Tạ Ơn Phạm Duy (Thay lời tựa)

Nửa Thế Kỷ Phạm Duy - Xuân Vũ

Tôi viết quyển sách này là để tạ ơn Phạm Duy. Tôi là người ham hát. Thuở nhỏ, tôi đã hát ở nhà thờ và lớn lên đi kháng chiến ở Bến Tre, tôi quảy cây măng đô trên lưng và trong ba lô luôn có tập nhạc dày cộm. Tôi chép nhạc rất công phu, tên bài hát thì tôi viết rất nhiều kiểu vẽ tùy theo bài, còn cây vẽ ngũ tuyến biểu thì làm bằng vỏ hột quẹt cắt thành năm chia đều, gạch một phát là xong một dòng cớ 5 hàng rất đều. Đặc biệt khi chép nhạc, tôi không bao giờ quên đề tên tác giả. Nhạc của... lời của... Tôi có ông cậu rất giỏi nhạc. Do đó tôi đàn hát rất khá. Thời đó đi kháng chiến mà có cây măng đô trên vai thì thật là... oai. Tôi chép không thiếu một bài hát nào. Ai có bài mới là tôi tìm đến để xin chép, hoặc ai mượn vở của tôi tôi cũng cho mượn. Tiến Quân Ca, Buồn Tàn Thu, Chiến Sĩ Việt Nam, Thăng Long Hành Khúc, Đống Đa, Không Quân Việt Nam, Hải Quân Việt Nam, Bắc Sơn... của Văn Cao; Tiếng Gọi Sinh Viên, Bặch Đăng Giang, Ải Chi Lăng, Hồn Tử Sĩ, Kinh Cầu Nguyện, Giòng Sông Hát... của Lưu Hữu Phước; Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong; Hòn Vọng Phu, Học Sinh Hành Khúc, Bản Đàn Xuân, Biển Sau Giông Tố của Lê Thương; Bướm Hoa, Bình Trị Thiên Khói Lửa của Nguyễn Văn Thương; Xuân Về, Nắng Tươi của Thẩm Oánh; Núi Non Nước, Tuyên Truyền Xung Phong của Phan Huỳnh Điểu; Quốc Dân Tiến của Lê Trầm; Tiếng Còi Trong Sương Đêm của Lê Trực; Trung Đoàn 307 của Nguyễn Hữu Trí; Đời Sống Mới của Nguyễn Đức Toàn; Nhớ Chiến Khu, Sơn La, Du Kích Ca, Du Kích Sông Thao của Đỗ Nhuận; Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh, Chinh Phụ Ca, Tiếng Đàn Tôi, Nhạc Tuổi Xanh, Bà Mẹ Gio Linh, Nương Chiều, Thi Đua Ái Quốc, Nhớ Người Thương Binh, Dặn Dò, Về Miền Trung... của Phạm Duy.

Xen trong những bài hát Việt Nam còn có những bài Pháp như D'un Bateau, Les Bateuax Des Iles, Chanson Pour Nina, C'est À Capri, Tant Qu'il Y Aura Des Étoiles, Granada, Si Tu Reviens... Tổng cộng trên cả trăm bài hát ta lẫn Tây, Cách Mạng lẫn tiền Cách Mạng tôi đều thuộc năm lòng và có thể ''ôm đàn lên sân khấu sô lô'' được cả.

Trong các tác giả trên đây, tôi thích nhất Lưu Hữu Phước, Văn Cao và Phạm Duy. Tôi hát ba vị này nhiều hơn cả. Còn nói về thời gian và số lượng lẫn sự ham mê thì tôi hát Phạm Duy lâu nhất, nhiều nhất và say nhất tính cho đến nay. Và có lẽ cả đời.

Tôi hát Phạm Duy từ 1946 hay 47 chi đó, cũng không nhớ nữa. Bài đầu tiên là bài Xuất Quân. Không khí thời đầu kháng chiến bừng sôi như nước bật vung. Tiếng lòng của người dân là tiếng hô khẩu hiệu : Đả đảo thực dân. Hoan hô Cách Mạng. Riêng tôi, học trò, thì ngoài sự hô khẩu hiệu, còn hát. Tôi hát miên man, thích thú say mê :

Bao chiến sĩ anh hùng
Lạnh lùng vung gươm ra sa trường
(Văn Cao)

Ngày bao hùng binh tiến lên
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến
(Phạm Duy)

Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều (Đỗ Nhuận).

