PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Tuấn Khanh Phỏng Vấn Phạm Duy năm 1996

Tuấn Khanh
1996


"Tôi là người đi theo Mặt Trận Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản" - Phạm Duy.

CÂU 1. Thưa nhạc sĩ, nếu có thể tóm tắt đời mình trong một câu nói, thì ông sẽ nhận định như thế nào về cuộc đời hoạt động và sáng tác đầy những thăng trầm biến động của ông ?

ÐÁP : Tôi là một người hát rong, sung sướng được làm người hát rong của thế kỷ.

CÂU 2. Trong những năm tháng còn ở quê nhà, người ta tìm thấy một Phạm Duy xuất hiện ở khắp nơi; từ chuyện tranh đấu cho đến những du ca buồn cho đất mẹ đang oằn mình bởi chiến tranh và bom đạn, những khúc tình ca thoáng ẩn hiện cho nỗi buồn chia cắt đất nước, những bài tục ca thời thượng với đám trẻ hippi... đâu đâu cũng có dấu chân ông. Xin được hỏi, ông đã tìm thấy nơi mình bản chất là một nhạc sĩ đơn thuần đau lòng trước vận nước hay là một người hoạt động xã hội, một người muốn làm chính trị và sử dụng tài năng âm nhạc vào mục đích đó ?

ÐÁP : Người hát rong đã suốt đời không nhận làm một chú hề cho vua chúa (bouffon du roi), đã chọn người dân là đối tượng, rồi trong một thời loạn lạc chia ly đã tự nguyện làm người ''khóc cười theo mệnh nước nổi trôi'' thì làm sao mà im tiếng hát trước những buồn vui của dân tộc được ? Trong một nước có quá nhiều biến cố chính trị như nước ta, tôi cũng công nhận rằng nhiều phen tôi bị chính trị bủa vây, nhưng tôi đã cố gắng tránh nó... Không biết tôi có tránh nổi nó chưa ? Hay cứ bị người ta đeo vào mình hết nhãn hiệu này tới nhãn hiệu khác ?

CÂU 3. Thưa nhạc sĩ, người ta nhìn thấy ông lên tiếng oán trách bạo quyền, đau xót cho khổ nạn của dân tộc này nhưng ông lại không đứng về một phe nào. Vậy giờ đây ông có thể nói rõ hơn - Phạm Duy là ai ? và điểm tựa cho những phát ngôn đó (bằng lời hay bằng ca khúc) của ông là ở đâu ?

ÐÁP : Ủa? Thế mà tôi cứ tưởng lập trường của tôi đã quá rõ: Tất cả tác phẩm của tôi, kể từ những bài TÌNH CA QUÊ HƯƠNG (1952) -- và nhất là những bài TÌNH TỰ DÂN TỘC -- qua những TRƯỜNG CA (1954, 1960), TÂM CA (1965) -- và kể cả TỤC CA nữa (1968) -- tới HOAN CA (1970), TỔ KHÚC (1990), suốt trong gần nửa thế kỷ, ở trong hay ngoài nước, tôi luôn luôn đứng vào một phe tuyệt đại đa số, đó là PHE DÂN TỘC. Tôi chưa hề đứng trong một đảng phái nào, một tổ chức chính trị nào hay một bộ máy Nhà Nước nào cả. Nhưng không may cho tôi, nước Việt Nam là nơi có sự tranh chấp quá lớn và quá dài, đảng nào, nhóm nào cầm chính quyền rồi thì cũng đòi hỏi văn nghệ sĩ phải ngoan ngoãn chạy theo... Và nếu không theo thì là chống đối, thôi thì tôi đành chấp nhận cái logic đó vậy !

CÂU 4. Ông có tin rằng mình đã gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Việt Nam và thực sự đã góp phần ít nhiều tác động vào nó (bằng cá tính của mình, bằng lời ca tiếng đàn của mình) ?

ÐÁP : Tôi cũng muốn tin như vậy nhưng trong thực tế, lời ca tiếng hát nhỏ nhoi của lũ nghệ sĩ chúng tôi không có tác động gì tới thời cuộc, ngoài việc có thể làm rung động trái tim hay lương tâm con người.

CÂU 5. Ðược biết năm 1986 là giai đoạn khủng hoảng rất lớn của ông, xin ông cho biết thêm về sự khủng hoảng đó. Một trong những lý do chính có phải là nỗi buồn xa xứ không ?

ÐÁP : Ðó là lúc, cũng như hầu hết những người xa xứ, tôi quá mệt mỏi vì trong suốt trong 15 năm, tôi chưa ra khỏi cơn chấn động và tự dìm mình vào loại nhạc than vãn với bài TÌNH THU là một ví dụ. Nhưng ít lâu sau đó, tôi bỗng nhìn thấy trong thế giới có nhiều sự đổi thay khiến cho nước tôi rồi cũng sẽ phải được giải quyết theo một chiều hướng tốt... Thế là tôi vươn ra khỏi những tình cảm chật hẹp để soạn 10 bài hát cho những năm 2000, đó là 10 BÀI RONG CA.

