Một Mẹ Trăm Con

Cô Gái Đồ Long
28.1.2013

Nhiều lời than tiếc cho ông, lẽ dĩ nhiên phải thế. Hay bàn về tài năng và những thị phi trong đời sống riêng tư của ông..vv...vv...giờ cũng bằng thừa. Ông đã sống một cuộc đời theo cách riêng của mình. Ra đi là chấm dứt, nhưng những gì ông tạo ra trong gần một thế kỷ sống của mình, sẽ mãi mãi ở lại. Ông từng có ước mơ, rằng trước khi chết được nghe những tổ khúc của mình trên sân khấu Việt Nam. Điều đó vẫn chưa thành sự thật. Duy có chút an ủi, cách đây đúng một tuần, 8 ca khúc trong chuỗi 10 bài Đạo ca của ông phổ từ thơ của Phạm Thiên Thư đã được Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL cấp phép phổ biến. Mọi thứ từ từ đang được nới ra dần, hy vọng ở trên kia ông sẽ mỉm cười. Ai sống ở TP.HCM có thế viếng ông tại tư gia số 349/126 Lê Đại Hành P.13. Q. 11. Lễ nhập quan lúc 9h sáng mai 28.1 và động quan lúc 06h ngày 3.2 (nhằm ngày 23 đưa ông Táo về trời). Mai táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương.
......
.......................

Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu trong live show Mơ Giấc Mộng Dài 17.7.2010
Nhạc sĩ Phạm Duy phát biểu trong live show Mơ Giấc Mộng Dài 17.7.2010

Post lại note "Nhạy cảm" - viết trước một liveshow Phạm Duy.

"Trong phạm vi nào đó, âm nhạc và chính trị là hai phạm trù đối kháng với nhiều cá nhân coi âm nhạc đơn giản chỉ vị nghệ thuật và không – với những người dùng các sáng tác để ca tụng chế độ mình phục vụ hay bày tỏ chính kiến, quan điểm, tâm trạng về thời cuộc. Và như thế, Phạm Duy là một trường hợp mà hầu như ai cũng tỏ tường lý lịch và không nhất thiết phải mổ xẻ thêm nữa. Ở đây chỉ đề cập tới vài chuyện trong những năm gần đây khi ông quay về.

Phàm làm người, nhất là một nhân vật văn nghệ đặc biệt như Phạm Duy thì chuyện bỏ đi rồi lại quay về rất có nhiều cái dở nếu bàn về lập trường và quan điểm sống. Ở vào thời điểm tháng 5/2005, khi ông chính thức định cư Việt Nam sau 30 năm tha hương, hầu hết các báo đều hết lời ca tụng, tâng bốc Phạm Duy lên tận mây xanh. Người ta nhắc ông như người bạn thân thiết với nhạc sĩ "Quốc ca" Văn Cao và cùng Văn Cao sáng tác nhiều ca khúc trong thời kháng chiến chống Pháp, người ta khẳng định chắc nịch lần nữa rằng ông chính là một trong những cây đại thụ hiếm hoi còn lại của nền tân nhạc Việt Nam. Người ta cũng chỉ nói me mé rằng Phạm Duy đã sáng tác gần 1.000 ca khúc nói lên niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, tủi nhục của người Việt trong suốt các thời kỳ sôi động nhất của lịch sử và lờ đi những chuyện phản phé, cũng như tư tưởng chống Cộng công khai của ông trước đây.

Báo chí Việt Nam đã làm đúng vai trò và trách nhiệm của mình, trong xu thế cởi mở xem sự kiện Phạm Duy là động thái lên dây cót cho nhiều Việt kiều vứt bỏ e ngại quay về, ông đã trở thành nhịp cầu nối quê hương với người Việt xa xứ. Nếu nói theo cách khác, khá cao chiêu rằng: Phạm Duy đã trở thành con bài cho việc vận động kiều bào và là điển hình hoàn hảo của chính sách hòa hợp dân tộc. Trong suốt 5 năm qua, nếu theo dõi sẽ thấy có 100 bài hát, 8 album cùng nhiều sách của Phạm Duy đã được cấp phép, in ấn đẹp mắt xuất bản đến với công chúng, không bỏ bèn gì đối với gia tài âm nhạc cả ngàn ca khúc của ông. Nhưng, thật là chẳng nên mơ mộng thêm điều gì nếu nhìn qua vài nhân vật cũng khá đặc biệt khác như Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Vũ Thành An – 10 bài Không tên hiện vẫn chưa được phép lưu hành, cho dù nhạc sĩ này nghe đâu đã bỏ đời đi tu. Công lao đó không thể không nói tới Phương Nam Phim, nơi độc quyền khai thác các sản phẩm trí tuệ của Phạm Duy; với những live show hoành tráng và nhiều mỹ cảm thực hiện tại Sài Gòn - Hà Nội như Ngày trở về, Con đường tình ta đi...trong đó có chương trình còn được giải thưởng Cống hiến.

