Chương 10 - Những Giấc Mộng
- Chi tiết
- Xuân Vũ
- Lượt xem: 2890
Bể sầu không nhiều
Nhưng cũng đủ yêu
Phạm Duy
Nhưng cũng đủ yêu
Phạm Duy
Ở chương này tôi cũng nêu lên những tình cảm của Phạm Duy về con người nhưng bị mang màu sắc tôn giáo. Cái ''bể sầu'' trên đây gợi ta nhớ những câu biển sầu khổ vơi vơi trời nước trong Kinh Cao Đài và tu là cõi phúc tình là dây oan của truyện Kiều. Phạm Duy là nghệ sĩ đi vào nỗi buồn thấm thía của con người trong nhạc Việt Nam. Tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần Phạm Duy với tình yêu ở sau. Bây giờ xin nói về những giấc mộng và màu sắc tôn giáo trong nhạc Phạm Duy.
Đêm đêm người mở lòng ra
Ôm ta trong cõi mơ hồ
Giã từ đời bằng hơi gió
Hoá hồn theo cánh mây xa
Ta đi b bằng một sợi tơ
Lung linh luồn trong khói mờ
Ta treo hồn vào tình Thu
Thấy mình trôi loãng trăng loà
Ta rơi bằng một đời hoa
Tan theo với ngàn cánh uá
Không ngờ hồn hoà
Vào làn phấn bướm xanh lờ
Ta bay bằng một giọng ca
Tuôn ra thế giới mịt mù
Ta về bao la, trôi suôi theo dòng tinh tú
(Mộng Du)
Đây là tình cảm của một con người đi vào cõi mộng, nhưng giấc mộng này khác mộng thường. Đã là mộng thì phải mơ hồ, nhưng mộng du là siêu mơ hồ. Ở bài Mộng Du linh hồn thay người, sự ''có'' hay ''không'' lẫn lộn, sự tan hợp nối liền, cái chết và sống không có ranh giới, con người và tinh tú không có sự ngăn cách, sắc sắc không không, hư hư thực thực, như một sơi tơ lung linh luồn trong khói mờ, thấy đó mà níu không được vì nó đã hòa vào phấn bướm xanh lờ, trôi theo dòng tinh tú...
Cũng là mộng, nhưng giấc mộng du khác với giấc mộng dài. Mộng dài rất thực, như thực:
Tôi đang mơ giấc mộng dài.
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh.
Tôi đang nhìn thấy mầu xanh
Ở trên cây cành trôi xuống thân mình...
Với màu xanh, màu hồng, với cây cành, với chim chóc, giấc mộng dài là giấc mộng của một người thường, còn mộng du là mộng của một linh hồn đạo giáo, nhưng đạo nào? Ta không rõ.
Cũng như tất cả những nghệ sĩ ở trên đời này, Phạm Duy là một người luôn luôn mơ mộng. Có đặc biệt chăng là ở chỗ Phạm Duy là một nghệ sĩ phải sinh sống trong một nước có khá nhiều ác mộng. Cho nên, nghệ sĩ lúc nào cũng mơ những giấc mộng lành, mộng ngoan. Hãy coi Phạm Duy nói tới mộng lúc nào? và ở đâu?