CÂU 6. Ðã có bao giờ ông tiếc nuối vì đã xa quê hương không ? Nỗi buồn xa xứ hiện diện bên trong ông đã tác động như thế nào đến ca khúc và sự sáng tác của ông ? Những suy nghĩ của ông về quê nhà nói chung như thế nào ?

ÐÁP : Ai xa quê hương mà chẳng tiếc nuối? Càng xa quê hương lại càng yêu quê hương hơn -- nghe lại điệp khúc bài TÌNH HOÀI HUƠNG đi ! Nhưng nghệ sĩ là hạng người thường thích bay nhẩy, tôi lại có máu giang hồ từ nhỏ, và ra với thế giới thì lại học hỏi được nhiều, tôi chưa bao giờ hối hận là đã ra đi. Nhưng cuộc ra đi nào cũng phải có ngày về. Về lúc nào và ra sao là tùy mỗi người. Tôi hi vọng sẽ gặp lại quê hương và hát cho đồng bào nghe, trước khi chết.

CÂU 7. Ông đã có thời kỳ là một người cộng sản. Bây giờ đây khi nhớ lại, ông có cảm giác như thế nào ? xin ông nói cho biết thêm về những tháng ngày đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản, chẳng hạn một kỷ niệm nào làm ông phải suy tư về nó nhiều nhất.

ÐÁP : Tôi là người đi theo Mặt Trận Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi chưa bao giờ là người Cộng Sản.

CÂU 8. Ðã có bao giờ bao giờ ông cảm thấy hối hận vì một điều gì đó chưa, kể cả trong tình yêu và trong chính kiến, nếu có xin ông cho biết qua về tâm cảm đó.

ÐÁP : Sống rất phóng túng và nhất là sống trong một thời đại rất náo động thì -- hoặc ít hay nhiều -- tôi có thể đã làm nên những điều lầm lỗi. Tôi rất muốn được xin lỗi nhiều người.

CÂU 9. Cái ước muốn lớn nhất của ông ở tuổi 76 là gì, thưa nhạc sĩ ?

ÐÁP : Là cứ được sống như thế này, mãi mãi. Xin sức khỏe đừng quá mau xút giảm. Mong cứ được đi hát đều đều, nay Paris, mai Sydney, mốt Tokyo... biết đâu chẳng có ngày Hà Nội hay Hải Phòng ? Ứơc ao vẫn được sống với nguồn cảm hứng dồi dào để soạn nốt ba bức MINH HOẠ còn lại của TRUYỆN KIỀU. Và nhất là vẫn còn đủ thì giờ nhàn rỗi để chơi với cháu ngoại...

CÂU 10. Ông đã từng một lần mơ trở về quê hương và hát cho đồng bào nghe ? Có người cho rằng cuộc sống êm đềm và đầy đủ ở hải ngoại của ông khiến ông không còn màng chuyện cố hương...

ÐÁP : Người đó là ai? Cho tôi đối chất. Bộ ông này tưởng về quê hương đi hát dễ quá à ? Giới thiệu cho tôi một ông bầu đi !

CÂU 11. Vào cuối thập niên 80, giới nhạc sĩ ở Việt Nam đã có lần từng xôn xao vì nghe được câu phát biểu của ông trên đài BBC về trường ca Bầy Chim Xa Xứ của mình ''những người đã ra đi là sơn ca, họa mi... còn những người ở lại là cú, quạ...'', xin ông nói rõ hơn ý nghĩa của câu phát biểu này ?

ÐÁP : Tôi không phát biểu câu đó. Có thể là người phụ trách chương trình của Ðài đã chỉ cho nghe đọan đầu của tổ khúc chăng? Nếu nghe toàn thể tổ khúc thì sẽ thấy bài hát gồm hai phần, phần đầu là một cơn ác mộng khiến cho bầy chim phải bỏ xứ ra đi, phần sau là một giấc mơ hồng để bầy chim hồi xứ, cùng với tất cả loài chim, chim hiền cũng như chim dữ, cùng nhau làm lại mùa Xuân của dân tộc. Trong bài hát, tôi cũng khẳng định có chim hiền để ca hát thì cũng cần có chim dữ để giữ biên cương chứ !

CÂU 12. Thưa nhạc sĩ, hãy thử tưởng tượng nếu 20 năm nay ông ở lại trong nước hoạt động và sáng tác, liệu ông có làm được nhiều hơn (hay ít hơn) những gì ông đã làm được ở hải ngoại ?

