Chương 12 - Tâm Ca: Tiếng Hát Trái Tim
- Chi tiết
- Xuân Vũ
- Lượt xem: 3079
Ở một chương trước tôi có nói rằng trong những bài hát đầu tay của Phạm Duy đã thấy nhóm lên những ý tưởng triết học: Chinh Phụ Ca, Cây Đàn Bỏ Quên, Tiếng Đàn Tôi, Nợ Xương Máu, Chiến Sĩ Vô Danh... Ở chương này tôi muốn đề cập đến một số bản tâm ca ở đó Phạm Duy đã hiện rõ lên là một nhà triết học. Nhưng triết học của Phạm Duy là triết học bình dân được đúc kết từ cuộc sống, như những ca dao tục ngữ.
Gió đưa cây cải về trời
Rau răm ở lại chịu đời đắng cay
Phạm Duy vừa chịu đắng cay vừa gào:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già.
Tâm Ca là triết học được âm nhạc hóa. Đó là những tư tuởng chính yếu trong một giai đoạn dài 20 năm chiến tranh Việt Nam. Đây, bạn và tôi hãy coi kỹ một bài tâm ca điển hình nhất:
Tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già
Lời tôi ca, lời tôi ca xin lúa đừng lo
Lời tôi thay cho tiếng đạn bay
Lời tôi xây cho vững tay cầy
Rồi đêm đêm xua ác mộng đầy
Lời ca êm ru giấc ngủ say
Tôi sẽ hát cho vơi thống khổ vơi dòng lệ nhòa
Một miền quê, một miền quê tim héo và khô
Lời tôi ca khâu vá tình thương
Lời hôm qua chắp nối Con Đường
Lời hôm nay vương tiếng Mẹ buồn
Lời mai đây cao ngút Trường Sơn.
Tôi định chỉ trích một đoạn hoặc một số câu của bài tâm ca số 2 Tiếng Hát To để dẫn giải, nhưng tôi không thể bỏ các đoạn kia. Đối với tôi, đây là một bài hát hay nhất Việt Nam từ xưa đến nay, Tôi đọc đi đọc lại, càng đọc càng thích thú, từng chữ từng câu đều chứa đựng một nội dung nhân văn sâu sắc vô cùng. Còn tình tiết thì càng đọc càng kinh ngạc.
Nếu bạn muốn nghe hát thì phải tìm băng do Phạm Duy hát thì mới hay. Tôi có cảm giác rằng bài này chỉ Phạm Duy hát thì mới lột tả nổi ý nghĩa. Một bài hát như thế này, rất tiếc là một nửa dân tộc bị cấm cản không được nghe, vì tác giả đang ở bên phía Tự Do. Tôi nghe nhiều bài hát Liên Xô lời Việt Nam có tính nhân bản như thế này được phổ biến ở Việt Nam. Công bình mà nói: hay thì cũng có hay, nhưng thua Phạm Duy xa. Tại sao bài Tiếng Hát To này, từ nhạc và lời đến Việt Nam đều hay hơn những bài Liên Xô mà dân Việt Nam lại không được nghe? Thiệt là đáng tiếc. Xin chân thành mời bạn đọc tiếp các đoạn lời sau:
Tôi sẽ hát to hơn những kẻ khơi ngọn lửa thù
Lời tôi ca, lời tôi ca như suối rừng thu
Lửa âm u ai đốt từ lâu
Miền quê tôi khan tiếng kêu gào
Lời tôi ca như nướcnhiệm mầu
Thành mưa rơi cho dứt niềm đau
Tôi sẽ hát to hơn lũ quỷ đang tìm đường về
Lời tôi ca, lời tôi ca xua hãi hùng đi
Mùa xuân qua ai mất tuổi thơ
Lời tôi ca hôn má xuân già
Còn yêu nhau xin cứ mặn mà
Đừng cho ai ăn cướp tình ta.