* Đêm năm xưa tương tư người hò khoan ôm ấp bao mộng vàng - Mộng tình trăm năm nằm trong đáy ly gương (Khối Tình Trương Chi)
* Tàn mộng Bích Câu (Tiếng Bước Trên Đường Khuya)
* Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ - Mộng đời phiêu lãng giang hồ - Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua (Bên Cầu Biên Giới)
* Đêm qua say tiếng đàn - Đôi chim uyên tới giường - Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng (Đêm Xuân)
* Rồi cả đêm ngủ với giấc mơ - Con chim mộng đã ru riêng đời ta (Mùa Xuân Du Ca)
* Những con trâu lành nằm mộng trên đồi (Tình Hoài Hương)
* Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng, đừng cho không gian đụng thời gian (Thương Tình Ca)
* Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời, và se tơ kết tóc giam em vào lòng thôi (Ngày Đó Chúng Mình)
* Đừng thoát giấc mộng đầu, dù cho đêm có không bền lâu (Đừng Xa Nhau)
* Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương (Những Dòng Sông Chia Rẽ)
* Tôi còn lẽo đẽo mang nhiều mộng nghèo - Và mộng đắng cay đi về, đìu hiu (Tôi Còn Yêu, Tôi Cứ Yêu)
* Trong giấc mộng xâm chiếm nhau (Kẻ Thù Ta)
* Đồi êm êm, cỏ im im, ngủ yên yên, mộng rất hiền (Cỏ Hồng)
* Giết người trong mộng
* Tôi mơ thành thi sĩ, đem thơ dệt mộng hờ (Kỷ Niệm)
* Ù ơ tiếng hát võng đưa, lời ca dao đó ấm như mộng đời - Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ, con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh. Từ nay giấc ngủ thanh bình, con chia cho mẹ mộng lành, mộng ngoan (Ru Mẹ)
* Giấc mơ tiên, giấc mơ hoa, giấc mơ xinh, giấc mơ ngoan (Tuổi Mộng Mơ)
* Xin cho em một mớ tóc nồng, êm như nhung, để em gối mộng (Tuổi Ngọc)
* Chưa ai đưa lối hoa mộng đường dài - Em chưa nghe thiên tình ca êm ái, nhưng em đã bước chân vào huyền thoại (Tuổi Hồng)
* Làm cho úa vàng từng mộng ước tươi hồng (Tuổi Biết Buồn)
* Mười ngàn đêm đau thương, ôi trường thiên ác mộng (Xin Tình Yêu Giáng Sinh)
* Đôi ta đã mất cả mộng mơ, chỉ còn xác xơ, hình bóng xưa, dĩ vãng mịt mù, buồn như chiếc lá rụng, mùa Thu (Chỉ Còn Nhau)
* Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi, vững tin vào mộng đẹp ngày mai (Tình Ca)
* Cười vui trong giấc mộng, yêu đời tự do (Vợ Chồng Quê)
* Thấy mộng ngày mai, thấy niềm tin mới (Viễn Du)
* Em có hay chăng anh về ? Thoạt nhìn người yêu ngỡ trong mộng mê (Ngày Về)
* Mưa lên tiếng hát ru cơn mộng lành (Phố Buồn)
* Mộng nghìn xưa, mộng vàng tơi tả (Xin Hãy Giữ Dùm Anh)
* Đêm tình nhân huyễn mộng (Nghìn Năm Vẫn Không Quên)
* Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ (Tìm Nhau)
* Một con ốc nằm yên giấc ở đồi hoang, bỏ mộng ngoan, từ vỏ, vươn chào đón Xuân (Trên Đồi Xuân)
* Nào người yêu, giã từ ác mộng, ta đưa nhau tới cõi địa đàng (Giã Từ Ác Mộng)
Phạm Duy đã đi từ những giấc mộng nghìn xưa tới những giấc mộng ngày mai, trong đó mộng lành, mộng ngoan, mộng vàng, mộng xanh, mộng hồng... nằm cạnh những cơn mộng hờ, mộng dữ, những cơn huyễn mộng, ác mộng. Trong nhạc Phạm Duy, con chim hay nụ hoa cũng biết mộng mơ, và kể cả con trâu xanh cũng biết nằm mộng. Và, qua bài Mộng Du đã đan kể ở trên, những giấc mộng của Phạm Duy thường mang linh hồn đạo giáo.
Màu sắc tôn giáo càng được thấy rõ hơn Hẹn Hò (lời ca đã trích ở trước). Đọc lời ca này ta có cảm tưởng đọc một truyện tình oan trái rút ngắn. Không có danh từ tôn giáo nào được thấy ở đây, nhưng toàn bộ câu chuyện toát ra một nỗi nghẹn ngào oan nghiệt đến đỗi hai người yêu nhau phải hứa gặp nhau ở đời sau, vì số kiếp chúng ta như vậy.
Yêu nhau chẳng đặng cùng nhau trọn
Xin hẹn cùng nhau kiếp tái sinh
Kiếp tái sinh có gặp nhau chăng
Kiếp này đành phụ nợ ba sinh.
