PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Phạm Duy và bài “Kỷ Niệm”

Dương Tấn Sơn
3/9/2016



Buổi sáng 05/8/2003, trời Sài gòn có vẽ dịu hơn mấy hôm trước nhưng vẫn còn rất nóng. Sau khi thăm một vài đối tác tôi ghé tiệm CD Thanh Nhân đường Nguyễn Huệ để lấy một vài đĩa Jazz. Lúc ấy anh Phong Quang chủ tiệm đang đứng tại quầy. Tôi tiến tới chào anh và hỏi thăm về bác Phạm Duy, không ngờ anh rất vui vẻ tiết lộ rằng bác Phạm Duy đang có mặt tại Sài Gòn, sau đó anh cho tôi một vài thông tin để liên hệ. Trên đường về tôi mông lung với những ký ức ít ỏi về người nhạc sĩ xuất chúng này, nhưng thú thực tôi không có ý định gặp bác, mà nghĩ là sẽ báo lại cho vài người thân ở Hội quán hội ngộ biết – thế thôi. Về công ty, tôi chợt tự hỏi “cứ gọi bác xem sao?” Thế là tôi gọi số 8241137- khách sạn Chương Hoàng Yến. Tôi hồi hộp chờ. Từ đầu dây bên kia tôi nghe một giọng nói rất mạnh mẽ: – vâng tôi nghe đây, một chút bỡ ngỡ tôi hỏi lại: “có phải bác Phạm Duy không ạ?” (vì không nghĩ là bác còn khỏe như vậy) “Vâng tôi đây” – Bác trả lời, rồi hỏi lại: “Có phải anh Dũng không?” Có lẽ bác nhầm tôi với ai đó. Tôi trấn tĩnh và trả lời rằng – tôi chỉ là một người hâm mộ bác và muốn gặp để cho bác xem một cuốn sách cũ mà tôi sưu tầm được. Bác vui vẽ nói rằng “còn gì bằng” – một cách nói quen thuộc của bác trong các chương trình Thúy Nga và bác hẹn tôi chiều đến khách sạn. Vừa xong việc, tôi về nhà mời bà xã cùng đi, suốt đoạn đường tôi chỉ lo rằng bác sẽ đi đâu đó vì người hâm mộ bác thì nhiều vô số kể.

Khách sạn Chương Hoàng Yến toạ lạc trên đường Thái Văn Lung sau công ty điện lực Thành Phố. Một toà nhà tư nhân khá cao, mang kiến trúc hơi cổ. Tôi bước vội đến một cô tiếp tân và cô cho hay bác ấy đang chờ anh ở phòng 202, tôi mừng thầm và càng thêm hồi hộp. Chiếc thang máy chậm rãi mở cửa, vừa đến phòng 202 tôi đã thấy cửa mở sẵn, chưa kịp gõ cửa thì một giọng nói như thúc giục “vào đi”. Trước mắt tôi một cụ già trong bộ bà ba màu lam, tóc bạc phơ, tươi cười chào hỏi “mời anh chị vào, xin lỗi tưởng chỉ có anh nên phòng hơi bề bộn, tôi mới đi về”. Tôi nín lặng không biết nói gì, chỉ trộm nhìn bác và ngồi xuống ghế. Tuy có chút hao gầy nhưng trông bác vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn lắm. Sau ít phút xã giao và giới thiệu cho bác an tâm, tôi hỏi bác đi về cùng ai. Bác cho hay là về cùng 2 người con là anh Duy Quang và một người con khác đang ở phòng 203 (anh Duy Quang đang xin giấy phép hát ở VN trong thời gian tới). Không khí có vẻ gần gũi hơn, tôi mạnh dạn bày tỏ rằng – bác là thần tượng của tôi, sau lần gặp đầu tiên ngắn ngủi tại hội quán hội ngộ, nơi tưởng niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong đêm tình ca, vì đông quá nên không kịp chuyện trò gì với bác. Một thời gian sau nghe tin bác bệnh nặng, tôi nghĩ chắc không bao giờ được gặp bác nữa. Bác thấp giọng kể rằng: “Lúc ấy bác bệnh nặng lắm, xuống khoảng 40 pound (khoảng muời mấy kỷ).Gia đình, người thân tưởng rằng bác sẽ không qua khỏi. Bạn bè và giới nghệ sĩ hải ngoại vội vàng tổ chức lễ vinh danh cho bác, chương trình tổ chức trong 6 đêm, trong đó bác đã cố gắng hát cùng Thái Thanh vài bài mà theo bác thì bác hát không còn hay như xưa nữa, nhưng cũng cố gắng.Thế rồi, không lâu sau đó bác đã khỏe lại và bác đã có mặt ở Việt nam.