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè
Trẻ bơ vơ, trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa
Hỏi thăm em, em có mẹ cha
Hỏi thăm em, em có ông bà
Hỏi thăm em, em có cửa nhà
Một ngày qua em mất cả ba.
Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang tìm nụ cười
Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi, xin đến gần tôi
Cùng em côi tôi có bàn tay
Và đôi môi tôi hát ăn mày
Chia hạt cơm rơi hay bát gạo đầy
Cùng ngủ ven sông hay gối bụi cây.
Tôi sẽ khóc cho em gái nhỏ theo mụ chủ nhà
Một chiều mưa, một chiều mưa đi trong ngõ bùn nhơ
Từ vườn quê ra chốn phồn hoa
Người em xua dĩ vãng đen nhoà
Rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ
Mới nhận của tôi dâng mấy lời thơ
Tôi hát tiễn đưa dăm thiếu phụ quay về đường nhà
Lời tôi ca, lời tôi ca hun bếp lạnh tro.
Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.
Tôi sẽ hát to hơn tiếng nhạc mơ hồ phòng trà
Nàng danh ca, nàng danh ca không có giọng ca
Nàng danh ca vo khúc tình ca
Thành vui điên hay khóc than vờ
Nồng hơi da hơn tiếng nhạc thừa
Ngh(c)n lời ca hay dứt đường tơ
Tôi muốn hát thay cho gánh cải lương gầy, một ngày
Về chợ quê, về chợ quê rung trống cầu may
Lời tôi thay anh kép già câm
Làm quân đi theo nữ anh hùng
Diệt loài gian hay giết nịnh thần
Và hoan hô ông lão hiền trung.
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ hơn lời mọi người
Một ngày nao, một ngày nao nghe bỗng đầy vơi
Toàn dân tôi ca hát niềm vui
Toàn dân tôi ca khúc yêu đời
Một ngày tan chinh chiến thật rồi
Toàn dân tôi vui sống thảnh thơi
Tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ như lời nguyện cầu
Lời yêu nhau, lời thương nhau cho đến dài lâu
Lời tôi ngoan như tiếng trùng kêu
Lời tôi vang như tiếng chuông chiều
Lời tôi cao như tiếng ngọn diều
Lời tôi sâu như tiếng tình yêu
Lời tôi sâu như tiếng... tình yêu.
Thật khó mà tưởng tượng được rằng một ca khúc lại có một nội dung phong phú như thế. Đó là chiến tranh, là thù hận. là thống khổ, là ác mộng, là chia rẽ... đã có mặt trong đời sống Việt Nam ở giữa thế kỷ 20 này. Bài ca ra đời giữa năm 1965, ba năm trướcTết Mậu Thân. Tác giả đứng bên trên những mâu thuẫn giữa hai miền đất nướcđể buông ra một tiếng hát to, mong cỏ cây lẫn người ở cả hai bờ Bến Hải đều nghe. Lời ca muốn xua đuổi hãi hùng, muốn chắp nối con đường, muốn khâu vá tình thương... Muốn tắt đi ngọn lửa hận thù. Mong sao lời ca như nướcnhiệm mầu, thành mưa rơi cho dứt niềm đau. Lời ca tha thiết: Hãy chìa cho tôi đôi má Xuân già để tôi hôn vào đó...
Nhưng không ai nghe lời tôi ca cho nên dân ta càng khổ sở. Em bé đi bơ vơ giữa vườn hoa kia vừa mất cha mẹ ông bà và cửa nhà một lúc.
Em bé nào vậy? Không phải em bé nào cả, đó là dân tộc Việt Nam. Cả dân tộc đang bị ngọn lửa hận thù thiêu mất hết gia tài tổ tiên lẫn tình thương. Đứa bé ấy đang đi nhặt từng hạt cơm rơi và ngủ gối bụi cây. Cũng như em gái nhỏ lọt vào mụ Tú Bà rồi đêm đêm son phấn nhạt mờ, nhận của tôi mấy lời thơ. Bên cạnh đó còn có cả gánh cải lương nghèo về chợ quê rung trống cầu may...
