Bài 2 - Sự Hoàn Thiện

Một Người Gia-Nã-Ðại và Nghệ Thuật của Phạm Duy - Bài 2 - Sự Hoàn Thiện
(nguyên bản tiếng Pháp - Võ Phiến dịch)

Thật ra cuộc sống ít thực bằng nghệ thuật.
Một cuộc sống không bao giờ, không có thể là một sáng
tạo tuyệt đối (...) Trong khi nghệ thuật là một
thực tại bản nhiên, vượt ngoài thời gian,
ngoài sự may rủi, ngoài các trở lực,
không có cứu cánh nào khác hơn là chính nó.
Nghệ thuật phục thù cho cuộc sống.
L. Pirandello

canada
"Mon pays c'est la neige" (Ngạn ngữ Gia Nã Ðại)

Ở Phạm Duy, khuôn mặt của con người là khuôn mặt của một kẻ đã va chạm đến cuộc sống; còn khuôn mặt của nghệ sĩ là khuôn mặt của một kẻ đã vượt qua cuộc sống. Nếu con người ấy bản chất phức tạp, nếu con người ấy chứa đựng nhiều mâu thuẫn, thì nơi người nghệ sĩ ấy, mọi sự đều sáng tỏ, mọi sự đều được giải quyết và giải hoà. Nếu con người ấy đã không thể -- hoặc không muốn -- chế ngự một số đặc tính của mình, nếu con người ấy đã có những nhược điểm và những chỗ bất toàn, thì người nghệ sĩ đã cứu vãn tất cả, người nghệ sĩ đã tìm kiếm -- và đạt được -- sự hoàn thiện. Bởi vì nói đến khuôn mặt của người nghệ sĩ nơi Phạm Duy, là nói đến trên một sự hoàn thiện.

Hoàn thiện, trước hết, ở chỗ đã hoàn thành cuộc đời nghệ sĩ của mình. Phạm Duy sẽ không như những số phận bị tan vỡ ngay từ đầu, như những thiên tài chỉ được báo hiệu bằng những hứa hẹn, bằng dăm bản sơ thảo hoặc vài tác phẩm, như trường hợp của Rimbaud bên Pháp, Gershwin bên Mỹ hay Ðặng Thế Phong ở Việt Nam. Phạm Duy, trái lại, là một nghệ sĩ đã thành đạt đầy đủ trong phạm vi giới hạn mà ông đã tự ấn định cho mình. Nếu Phạm Duy của những năm 40 là một hứa hẹn -- và còn cần phải nhấn mạnh rằng cái hứa hẹn đó đã mang vài sự thành tựu huy hoàng -- thì Phạm Duy của những năm 50 và 60 là sự viên thành của những hứa hẹn đó. Vâng, lời hứa đã được giữ và tôi có thể nói rằng trong một số trường hợp nào đó, lời hứa đã được giữ trọn quá mức. Nhưng tôi thiết tưởng tôi nghĩ không lầm khi ước đoán rằng người thanh niên của những năm 40 ấy đã sớm cảm thấy vận mệnh của mình; và cái việc Phạm Duy đạt tới chỗ mình muốn dễ dàng và tuyệt diệu như thế, không phải là một khía cánh kém quan trọng của thiên tài Phạm Duy. Ðó là vì đến một lúc đã định, người nghệ sĩ ấy đều đưa ra cái gì tuyệt hảo của mình. Phạm Duy không làm ta thất vọng bao giờ.

Lại hoàn thiện nữa trong cái đẹp liên tục của tác phẩm. Rất nhiều lần và hơn nhiều người khác, Phạm Duy đã đạt đến cái đẹp trong chân lý, vốn là đặc điểm của những tác phẩm lớn. Trong khi ở nhiều nghệ sĩ sáng tạo khác, tuyệt phẩm là cơ hội hạn hữu hay duy nhất trong suốt một đời, thì ở Phạm Duy, tuyệt phẩm hoàn mỹ lại là chuyện thông thường và năng có. sự hợp nhất và hoà hợp của hai cái hoàn thiện ấy -- đột phát và đắn đo, tự nhiên và kềm chế, tình cảm và lý trí -- là đặc ân dành cho những nghệ sĩ trên hàng thượng thặng và có thế quân bình mạnh mẽ.

