PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

30. Trên Ðường Tị Nạn - Phần 1

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca



Những Bài Hát Tuyên Ngôn 1975

Cũng như tất cả lớp người đầu tiên hối hả đi tị nạn, tôi mất đi gần hai năm trời bị chấn động, bị hoang mang, bị tê liệt... vì lâm vào cảnh mất nước, mất con, mất quần chúng và quan trọng nhất là vì thấy đời sống của mình từ nay trở đi không còn ý nghĩa gì nữa. Trong một gặp gỡ với báo chí Mỹ khi còn nằm trong trại tị nạn EGLIN ở tiểu bang Florida, tôi trả lời: ... Tôi sinh ra để hát cho nước tôi. Bây giờ nước tôi đâu?

Rồi cũng may mà tôi với Thái Hằng và Thái Hiền được mời đi hát tại một số cộng đồng Việt Nam mới mẻ và nho nhỏ ở rải rác các tiểu bang, rồi qua các tổ chức UNIVERSITY CONCERTS và COMMUNITY CONCERTS, chúng tôi cùng với Bill Crofut, Steve Addiss hoặc James Durst đi hát cho cả một số cộng đồng người Mỹ nghe. Thế là tôi có may mắn hơn các nhạc sĩ, nhạc công, ca sĩ đi tị nạn khác là vẫn giữ được nghề cũ của mình. Nhưng những cuộc đi hát này cũng chẳng vui lắm đâu, nó chỉ là cái phao giữ cho tôi khỏi chết chìm trong biển khổ... ...

Cho tới năm 1977 thì tôi mới lấy lại được một sự thăng bằng nào đó, và tôi bắt đầu tự vấn lương tâm: sự bỏ nước ra đi như thế này có ý nghĩa gì không? Tôi tự trả lời tôi bằng bài hát đầu tiên trong đời tị nạn:

Ta Chống Cộng Hay Ta Trốn Cộng?
(Fort Walton Beach, Florida-1977)

Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng
Ðây là điều ta phải hỏi ta
Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng
Ðây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta.
Ta nếu sống như con chuột nhắt
Quên đời bằng ly rượu buồn tênh
Hay vùi đầu trong cuộc đỏ đen
Nô lệ tiền, ham gái đẹp, gái hoang
Ta nếu sống như dân ngoại quốc
Quên mình là con của Rồng Tiên
Quên đồng bào đau khổ triền miên
Ta được quyền đơn độc ngủ yên.

Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng
Ðây là điều ta phải hỏi ta
Ta chống Cộng hay ta trốn Cộng
Ðây là điều ta phải hỏi ta, nhắc ta.
Ta đã thắng, khi ta vượt thoát
Ra ngoài, cùng bao bạn đồng hương
Nuôi hận thù ta nhủ người thương
Ta phải về, ta chiếm lại quê hương
Ta hãy cất cao lên lời hát
Của loài người yêu chuộng Tự Do
Dân Quyền và Dân Tộc của ta
Ta phải về xây lại đời ta.
KẾT
Ta chống Cộng, ta không trốn Cộng
Ta và cả trăm ngàn đồng hương
Mai này rồi, ta về Việt Nam mến yêu.

Sau một bài hát có tính chất tuyên ngôn như vậy, để kêu gọi đồng hương, tôi soạn:

THÁNG TƯ ÐEN
(Midway City, CALIFORNIA-1978)

THÁNG TƯ ÐEN !
Xin cúi đầu mình xuống
Khóc quê hương, trói trong tay bạo cường.
THÁNG TƯ ÐEN !
Ba mươi năm quật cường
Tàn tanh vì lọt vào tay đế quốc.
THÁNG TƯ ÐEN !
Xin cúi đầu một phút
Nhớ anh em, sống trong ngục trong tù.
THÁNG TƯ ÐEN !
Nuôi cho sâu hận thù
Mong và chờ, về Việt Nam ước mơ.
Này người Việt ở trên thế giới !
Nào cùng nhau họp chung khí giới
Cất tiếng đòi tự do cho triệu đồng bào ta.
HÃY ÐOÀN KẾT LẠI !
THÁNG TƯ ÐEN !
Xin ngước mặt nhìn tới.
Tới tương lai, tới quê hương vời vợi
Tháng Tư ơi !
Hơn năm mươi triệu người
Như một người, phải thành công mới thôi !
Tháng Tư ơi !
Hơn năm mươi triệu người
Như một người, phải thành công mới thôi !

