PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Bài 5 - Bản Chất

Một Người Gia-Nã-Ðại và Nghệ Thuật của Phạm Duy - Bài 5 - Bản Chất
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)

Sáng tạo, đưa ra một cái gì đang ngủ yên trong thế giới
vô cùng của các khả thể vào trong thế giới mong manh của
các thực thể... đó phải chăng là cứu cánh tối thượng và
là cái đẹp tối thượng của mọi tác phẩm nghệ thuật.
G. Gabory.


1951, Phạm Duy, giã từ Việt Bắc, phóng thân lên đường tự do, vốn là nghệ sĩ trong mọi ý nghĩa của danh từ, vốn yêu không gian rộng lớn, chàng biết rằng nghệ thuật của mình chỉ có thể phát huy ở nơi nào mà sự tự do diễn đạt được tôn trọng, sự tự do mà thiếu nó thì không có một nghệ thuật chân chính nào có thể sống được.

Năm 1952, chàng nhạc sĩ của chúng ta -- bấy giờ cũng vừa là một người chồng trẻ -- đã vào miền Nam nước Việt. Sự nghiệp tiếp tục được xây dựng, vì thế vào các năm 1952-53 đã xuất hiện liên tiếp những bản Nụ Tầm Xuân, Tiếng Sáo Thiên Thai, Tình Hoài Hương, Lữ Hành, Thuyền Viễn Xứ, Bà Mẹ Quê, Vợ Chồng Quê, Em Bé Quê, Dạ Lai Hương, Tình Ca, Viễn Du và Hoa Xuân : một loạt tuyệt phẩm kỳ diệu mà một nghệ sĩ ba mươi tuổi cống hiến cho đồng bào. Những tuyệt phẩm mạnh mẽ và đẹp đẽ hơn mọi tác phẩm trước đây của Phạm Duy, những sản phẩm rất thuần túy và rất độc đáo của một thiên tài đã chầm chậm nhưng vững chắc tiến đến độ chín mùi. Lại cũng là những sản phẩm rất thuần túy của một con người phỉ nguyện, hân hoan về dục tình, của một con người sống an hoà với chính mình.

Trong những tác phẩm có thể nói là càng ngày càng đẹp đẽ ấy, sức mạnh đã được chế ngự kỹ hơn, diệu xảo về kỹ thuật tuy không kém xuất sắc những đã khéo hoà hợp với cốt nhạc, cái trữ tình đã trở nên thắm thiết hơn và thấm thía hơn, đài các hơn và cũng chính cống Phạm Duy hơn, nét quyến rũ của những năm 40 đã nhường chỗ cho một hạnh phúc hiền hoà và man mác, đôi khi thoáng chút siêu phàm. Dường như Phạm Duy bấy giờ đã biết rõ hơn trước về những miền lững lờ giữa cõi đất trời, nơi thích hợp với tâm hồn nghệ sĩ của chàng. Ðám quần chúng Saigon tụ hội tại rạp Thanh Bình đêm ba mươi tết năm 1954, say sưa lắng nghe Anh Ngọc lần đầu tiên cất tiếng hát bản Tình Ca, quần chúng ấy trong cơn xúc cảm chắc hẳn đã hiểu rằng chiếc sao băng của những năm 1940 đã nhanh chóng biến thành một vì sao sáng, thực ra là sáng như chưa bao giờ được trông thấy ở Việt nam.

Thản hoặc có một số người để ý đến sự phát triến cả chiều rộng lẫn chiều sâu của nghệ thuật Phạm Duy vào những năm 50, đã cho rằng sự phát triển đó chính ra là do ở việc nghệ sĩ đã vào sống ở miền Nam. Tôi không tán thành ý kiến ấy chút nào. Thực ra, cũng như nhà văn Thượng Sỹ, tôi không muốn phân biệt một Phạm Duy ngoài Bắc và một Phạm Duy trong Nam. Trước tiên là vì có nhiều ca khúc ra đời ngoài Bắc vào những năm 40 hoàn toàn xứng đáng với các bài ra đời trong Nam vào những năm 50. Hơn nữa, nếu Phạm Duy vẫn ở lại ngoài Bắc và nếu ông có thể được hưởng một sự tự do diễn đạt hoàn toàn thì có lẽ sự nghiệp của ông cũng phát triển không khác gì như ở trong Nam. Sau cùng, điều quan trọng hơn cả, là diễn trình của sự nghiệp nhạc sĩ ở trong Nam chỉ là sự tiếp tục hợp lý của diễn trình khởi đầu từ ngoài Bắc. Tôi hoàn toàn công nhận rằng không khí tự do của miền Nam là một kích thích đối với tác giả dân ca, nhưng điều chắc chắn hơn nữa là Phạm Duy, khi mới vào Nam, đã có sẵn nơi mình cái khả năng, cái cốt yếu của phát triển tương lai. Như vậy, phẩm chất, các thành tạo và cuộc diễn tiến của sự phát triển ấy là ở vấn đề thời gian, chứ không phải ở vấn đề nơi chốn.