Nhưng thật sai lầm nếu cho rằng cái đẹp liên tục đó chỉ do nơi tích cách phi phàm của thiên tài Phạm Duy. Nơi con người ấy, hiển nhiên có sự thức tình thường xuyên của cảm tính, có tâm hồn và tấm lòng thường xuyên sẵn sàng đón nhận những xúc động tinh tế nhất của con người, có sự sùng bái cuộc sống vốn là chất men gây nên biết bao tác phẩm của biết bao nghệ sĩ. Yêu đương cuộc sống, cuộc sống yêu đương, hai dữ kiện đó pha trộn làm một trong Phạm Duy. Thực sự tình yêu giải thích được Phạm Duy như giải thích được một số ít nghệ sĩ. Bởi vì, không còn ngờ vực gì nữa, Phạm Duy của những tác phẩm lớn, chính là Phạm Duy của tình yêu. Chính là Phạm Duy trong tình yêu đối với Con Người và Nhân Loại, trong tình yêu đối với quê hương, với lịch sử dân tộc, là Phạm Duy trong tình yêu đối với thi ca và âm nhạc, là Phạm Duy trong tình yêu đối với Ðàn Bà, trong tình yêu đối với tình yêu, tức là Phạm Duy -- vâng, đúng thế -- trong tình yêu đối với chính mình, trong tình yêu đối với niềm vui hay nỗi buồn của mình, đối với sự cuồng nhiệt hay xúc cảm của mình. Và chính sự mở rộng trái tim mình cho tình yêu của tác giả bản Tình Ca đã giải thích mãnh lực thu hút vô song của tác phẩm ông, giải thích sự biến hoá, sự sâu sắc và sự phong phú của tác phẩm ông.

Vâng, sự phong phú của tác phẩm nơi Phạm Duy. Giữa nước Việt Nam, vì chiến tranh ly loạn, đã trở thành sa mạc nghệ thuật suốt hai mươi năm nay, đối với tôi -- và chắc chắn đối với nhiều người khác -- nhạc của Phạm Duy xuất hiện như một ốc đảo cứu nguy và đầy cây cối. Người ta đã từng nói đến những bài hát chiến tranh cách mạng hoặc giải phóng, với một lòng ái quốc vừa đáng ngờ vừa rất gắt gao ấy, nhưng nghệ thuật không dính líu gì đến tất cả những phó sản giả tạo và nhạt nhẽo của một nền văn nghệ bị chính trị hoá. Nghệ thuật lại cũng chẳng cần gì đến một thứ phó sản khác, thi tứ nhạt phèo hoặc cảm tình phóng đãng với nhạc điệu pha chất ngọt, tầm thường hoặc vô vị. Lại cũng thật là buồn vậy ! Trong những phó sản ấy, cảm hứng nghệ thuật đều vắng mặt hoặc khô cằn. Nhưng đối với tôi, vốn không phải là người Việt Nam và chưa hề đến Việt Nam, tất cả những phó sản ấy, tất cả những bài hát thoái hoá ấy, chỉ được coi như bức màn giả dối và thê thảm ở đằng sau một xứ sở bị chia xé, sinh lực bị khô cạn, một xứ sở không còn giống chính mình nữa, một xứ sở đang tự tìm kiếm mình mà chưa thực sự bắt gặp lại mình. Và tuy vậy, tôi lại yêu ngay xứ sở này, và ngày lại ngày, tôi muốn tiếp tục yêu bằng mối tình càng sâu đậm thêm lên.

