'Nhạc sĩ Phạm Duy đã phù hộ cho tôi hát hay hơn!...'

7/8/2014

Khi chuẩn bị phát hành CD Tình yêu tỏa sáng vào trung tuần tháng 7.2014 lòng tôi nôn nao nhiều kỷ niệm vui buồn, trong đó có kỷ niệm tôi nhớ về ông, người nhạc sĩ tài ba Phạm Duy. Trong CD mới nhất này của tôi có thu hai ca khúc của ông.


Nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Khánh Loan - Ảnh: Đông Dương

Tôi may mắn là một trong ít những ca sĩ được gặp nhạc sĩ Phạm Duy khi ông về nước vào giai đoạn cuối đời. Tuy về Sài Gòn nhưng ông rất ít khi ra ngoài có lẽ do tuổi cao cộng với rất nhiều dự định sáng tác mà ông đặt ra phải làm. Khối lượng công việc đồ sộ đến nỗi tôi nghĩ một ngày nếu ông phải làm hết những gì theo kế hoạch đặt ra là đã cạn thời gian. Ví như ông phổ loạt bài thơ của các nhà thơ lớn như: Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Phạm Hầu... những thi sĩ gần như là đồng thời, cùng thời với ông. Chỉ có ông mới hiểu được thế giới và tâm hồn họ. Khi rõ ràng thời gian đã làm thay đổi gương mặt thời đại. Nếp nghĩ, nếp cảm về cuộc sống đã khác. Nếu ông không làm việc đó chắc sẽ khó có nghệ sĩ nào thay thế nổi!.

Tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy qua nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Anh là người giới thiệu và đưa tôi đến chơi với ông. Phạm Duy nói "có một thời tôi phổ rất nhiều thơ. Đó là thơ của các tác giả Nguyễn Tất Nhiên, Linh Phương, Vũ Hữu Định... Tôi tìm thấy trong thơ những thi tứ mong manh và bất ngờ để mình cảm hứng làm nhạc...".

Về cuối đời, Phạm Duy như trở về trạng thái đó. Ông nôn nả đuổi bắt với thời gian để tiếp tục phổ thơ của người cùng thời. Có lẽ ông linh cảm được sự đi xa và muốn cho nhân thế hiểu thêm về họ. Những bài thơ nhạc sĩ Phạm Duy phổ giai đoạn này nổi tiếng bậc nhất trong làng Thi ca Việt Nam hiện đại nhưng cực khó. Ví như sự trúc trắc vần điệu của các bài Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Tây Tiến (Quang Dũng), Tinh huyết (Bích Khê) ... cùng nhiều bài khác.

Thật may mắn trong lần đến chơi với nhạc sĩ tôi được nghe ông hát ca khúc Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm. Ông như giữ được tinh thần bài thơ. Nhiều câu hay nhưng khó hiểu đối với cảm nhận của tôi đã được giữ lại như các câu: "Ai có về bên kia sông Đuống / Cho ta gửi tấm the đen" hoặc "xót xa như rụng bàn tay". Tôi càng kính phục tài năng của ông và nghĩ chắc cả đời mình chỉ tìm hiểu về âm nhạc và ca từ Phạm Duy thôi cũng không đủ, chứ đừng nói gì dám mơ hát nhạc của ông!

Nói chuyện hát nhạc Phạm Duy lại nhớ đến chuyện ông đã giúp tôi tìm lại sở trường và giọng hát chính mình trong thời điểm khó định hướng khi ca sĩ chìm ngập trong dòng nhạc thị trường chen lấn và xô bồ như hiện nay.

Đó cũng là thời gian khó quên. Những ngày tôi phát hành album vol.2 Bắt đầu lại thôi. Tôi rất muốn chia sẻ niềm vui này với bạn bè nghệ sĩ đặc biệt là các nhạc sĩ đi trước để học hỏi thêm kinh nghiệm.

Về Sài Gòn, ông ở trong biệt thự khang trang nằm trên một con hẻm lớn đường Lê Đại Hành – Quận 11. Ông vui vẻ xuống tiếp chúng tôi trong bộ bà ba màu sáng, bằng nụ cười hiền hậu, có chút tinh anh và lãng tử!. Và tôi ấn tượng nhất là mái tóc bạc phơ của ông. Một màu bạc mà đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là tóc của một vị tiên.

