Chương 17 - Tình Yêu Đau Khổ Tuyệt Vời Đôi Môi Đôi Môi Đã Quyết Trói Đời Người

Nửa Thế Kỷ Phạm Duy - Phần 3 - Người Tình - Chương 17 - Tình Yêu Đau Khổ Tuyệt Vời Đôi Môi Đôi Môi Đã Quyết Trói Đời Người

Nếu ví nhạc tình Phạm Duy là một dòng sông lớn có nhiều nhánh con thì nhánh nào cũng tươi mát. Còn nếu ví nhạc tình của Phạm Duy là một bầy thiếu nữ thì cô nào cũng có một khuôn mặt đẹp, mười phân vẹn mười, nhưng mỗi khuôn mặt đều có những nét khác nhau: hồn nhiên, ưu tư, lãng mạn, mãnh liệt, trí tuệ xác thịt v.v.... Đây là một khuôn mặt đẹp khác trong nhạc tình Phạm Duy:

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ mơ lại mộng ngời
Và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi tới chín trời mây khói.
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi, giữ kín cho lâu dài tình đôi

Ở đây Phạm Duy vẫn còn tiết kiệm chữ, dè sẻn không dùng tiếng ''yêu''. Phạm Duy nói bằng những tình cảm, chứ không dùng tiếng yêu. Cách diễn đạt tình yêu ở đây, không giống cách dùng ở các bài đã kể. Nếu Tìm Nhau, Cho Nhau, Thương Tình Ca, Đường Em Đi là sợi dây oan có quá nhiều gút mắc, thì Ngày Đó Chúng Mình là một sợi tơ trơn tru mềm mại, thắt lại mỗi lúc mỗi chặt. Ta chú ý cách đặt câu dài, câu nào dứt ý câu ấy, và mỗi một câu như một bước em đi, mỗi lúc mỗi sâu vào đời anh, cho đến khi đôi môi tìm gặp đôi môi. Nét yêu được Phạm Duy chạm trổ rất kỳ công ở:

Đôi môi đã quyết trói đời người
Những cánh tay đan vòng tình ái...

Ai mà không từng hôn đắm đuối cuồng nhiệt một lần? Ai mà không từng ôm tròn thân mưa móc một lần? Nhưng mấy ai mô tả nổi về cả thể xác lẫn tâm hồn, nói một cách đắm đuối cuồng nhiệt bằng Phạm Duy. Anh chỉ dùng có hai chữ ''trói'' và ''đan''. Trói đời người vào nhau, tình đan lẫn vào nhau, nét yêu được diễn tả mãnh liệt cả xác lẫn hồn. Các hình tượng dùng ở đây (trói và đan) rất tinh vi đã đành lại còn rất khoa học. Lạt mềm trói (buộc) chặt. Chữ trói mạnh hơn chữ buộc. Trói và đan là hai chữ bình dân, nhưng vào tay Phạm Duy nó trở thành thần ngữ. Đến đây, ta mới thấy thêm được một điều: Nghệ thuật cao không phải là nghệ thuật trúc trắc khó hiểu mà chính là cách dùng chữ, đúng chỗ để diễn đạt tối đa cái mình muốn diễn đạt.

Môi mềm, như dây buộc chặt. Động tác hôn say đắm ''đôi môi đôi môi'' còn cho ta thấy nuộc dây đã quấn vào rồi và thắt lại. Về cái hôn, nhà phê bình Vũ Ngọc Phan có nhận định rằng trong văn xuôi chỉ có nhà văn Vũ Trọng Phụng là người mô tả cái hôn tài tình nhất cả thể chất lẫn tâm hồn mà chưa một văn sĩ Việt Nam nào tả đến thế:

"...Tân từ từ ôm chặt lấy em, hôn vào miệng em, không phải là cái hôn tầm thường nhưng mà một cái hôn đặc biệt, nhờ nó, em và chàng thấy cái ẩm ướt ở miệng nhau thì sung sướng, tựa hồ uống được linh hồn của nhau, một cái hôn đắc thắng của ái tình trước bổn phận mà tiếng trống ngực thình thình điểm khúc khải hoàn ca - một cái hôn nó giống của màn ảnh, do đó em tưởng chừng như đã phó thác cả thân thể em cho người ta vậy. Tờ giấy cam kết như vậy là đã có chữ ký của hai bên rồi. Một cái hôn như thế đã tổng công kích lần cuôi cùng để làm hại nốt một đời đàn bà chỉ còn một số tàn quân đạo đức trong lương tâm...

Nếu ông Vũ Ngọc Phan dám đi ra khỏi cái Viện Mạ Kền Văn Học của Hoài Thanh để nghe hát những câu tả cái hôn trong bài này của Phạm Duy thì không biết ông có còn giữ ý kiến đó nữa không?

Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười...

Chữ ''trói'' thật là tuyệt vời. Chữ ''xé nát'' càng tuyệt vời.

Ngày đó em ra khỏi đời rồi
Và mang theo trăng sao chết cuối trời u tối
Ngày đó có anh mê mải tìm lời
Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi?
Ngày đôi ta chôn vơi tiếng hát đã lạc loài
Chôn kín tiếng thơ rơi, ngậm ngùi rơi
Ngày đôi môi thương môi đã xé nát nụ cười
Ôi những cánh tay ngỡ ngàng tả tơi
Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tìm trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới
Ngày đó có kêu lên, gọi hồn người
Trùng dương ơi! Có xót xa cũng hoài mà thôi

Sau đây là một gương mặt khác của tình yêu:

Đừng xa nhau ! Đừng quên nhau !
Đừng rẽ khúc tình nghèo
Đừng chia nhau nỗi vui, niềm đau
Đừng buông mau ! Đừng dứt áo !
Đừng thoát giấc mộng đầu
Dù cho đêm có không bền lâu.
Đời phai mau, người ghen nhau
Lòng vẫn vẫn cứ ngọt ngào,
Miệng ru nhau những ân tình sâu
Đừng xôn xao, đừng khóc dấu
Đừng oán trách phận bèo
Vì sông xa vẫn trung thành theo
Dù mai sau dắt nhau mà qua cầu
Mồ chôn sâu ánh trăng vàng mái lầu
Đừng xa nhau nhé !
Đừng quên nhau nhé !
Đừng chia nhau núi cao vực sâu.
Đừng xa nhau ! Đừng quên nhau
Đừng dứt tiếng ngậm sầu
Đừng im hơi đắng cay rời nhau
Đừng đi mau, để mãi mãi
Là chiếc bóng đậm mầu
Còn theo nhau tới muôn đời sau.

Dù bảo đừng xa nhau, nhưng đã xa nhau rồi. Dù bảo đừng buông mau nhưng đã buông rồi, ngỡ ngàng nào còn níu được nhau. Tình chúng ta chỉ có chừng đó thôi. Nếu chuyện tìm nhau, gặp nhau, yêu nhau, cho nhau là chuyện tự nhiên, thì chuyện xa nhau cũng là chuyện tất nhiên, vì:

Đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta
(và)
Làm rơi rụng cánh hoa.


Xuân Vũ