Như đã hứa, tôi cho bác xem cuốn sách “Luận về dân ca Việt nam” do chính bác là tác giả. Bác xúc động lắm, trông cuốn sách đã cũ lắm rồi, thời điểm mà bác chấp bút cho nó thì tôi chưa sinh ra – đó là những năm đầu của thập niên 60, thời kỳ của binh biến triền miên, còn bác thì rong ruổi đó đây để có tư liệu viết. Rồi tôi hỏi thăm về chuyện gia đình, thoáng chút buồn bác tâm sự “bác gái mất cách đây 4 năm, hôm nay chính là ngày giỗ. Bác có 8 người con 5 trai và 3 gái, chỉ có chị Thái Hiền là chưa có chồng, sống hơi cô độc, bác thấy tội nghiệp cho nó nhưng thôi vậy cũng tốt. Duy cường là người rất gần bác, cùng với bác thực hiện nhiều chương trình như rong ca, thiền ca, minh hoạ Kiều… Anh Duy Quang năm nay đã 53 tuổi, con lớn của anh đã 30 tuổi, anh dự định về Việt Nam hoạt động văn nghệ”. Ðiều mà bác tâm đắc nhất là đã tìm ra gia phả. Bác là đời thứ 16 của dòng họ Phạm Duy. Bác là Phạm Duy Cẩn, anh ruột là Phạm Duy Khiêm – nguyên Ðại sứ Việt Nam tại Pháp, con của Ông Phạm Duy Tốn. Chuyến đi này bác có thăm Lào Cai – nơi bác đã cho ra đời bài “Bên cầu biên giới” bất hủ. Bác có đi chùa Hương và thấy tội nghiệp cho cô lái đò vất vả cả buổi trời mà chỉ được có 2 đô la. Còn nữa, chủ nhật này bác sẽ đi miền tây và xuống Cà Mau, có lẽ bác muốn nhìn lại “con đường cái quan” từ mũi Cà Mau cho tới điạ đầu Móng Cái, lần cuối.

Câu chuyện cứ miên man từ chuyện này sang chuyện khác. Bà xã tôi ngồi bên cạnh say sưa lắng nghe, thỉnh thoảng khẽ gật đầu tâm đắc. Có lẽ nàng cũng hâm mộ bác Phạm Duy như tôi vì cũng phần nào yêu tôi qua bài ” Ngậm ngùi” của Phạm Duy – Thơ Huy Cận. Chơt nghĩ về điều này tôi hỏi bác chuyến này về có gặp bác Huy Cận không. Bác trả lời “có chứ, gặp khoảng 3 lần, ông ấy bây giờ còn máu lắm, không những đã “lửa thiêng” mà còn cả lữa thiêu nữa” bác cười xòa đắc ý với cách ví von như vậy. Ngừng một chốc bác trầm tư “Việt Nam bây giờ đô thị hoá nhiều quá, con người không còn tịnh để nghe và thưởng thức nhạc thực sự, và Sài gòn không có những nơi như bên tây gọi là “chổ thưởng thức nhạc”, những người yêu nhạc đến đó chỉ để thưởng thức nhạc. Bác nói đúng, cuộc sống bây giớ nhanh quá, người ta đến phòng trà vì nhiều lý do chứ không phải vì nhạc. Từ của sổ phòng bác, tôi thấy khách sạn Caravelle, Ocean Place rất gần, bên dưới dòng người , xe cộ nườm nượp. Tôi có cảm tưởng là con đường đang chạy, chứ không phải người đi.

Tôi chạnh lòng hỏi bác rằng Việt Nam lúc này có giống lúc bác sáng tác bài Kỷ Niệm không. Hình như bác chưa hiểu ý tôi, tôi giải thích rằng trong chương trình Thuý nga trước đây bác có nói ” chán chường trước sức mạnh của đồng đô la đã tha hoá mọi người, bác muốn rơi vào những kỷ niệm tuổi thơ, muốn sống lại một cuộc đời dung dị, mộc mạc nhưng rất đẹp và đầy bản ngã.” Chợt như nhớ ra điều tôi nói, bác cười rất tươi như thông cảm và bảo rằng ” hình như tôi có nói như vậy, nhưng thú thực ý nghĩa sâu xa của bài hát này những người nghệ sĩ chân chính cuối cùng rồi cũng sẽ tìm về với những giá trị đích thực của chân – thiện – mỹ như tác giả của câu chuyện Hoàng tử bé của Pháp đã từng viết.

Kỷ Niệm - Thái Hiền trình bày


Với riêng tôi bài Kỷ niệm Nha Trang ngày về là hai bài tôi yêu mến nhất trong tài sản đồ sộ nhạc Phạm Duy, có lẽ vì từ đó  mà tôi biết Phạm Duy. Tôi có tâm sự với bác rằng dường như bác viết Kỹ niệm là cho quê cháu, cái quê Ninh Hoà nhỏ bé nhưng thật đẹp, thật êm đềm, nữa quê nữa tỉnh, cũng đồng luá, cũng phố thị, cũng sân ga, cũng luỹ tre làng và còn nưã là những đứa con tha hương nhớ quê. Ta thử lắng nghe “…cho tôi lại một chiều, tôi đi giữa đường quê, hai bên là hương lúa, xa xa là ngọn tre, thấp thoáng vài con nghé, tôi mê trời mây tía, không nghe mẹ gọi về…” Nghe tôi hát khẻ bác rất chăm chú vì hình như tôi đã chạm vào một phần rất nhỏ của cõi tâm linh ngút ngàn của bác. Ðúng vậy, lần này về bác đã về lại chốn cũ từ những Gio Linh đến U Minh, từ nương chiều xa xăm đến con đường Duy Tân cây dài bóng mát. Phải chăng đây là lần cuối, bác muốn đi trong kỹ niệm tại quê nhà với ước mơ “cho tôi đi lại từ đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ thơ ấu…” Mắt bác nhìn xa xăm ra ngoài cửa sổ, chiều đã xuống lúc nào không hay, gió từ sông Sài Gòn thổi mạnh, vờn trên những chiếc là vàng thoi thóp trong nắng chiều rực rỡ. Người từ trăm năm về qua sông rộng, ta ngoắc mòn tay, ta ngoắc mòn tay.


Dương Tấn Sơn


Nguồn: http://thoibao.com/pham-duy-va-bai-ky-niem/
Bình luận