Luôn luôn bị dằn vặt, bài NGƯỜI VIỆT CAO QÚY tôi soạn ra sau đó cũng vẫn chỉ là một bài hát tuyên ngôn:

NGƯỜI VIỆT CAO QÚY
(Midway City, CALIFORNIA-1978)

Ôi ! Cao quý thay những Mẹ già trên đường tị nạn
Dưới mưa phùn hay tuyết lạnh mùa Ðông
Ở Ba Lê hay ở Nữu Ước
Mẹ đứng chờ gặp quân cướp nước
Ðể nhổ vào mặt lũ sài lang
Ôi ! Cao quý thay những cha già đang ngồi tuyệt thực
Nhắc nhân quyền cho nhân loại phải nghe
Lặng nghe đây tiếng người bất khuất
Từ hơn ba mươi năm về trước
Hiến đời mình cho nước Việt Nam !
Ôi ! Cao quý thay những em nhỏ tay cầm ngọn cờ,
Cờ da vàng với ba dòng máu,
Máu Việt Nam đổi lấy Tự Do
Máu đàn anh nhắc nhủ trẻ thơ:
ÐỪNG BỎ QUÊ TA
PHẢI VỀ QUÊ XƯA.
Ôi ! Cao quý thay những người Việt đi từ ngàn xưa.
Những người con của Mẹ Âu Cơ
Bước ra đi từ Ðộng Ðình Hồ
Rồi ra biển đi khắp bao la
Từ nghìn năm xưa, yêu đời Tự Do
Ôi ! Cao quý thay những người Việt sống ở nghìn phương
Vẫn còn nuôi tình tự quê hương
Nắm tay nhau trên đoạn đường trường
Hẹn mai về giải thoát quê hương
Bằng cả tình thương của đời Việt Nam.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có những câu thơ rất tiên tri, chẳng hạn, trong đầu thập niên 50, ông viết
những câu thơ:

Lũ chúng ta lạc loài dăm bẩy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh...
........
Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau...

Khi nghe tin anh chết sau khi bị CS giam giữ, tôi đang ở Florida, sực nhớ tới câu thơ đó, tôi soạn một bài hát cũng có tính cách tuyên ngôn:

CÓ PHẢI TÔI LÀ NGƯỜI QUÊ HƯƠNG RUỒNG BỎ GIỐNG NÒI KHINH

Có phải tôi là người quê hương ruồng bỏ ?
Có phải tôi là người giống nòi khinh ?
Có phải tôi là người quê hương nguyền rủa ?
Có phải tôi là người giống nòi xua ?
Quê hương tôi ơi ! Tôi sinh ra ở đấy
Tôi lớn lên cùng với phận cỏ cây
Vững chắc như tre, đam mê như ngọn lúa
Tôi bám rễ vào nước mặn đồng chua
Tôi yêu câu thơ hay câu ru trìu mến
Ðã nối tôi liền với giọng tổ tiên
Dĩ vãng vinh quang nên tôi vui cuộc sống
Tuy biết đau lòng vì phận nước long đong.
Anh ơi ! Em ơi ! Ta chung nhau dòng máu
Chung sắc da vàng, góp tình Việt Nam
Tóc mới xanh tơ, ta nâng niu tình nước
Nay trắng mái đầu vẫn trọn tình xưa
Trong ba mươi năm, ta chia nhau nhiều lắm
Chia sớt vui buồn với cả nhục vinh
Có lúc ca vang, đôi khi ôm mặt khóc
Cho nước non mình nhiều lúc điêu linh.