Ngày nào còn ngồi rung đùi nheo mắt ngắm nắng ở Mỹ có lẽ Phạm Duy cũng chẳng thể mơ được nhiều đến như thế! Phạm Duy còn có nhiều trường ca và tổ khúc viết trong 30 năm nay, ông thường ước ao giá được phổ biến nữa thì còn gì bằng. Mới tháng trước, Phạm Duy tự thực hiện tổ khúc Bên kia sông Đuống để tặng nhà thơ Hoàng Cầm khi bạn già này từ giã thế gian. Ông nhờ Mỹ Linh hát và Duy Cường hòa âm phối khí, xong mang tặng cho gia đình Hoàng Cầm ...để lên bàn thờ. Kiểu này gọi là đĩa lậu đấy! Khi kể xong chuyện, Phạm Duy còn bảo rằng nếu trước khi ông ra đi như Hoàng Cầm mà nghe được những tổ khúc của mình được công bố rộng rãi trên sân khấu thì đời mới thật mãn nguyện lắm lắm.

Nhưng mà làm người chẳng nên tham lam quá!

Hôm rồi gặp, nghe Phạm Duy tâm sự: "Tôi ngày nào cũng đi bộ 3 tiếng đấy. Khỏe ra lại ăn được nhiều, cô giúp việc nhà nấu ngon lắm. Hiện Duy Minh đang sống với tôi, bố con chuyện trò rất hiểu ý nhau nên tinh thần cũng thoải mái. Buồn thì đi gặp vài người bạn khề khà thôi cũng hết buổi. Lâu rồi tôi không đi qua Mỹ nữa, năm ngoái chỉ sang để chữa bệnh đau ruột, mãn tính chữa mãi không khỏi nên thôi giờ không đi nữa. Tôi đã về Việt Nam 5 năm rồi, đây là nơi cuối cùng tôi chọn để ở và chết, không ưng đi đâu cả...". Ở tuổi 91 coi như vậy cũng đã bằng an!

Nhưng đó là chuyện cá nhân ông, còn người làm kinh doanh – Công ty Phương Nam (PNF), lại không có lệ an phận như vậy, nhất là khi đã bỏ nhiều công sức và tiền bạc để Phạm Duy được đường hoàng trở về. Trong chừng thời gian đó là live show, các ấn phẩm sách báo rồi băng đĩa...cứ mỗi lần ra mắt, muốn bán vé bán đĩa bán sách thì phải PR, tiếp thị, phải lên báo đánh trống khua chiêng la làng để người ta còn biết đường mà mua hàng. Nếu theo dõi báo chí trong nước, sẽ không khó nhận ra. Ngoại trừ vài tờ báo lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ có những mối quan hệ thân thiết với PNF thì các đầu báo mang tính định hướng chính trị - xã hội cao như SGGP, Nhân Dân, Công An sau khi ồn ào với sự kiện "Trở về" của Phạm Duy đã không còn đăng tải tin, bài về ông nữa. Mọi sự không tự nhiên mà như thế!

Còn nhớ sau liveshow "Ngày trở về" tôi có bài review trên một trong những tờ báo đó và kết quả là ban biên tập đã được cấp trên gọi xuống cảnh cáo. Lần khác, khi siêu bão Chanchu tàn phá miền Trung, phòng trà Văn Nghệ có kết hợp với báo Công An TP. tổ chức show "Phạm Duy – Về miền Trung" để quyên góp tiền gửi cho nạn nhân lũ lụt. Thế nhưng giờ chót đã phải tháo băng rôn và gỡ tên báo ra vì có lệnh xuống là không được nhắc nhở gì tới Phạm Duy nữa, muốn tổ chức hát hò gì cứ âm thầm mà làm.

