ và Lưu Hữu Phước). Có lần tôi và Khê được kéo tới ăn cơm cùng với ba anh bạn này trong một bữa cơm gia đình tại Gia Định. Bây giờ tôi mới biết họ là đảng viên Đảng Dân Chủ và đang hoạt động trong tổ chức Thanh Niên Tiền Phong. Ba người này có ba vóc dáng khác nhau. Huỳnh Văn Tiễng gầy nhom, Lưu Hữu Phước béo phị và chỉ có Mai Văn Bộ là không béo, không gầy.

Trong khi ở trong Nam, nhân việc Nhật Bản vừa bị thua trận và đầu hàng Quân Đội Đồng Minh, một mặt trận thống nhất các đoàn thể quốc gia với mục tiêu chống Pháp vừa được thành lập thì ở ngoài Bắc cũng đã có từ lâu một mặt trận khác lấy tên là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh (gọi tắt là Việt-Minh).

Vào đầu tháng 8, 1945, ngay sau khi Nhật Bản đầu hàng, tôi nghe tin từ Hà Nội đưa vào : Một mặt trận chính trị mang cái tên là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh đứng ra kêu gọi dân chúng làm cuộc tổng khởi nghĩa. Mặt Trận này không chỉ kêu gọi chống Pháp mà thôi, còn huy động toàn dân chống luôn cả Nhật Bản nữa. Chống Pháp thì dễ rồi, vì làm gì còn quyền lực của Pháp ở Việt Nam nữa. Nhưng chống Nhật thì hơi khó đấy. Trong cái thành phố Saigon diễm lệ này, tôi thấy sự có mặt của Quân Đội Nhật Bản hãy còn ghê gớm quá, tuy lúc này họ là đoàn quân bại trận trong Thế Chiến 2 rồi. Ngay chính tôi lúc đó vẫn còn đang đi hát tại một khiêu vũ trường và vẫn phải gân cổ hát những bài Nhật như Shina No Yoru, Sakura...

Nhưng tôi rất chú ý tới hoạt động của tổ chức được gọi là Việt Minh này vì đây là lần đầu tiên tôi được nghe những danh từ rất quyến rũ như tổng khởi nghĩa, đội võ trang tuyên truyền, chiến khu, cứu quốc... Cùng với mọi người, tôi còn nghe nhiều tin đồn... nào là Mặt Trận đã được dân chúng ở ngoài Bắc tham gia nhiệt liệt... nào là Mặt Trận còn được quốc tế ủng hộ nữa... Ngay cái tên gọi tắt là Việt Minh, đối với tôi cũng có vẻ hấp dẫn hơn những cái tên dài lòng thòng của các tổ chức chính trị khác.

Tới ngày 19 tháng 8 thì có tin Cách Mạng do Việt-Minh lãnh đạo đã thành công ở ngoài Bắc. Sau này người ta tường thuật cuộc diễn tiến của cuộc tổng khởi nghĩa như sau :

... Vào ngày 17 tháng 8, sau khi Nhật đầu hàng, tình hình chính trị đã đổi mới, tướng Mac Arthur được cử làm Tổng Tư Lệnh Đồng Minh ở Thái Bình Dương, tướng Leclerc được De Gaulle phong cho chức Tư Lệnh Quân Đội Pháp ở Đông Dương. Sau khi Nhật đầu hàng, Quân Đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ Toàn Quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 9, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà Hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của Tổng Đoàn Công Chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh. Hai ngày sau, tức là 19 tháng 8, Việt Minh đích thân đứng ra tổ một cuộc mít tinh khổng lồ cũng ở trước Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau đó đoàn người biểu tình kéo đến bao vây Bắc Bộ Phủ. Ông Khâm Sai Phan Kế Toại đầu hàng ngay. Coi như cướp được quyền hành chánh rồi, đoàn người kéo luôn qua trại Khố Xanh ở đường Đồng Khánh để cướp quyền quân sự. Một ngàn lính Bảo An ở trong trại không kháng cự. Cờ quẻ ly được hạ xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên.

Thế là cuộc tổng khởi nghĩa thành công tại Hà Nội. Một Ủy Ban Nhân Dân được thành lập ngay hôm đó. Đồng thời tại nhiều địa phương, các đoàn võ trang tuyên truyền được gọi là Dân Quân Giải Phóng cũng tới chiếm chính quyền trong tay các tỉnh trưởng hay quận trưởng của một chính phủ mà ông Thủ Tướng là Trần Trọng Kim đã từ chức.

Ngày 20 tháng 8 tại Hà Nội, Việt Minh chiếm Đài Phát Thanh Vô Tuyến Điện ở Bạch Mai, cho phát thanh những tin tức liên quan tới cuộc Cách Mạng. Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau -- tức là 22 tháng 8 -- tại Saigon, tổ chức Thanh Niên Tiền Phong trong đó tôi là một đoàn viên, tuyên bố gia nhập Mặt Trận Việt Minh ngay.