Thiệt là mê man. Tôi hát và dạy hát, dạy bộ đội, dạy thanh niên, dạy thiếu nhi, dạy nông dân cứu quốc. Tiếng hát thời đó thiệt là ấm áp, bừng bừng thôn xóm. Một lần bộ đội anh Hai Phải đóng ở xóm tôi, ngay trong nhà tôi và ông tôi. Hồi đó chưa là bộ đội chính qui. Từng phân đội vũ trang mang tên người chỉ huy như bộ đội Bẩy Cống, bộ đội Hai Phải, bộ đội anh Quang, anh Măng (Romand), anh Tỷ, anh Nhàn (Nhàn Râu) v.v... Buổi sáng hôm đó các chiến sĩ thức dậy vác súng tập thể thao (gọi là thể thao quân sự), tôi cũng long nhong chạy theo. Xong buổi tập, các chiến sĩ chạy về đứng sắp hàng trước sân nhà tôi để hô khẩu hiệu ''Quyết chiến''. Hô xong, đem súng đặt trên giá súng, đứng chờ tôi dạy hát. Bữa đó tôi dạy bài Xuất Quân vừa mới chép được của cậu tôi ở ngoài làng Minh Đức cùng với bài Nhớ Chiến Khu. Nhưng bài Nhớ Chiến Khu thì không thể hợp ca được.

Ngày bao hùng binh tiến lên !
Bờ cõi vang lừng câu quyết chiến !
Bước oai nghiêm theo tiếng súng đi tung hoành
Quân Việt Nam đi hồn non nước xây thành
Đi là đi chiến đấu
Đi là đi chiến thắng
Đi là mang mối thù thiên thu...
. . . . . . .
Kèn vang theo tiếng chân đang rồn rập xa xa
Tiếng gào thiết tha...

Tôi vừa đàn vừa hát cho bộ đội nghe trước khi dạy. Mới bắt đầu''ngày bao hùng binh tiến lên'' thì trinh sát về báo ''có Tây trong đồn ra bắt gà''. Đó là Tây đóng ở đồn Cầu Mống, ở chợ làng tôi, trên trục lộ giao thông chính của tỉnh Bến Tre - Thạnh Phú. Thế là bộ đội chụp súng, sẵn sàng, chờ lệnh. Theo kế hoạch miệng của ban chỉ huy thì nếu Tây nó về ấp Bình Đông thì anh Quang chặn đánh, còn anh Phải công đồn Cầu Mống, ngược lại hễ Tây tới bắt gà ở Thạnh Đông thì anh Quang công đồn. Chiến sự đã xẩy ra theo giả thuyết một : anh Quang chặn đánh Tây còn anh Phải công đồn. Cố nhiên là có tôi long nhong chạy theo bộ đội anh Phải. Trận đánh đồn thiệt hào hứng và kinh hoàng. Xác đồn trở thành quả núi lửa rồi sau đó thành núi tro, khói lên nghi ngút lâu lâu không tắt. Đó là trận đánh đồn lớn nhất mở đầu cho Toàn Quốc Kháng Chiến năm 1946. Trong trận đó, tôi được thấy tận mắt :

Từng bụi lốc cuốn rơi
Từng giọt máu sáng ngời
Một đường kiếm thép oai hùng đưa...


Chiến sĩ ta thật oai dũng. Hô xông vào đồn địch như chơi. Nhất là các vị chỉ huy Hai Phải, Ba Lắm, Ba Kích. Hình ảnh đó không bao giờ phai nhạt trong đầu tôi. Mỗi lần tôi hát bài Xuất Quân thì tôi lại thấy bóng dáng chiến sĩ băng mình qua lửa đạn và mỗi khi tôi nhớ lại trận đánh đồn Cầu Mống thì tôi nghe môi và ngực nóng ran. Và bài Xuất Quân lại bừng dậy trong tôi. Đó là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời tôi vậy. Sau khi đồn Cầu Mống bị hạ, Tây trở lại đóng Chuà Bà gần nơi đồn cũ. Chúng ra ấp tìm các nhà đã chứa bộ đội và đốt sạch. Cả Xóm tôi ra tro. Tía tôi trốn thoát, bất hợp tác. Má tôi khóc, nhưng tôi lấy làm kiêu hãnh. Tôi đi thoát ly luôn. Ba lô và măng đô trên vai đi :

... đấu tranh cho muôn kiếp sầu
Lúc chưa phai tuổi xanh...


