Tìm Nhau

Những khi cần có cảm xúc về ngũ cung Việt, tôi hay nghe "Tìm Nhau" của Phạm Duy. Ông viết bài này mười năm trước khi tôi có mặt trên đời, và đến giờ, hơn nửa đời người, tôi vẫn phục—vừa về kỹ thuật tác khúc vừa về phần lời.

Nhạc khúc tôi thường nghe, Tuấn Ngọc hát, Duy Cường hòa âm. Bản phối rất touching nếu bỏ qua một nét nhạc cello không đúng thực tế tính năng nhạc cụ, vượt ra ngoài note trầm nhất của trung hồ cầm.

Tuấn Ngọc trình bày Tìm Nhau


Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ

Một người Bắc viết nhạc, thì các âm hỏi ngã rất đẹp. Phạm Duy lại là người tài tình.

Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố nữ

Chỉ có 5 notes sol-la-si (b)-do-re, mà đẹp lồng lộng.

Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như thiên cổ tìm ngàn thu

Chính từ bài này, mà tôi học được cách tìm từ: dựa vào các từ của câu trước, tìm một mối liên hệ đồng âm hoặc hiệp vận, để khai triển thành tứ khác (tìm SÂU, tìm SAU). Anh Từ Công Phụng là một ví dụ khác: ĐÔI mắt em rất buồn / ĐÔI chúng ta rất buồn (Mắt Lệ Cho Người). Nếu muốn tìm thêm nhiều tham khảo nữa, ta có thể viện dẫn đến Lê Uyên Phương.

Đoạn major là một chuyển điệu ngũ cung mới (sol-la-si-do-re):

Gặp nhau trong nhân tình đầy bác ái ơi người

và so sánh điệu để quay về minor:

Gặp nhau trong kinh cầu, một hồi chuông

Câu touching nhất đối với tôi, là:

Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô, trên xương máu

Vì nó gần nhất với những trải nghiệm cá nhân tôi.

Còn thì, mọi câu đều đẹp, và buồn bã ray rứt.

Tôi ghi lại ít dòng không sắp xếp, để tỏ lòng ngưỡng phục nhạc sĩ Phạm Duy.

Tìm nhau như thiếu phụ tìm mộ bia. Nghe câu này, mẹ tôi đã khóc.


Quốc Bảo
18.9.2013

Nguồn: FB của nhạc sĩ Quốc Bảo