Có phải tôi là người quê hương ruồng bỏ ?
Có phải tôi là người giống nòi khinh ?
Có phải tôi là người quê hương nguyền rủa ?
Có phải tôi là người giống nòi xua ?
Tôi xa quê hương như con sâu kẹt lối
Non nước tuyệt vời đã đổi mầu da
Dĩ vãng chôn xa, theo tương lai mù tối
Hạnh phúc không còn, dẫu chỉ nhỏ nhoi
Tôi xa quê hương khi dân no và ấm
Nay đã âm thầm, máu chộn mồ hôi
Nước mắt quê hương tuôn ra như dòng suối
Nhưng khắp giống nòi chỉ cằn cõi thêm thôi !
Tôi xa quê hương! Vâng, tôi xa nòi giống
Ðã chết trong tay quân gian tham độc đoán
Thương sót sông ngòi, núi biển, ruộng nương
Thương cho quê hương, tôi thương cho nòi giống
Ðang sẽ chết dần với đời cùm gông
Chót vắng quê, tôi xin anh em tạ lỗi
Tôi hứa sẽ về giải phóng quê tôi.
Mai này tôi về cùng quê hương rạng rỡ
Mai này tôi về cùng với Tự Do
Mai này tôi về cùng quê hương đổi mới
Mai này tôi về cùng giống nòi tôi
CODA
Cùng với Việt Nam ngàn đời yêu quý.

Chủ Ðề Quê Hương

Minh định lập trường rồi, trong niềm nhớ quê hương khủng khiếp của toàn thể dân tị nạn, tôi soạn ra một số bài hát hoài hương, nhưng cái quê hương mà tôi nói tới lần này, nó không còn là cái quê hương mà tôi có thể sờ mó được, nhìn thấy được, ngửi thấy được... như hồi mới di cư từ Bắc vào Nam lúc đầu thập niên 50. Bây giờ, quê hương trong nhạc của tôi chỉ còn là ảo ảnh quê hương mà thôi. Khi xưa tôi có TÌNH HOÀI HƯƠNG ngọt ngào và tươi mát, bây giờ tôi có NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI buồn rầu và chết chóc.

Tôi vẫn thường hình dung địa đồ nước ta như thân thể một con người mà miền Bắc là cái đầu, miền Trung là con tim và miền Nam là cái dạ dầy. Trong bài NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI này, tôi nói tới cái chết của mình ở nơi xứ lạ quê người và xin được chôn ở một nơi quanh năm tuyết phủ để hình hài vẫn còn nguyên vẹn, trông như chân dung của nước Việt Nam yêu quý. 

NGUYÊN VẸN HÌNH HÀI
(Fort Walton Beach, Florida-1977)

Ai có về vùng trời Gia Ðịnh
Hay suôi sông về tới Cần Thơ
Qua xóm dừa rồi vào thăm ruộng
Xin cho tôi dăm hạt gạo thừa
Ai có tạt vào Chợ Tân Ðịnh
Hay đi vô Chợ Bến Thành xưa
Cam quýt bưởi chẳng cần xin tặng
Xin cho tôi khoai trộn hột ngô.
Quê hương tôi thóc gạo một mùa
Nuôi dân tôi cũng vừa miệng ăn
Nơi tha hương, sữa thịt chẳng thèm
Xin cho tôi dăm hạt gạo Nam.

Ai có về Thành Nội Gia Hội
Hay đi ra Nghệ Tĩnh, ngoài Thanh
Xuống bến đò ở dòng Hương Thủy
Xin cho tôi nghe lại điệu hò
Ai có về biển dài cát rộng
Nơi công dân nào cũng làm thơ
Tôi hết thuộc lời vàng châu ngọc
Xin ru tôi nghe truyện Kiều xưa.
Quê hương tôi thi vị đầy trời
Con tim tôi luôn được đầy vơi
Nơi tha hương, sống thật nặng lòng
Mang con tim khắc khoải chờ mong.

Ai có về Hà Nội, Nam Ðịnh
Lên trung du rồi tới thượng du
Qua sóng Gầm rồi về núi Tản
Xin cho tôi nhớ lại cội nguồn
Nơi văn minh của giống Việt ta
Nơi trống đồng gọi hồn dân tộc
Cho tôi nghe tiếng gọi tổ tiên.
Quê hương tôi, dân tộc tuyệt vời
Thông minh ôi nhất bực trần ai
Nơi tha hương mê muội hằng ngày
Cho tôi khôn, trước ngày đầu thai.

Mai có người chợt ngừng thăm mộ
Nơi chôn tôi là dưới rặng mai
Nơi rất lạnh, ngàn đời tuyết phủ
Nên thân tôi nguyên vẹn hình hài
Nếu có người tò mò muốn gặp
Nơi tha ma mở nắp mồ lên
Sẽ thấy một người nằm thanh thản
Trông như chân dung của Việt Nam.
Thân tôi đây : Bắc Việt là đầu
Nơi sinh trí óc của Rồng Tiên
Ðây con tim Trung Việt hồng hào
No say đây, Nam Việt ngủ yên.