1954 : năm này cũng không kém phong phú về các tuyệt phẩm. Phố Buồn -- ai có thể quên được bản nhạc xinh xắn, với kỹ thuật âm điệu vừa tài tình vừa kín đáo ấy ? Hẹn Hò, Bình Dân Ði Học, Thi Nhau Chăm Học và nhất là Lửa Hồng : ca khúc sau cùng này -- hình như ngày rày có phần bị quên lãng -- lại là một trong những bài biểu lộ cái đà sống thuần túy nhất thường bắt gặp nơi Phạm Duy. Cái đà sống rất thường được diễn ra bằng một nhịp điệu táo tợn và một trò đa thần giáo về âm thanh và khúc điệu như cưỡng bức lôi cuốn ta theo. Không còn ngờ vực gì nữa, một phần lớn sức quyến rũ rất đặc biệt của Phạm Duy chính là do đó mà ra. Lửa Hồng ! Ngọn lửa chạy sáng ngay trong lòng Phạm Duy, và ngọn lửa ấy vừa làm ra sức sống vừa thiêu đốt cuộc đời của chàng. Dẫu sao, thật là kỳ diệu, cái việc chàng nghệ sĩ nọ đã truyền được đà sống và ngọn lửa ấy vào những tâm hồn đáng thương của chúng ta, nhờ ở mãnh lực tài năng của chàng, nhờ ở tài sử dụng tuyệt trần những tiếng nói và âm thanh.

Mặt khác, cùng năm ấy xuất hiện bốn bản dân ca mới, tuyệt hảo, cực kỳ đẹp đẽ : Tình Nghèo, Ðố Ai, Người VềNgày Trở Về. Nét nhạc rộng lớn cũng như lời thơ đầy súc cảm ở đây đã cho thấy rằng chúng ta đang tiến nhanh tới những thiên trường ca. Sư thực thì vào năm 1954 ấy, năm mà nhạc sĩ du khảo bên Pháp, vào lúc chưa hết năm 1954 ấy, Phạm Duy đã soạn xong phần đầu của Con Ðường Cái Quan, tức là phần Từ miền Bắc. Tác phẩm lớn đã bắt đầu.

Trong những năm 1954-55, ngoài khoá giảng về nhạc học mà Phạm Duy cùng dự với Trần văn Khê -- Trần văn Khê hồi ấy là một trong những kẻ đầu tiên được nghe bản trường ca trong lúc đang còn thai nghén -- nhạc sĩ còn học dương cầm và hoà âm với ông Robert Lopez, ông này vừa cảm động vừa khâm phục trước một học trò lạ lùng đã tiếp nhận trong vòng một năm tất cả những gì mà thiên hạ phải nghiên cứu trong tám năm. Chàng nghệ sĩ của chúng ta sẽ đem sở học ứng dụng ngay vào thực hành, nhanh chóng nhất là trong việc phổ nhạc các bài thơ của Cung Trầm Tưởng sau đây : Mùa Thu Paris, Kiếp Sau, Tiễn Em, Ðường Xưa Lối Cũ, Bên Nớ Bên Ni, Chiều Ðông. Ở đây, Phạm Duy vốn là một tay hoà hợp tài tình, tạo bạo, và nhất là có linh khiếu, thí nghiệm dồn dập về nhịp điệu, khúc điệu và hoà điệu, tuy vẫn không ngừng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật.

Những ca khúc khác vào khoảng cuối năm 50 ấy -- như Xuân Thì, Chim Lồng, Tiếng Hò Miền Nam, Tơ Tình, Chiều Về Trên Sông, Thương Tình Ca, Một Ðàn Chim Nhỏ, Hò Lơ, Cho Nhau, Ðường Chiều Lá Rụng, Tình Quê, Hoa Rụng Ven Sông, Vần Thơ Sầu Rụng, Một Bàn Tay, Mộng Du, Thương Ai Nhớ Ai -- cũng đều là những bằng chứng về những tân phẩm và những thí nghiệm mà khối óc nghệ sĩ luôn luôn dào dạt của Phạm Duy tưởng chừng như vừa nghĩ ra trong lúc vừa chơi đùa.