Nhạc Phạm Duy đã chuyển hoá cái xô bồ bên ngoài một cách lý tưởng. Trong một xứ sở có nhiều đổ vỡ như thế, công trình đó lại xây dựng. Trong một xứ sở có nhiều chết chóc đến thế, nhạc đó ca tụng sự sống. Trong một Việt Nam nhiều oán thù và tàn nhẫn, nhiều xấu xa và gian dối như thế, nhạc Phạm Duy là công trình của tình yêu và nhân đạo, là tác phẩm của chân mỹ.

Có lẽ ở đây nên nhấn mạnh phẩm giá của lòng yêu nước nơi Phạm Duy, lòng yêu nước không bao giờ hẹp hòi, nhưng cũng là lòng yêu nước chưa bao giờ được giải thích đúng đắn. Mỗi một cơn thống khổ của đất nước đều phát sinh một tiếng kêu cứu độ. Ðối với tôi, không còn nghi ngờ gì nữa, tại Việt Nam, Phạm Duy đã là tiếng kêu đó rất nhiều. Ðối với dân tộc Lạc Hồng bị nghiền giập dường đó, Phạm Duy đã chẳng hứa hẹn sự hồi sinh đó sao ? Thơ, nhạc, là trường tồn. Có những dân tộc đã trường tồn, sẽ trường tồn nhờ ở sợi dệt vô hình đó. Nhưng cũng phải nói thêm rằng, năm tháng càng trôi qua, lòng yêu nước của Phạm Duy càng vượt khỏi giới hạn, vượt qua Việt Nam để ném mình vào thế giới và ngoài thời gian. Bởi vì càng ngày cả lòng yêu nước lẫn tác phẩm của tác giả Trường Ca càng hướng về sự giải thoát ra khỏi mọi xung đột. Phạm Duy sẽ đạt đến chỗ siêu việt ấy.

Nói về Phạm Duy nghệ sĩ cũng là còn nói đến sự hợp nhất lạ lùng của thi sĩ và nhạc sĩ trong ông. Thực ra, tôi không nghĩ rằng mình đã quá đáng khi nói rằng người này là kết quả của người kia. Tôi không dám quả quyết rằng ở Phạm Duy, người thi sĩ đã tạo hứng cho người nhạc sĩ hay người nhạc sĩ đã tạo hứng cho người thi sĩ -- bởi vì đó là một vấn đề rắc rối hơn ta tưởng -- nhưng tôi thấy rõ ràng là người này chẳng hề làm hại cho người kia. Tuy vậy, cho rằng ở Phạm Duy, thi sĩ và nhạc sĩ hoà đồng làm một, cũng là nhầm : người thi sĩ có cá tính riêng, người nhạc sĩ có cá tính riêng. Sự kết duyên của cả hai -- hôn nhân vì tình cùng với hôn nhân vì lý -- đã tạo ra Phạm Duy mà ta biết.

Cuối cùng, nói về khuôn mặt nơi người nghệ sĩ Phạm Duy là nói về sự diễn biến của một công trình sáng tạo. Sự diễn biến ấy, đối với tôi là một phương diện đáng lưu ý nhất trong toàn thể Phạm Duy, lại là phương diện mà người ta ít am hiểu và ít tán thưởng nhất. Sự diễn biến trong tác phẩm của tác giả những tâm ca là một liên tục. Liên tục nơi ông không có nghĩa là ''trùng hợp''. Sự diễn biến của sáng tạo nơi Phạm Duy đều căn cứ trên sự đổi mới. Ðổi mới không bao giờ có nghĩa là chối bỏ. Lại diễn biến nữa ở cái trữ tình của Phạm Duy, cái trữ tình, theo với thời gian, thêm thâm trầm, thêm tinh tế, sắc sảo, cái trữ tình trong nhiều lúc, suốt diễn trình sáng tạo, trở nên thoải mái, trong sáng, thanh thoát. Ai dám bảo rằng con người đã tạo nên hạt kim cương đẹp đẽ sẫm màu, chứa chất một nhiệt tình sôi nổi như bản Dạ Lai Hương hồi 1953, lại vẫn là con người đã tạo ra cái tuyệt phẩm có nhiệt tình sáng sủa và thanh thoát với nhịp điệu mới mẻ và óng ánh như bản Mùa Xuân Yêu Em vào năm 1965 ? Ai dám bảo con người đã từng viết nên bài hợp phổ vui tươi và nhẹ nhàng với cảm hứng mịn màng vô song như Em Bé Quê lại có thể viết ra bản hợp phổ với sự cao thượng rất não nùng thê lương là Tiếng Hát To ? Ai dám nghĩ rằng sau khi đã biết sự phong phú của Tiếng Sáo Thiên ThaiTình Hoài Hương, lại còn có ngày chúng ta được biết cái xác xơ của Bà Mẹ Phù SaKể Chuyện Ði Xa ? Phạm Duy thật lạ lùng ! Nghìn lẻ một khuôn mặt của nghệ sĩ, nghìn lẻ một khuôn mặt của tác phẩm.