Có phải Phạm Duy đã tiên đoán cái thảm cảnh ngày nay từ 1/4 thế kỷ trước. Gánh hát cải lương gầy đó tên gì, hát tuồng gì mà anh kép già câm đang đóng vai gì, anh ta đang múa gươm, cưỡi ngựa hay đang ngã ngựa nằm sấp nằm ngửa ở đâu? Cái xã hội bát nháo đang tìm hơi nồng da thịt ở phòng trà hơn là giọng ca hay ho bởi vì nàng danh ca thực ra không có giọng ca. Nàng danh ca tên gì đang hát ở phòng trà nào vậy? Đọc lời ca, ta bật lên tiếng cười thương hại và tóe ra nướcmắt bi thương.
Nhưng Phạm Duy không buông xuôi cho thảm cảnh cuốn trôi dân tộc. Một ngày kia gương vỡ lại lành. Những mảnh vỡ chắp lại vẫn còn đủ để soi rõ mặt nhau.
Phạm Duy yêu đồng bào dân tộc đến mức độ nào mới viết nổi những lời ca như vậy, những lời ca vang như chuông chiều, cao như sáo diều, sâu như tình yêu...
Khi đi học, đọc tiểu thuyết Pháp Les Misérables và Sans Famille, có những đoạn tôi phải đổ lệ dầm chan. Bây giờ già rồi, nhưng đọc lời ca của bài Tiếng Hát Tôi, tôi vẫn khóc.
Bài tâm ca thứ 3 là Ngồi Gần Nhau:
Ngồi gần ngồi gần nhau, vai sát vai nhau tựa đầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, tay nắm tay cho thật lâu
Ngồi gần ngồi gần nhau, xin nói cho nhau một điều
Ngồi gần ngồi gần nhau cho nhiều
Ngồi vào đời nhỏ nhoi, trong kiếp sống đầy vơi
Ngồi gần người từ bi, bên lũ giết người kia
Ngồi gần loài giun dế, hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi đây với nhau.
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi mắt đôi mi lạ lùng
Ngồi gần ngồi gần hơn, đôi má đôi môi làm quen
Vào ngồi làm một đôi, trong tiếng than trong nụ cười
Vào ngồi làm đỏ đen cho đời
Ngồi gần loài ma quái, nghe tiếng nói lả lơi
Ngồi gần tình thương yêu, nghe rõ tiếng bụt kêu
Gần người hùng trong trắng, bên lũ cướp của công
Ngồi thở dài hay ướcmong.
Vào ngồi vào ngồi chung,
Trong sót thương trong bạo cường
Vào ngồi vào ngồi chung,
Trong bão mưa trong lửa tuôn
Ngồi ở gần mộ hoang, trong đám tân hôn vội vàng
Ngồi vào, ngồi đôi bên vui buồn
Ngồi vào rừng gươm súng, hay đứng giữa vườn bông
Ngồi chờ đàn chim non, hay đón tiếng đạn bom
Ngồi vào niềm yêu dấu hay giữa mối thù sâu
Mình ngồi vào đây với nhau.
Ngồi gần ngồi gần nhau, đây đó chung quanh địa cầu
Ngồi gần ngồi gần nhau, trong kiếp xưa, trong đời sau
Ngồi gần ngồi thật lâu, cho đến khi hai ngọn đầu
Thành một người trong nhau nguyện cầu
Ngồi vào một thế giới, không xấu tốt buồn vui
Ngồi vào niềm chơi vơi, không có sắc mầu phai
Ngồi vào đời không mới, không rách nát tả tơi
Một mình ngồi trong cái TA.
Có phải chăng bài này kêu gọi đại đoàn kết dân tộc? Kêu gọi đôi mắt đôi mi lạ lùng, đôi má đôi môi làm quen. Những đôi mắt đã từng nhìn nhau hằn học, những đôi môi đã từng chửi bới nhau nửa thế kỷ chỉ đi đến kết quả là giết nhau để làm lợi cho ngoại bang. Phạm Duy kêu gọi đoàn kết để một mình ngồi trong cái TA, tức là tự chủ.