Mặt khác, suốt trong những năm 50 ấy, nếu nghệ thuật của nhạc sĩ thêm sâu sắc thì nghệ thuật của thi sĩ cũng thêm phần sâu sắc. Vì vậy, trong các bài như Lữ Hành, Chiều Về Trên Sông, Thương Tình Ca, Tìm Nhau, Ðường Chiều Lá Rụng, Tạ Ơn Ðời, Một Bàn Tay, Xuân Hành... theo giòng năm tháng mỗi lúc một sâu sắc hơn, thi sĩ và con người lần lượt luân phiên tự hỏi mình về cuộc đời, về định mệnh, về tình yêu, về niềm đau khổ và sự chết, đôi khi tự hỏi trong dịu dàng và nhẫn nhục, bao giờ cũng tự hòi một cách chân thành và nhiệt thành. Nhưng -- điều này mới nhiều ý nghĩa -- nếu thường khi người thi sĩ ở Phạm Duy có là con người của âu lo thì người nhạc sĩ ở nơi chàng vẫn luôn luôn là con người của xác tín.

Những biến cố của khoàng cuối của những năm 50 lại có tính cách tình cảm : một mối tình mới vừa len vào trái tim bao la của Phạm Duy. Tuy nhiên lần này, người tình là một nàng tiên như nàng tiên mà nghệ sĩ chưa từng bao giờ gặp trong đời mình, một nàng tiên đã lưu giữ chàng thấm thía hơn và lâu dài hơn những kẻ khác rất nhiều (Người ta có thể tìm hiểu mối tình ấy cũng như về những mối tình khác của nhạc sĩ trong một cuốn sách của Tạ Tỵ sẽ xuất bản một ngày gần đây, cuốn sách có một nhan đề mang nhiều ý nghĩa : Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn). Và dưới vầng thái dương của mối tình này, nhiều tác phẩm đã ra đời, và mãn khai như những bông hoa quí chan chứa hương nồng, khi thì tỏa hương hạnh phúc nhẹ nhàng rồi biến đi, khi thì thơm mùi bâng khuâng rầu rĩ. Ôi, cái chất trữ tình của những ca khúc ấy thật là lớn lao, lạ lùng ! Ðó là những bài thơ của mơ mộng, của sương mù mờ đục, những nét tỏ mờ, những lời hàm ý nhiều lần lập lại mà vẫn khác nhau. Thương Tình Ca, Ngày Ðó Chúng Mình, Ðừng Xa Nhau : những giai điệu rộng mở và vươn cao như dáng thiên nga, bắt từ giọng trầm sâu thẳm và như thể một mơn trớn bất tận vươn lên những đỉnh mê mẩn tuyệt vời. Ðường Em Ði, Thú Ðau Thương, Mưa Rơi : những giai điệu yên tĩnh, nhuốm một bâng khuâng dịu dàng. Nếu Một Mai Em Sẽ Qua Ðời, Còn Gì Nữa Ðâu, Tìm Nhau : những giai điệu âu lo thấp thỏm hơn, hay bi thảm hơn. Và nhất là Kiếp Nào Có Yêu Nhau -- một trong những đỉnh cao nhất của sự nghiệp Phạm Duy. Ở đây bài thơ của Hoài Trinh đã gợi hứng cho nghệ sĩ một bản nhạc khó khăn và vĩ đại, gần như là hùng vĩ. Tính cách bi thảm vô song của bản nhạc ấy, cái luận lý, cái cảm xúc, cái đẹp vẹn toàn của khúc điệu ấy đều là những bằng chứng, nếu chúng ta cần có bằng chứng, tỏ rằng vào cuối những năm 50 nghệ thuật của Phạm Duy đã đạt tới mức tự chủ cao siêu.

Nhưng dù soạn những ca khúc ái tình, dù làm điện ảnh hay làm gì đi nữa, nghệ sĩ cũng không xao lãng công việc đã bắt đầu từ 1954. Và vào mùa xuân 1960, thiên trường ca Con Ðường Cái Quan được hoàn tất. Ðó là bản liên hợp phổ bao la nhất chí, kết quả kỳ diệu của bao năm trời làm việc và suy nghĩ sâu xa. Ðó là bản liên hợp phổ của thiên tài và nỗ lực, bản liên hợp phổ của con tim, của tình yêu. Lời hứa của thời hoa niên đã được thực hiện và thực hiện đẹp đẽ làm sao ! Cánh lưu tinh năm nào bây giờ đã thành ra một vì tuệ tinh sáng chói đặc biệt đến nỗi trong phút chốc nhiều tinh tú khác ở gần đấy hoàn toàn bị phai nhạt. Ôi, con đường lạ lùng của người con ông Phạm Duy Tốn, ''người con của đất nước'' theo lời tác giả muốn nhận, đã đi qua từ phố Hàng Cót xa xôi ngoài Hà Nội, cho đến những cuộc viễn du rực rỡ trên con đường cái quan nọ ! Ðường Ði Ðã Tới... đoạn chót của bản trường ca nói thế. Những đối với Phạm Duy, người Lữ Hành không mệt mỏi, có đôi gót chân đồng, thì đường đi chưa hết. Bây giờ, còn phải đi xa hơn nữa.


Montreal, Decembre 1970
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)
Bình luận