Khi nghe giới thiệu về tôi, ông mỉm cười rồi bảo: "Nhìn mặt con rất sáng! Có chất nghệ sĩ đấy!... Thế con thường hát nhạc thể loại nào?". Tôi e ngại kính tặng ông đĩa CD Bắt đầu lại thôi và trả lời ấp úng: -"Dạ! Cháu hát đủ thứ...". Ông cười: "Bắt đầu thì người đi hát nào cũng phải như vậy! Nhưng để trở thành ca sĩ phải tìm được chất giọng riêng biệt của mình mới phát triển được con à...".

Lời ông nói ngắn mà tôi nghiệm ra rất thấm thía!. Đó cũng là bài vỡ lòng ông đã dạy tôi. Một lần ông hỏi: "Thế có bao giờ con nghĩ sẽ hát nhạc của ông không?".

Thật tình cho đến lúc ấy tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ hát nhạc của ông. Vì ông là cây cao bóng cả!. Lớp trẻ chỉ có thể kính nhi viễn chi! Đứng xa nhìn lại! Và nữa, lớp trẻ chúng tôi bây giờ mải mê hát nhạc trẻ, nhạc thị trường để dễ dàng đi show và kiếm tiền.

Ông cười, bảo tiếp: -"Thế thì ngay bây giờ con thử tập hát một bài của ông xem nào?... ". Tôi gật đầu: "-Dạ, vâng"! Nhưng hình như cũng chẳng nghĩ sẽ hát nhạc Phạm Duy vì quá khó với tôi!. Đó là dòng nhạc sang và đẳng cấp không phải ca sĩ nào muốn cũng có thể tiếp cận được!.

Và thật may mắn từ chính gợi ý đó, Phạm Duy đã nói chuyện với tôi sâu hơn về cách hát, cách diễn xuất một bài hát. Tôi say mê ngồi nghe ông nói. Phạm Duy nói tinh thần một bài hát nằm ở đâu? Khi phổ nhạc một bài thơ thi sĩ và người nhạc sĩ đồng cảm như thế nào và vai trò của ca sĩ đứng ở đâu để thể hiện?. Những câu chuyện "bí kíp" về nghề tưởng khó nhận ra đã được ông dùng cách diễn đạt hóm hỉnh rất dễ nắm bắt. Vì thế, những buổi trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Duy đã giúp tôi hiểu biết được nhiều hơn những điều vô cùng gần gũi và quý báu. Tôi nghĩ mình đã may mắn khi được ông truyền "bí kíp" hiểu theo nghĩa nào đó!.

Tôi đã quyết định chọn hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy là Nghìn trùng xa cáchHẹn hò trong CD mới Tình yêu tỏa sáng sẽ phát hành vào trung tuần tháng 8 này. Chỉ buồn khi tôi thu âm hai ca khúc này nhạc sĩ đã qua đời. Ông đã không được nghe và chứng kiến sự cố gắng của tôi. Trong buổi thu bài hát, tôi khấn nguyện ông linh thiêng thì giúp tôi thực hiện hát thành công những ca khúc của ông. Thật bất ngờ. Tôi như thấy ông trở về với mái tóc bạc bồng bềnh nghệ sĩ và nụ cười hóm hỉnh, đôn hậu. Và tim tôi như tuôn trào nguồn cảm xúc mới đầy nội lực để tiếng hát của tôi vút cao. Mọi anh em ở phòng thu đều bất ngờ vì tiếng hát của tôi. Chúng tôi đã có những bản ghi thành công ngoài dự kiến. Hơn ai hết, tôi tin ông đã trở về để nâng đỡ tiếng hát tôi!...


Với tôi, chứng nghiệm được điều đó là hạnh phúc. Có những niềm tin chỉ cần chính bạn biết là đủ. Không cần phải lý giải. Khi những người khác thấy bạn hay hơn, thành công hơn thì điều đó bắt đầu từ chính niềm tin vào sự nỗ lực tối đa và tới cùng của chính bạn. Và chỉ có bạn mới biết được những điều tốt lành đó từ đâu đến và đã xảy ra vì sao? Khi hát nhạc Phạm Duy, tôi luôn cầu nguyện ông cho tiếng hát của mình...


Khánh Loan

Nguồn: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri/ca-nhac/ca-si-khanh-loan-nhac-si-pham-duy-da-phu-ho-cho-toi-hat-hay-hon-92814.html