Tôi vẫn hát, vẫn chép nhạc, sô lô trên sân khấu các bài mới của Phạm Duy do các đoàn quân Nam Tiến mang vào Nam. Chính Phạm Duy cũng đã ''Nam Tiến'' ngay từ hồi đầu kháng chiến Nam Bộ và soạn bài Xuất Quân ở vùng chiến khu này.

Từ 1948 trở đi, những bài hùng ca như vậy vẫn còn sức động viên rất lớn nhưng hình như những bài có tính chất bi hùng ca đã bắt đầu tranh giành địa vị với những bản hùng ca. Tôi thường sô lô bài Về Miền Trung và được hoan nghênh nhiệt liệt. Tài nghệ nào có chi nhưng tôi làm gan, hát với nhiệt tình. Trong lúc đó thì hoạ sĩ Diệp Minh Châu đã vẽ tranh Xác Đồn Cầu Mống. Ban Nhiếp Ảnh triển lãm ảnh trận đánh đồn Vàm Định Thủy do Chính trị viên Trung Đoàn 99 chỉ huy. Văn Nghệ Chiến Khu hình thành dần dần mà bộ môn âm nhạc hầu như dẫn đầu. Cuộc kháng chiến chống Pháp chuyển qua giai đoạn quyết liệt. Máu lửa tràn lan. Bài Về Miền Trung cũng mô tả được quang cảnh khốc liệt lúc đó. Tôi cũng tập tễnh làm văn nghệ, khởi đầu là làm thơ (một cách may rủi) lãng mạn chiến đấu :

Nhà em Tây nó đốt
Em ra ngủ ngoài vườn
Khác gì anh chiến sĩ
Quen lạnh lẽo gió sương

Bây giờ em còn bé
Em ráng tập súng cây
Ngày mai em sẽ lớn
Ôm súng thiệt đánh Tây

Tôi thích bài Chiến Sĩ Vô Danh vì nó có pha lẫn thơ mộng và chua chát chớ không phải chỉ thích vung gươm ra sa trường mà thôi. Cho nên hình ảnh anh chiến sĩ ra biên khu trong một chiều sương âm u... hoặc:

Mờ trong bóng chiều
Một đoàn quân thấp thoáng
Núi cây rừng
Lắng tiếng nghe hình dáng
Của người anh hùng
Lạnh lùng theo trống rồn...

... thì rất hợp với tình cảm và rất đúng cái miệng của cậu học sinh thời đó. Và cái kết luận :

Gươm anh linh đã bao lần vấy máu
Còn xác xây thành, thời gian luống vô tình
Rừng trầm phai sắc
Thấp thoáng tàn canh
Hỡi người chiến sĩ vô danh...

... thì càng làm cho cậu học sinh đó tái tê hơn, lãng mạn hơn. Có một cái gì của câu nhất tướng công thành vạn cốt khô trong đó.

Ngoài hai bài Xuất Quân, Chiến Sĩ Vô Danh tôi còn thích bài Tiếng Đàn Tôi :

Đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ xót thương đời...

Bài này không biết từ đâu lại lọt vào tận Cần Thơ nơi tôi đang làm trưởng tiểu ban văn nghệ Tỉnh Đội lúc mới 20 tuổi và được giải thưởng Văn Nghệ Nam Bộ Cửu Long với bài Niềm Thương Nhớ. Nhưng bài lúc đó, thú thực tôi chỉ dám hát lén bài Tiếng Đàn Tôi với một thằng bạn nhạc sĩ thôi.

Tôi chưa gặp Phạm Duy nhưng tôi có nhiều kỷ niệm với những bài hát của anh. Sau đây là một kỷ niệm khác. Đó là bài Chinh Phụ Ca. Khi tôi học Trung Học năm thứ nhất tôi có quen với một chị tên Hiền học năm thứ hai. Chị rất đẹp, mặc đồ đầm, đi xe máy dầu, bữa sáng nào tôi cũng đứng ở thềm trường chờ chị thả dốc vô sân trường, nhìn chiếc váy hoa phất phất mà ngây ngất hồn. Nhưng người ta là chị, học giỏi hơn, lớn tuổi hơn, mình đâu dám làm quen. Bỗng một hôm lúc tan trường, chị bảo tôi : ''Em hát hay lắm, lại nhà tôi đàn cho hát! '' Thế là tôi đến nhà. Chị đánh piano mới chết tôi chớ! Mình là dân vườn hát bậy chơi chớ đâu có biết hoà tấu là gì mà hát với dương cầm. Tôi đổ mồ hôi mới hát được hai bài Nắng Tươi Xuân Về. Sự trật nhịp của cậu ca sĩ không phải chỉ vì chiếc đàn nhiều phím rắc rối mà vì cánh tay chị trắng và mũm mĩm quá còn những ngón tay của chị thì như những chú bướm lượn trên phím ngà. Tôi mải nhìn mà quên nhịp, có lúc chị phải ngừng lại cười ngất. Tôi nhìn hàm răng của chị mà như bị thôi miên.