Ngày 23, qua luồng sóng 32 thước của Đài Phát Thanh Hà Nội, tôi nghe tin Chính Phủ Lâm Thời được thành lập với những cái tên lạ hoắc như Hồ Chí Minh và quen thuộc như Võ Nguyên Giáp, thầy học cũ của tôi.

Ngày 24, trong buổi lễ thoái vị tại Huế, vua Bảo Đại trao kiếm vàng và ấn ngọc cho đại diện của Chính Phủ Lâm Thời là Trần Huy Liệu và tuyên bố một câu bất hủ : "Thà làm dân một nước tự do còn hơn là vua một nước nô lệ".

Sau khi Thanh Niên Tiền Phong tuyên bố gia nhập Mặt Trận Việt Minh, không chần chừ, tôi hăng hái xung phong vào đội Võ Trang Tuyên Truyền. Trong thành phố có truyền đơn của Ủy ban Cứu Quốc hô hào dân chúng đoàn kết để chống Pháp và Nhật. Cùng với các thanh niên khác, tôi được giao cho việc phát truyền đơn này ở khu vực Dakao. Ngoài ra tôi cũng nhận được lệnh đi vận động các văn nghệ sĩ như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Võ Đức Thu -- bây giờ được phong cho cái tên là Văn Nghệ Sĩ Cứu Quốc -- hăng hái tham dự vào vụ được gọi là cướp chính quyền vào ngày 25 tháng 8 tại Saigon. Đây là một cuộc mít tinh rất lớn trong đó có đầy đủ mọi thành phần dân chúng trong xã hội. Cuộc biểu tình này không phải làm công việc cướp quyền hành chánh hay cướp quyền quân sự gì cả, vì mọi sự coi như đã an bài sau những biến cố xẩy ra tại Hà Nội và Huế trong mấy ngày qua. Cuộc mít tinh chỉ có mục đích ủng hộ một ủy ban hành chánh lâm thời được thành lập tại Saigon với cái tên gọi tắt là Lâm Ủy, do Trần Văn Giầu làm chủ tịch.


50 năm sau, tôi thới thăm anh Giầu tại Saigon

Sau đó, vào ngày mùng 2 tháng 9, cùng với một số anh em khác, chúng tôi lại làm một cuộc vận động lớn, kêu gọi mọi người trong thành phố Saigon-Chợ Lớn đi dự lễ Độc Lập. Chưa bao giờ tôi thấy người ta đổ xô ra đường một cách đông đảo như thế. Có tới hơn nửa triệu người, nghĩa là hầu hết dân số của thành phố này, bao gồm đầy đủ trẻ già lớn bé, không thiếu một thành phần xã hội nào cả, đứng chật ních trên đường nhựa, trên vỉa hè và trong công viên trong khu vực suốt từ cổng Dinh Norodom cho tới Sở Thú và lan ra những con đường chung quanh, dưới một rừng biểu ngữ có những khẩu hiệu được vẽ bằng chữ vàng trên nền vải đỏ. Đông đến độ có người ngất sỉu và phải chở đi bệnh viện cứu cấp. Cuộc biểu tình vĩ đại đang diễn ra trong vòng trật tự thì xẩy ra một cuộc bạo động mà nạn nhân là một số người Pháp -- hình như -- chót dại khiêu khích đám biểu tình vĩ đại này. Dù đầu hàng Đồng Minh rồi nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm về an ninh, Quân Đội Nhật Bản phải phái một toán Hiến Binh tới để vãn hồi trật tự.

Saigon có được gần một tháng sống trong cơn sốt vỡ da. Đây cũng là lúc mà dân chúng của thành phố cùng với cả nước làm một việc mà tôi gọi là mở cửa đi ra đường cũng như về sau ta thấy hiện tượng cả nước bỏ nhà lên đường đi kháng chiến vào cuối năm 1946. Tất cả mọi người kéo nhau ra phố, trao đổi với nhau những chuyện đồn đại về Cách Mạng. Dân chúng nghe được những tin tức từ Hà Nội đưa vào, toàn là những tin hứng khởi. Tin Hồ Chí Minh ra mắt dân chúng ở bãi Cột Cờ, tuyên bố Việt Nam độc lập, hô các lời thề chống Pháp : không làm việc, không đi lính, không tiếp tế cho Pháp. Thấy được ảnh ông Hồ mặc quần đùi đi giép Nhật đứng cạnh Võ Nguyên Giáp mặc bộ đồ Tây nát nhầu.