ÐÁP : Trong giới soạn nhạc, ai cũng mơ ước đưa nhạc mình từ nhạc đơn điệu (monodique) lên nhạc đa điệu (polyphonique) thì, từ nhiều năm qua, tôi và Duy Cường có cơ hội ở một nước kỹ thuật cao như Hoa Kỳ để có thể đi vào lãnh vực điện toán rồi áp dụng nó vào âm nhạc. Tôi nghĩ rằng về hình thức, nhạc của tôi tiến hơn thời 75. Tôi vẫn thường nói 20 năm qua là 20 năm đi du học của tôi.

CÂU 13. Trong album Mẹ Năm 2000, người nghe cảm nhận được một điều gì đó thật buồn bã báo trước một cuộc chia tay lớn, thưa ông, điều gì đã làm cho cho ông đi đến những chiêm nghiệm về cái chết và sự sống như vậy? Nó có phải là sự tổng kết một kinh nghiệm cuộc đời đứng trông những muộn phiền, buồn vui của cõi nhân gian ?

ÐÁP : Anh muốn nói tới album 10 BÀI RONG CA mang tên NGƯỜI TÌNH GIÀ TRÊN ÐẦU NON ? Xin được thưa với những người yêu nhạc rằng: Có ba con người trong tôi, (1) con người tình cảm soạn ra những bản tình ca cho đôi lứa, (2) con người xã hội soạn nhạc khóc cười theo mệnh nước nổi trôi. (3) Con người thứ ba là con người tâm linh với những tác phẩm ra đời từ xưa như LỮ HÀNH, XUÂN HÀNH, ÐẠO CA, THIỀN CA v.v... thì 10 BÀI RONG CA là những bài hát về một chuyến đi tâm tưởng. Chuyến đi của đời người trên giòng nhạc tư duy. Hành lý là con tim mở ngõ, chốn đến là tự thức an nhiên. Là một quay lưng không bận bịu. Là một trở về rất vô tư. Là những bài hát ''nghiêng tai nghe lại cuộc đời''...
10 BÀI RONG CA nói nhiều tới sự chết cho nên có thể làm cho người nghe thấy buồn nhiều hơn vui chăng ? Cho tới nay, có khá nhiều bài viết về nó. Sẽ có dịp tôi mời mọi người đọc những bài này, trước khi đích thân tôi biểu diễn RONG CA cho qúy vị nghe.

CÂU 14. Nửa thế kỷ Việt Nam biết đến một Phạm Duy với đủ các hình thức và thể loại, tư duy. Nó bao gồm trong đó là tâm ca, thiền ca, đạo ca, tình ca... và cả tục ca. Thưa ông, ông chọn thể loại nào là phần đắc ý nhất của mình -- và ông có thể cho biết suy nghĩ và nguyên nhân nào đã đưa ông đến sự đa dạng đó ?

ÐÁP : Trong ba loại nhạc mà tôi đã nói qua trong câu trả lời trước, lúc này tôi thích soạn nhạc tâm linh hơn, vì nó mới thực sự là tôi bây giờ. Ðã là kẻ lão niên rồi (phương ngôn Pháp nói : il faut savoir vieillir) thì làm gì còn có những bồng bột của tuổi thanh niên để soạn nhạc tình cảm hay có những đam mê của tuổi trung niên để soạn nhạc xã hội nữa...

CÂU 15. Ðể nói một lời tạ lỗi và một lời cảm ơn đến một ai đó trong đời mình, ông sẽ chọn ai ? Vì sao ?

ÐÁP : Xin tạ lỗi cùng quê hương vì phải bỏ đất nước ra đi sinh sống tại Thị Trấn Giữa Ðàng (Midway City). Xin cảm ơn những ai còn hát nhạc phạm duy. Xin mang ơn tất cả những người tình tóc xanh, tóc vàng, tóc đỏ... và tóc trắng.

CÂU 16. Trong các ca khúc của mình, thưa nhạc sĩ, ông đã nói rất rõ những gì mà đời mình suy tư, nhưng một lần nữa xin ông hãy cho biết ông đã tổng kết được gì qua non một thế kỷ của một dân tộc chịu khổ nạn chiến tranh của Pháp, Mỹ rồi đến cuộc huynh đệ tương tàn và giờ đây là cái ách của chiến tranh ý thức hệ ?

ÐÁP : Trong những cuốn HỒI KÝ, tôi đã tâm sự rằng : vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân thì nước ta lâm ngay vào cảnh chia đôi hai miền rồi trở thành nơi đấu tranh của hai thế lực quốc tế. Ðến khi thế giới đã giải quyết xong vấn đề của thế kỷ và chỉ còn lại một đế quốc mà thôi... thì nên có sự giải hoà giữa người Việt để chúng ta xây dựng đất nước.

CÂU 17. Ông có nuối tiếc vì còn chưa làm xong một điều gì đó cho thế hệ sau của người Việt ?