Rồi thôi, tôi đi kháng chiến. Đầu khoảng 1948 chi đó, có phong trào vận động trí thức học sinh ra chiến khu. Mỗi người trong cơ quan có bạn bè, bà con ở thành đều có nhiệm vụ viết thư kêu gọi họ ra khu cưú nước. Tôi nhớ chị Hiền. Và chép bài nhạc Chinh Phụ Ca trong một cái chòi dưới ngọn đèn hắt hiu, không biết tên tác giả là ai cả.

Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ

Không biết chị có nhận được bài ca hay không? Nhưng chuyện buồn cười là mãi đến 1980, nghĩa là 32 năm sau (nếu chị Hiền có ra khu kháng chiến thì đã trở thành Má chiến sĩ), khi tôi nghiên cứu viết Nửa Thế Kỷ Phạm Duy thì mới biết tác giả của Chinh Phụ Ca là Phạm Duy! Bài này mô tả rất đúng tâm lý của bọn học sinh chúng tôi thời đó.

Từng hồi canh tan thấy trăng xế tàn
Thao thức phòng loan, một tiếng tơ đàn
Nhạc ngoài biên cương nghe vắng khúc hoan
... Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao dấu đôi lệ hiền

Cho nên trong tập nhạc của bọn tôi trong thời kháng chiến ít khi vắng mặt bài Chinh Phụ Ca.

Khoảng sau năm 1963, tôi từ Hà Nội về Khu Giải Phóng Bến Tre. Thời đó dân ra vào thành bằng thuyền đuôi tôm, khuya đi trưa về tới. Chúng tôi thường gởi đàn bà đi chợ mua các món cần thiết như giấy bút, thịt cá, vải vóc v.v... Một hôm tôi bắt gặp mấy trang báo gói đồ. Tôi phóng mắt nhìn qua. Nào ngờ thấy khuôn mặt Phạm Duy. Anh mang kiếng. Đó là lần đầu tiên tôi ''gặp'' nhạc sĩ, người làm những bản nhạc mà tôi từng say mê hơn 20 năm trước. Quái lạ nhỉ ! Tôi bèn đọc bài báo thử xem nói gì? Đó là bài nói về Giọt Mưa Trên Lá. (Tôi không nhớ tác bài báo là ai nhưng chắc chắn là bài báo nói về bản nhạc đó). Tôi đọc qua lời ca thì tôi hốt hoảng. Sẵn đàn của Tiểu Ban Văn Nghệ tôi dạo liền. Rồi hát nhẩm. Tôi ghi vào đầu bài hát lạ lùng từ đó. Tôi đâm ra suy nghĩ : thì ra lâu nay mình có làm văn nghệ gì đâu. Mình chỉ viết những bài báo điểm xuyết tí tình cảm tươi mát chớ không hề có sự sáng tạo trong nghệ thuật Tôi băn khoăn không ít, nhưng làm thế nào để vươn mình lên cao thực tế, dùng thực tế để tạo ra một tác phẩm chớ không phải ghi chép thực tế?

Năm 1968 tôi về Saigon. Người tôi ước mong gặp và đã tìm đến gặp đầu tiên là nhạc sĩ Phạm Duy. Anh Phạm Thành Tài chở tôi đến ngôi nhà ở Phú Nhuận. Nhà hai tầng nhưng hầu như không có bàn ghế hoặc món gì sang trọng. Đang câu chuyện thì có khách tới. Vài ba người, trong đó có một vị mặc đồ bà ba mặt tròn tròn sau này tôi gặp lại ở Bộ Thông Tin lúc cùng nhận Giải Thưởng Văn Học Nghệ Thuật. Đó là thơ Phạm Thiên Thư.

Cách đó ít lâu, tôi làm phóng viên cho Đài VOA, tôi lại gặp anh Phạm Duy trong lúc anh đang bận rộn thu xếp cho cuộc ra mắt của ca sĩ James Durst ở Hội Việt Mỹ. Tôi hỏi địa chỉ anh để gởi tặng sách. Anh nói ngay: ''Tôi đọc rồi. Họ cho anh giải thưởng là đúng.''