Bài Giọt Mưa Trên Lá khác hẳn với hai bài trên, mang tính chất nhân văn tổng quát. Nó là kết tinh của các loại tình yêu của Chúa, của Phật đối với con người trên trần thế. Hai đoạn lời ca rất ngắn ngủi mà bao trùm cả nhân gian.
Tâm Ca số 7 Kẻ thù Ta là một sự suy nghĩ khác với người đương thời, cả hai bên đều chỉ xây vinh quang trên xác quân thù. Kẻ thù ta đâu có phải là người, mà nó là sự gian ác, tính vô lương, là hờn câm, là hận thù, là vu khống, là vô minh, là lòng tham, là tị hiềm, ghen ghét. Kẻ thù ta:
Mang lá bài Tự Do
Mang cái vỏ thật to
Mang cái rổ danh từ
Mang cái mầm chis rẽ.
Kẻ thù ta trong mắt thèm lơ láo
Kẻ thù ta trong góc đầu tự kiêu
Trong cõi lòng quạnh hiu
Trong óc hẹp tiêu điều
Trong giấc mộng xâm chiếm nhau.
Nhận diện kẻ thù xong, Phạm Duy chỉ cho ta nơi nó ẩn náu: Nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai. Vì thế Phạm Duy không chủ trương giết người, không chủ trương phanh thây uống máu kẻ thù vì, giết người rồi, ta ở với ai? mà chỉ cần diệt thói hư tật xấu, mầm chia rẽ, hố hận thù. Nếu người cả hai bên nghe theo thì dân tộc đã không rơi vào thảm họa ngày nay. Chính vì khoác áo chủ nghĩa này, lý thuyết nọ mà đất nước oai linh hiển hách của ông cha ta để lại cho ta, nay:
Chỉ còn dư vang thần thánh
Để lại cho em hèn kém của anh.
Để lại cho em cuộc sống mệt nhoài
Để lại cho em hồn nướctả tơi
Đường đời quanh co kẹt lối
Vì một bọn người đang (mải miết) tranh nhau một đám bụi đen. Anh ân hận vô cùng vì nếu chết đi, anh chỉ:
Để lại cho em một nước phân lìa
Để lại cho em một giống nòi chia
Hận thù nhân danh chủ nghĩa
Bạo tàn nhân danh bề thế
Để lại con tim nhỏ bé của anh.
Để lại cho em giọt máu dân lành
Để lại cho em từng nấm mộ xanh
Chập chờn bay trong bại thắng
Ngọn cờ khăn sô mầu trắng
Để lại cho em một bãi sa trường
Tuy vậy, nhà soạn nhạc vẫn lạc quan ở tiền đồ dân tộc. Anh vẫy tay mời tất cả chúng ta:
Hát với tôi trong nỗi vui hay cơn buồn
Hát với tôi qua tiếng reo hay bằng lời than
Hát với nhau những lời của người Việt Nam
Hát với tôi khi mang thân phận bào thai
Hát với tôi trong cõi trời sâu xa tuyệt vời
Đừng thèm nhờ máy hát lạ tai
Đừng thèm nhờ ai hát hộ ai.
Để lòng mình dâng lên miệng hát đầy vơi!
Hãy hát lên. Hát tiếng lòng mình. Hát tiếng Việt Nam, đừng hát tiếng Nga, tiếng Tàu, hay tiếng Mỹ. Cũng đừng nhờ máy hoặc người hát hay thay. Chỉ mười bài tâm ca thôi cũng đủ làm nên danh vọng tột đỉnh của Phạm Duy. Chỉ cần hát một bài tâm ca thôi, bài nào cũng được, bạn sẽ thấy trái tim nhỏ bé mà rất bao la của nhà nghệ sĩ.
Xuân Vũ