ÐÁP : Tôi sẽ không có gì để nuối tiếc cho tôi, vì tôi đã làm xong công việc ca hát của tôi rồi. Tôi khởi sự cuộc đời hát rong bằng dân ca kháng chiến và sẽ kết thúc sự nghiệp bằng Kiều. Tôi chỉ thật sự nuối tiếc cho nước ta nếu việc đoàn kết dân tộc chưa xong.

CÂU 18. Một vấn đề khác thuộc về lịch sử âm nhạc Việt Nam, xin nhạc sĩ cho biết về sự xuất hiện đầu tiên tân nhạc Việt Nam thuộc về ai ? Trên hình thức nào (hát cho công chúng hay sáng tác bản nhạc tân nhạc đầu tiên) ? Xin cho biết thêm về thời gian và các sự kiện chung quanh.

ÐÁP : Xin mời coi Internet-Mạng Lưới Hoàn Cầu (W.W.W), http:// Kicon.com/PhamDuy, sẽ thấy bài viết về Lược Sử Tân Nhạc trong đó tôi nói tới Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Văn Cổn là hai người gây ra phong trào Âm Nhạc Cải Cách vào năm 1938, mở đầu cho Tân Nhạc Việt Nam. Ðưa Lược Sử Tân Nhạc lên Internet có lợi hơn là in trong sách, vì với nhu liệu real-audio, ta có thể nghe được bản nhạc...

CÂU 19. Xin ông cho biết thêm về quan điểm của mình đối với các nhạc sĩ thế hệ cùng lứa của mình như Văn Cao, Lê Thương, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương.

ÐÁP : Tôi có kỷ niệm riêng với từng người và lúc nào cũng thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc khi nhớ tới các bạn vong niên đó. Tôi chỉ có cách hay nhất để gặp lại họ, là vinh danh công trình đóng góp của họ vào Nhạc Sử Việt Nam trong loạt bài trên INTERNET. Tôi ước mong anh em đọc được những bài viết của tôi...

CÂU 20. Trong suốt thời gian ở hải ngoại, ông đã không ngừng theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước. Xin nhạc sĩ cho biết ông tìm thấy được một hứa hẹn nào cho âm nhạc Việt Nam trong lớp nhạc sĩ và sáng tác trong nước từ sau năm 1975 đến nay. Với cả hai câu trả lời có và không, xin nhạc sĩ nói rõ quan điểm của mình.

ÐÁP : Tuy theo dõi và nghiên cứu nền âm nhạc trong nước để soạn những chương trình âm nhạc cho vài Ðài Phát Thanh, nhưng tôi thấy việc làm của tôi còn thiếu sót vì lẽ dản dị là tôi không sống thường xuyên ở trong nước. Xin trả lời một cách rất phiến diện và rất vắn tắt là : Nhạc sau 75 thiếu những hứng khởi của nhạc thời 40-50 hay những suy tư của nhạc thời 60-70. Tôi xin lỗi nếu nhận định này chưa đúng với thực tại.

CÂU 21. Năm 1996, ông nhận được một tưởng thưởng lớn cho cuộc đời sáng tác và hoạt động văn nghệ của mình, đó là việc được đưa toàn bộ tác phẩm và cuộc đời lên mạng Internet quốc tế. Ðây là một trong những vinh quang mà chưa có nhạc sĩ nào trong lịch sử âm nhạc Việt Nam nhận được. Theo ông, điều gì đã khiến cho ông nhận được sự trân trọng như vậy ?

ÐÁP : Có gì là vinh quang đâu ? Với tôi, hoạ chăng chỉ là nhọc nhằn mà thôi ! Sở dĩ tôi phải đưa tác phẩm của mình vào multimedia và lên Internet là vì : giữa tôi và quần chúng Việt Nam có một bức tường thời gian và không gian khá kiên cố, xây nên bởi sự nghìn trùng xa cách quê hương và lòng hẹp hòi của một số ngưòi nào đó. Vào lúc cuối của cuộc đời, khi thấy không có một nhạc viện nào làm công việc bảo tồn (conservatoire là conserver mà) -- dù chỉ là một ca khúc nho nhỏ như bài NHẠC TUỔI XANH chẳng hạn -- thì tôi đành phải ''tự lưu trữ'' và ''tự phổ biến'' tác phẩm của mình vậy. Nhờ tôi tự học về điện tử từ nhiều năm trước nên tôi đã nhẩy được vào địa hạt multimedia (phát hành đĩa CD ROM đầu tiên của Việt Nam) và hôm nay thì tôi leo lên được Mạng Lưới Toàn Cầu để vượt qua những bức tường ngăn cản đó đi. Tôi làm được việc này là vì chịu khó học hỏi...