Đó là hai lần tôi gặp Phạm Duy, một lần 10 phút, một lần 1 phút rưỡi. Nhưng tôi cảm thấy hết sức sung sướng. Không hiểu sao tôi cũng không biết nữa. Cũng như năm 1955 khi ra Hà Nội thì tôi luôn luôn muốn gặp anh Văn Cao. Gặp anh lần đầu, tôi tự nhủ: ''Văn Cao là người như vậy à? Chỉ vậy thôi à?'' Chỉ vậy là sao, tôi cũng không hiểu nữa. Nhớ lại lúc đầu kháng chiến, tôi cứ hình dung Văn Cao, Phạm Duy thì phải là những người ghê gớm lắm. Phải như thế này, phải như thế kia, tôi cũng không hiểu thế này, thế kia là thế nào nhưng nhất định phải là người siêu phàm. Mà siêu về tài năng thật, còn về con người thì chỉ phàm thôi, nghĩa là những người bình thường. Tuy vậy mỗi lần gặp anh Văn Cao tôi vẫn thích nhìn anh. Người anh gầy gò, ọp ẹp nữa là đằng khác, song bên trong phải tàng ẩn một sức sống phi thường, một trái tim mang một ngàn trái tim.

Mỗi lần tôi hát bài Phạm Duy tôi đều nhớ tới anh Văn Cao và nhớ thời kháng chiến chống Pháp thiệt mê say. Thời đó thiếu thốn, khói lửa mà văn nghệ rất phong phú, tình cảm rất sâu đậm, tình yêu nước rất sôi nổi, còn bây giờ cái gì cũng đầy đủ cả mà sao có vẻ lợt lạt không vui thích bằng thời kháng chiến. Giá Tây nó xâm lăng lần nữa và tôi trẻ lại thì tôi sẽ đi kháng chiến để hát lại Chiến Sĩ Việt Nam, Chiến Sĩ Vô Danh, Xuất Quân, Ngày Mùa, Về Miền Trung v.v...

Có điều tôi cũng cần nói ra là anh Phạm Duy đối với anh Văn Cao quả là một người bạn tốt. Anh bao giờ nói chuyện với tôi cũng nhắc nhở tới anh Văn Cao với những tình cảm mến thương, thân thiết. Bây giờ hai anh đều trên 70 tuổi rồi. Thất thập cổ lai hi. Chắc hai anh muốn gặp lại nhau lắm. Và tôi cũng ước mong được chứng kiến cuộc tái ngộ đó.

Năm 1979, trong một đêm đau buồn cực độ, tôi đã quyết định viết một cuốn sách về Phạm Duy. Như tôi đã nói ở đầu bài, một là để tạ ơn anh về những bài hát lịch sử mà anh đã cống hiến cho dân tộc và những bài hát mà tôi đã hát suốt từ thời niên thiếu, trẻ trung và bây giờ tóc đã bạc. Anh đã cho tôi biết bao nhiêu điều quý giá qua những dấu nhạc của anh, những lời hát vàng và những dấu nhạc xanh :

Một mùa Thu năm qua, Cách mạng tiến ra
Nước Việt bừng ngàn tiếng thanh niên tung gông phá xiềng
Đoàn người trai đi lên, miệng hô lớn
Quyết chiến! Quyết chiến! Chân oai nghiêm đều tiến...

Lúc đó anh mới 26 tuổi và tôi hãy còn là thiếu nhi nhưng tình yêu nước cỏn con của tôi đã được những bài hát của anh thổi vào những ngọn lửa thiêng dân tộc. Bây giờ anh đã già và tôi cũng không còn trẻ nữa, 1945-1994 = đúng nửa thế kỷ trong đó, lúc nào tôi cũng hát Phạm Duy, cũng nghe Phạm Duy hát và nghe người đời hát Phạm Duy. Có thể nói nửa thế kỷ nhạc Phạm Duy đầy ắp trong tôi. Do đó cuốn sách NỬA THẾ KỶ PHẠM DUY ra đời lúc này là đúng như ước muốn của tôi. Xin nhớ cho đây không phải là cuốn sách biên khảo, mà là một công việc tình cảm nhằm tạ ơn nhạc sĩ Phạm Duy.

28 tháng 2, 1994
San Antonio, TX, USA