Tôi nói đến nhiều chỗ hoàn thiện của Phạm Duy -- những chỗ hoàn thiện ấy sẽ được cứu xét với nhiều chi tiết trong các bài kế tiếp -- nhưng như vậy phải chăng công trình sáng tác ấy lúc nào cũng luôn luôn đứng ở những đỉnh cheo leo của sự hoàn thiện ? Như vậy phải chăng công trình ấy chưa bao giờ biết đến nhược điểm và tì vết ? Chắc chắn là không phải như vậy, và điều ngược lại sẽ trở thành kỳ dị. Những ca khúc mà phần nhạc hay phần thơ chưa thành công ngay, hay kém hấp dẫn, vẫn có trong Phạm Duy nhưng hiếm hoi. Tôi là người đã biết gần 3 phần 4 nhạc phẩm Phạm Duy, tôi thú thực chưa gặp một bài nào hoàn toàn hỏng, một nhạc tác nào có thể coi như một thất bại hoàn toàn. Bao giờ cũng có một nét nào đó trong phần thơ hay phần nhạc, để cứu vãn ca khúc ra khỏi sự tầm thường hay sự bất thành toàn bộ.

Thực ra, vài bản yếu kém ấy của Phạm Duy chỉ mới ra đời mấy năm nay. Nhưng cần phải nói đến những bản đó với tất cả sự nhận thức có thể có. Từ sáu bảy năm nay, một phần của diễn trình sáng tạo của Phạm Duy rất là xuất sắc khiến cho tôi thán phục. Diễn trình đó hướng đến sự tạo thành những tuyệt phẩm hoàn mỹ như Trường Ca Mẹ Việt Nam, như nhiều bản tâm ca, như những ca khúc Mùa Xuân Yêu Em, Kỷ Niệm, Bà Mẹ Phù Sa, Tôi Ðang Mơ Giấc Mộng Dài, Khi Tôi Về, Ngày Sẽ Tới, Mùa Thu Chết và mấy bài khác... Ðồng thời, một phần của diễn trình sáng tạo của Phạm Duy tỏ ra xoay hướng và thiếu giá trị cao : tôi muốn nói đến một vài bài hát như Sức Mấy Mà Buồn thuộc loại vỉa hè ca và những bài thuộc loại khác... Nhân nói đến vỉa hè ca, tôi muốn ghi nhận điểm này : cái khuyết điểm duy nhất của những bài hát ấy là chúng thử hát lên một kiểu vui vẻ vốn không tự nhiên đối với Phạm Duy. (Trong những bài khác, chúng ta sẽ xét xem lối vui vẻ nào thích hợp với Phạm Duy nhất). Nhưng như thế thì làm sao cắt nghĩa được nhược điểm hay sự kém thành công của những bài không thuộc loại vỉa hè ca ấy ? Ðấy là vì Phạm Duy hiện nay là một người có nhiều nỗi chua chát. Chúng ta đừng ngạc nhiên rằng đã có sự mất mát về phần con người để đánh đối lấy sự hoàn thiện về phía người nghệ sĩ : sự kiện đã được chứng nghiệm nơi nhiều nghệ sĩ khác. Ðấy là vì Phạm Duy hiện là người mang nặng kinh nghiệm thế nhân, hơn nữa là người có phần mệt mỏi. Sự mệt mỏi ấy, ngoài ra, dễ dàng được nhận thấy nơi người nhạc sĩ hơn nơi người thi sĩ bởi vì người nhạc sĩ nơi Phạm Duy không thể giấu giếm những gì người thi sĩ có thể che giấu phần nào. Trên đây tôi đã viết ''Phạm Duy của tình yêu'', câu ấy giải thích được -- gián tiếp và phần nào -- lý do yếu kém của một số tác phẩm trong những năm gần đây...