CÂU 22. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, xin ông cho biết qua về hai khuynh hướng sáng tác âm nhạc đơn điệu (monodique) và âm nhạc đa điệu (polyphonique) trong quãng đời sáng tác của mình, hai khuynh hướng này đã đem đến những nét đặc biệt nào trong âm nhạc của Phạm Duy nói chung ?

ÐÁP : Tôi có cho in ra một tài liệu khá dài về điểm này. Xin đọc phần phụ bản đính kèm, sau phần trả lời phỏng vấn.

CÂU 23. Thưa nhạc sĩ, giả dụ ông đã không ra đi, ở lại trong nước và tiếp tục cuộc đời nghệ thuật của mình sau 75 thì theo ông thì liệu các sáng tác của ông có ra đời nhiều hơn hiện nay không? Tư tưởng sáng tác của ông có gì khác biệt? Hay chỉ có môi trường sống hiện nay mới là lý tưởng cho ông hoạt động nghệ thuật?

ÐÁP : Ở đâu và lúc nào cũng thế, không có sự thay đổi trong lý tưởng của đời tôi là: chỉ muốn đóng vai trò một ca nhân tầm thường hay vĩ đại của Việt Nam trong nhiều thuở.

CÂU 24. Sáng tác đầu tay của ông ra đời vào năm nào, tên gì, có chịu ảnh hưởng của ai ? Xin ông cho biết thêm về hoàn cảnh chung quanh việc ra đời tác phẩm đó. So với những ca khúc sau này, thưa nhạc sĩ, sự khác biệt của chúng là gì ?

ÐÁP : * Tôi mở đầu sự nghiệp soạn nhạc bằng cách phổ bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính vào năm 1942. Lúc đó tôi mới 20 tuổi và đang ở với mẹ tại Hưng Yên, một tỉnh nhỏ êm đềm ở Bắc Việt. Muốn biết thêm về nó, xin đọc cuốn HỒI KÝ I của tôi mang tựa đề THỜI THƠ ẤU - VÀO ÐỜI. So với những ca khúc sau này, đó là một bài hát ngây thơ nhất, trong sáng nhất, dễ thương nhất...

CÂU 25. Xin nhạc sĩ cho biết nguồn cảm hứng nào đã đưa ông đến những số lượng sáng tác phẩm đồ sộ như vậy, vì sao ? Trong một số ca khúc của ông có phong cách rất lạ, gần như là hát nói (chẳng hạn như bài Kỷ Niệm), xin ông cho biết thêm về hình thức này. Ðây có phải là một khuynh hướng sáng tạo có chủ định của ông hay chỉ là vô tình mà hình thành những tác phẩm như vậy, lâu nay chưa nghe ông bình luận về hình thức này trong các tác phẩm của ông ?

ÐÁP : Tôi có may mắn làm một ca nhân của một trong những quốc gia sôi động nhất thế kỷ và nhất hoàn cầu. Từ khi biết nói, biết hát và biết soạn bài hát... không một lúc nào tôi im tiếng hát ! May mắn hơn nữa, không ai ngăn tôi ca hát cả. À quên, cũng có người muốn ngăn, nhưng không ngăn được đâu. Vấn đề còn lại là tiếng hát tự do và đa dạng đó, trải qua nhiều giai đoạn, có phản ảnh tiếng lòng của người dân hay không, có trung thực hay không ? Tôi soạn bài KỶ NIỆM vào khoảng 1970, vào lúc -- cũng như nhiều người khác-- tôi thấy cuộc sống Việt Nam quá ê chề và muốn quay về với tuổi thơ. Cho nên nó cũng trong sáng, cũng êm đềm gần bằng nhạc phẩm đầu tay của tôi là CÔ HÁI MƠ. Và vì nó quá giản dị nên anh đã nghe nó như một bài hát nói.

CÂU 26. Một số sáng tác phẩm của ông sau năm 1975 ở hải ngoại, theo nhận xét của một số người, là mang tư tưởng chống Cộng. Xin ông nói rõ hơn việc ra đời những bài hát như vậy là thực sự nhằm vào mục đích chống Cộng hay chống những sai lầm từ một số người, hay chỉ là sự phản ứng có tính giai đoạn trước một vấn đề của dân tộc nhìn từ phiá suy nghĩ cá nhân ông ?

ÐÁP : Như tất cả những người phải bỏ nước ra đi vào tháng 4/1975, tôi sống trong tâm trạng của một người đã mất cả cuộc đời -- trong đó có sự mất ba căn nhà và bốn người con trai -- và dù rằng chưa bị nếm mùi học tập cải tạo trước khi ra đi, tôi cũng đã đau khổ vô cùng và sự đau khổ đó phải được diễn tả qua những tác phẩm của tôi vào thời đó. Xét trên bình diện chính trị thì đó là những bài ca chống Cộng, xét theo văn nghệ thì đó là những bài hát ''khóc than theo mệnh nước và cho mệnh người''.