Nghe cả tin ở Hà Nội có tổ chức Tuần Lễ Vàng để có tiền mua súng đạn vân vân... Dân chúng càng nức lòng khi thấy chế độ hương chính được bãi bỏ, các œy Ban Nhân Dân ở mỗi xã được thành lập, chính quyền bây giờ thực sự ở trong tay nhân dân, ai cũng hăng hái gia nhập tổ chức gọi là Dân Quân Giải Phóng hay Cứu Quốc. Saigon biến thành một thành phố quân sự với rất nhiều các toán người vác súng gỗ, chân đi không đều, miệng hô không ngưng nghỉ :

Một hai, Một hai
Nào anh em ta
Cùng nhau xông pha... lên đường
Kiếm nguồn tươi sáng
Một hai, Một hai...

Vui thiệt là vui!

Cuộc đời của tôi đang vui tươi trong không khí đang náo nức của những ngày đầu Cách Mạng như vậy thì vào ngày 12 tháng 9, tôi thấy có những chiếc máy bay lớn của Anh Cát Lợi bay tới vùng Tân Sơn Nhất và thả ra những toán quân nhẩy dù. Dân chúng ở trong nhà đổ xô ra ngoài phố để coi một biến cố mà người ta chỉ thấy ở trong phim chiếu bóng. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy tận mắt một cuộc nhẩy dù. Rồi tôi thấy những chuyến xe nhà binh chở lính nhẩy dù đó chạy qua mặt tôi. Những người lính của nước Anh Cát Lợi tới Saigon để giải giới Quân Đội Nhật Bản phần nhiều là lính Ấn Độ thuộc Anh. Lẫn lộn trong đám quân nhẩy dù này, có nhiều toán lính Pháp. Những lính Pháp này đem một lá cờ tam tài tới cắm lên nóc của Phủ Toàn Quyền cũ (tức là Dinh Norodom). Mặc dù lá cờ Pháp chỉ thấp thoáng tung bay tại đó trong có vài giờ đồng hồ mà thôi nhưng nó làm cho dân chúng Saigon náo động cả lên. Một cuộc bạo động nữa lại xẩy ra với sự lùng bắt, đánh đập và giết chóc những người mà dân chúng gọi là Việt Gian, đa số là những người Pháp lai.

Vì thấy người Anh giúp cho lính Pháp trở lại Saigon, ngày 17 tháng 9, Ủy Ban Nam Bộ ra lệnh tổng đình công để gây rắc rối cho Quân Đội Anh. Rồi tới những vụ giàn xếp không đi tới đâu giữa Việt Minh và tướng Anh Gracey, kết cục là vào ngày 22 tháng 9, tướng Gracey ra lệnh giới nghiêm. Trong đêm 23, lính Pháp theo chân lính Anh vào Việt Nam cùng với lính Pháp vừa được Nhật thả ra, tới chiếm đóng một vài công sở và bây giờ thì lá cờ tam tài đã được chính thức cắm lên trên nóc những công sở đó như để khiêu khích toàn thể dân chúng Saigon Chợ Lớn.

Sau khi thấy rõ việc viên tướng người Anh Cát Lợi là Gracey giúp cho Pháp trở lại Việt Nam, Ủy ban Nam Bộ ra lệnh tổng đình công. Tướng Gracey phản ứng bằng cách ra lệnh giới nghiêm rồi giúp cho lính Pháp tới chiếm một vài công sở tại Saigon. Vào ngày 24 tháng 9, Ủy Ban Nam Bộ cũng phản ứng lại một cách quyết liệt : điện nước trong thành phố bị cúp, phi cảng Tân Sơn Nhất bị tấn công, chợ Bến Thành bị đốt và thê thảm nhất là đã xẩy ra một vụ tấn công vào Cité Hérault ở Tân Định là nơi cư trú của Pháp Kiều với khoảng 200 người bị giết chết, 100 người bị bắt mang đi. Lúc đó tôi cư ngụ trong khu Tân Định nên tôi chứng kiến vụ thảm sát này từ đầu tới cuối. Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy tận mắt con người giết con người. Tôi thấy những người xưa nay hiền lành như những người láng giềng của tôi kia, sao hôm nay họ lại có thể phanh thây uống máu quân thù một cách dễ dàng như vậy ? Tôi thấy được một chân lý : chỉ cần thù hận được nuôi dưỡng cho thật nhiều là con người có đủ can đảm để giết con người không một chút thương sót. Và mối thù của người dân thuộc địa đối với thực dân Pháp thì vào nằm sâu ở trong đáy lòng của người Việt Nam trong tám mươi năm rồi. Sau đó, tôi còn được thấy những người như Bửu Dương phụ trách Mật Vụ ở Tân Bình khoe là đã mổ bụng và cho mò tôm những người mà họ nghi là Việt Gian.

Thời kỳ khủng bố ở nước ta khởi sự từ những ngày này...


Phạm Duy