(Thơ Cổ Vịnh Thúy Kiều)
Cái nhìn của Phạm Duy ở đây soi thẳng vào khía cạnh oan nghiệt của thân phận con người, nỗi éo le của hoàn cảnh, dù yêu nhau đến đâu cũng không vượt nổi số kiếp và chỉ có thể gặp nhau ở thiên thu mà thôi!
Trong các bài có màu sắc tôn giáo của Phạm Duy, còn có thêm bài Đường Chiều Lá Rụng (cũng đã trích ở trước) là bài đậm màu sắc ấy nhất, lại vừa có tính chất siêu thực, bí hiểm:
Chiều tan trên đường tối, có ta như rã rời
Hồn ta như gò mối đang chờ phút đầu thai.
Ta có cảm tưởng như tác giả mô tả buổi chiều tận thế. Mỗi một chi tiết trong buổi chiều này đều được tác giả gắn cho một hành động, một tình cảm, một linh hồn bất thường. Victor Hugo cũng có một bức tranh Ngày Tận Thế Của Loài Người (Le Dernier Jour Du Monde), viết khi ông còn trẻ. Ngày tận thế của Hugo vô cùng hãi hùng (tạm dịch):
Mặt trời tắt
Những vì sao xám nhợt
Miệng hố mở toang
Núi bốc khói và hộc ra những lời lửa
Sỏi đá bốc cháy, và trái đất sụp đổ vào đêm đen
Những lâu đài tráng lệ cũng rụi tàn
Nước hòa với lửa, ánh sáng lẫn cùng bóng tối
Âm vang thác sắt chảy tràn lan
Cuốn phăng vũ trụ hoàn toàn
Mỗi một nét ông vẽ lên đều là một sự hãi hùng do một bàn tay có vô cùng quyền lực gây nên. Mỗi một biến chuyển đều là một núi lở, biển cạn, nguyệt rụng, nhật tan. Ngược lại, Chiều Tận Thế của Phạm Duy rất êm ả, nhẹ nhàng, chỉ như một chiếc lá vàng rơi ở một góc trời nhỏ bé vào một buổi chiều vô danh không biết ở thế kỷ nào.
Ở nhà thơ Victor Hugo thì Ngọc Hoàng với quyền vô biên đã chấm dứt cuộc sống ở trái đất. Ở Phạm Duy, thì quyền lực đó chỉ là tâm tư của một con người:
Lá vàng bay
Lá vàng êm
Lá vàng khô
Lá xào xạc bay
Khói rừng khô
Hồn thuyền lướt trôi
Gò mối chờ phút đầu thai.
Hỡi, hỡi ôi, thân phận làm người ! Thân phận nào rồi cuối cùng sẽ đến đây. Cái kiếp phù sinh ba vạn sáu nghìn ngày này trông thế mà ngắn ngủi. Bình minh chẳng mấy chốc mà chiều và đời người như chiếc lá trên cành. Xanh tươi chẳng bao lâu mà vàng, rồi rụng. Có luyến tiếc cành cây bao nhiêu cũng không bám lại được. Rụng và vun thành ngôi mộ úa. Và đi đầu thai để trở lộn về dương thế, để lại rụng và đầu thai. Cứ theo luật luân hồi. Ta thấy như tác giả chán chường với cuộc sống, tê tái với nhân tình, nhìn mọi vật đều xác xơ rã rời như chính mình, cho đến cửa tình duyên cũng muốn khâu kín để:
... lên đường về cõi chết
Rồi mai đây hóa kiếp
Rồi mai đây sẽ chết
Trên đường về cõi Niết.
(Những Gì Sẽ Đem Theo Về Cõi Chết)
Cái lá rụng đường chiều đã rơi trên mặt đất. Trên mặt đất nằm lăn lóc một cái lá vàng. Đó là một kiếp người đã đi đến bước tận cùng của nó, nhưng còn muốn vụt bay lên đời tiên. Đấy là cái nhìn từ bi và siêu thoát của Phạm Duy đối với con người cũng như Victor Hugo, một người già nhìn mặt trời lặn, le vieillard regardait le soleil qui se couche.
Đó cũng chính là giấc mộng đời của Phạm Duy vậy.
Xuân Vũ