CÂU 27. Nếu có một phép lạ nào đó cho ông trở lại từ đầu với những tháng ngày kháng chiến chống Pháp, ông sẽ hành động sau đó như những gì mình đã từng làm hay sẽ làm khác đi ? Ông có bao giờ hối hận về những điều mình đã làm - ca khúc Bên Cầu Biên Giới chẳng hạn, có phải là chất chứa sự ray rứt giữa các chọn lựa với một chút hối hận, luyến tiếc ?

ÐÁP : Nếu có một bà phù thủy đẹp đẽ hay xấu xí nào bắt tôi phải đóng lại cuốn phim ấy thì tôi cũng sẽ hành động như thời xưa mà thôi, nghĩa là vẫn đem thể xác đi theo cuộc chiến với những anh hùng ca nơi chiến khu Việt Bắc và vẫn giữ được hồn mình với bản tình ca bên cầu biên giới. Có gì ghê gớm đâu mà phải hối hận hay luyến tiếc ?

CÂU 28. Chỉ là một nghệ sĩ - vâng, chỉ có vậy thôi - thậm chí chỉ là một kẻ hát rong, nhưng ông có cảm thấy mình quá nặng nợ với dân tộc và đất nước Việt Nam, vượt quá vai trò của một nghệ sĩ bình thường không ? Ðiều gì đã làm đưa đẩy ông đến tư thế này từ mấy thập niên qua ?

ÐÁP : Thành thực mà nói, tôi không có thì giờ để đặt tâm trí vào việc xét xem tôi nợ ai và ai nợ tôi trên cõi đời này -- ngoại trừ việc tôi còn nợ bao nhiêu tiền nhà băng để mua căn nhà đang ở -- và lại càng không hề nuôi cao vọng vượt qua vai trò một nghệ sĩ bình thường -- tôi đã chẳng luôn luôn chỉ nhận mình là kẻ hát rong đó sao ? Ðiều đưa đẩy tôi đến tư thế mà anh nhìn thấy có lẽ cũng rất giản dị : tôi là người mang bệnh workcoholic, bệnh mê làm việc -- ''tham công tiếc việc'', nói theo người Việt Nam mình !

CÂU 29. Hiện nay, được biết nhạc sĩ đang theo đuổi một công trình âm nhạc lớn là phổ nhạc toàn bộ truyện Kiều của Nguyễn Du. Ðiều gì đã đưa ông đến ý tưởng sáng tạo táo bạo như vậy ? Ðây sẽ là trường ca cuối cùng trong đời ông để lại cho thế hệ sau ? Vì sao ông lại chọn truyện Kiều mà không tiếp tục các ca khúc suy tư với hiện thực quen thuộc của mình mà lại chọn một đại thi tập của người xưa ?

ÐÁP : Tôi vào đời ca nhân bằng dân ca kháng chiến. Tôi muốn kết thúc nó bằng cách phổ nhạc những đoạn KIỀU. Ðiều này minh định với anh và với những người yêu nhạc : tôi là ai ? Tôi là người của dân tộc Việt Nam (dù đã sống hơn 20 năm ở đất ngoài). Tôi không dám cả gan phổ nhạc toàn bộ trên 3000 câu thơ của cụ Nguyễn Du đâu, tôi chỉ có ý định soạn bốn bản minh hoạ (illustration) KIỀU với một PROLOGUE và một EPILOGUE. Nhờ sự đóng góp qúy báu của người con thứ Duy Cường trong phần hoà âm, phối khí... việc minh họa của tôi chỉ cốt ý thăng hoa những vần thơ Kim Vân Kiều. Ví dụ trong khi thi sĩ chỉ có 6 chữ để diễn tả cảnh ''cỏ non xanh ngát chân trời'' thì nhạc của chúng tôi phải cho người nghe thấy được cánh đồng bát ngát cỏ xanh đó... Ngoài ra, trong nhiệm vụ hoá giải những oan khiên Việt Nam, sau những tác phẩm nhỏ nhoi của tôi như CON ÐUỜNG CÁI QUAN, MẸ VIỆT NAM, BẦY CHIM HỒI XỨ... tôi muốn lấy thêm tác phẩm vĩ đại của cụ Tiên Ðiền ra để làm nơi gặp gỡ cho những người Việt Nam đang muốn tìm lại nhau, thương yêu lại nhau, sau 50 năm khinh thị thù ghét lẫn nhau... Lấy truyện Kiều làm nơi tự tình là một điều tuyệt diệu !

CÂU 30. Nếu được chọn một ca khúc duy nhất của mình, đại diện cho con người và cuộc đời sáng tác của mình để khắc vào bia đá cho thế hệ sau, thưa nhạc sĩ, ông sẽ chọn ca khúc nào ? Vì sao ? (nếu được xin cho một vài phân tích chi tiết).