Nói như giọng hằn học của ông NSND Trọng Bằng: "Bàn đến Phạm Duy những người chân chính ở Việt Nam đã biết cả rồi, biết Phạm Duy như thế nào trong quá khứ, Phạm Duy có cái gì tốt, cái gì chưa tốt, bản chất của Phạm Duy và giá trị thật âm nhạc của anh người nghe đều hiểu cả. Sự trở về của Phạm Duy là sự ưu ái của Đảng và Nhà nước, sự rộng lượng của nhân dân ta, nên đừng đặt mình ở vị trí cao, cứ nên im lặng mà làm việc thôi. Có những tác phẩm anh sáng tác đầu kháng chiển rất tốt, bây giờ Cục biểu diễn người ta khuyến khích cho phép anh trở về biểu diễn, thì cứ thế mà cống hiến thôi. Dư luận chúng ta hơi dễ dãi và nhẹ dạ. Nhưng vấn đề là Phạm Duy phải tỉnh táo. Vì ông hoàn toàn hiểu ông là ai, quá khứ đối với dân tộc của Phạm Duy là một tội lỗi. Ông không thể so sánh ông với bất cứ một nhạc sỹ nào đã tham gia cách mạng, vì thế ông không thể nào so sánh với nhạc sỹ Văn Cao. Không thể ví được. Văn Cao là một con người có trình độ, là một nhà nghiên cứu dân tộc, ông Văn Cao là một người toàn diện, và ông Văn Cao còn biết tôn trọng những người nhạc sỹ đàn em đi vào con đường âm nhạc bác học, một người rất khiêm nhường biết mình, biết ta. Giả sử có một nhạc sỹ X, Y, Z nào đó hỏi: Khi chúng tôi đi đánh Mỹ giải phóng dân tộc thì ông làm gì? Chắc chắn rằng nếu là người hiểu biết đều hiểu rõ khi đó ông là tác giả của các bài hát chống lại cách mạng, chống lại nhân dân, chống lại công cuộc giải phóng dân tộc...".

Nhưng không ít ý kiến phản biện lại: Đánh kẻ chạy đi ai đánh kẻ chạy lại. Đã bảo hòa hợp mà sao lại nửa mùa như thế..." Ngày 17.7.2010, Mơ giấc mộng dài của Phạm Duy – diễn ra tại nhà hát Hòa Bình. Tuy nhiên, trước đó vài ngày một cái lệnh miệng của Ban tư tưởng Văn hóa gọi xuống các báo yêu cầu không cho quảng bá đêm diễn. Mặc dù PNF có tổ chức họp báo nghiêm túc, cũng đành ngậm đắng nuốt cay khi biết nhiều bài viết đã lên khuôn nhưng phải bị lột ra. Chưa hết, cũng không hiểu từ đâu có nguồn tin đồn: Mơ giấc mộng dài bị hủy show vì không xin giấy phép được, khiến nhà tổ chức này xiểng niểng. Kinh doanh tên tuổi những nhân vật nhạy cảm như Phạm Duy; quả như chơi với lửa.

Thật ra, một đất nước giàu mạnh, một chế độ vững vàng...người người trên dưới một lòng thì không cần đặt ra lằn ranh giữa nhạy cảm chính trị và văn nghệ thuần túy. Thường thì ta chỉ e ngại những kẻ khỏe hơn mình...!!!"
....
.......

Mọi thứ đã vĩnh viễn khép lại từ đây!

Thật ra, trong khối ca khúc đồ sộ của Phạm Duy, đây là bài hát mình yêu thích nhất. Nó đi theo suốt từ nhỏ tới giờ, gần như nghe hàng ngày. Một Mẹ Trăm Con - Dân ca Jarai, do Phạm Duy phóng tác và soạn lời. Nghe để cảm chất rồng tiên trong từng câu hát, như thể viết cho mỗi người Việt, dù đang sống ở bất cứ nơi nào...

Một Mẹ Trăm Con - Phạm Duy



Cô Gái Đồ Long

Nguồn: Trang FB của CGĐL http://www.facebook.com/cogaidolongvn/posts/561861447176732