Tuy vậy, vốn yêu Phạm Duy, chúng ta khó lòng chấp nhận một ngọn bút đã vẽ biết bao nhiều bích họa lớn và họa phẩm toàn hảo, bây giờ lại có thể đưa ra đây đó một vài phác họa dù vẫn hấp dẫn nhưng giá trị nghệ thuật kém vững vàng. Con người, trong 25 trời, đã khiến chúng ta quen thuộc với phong cách cao siêu của toàn bộ tác phẩm, ngày nay chúng ta khó lòng nhìn ông thử thách, dù ít ỏng, đi vào dễ dãi. Tuy nhiên... Tuy nhiên, Phạm Duy có lẽ hơn ai hết có quyền giác tỉnh ảo tưởng, có quyền thất vọng, mệt mỏi. Và chúng ta không nên quá đòi hỏi ở con người ấy phải là một anh hùng, một người anh hùng cho đến khi tận lực, cho đến khi tim ngừng đập, nhất là chúng ta nên giữ mình đừng xét xử quá nghiêm khắc Phạm Duy vì vài tác phẩm chưa hoàn toàn thành công. Vả lại, ai mà không có nhược điểm nhỉ ? Nhiều nhạc sĩ khác, cũng lớn như Phạm Duy, cũng có nhược điểm, và nhược điểm tệ hơn nhiều. Vâng, vì bao nhiều lần Phạm Duy đã khiến cho chúng ta thán phúc về tích cách hoàn thiện và phong cách cao siêu của các nhạc phẩm, vì bao nhiêu lần người nghệ sĩ ấy đã đưa chúng ta sát cõi trời bằng nguồn cảm hứng tuyệt vời của ông, vì đó, chúng ta phải tha thứ những đôi ba lần ông ta nhè nhẹ dấu đi chút thiên tài. Vả lại, tác phẩm Phạm Duy, dù sao đi nữa, vẫn là một công trình có mức độ giá trị cao.

Tôi tin rằng Phạm Duy sẽ hồi phục sau những ngang trái của định mệnh và ông ấy sẽ tìm lại cái chân lý nghệ sĩ. Không hề nghĩ như vài người nào đó, rằng sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy đã tới hồi kết thúc -- những kẻ ấy thật là đui mù -- tôi tin tưởng một cách sâu xa rằng, trái lại, người nghệ sĩ vô song ấy sẽ cống hiến chúng ta những công trình vượt trội hơn nữa. Và có nguyên nhân : trong đêm dài Việt Nam này, ngọn hải đăng lớn của Phạm Duy, đối với chúng ta, hơn bao giờ hết, rất là cần thiết để chúng ta yên tâm vững dạ. Chúng ta cần đến người đó biết bao, để làm bừng lên trong cõi lòng chúng ta, ngọn lửa lay lắt của hy vọng, của một niềm hy vọng ấy.


Montreal, Septembre 1970
Georges Etienne Gauthier
Võ Phiến dịch
(Tạp chí Bách Khoa 1970-1972)