ÐÁP : Anh bạn trẻ tuổi của tôi ơi, âm nhạc chỉ cần được nghe thấy rồi quên đi mà không cần phải khắc đá đâu !

CÂU 31. Trong album Người Tình Già Trên Ðầu Non, bài hát Ngụ Ngôn Mùa Ðông của ông có phải là một bản tóm tắt lịch sử chiến tranh tương tàn của người Việt ? Xin ông nói thêm về những suy nghĩ của ông khi cho ra đời ca khúc này ?

ÐÁP : Bài NGỤ NGÔN MÙA XUÂN -- mà trong bià băng cassette in sai là MÙA ÐÔNG -- không chỉ là một bài hát cho số phận một nước Á Ðông nhỏ lúc đang còn là lá bài của các đế quốc Nga, Tầu và Mỹ trong cuộc chiến tranh lạnh... mà còn có thể hát lên ngay bây giờ ở Bosnia, nếu có lời ca bằng tiếng Nam-Tư. Vấn đề cần nói là : đã tới lúc tai qua nạn khỏi rồi mà tại sao có người vẫn cứ giả câm, giả điếc, giả mù ???

CÂU 32. Giả sử nhặt ra hình tượng người phụ nữ từ một ca khúc bất kỳ nào đó của các tác giả Việt Nam (trong mọi thời kỳ), rất dễ nhận thấy sự khác biệt với hình tượng người phụ nữ trong các ca khúc của ông : người phụ nữ tự do hơn, thơ thới hơn và đôi khi quyến rũ đầy nhục cảm nhưng lại rất thăng hoa. Ðây có phải là tư tưởng sáng tác có chủ đích từ đầu của ông ? Xin ông nói thêm về hình tượng người phụ nữ trong các tác phẩm của mình.

ÐÁP : Xưa rày, tôi vẫn cho rằng người đàn bà đẻ ra cuộc đời, đẻ ra vĩ nhân... cho nên trước khi xưng tụng vĩ nhân hay cuộc sống, chúng ta hãy xưng tụng MẸ. Trong Tân Nhạc Việt Nam, có lẽ tôi là người đầu tiên và bền bỉ đưa ra những huyền thoại về Mẹ : BÀ MẸ QUÊ, BÀ MẸ GIO LINH, BÀ MẸ PHÙ SA, MỘT MẸ TRĂM CON, MẸ VIỆT NAM, RU MẸ, LỜI RU BÚ MỚM NÂNG NIU, MẸ MARIA, MẸ QUÁN THẾ ÂM, MẸ NĂM 2000 vân vân... Trong cuộc đời có nhiều cuộc tình lang chạ, đối với những người tình, nhiều khi tôi chỉ muốn xưng con với các bà, các cô ấy thôi !

CÂU 33. Ông cho rằng con người của Phạm Duy thuộc về ba giai đoạn là tình ca, xã hội và tâm linh. Giờ đây các ca khúc của ông nghiêng về khuynh hướng tâm linh, thế nhưng thưa nhạc sĩ, trong từng ca khúc tâm linh của ông vẫn phảng phất đâu đó tình ca và xã hội. Dường như ông chưa thể dứt bỏ hoàn toàn được ? Xin ông cho biết thêm.

ÐÁP : Chia ra ba loại ca là để phân định ranh giới chứ làm sao mà một trong ba loại ca này lại chẳng vương vấn ít nhiều tính chất của hai loại kia ?

CÂU 34. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy - trong suốt quãng đời không bằng phẳng của mình - âm nhạc đã đem nghị lực đến cho ông hay chính ông đã đem nghị lực vào trong các tác phẩm của mình ?

ÐÁP : Cái này bổ xung cho cái kia, tôi chắc thế ! Trong sinh hoạt nghệ thuật ở trong nước thời trước, nhiều khi cảm thấy phong trào đi xuống thì tôi đẩy nó lên... Chẳng hạn vào lúc nhạc thương mại hoành hoành (1965) trong khi mọi người bị hận thù và chiến tranh làm cho tha hoá thì tôi phản ứng bằng những bài tâm ca, thế là có ngay phong trào du ca và nhạc phản chiến hưởng ứng hình thức tâm ca của tôi ! Trong những ngày đầu tiên đi tị nạn ở Hoa Kỳ, nếu có đôi ba lần tôi chán nản thì tiếng đàn tiếng hát giúp tôi hồi sinh...

CÂU 35. Nếu được, xin nhạc sĩ cho một vài nhận định và so sánh ngắn về sự phát triển (tương đồng và khác biệt) giữa nền âm nhạc của cộng đồng người Việt hải ngoại và người Việt trong nước từ sau 1975 đến nay ?

ÐÁP : Nhận định và so sánh hai dòng nhạc trong nước và hải ngoại, đối với tôi vào lúc này xét ra không cần thiết vì nó có thể tạo nên sự xích mích. Vả lại, tôi đã trả lời một câu hỏi tương tự như câu hỏi này rồi ! Lúc này, ta chỉ nên chắp tay nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng mau tới, để chúng ta cùng nhau hát cho hoà bình và tình yêu.

CÂU 36. Ông có lạc quan về nền âm nhạc của người Việt (nói chung) trong tương lai ?

ÐÁP : Xin nói lại : Ta chỉ nên chắp tay nguyện cầu cho một ngày mai tươi sáng mau tới, để chúng ta cùng nhau hát cho hoà bình và tình yêu.

CÂU 37. Thưa nhạc sĩ, có ý kiến cho rằng ông là một người có tài nhưng kiêu ngạo và cố chấp. Ông nghĩ sao về nhận định này ?

ÐÁP : Về tính kiêu ngạo, có thể nhận định đó đúng ! Vì tôi được khá nhiều bạn bè viết về mình từ thập niên 70 cho tới nay như Georges Etienne Gauthier, Tạ Tỵ, Xuân Vũ, Trần Văn Ân, Nguyên Sa, Ðoàn Xuân Kiên, Thụy Khuê, Võ Văn Ái v.v... thì lẽ dĩ nhiên hai cái lỗ mũi của tôi phải nở ra rất to. Tôi đã phải đi sửa mũi nhiều lần rồi ! Nhưng có thể nhận định này rất sai, vì tôi chưa hề nhận một mề đay hay một giải thưởng nào của ai cả, nhất là chưa nhận mình là nhạc sư, nhạc sĩ mà chỉ xin được làm một kẻ hát rong mà thôi... Thế là kiêu ngạo à ? Về tính cố chấp, chỉ có những người đang cố chấp với tôi mới gán cho tôi đức tính đó. Tôi mà cố chấp thì chẳng bao giờ buông lời cám ơn tác giả cuốn ''Phạm Duy Ðã Chết Như Thế Nào'' hay sẵn sàng quên đi những lời vu cáo nặng nhẹ đến từ những người cố chấp trong 50 năm qua.

CÂU 38. Nếu được trở về Việt Nam trong yên ổn, điều gì ông sẽ làm đầu tiên, thưa nhạc sĩ ?

ÐÁP : Tôi chưa biết sẽ làm gì, nhưng biết chắc chắn rằng tôi nên ''làm thinh'' là hơn cả !

CÂU 39. Ðược biết ông đã viết xong cuốn hồi ký IV nói về những năm tháng sống ở nước ngoài sau 1975, nhưng lại được biết rằng ông chừa lại phần kết thúc cho đến khi được quay về Việt Nam. Nếu không về được, tập hồi ký này sẽ được chôn kín mãi mãi. Thưa nhạc sĩ, ông có thể giải thích điều này ?

ÐÁP : Ba cuốn HỒI KÝ trước của tôi đều được kết thúc bằng một biến cố lớn như sự chấm dứt của chế độ thực dân Pháp (HỒI KÝ I), sự di cư vào Nam của gia đình tôi (HỒI KÝ II) và sự tôi phải bỏ nước ra đi (HỒI KÝ III)... Tôi cũng muốn HỒI KÝ IV được in ra vào một biến cố quan trọng khác trong đời tôi : đó là lúc tôi lên đường trở về quê hương đất nước. Tôi chưa về được nên sách chưa phát hành. Tôi tin rằng nó sẽ được phát hành nay mai.

CÂU 40. Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, Ông định nghĩa thế nào về một Phạm Duy đầy triết lý với những bài ca tâm linh, thanh thoát và một Phạm Duy rất đời thường qua các bài tục ca ?

ÐÁP : Là nghệ sĩ mà tự giam mình vào những đề tài hạn chế thì chán bỏ mẹ ! Nhưng đừng tưởng rằng chỉ vì muốn thay đổi đề tài mà tôi soạn tục ca sau khi soạn tâm ca. Tục ca rất đứng đắn (serious). Hơn nữa nó phản ảnh đúng cái thời đại mà ai cũng muốn văng tục.

CÂU 41. Ông có là một người cô đơn bởi chính tài năng và chính kiến của mình ?

ÐÁP : Tôi không bao giờ cô đơn, chứng cớ là anh đang tìm đến tôi bằng 41 câu hỏi này ! Chứng cớ khác nữa về sự không cô đơn là năm nay (1996), vào tuổi 76, tôi vẫn còn được mời đi hát ở nhiều nơi trên thế giới.


Tuấn Khanh thực hiện
1996

Nguồn: http://phamduy.com/document/vietve/tuankhanh.html
Bình luận