Chỉ vì hai chữ TỰ DO, hai thế hệ người Việt Nam phải bỏ quê hương bỏ đất nước. Tôi soạn bài:

1954 CHA BỎ QUÊ 1975 CON BỎ NUỚC

Một ngày năm bốn, cha bỏ quê xa
Chốn đã chôn rau, cắt rốn bao nhiêu đời
Một ngày năm bốn, cha bỏ phương trời
Một miền Bắc tối tăm mưa phùn rơi
Một ngày năm bốn, cha bỏ Sơn Tây
Dắt díu con thơ, vô sống nơi Biên Hoà
Dù là xa đó cũng là quê nhà
Và miền nắng soi vui gia đình ta.
Một ngày bẩy lăm, con bỏ nước ra đi
Hai mươi năm là hai lần ta biệt xứ
Giờ cha lưu đầy, ở ngay trên đất ta
Và giờ con lưu đầy ở đây nơi xứ lạ
Một ngày năm bốn, cha lùi quê hương
Lánh Bắc vô Nam, cha muốn xa bạo cường
Một ngày bẩy lăm, đứng ở cuối đường
Loài quỷ dữ xua con ra đại dương.

Một ngày năm bốn, xa mộ ông cha
Với lũy tre xanh, khóm chuối bên sau nhà
Một ngày năm bốn, cha phải chia lià
Cùng mảnh đất, nóc gia cha làm ra
Một ngày năm bốn, ôi Thành Ðô ơi
Tiễn bước cha đi, vẫn giữ tên muôn đời
Hà Nội yêu quý không thể ngăn người
Vì người đã ra đi theo Tự Do.
Một ngày bẩy lăm, con bỏ hết giang sơn
Hai mươi năm tình, yêu người yêu cuộc sống
Giờ nơi nước mình niềm đau thay nỗi vui
Saigon đã chết rồi, phải mang tên xác người
Một ngày dĩ vãng, ôi gần, hay xa
Ðất nước hai phen chứng kiến bao chia lià
Ðời của cha, con : hai lần vẫy chào
Chào từ giã quê hương trong khổ đau
CODA
Ðời hai lần, ta bỏ quê, bỏ nước
Phải nuôi ngày mai về ôm Tổ Quốc.

Bỏ quê hương ra đi, cũng có lúc tôi ví dân tộc tôi cũng như dân Do Thái khi xưa, nếu không phải là ngồi bên bờ sông Babylone thì cũng là ngồi bên bờ sông Seine để khóc nước.

BÊN BỜ SÔNG SEINE TA NGỒI TA KHÓC
(Midway City, CALIFORNIA-1980)

Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
Nỗi đớn đau tràn ngập cả kinh thành
Như gió lạnh làm băng giá nẻo đường
Như tuyết phủ vùi chôn nghĩa địa buồn
Bên bờ sông Seine ta ngồi ta nhớ
Tiếng võng đưa đều đặn buổi trưa hè
Tiếng sáo diều chiều xa vắng, vọng về
Trẻ gọi trâu rộn rã bờ đê.
Bên bờ sông Thương ngày xưa phơi phới
Nước chẩy đôi dòng nhưng lòng ta vui
Ta hát say sưa tiếng hát đong đưa
Bên bờ sông Hương tình ta thấp thoáng
Câu hát câu hò ta tặng người thương
Ta hát vang vang tiếng hát quê hương
Bây giờ ta xa dòng sông năm cũ
Như chim lạc tổ như ma lạc mồ
Thương nhớ ơ hờ giọng hát nghìn xưa
Bây giờ tìm đâu cầu tre lắt lẻo
Qua khúc sông đào tới nẻo người yêu
Câu hát trong chiều, giọng hát tìm nhau.
Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
Ðã thấm sâu khổ nhục kiếp lưu đầy
Ma mất mộ, tìm không thấy cuộc đời
Bên bờ sông Seine ta thành tượng đá
Ta lắng thinh bỏ mặc những nhân tình
Trong hiu quạnh, chờ mong tháng ngày lành
Sưởi hồn ta, đổi kiếp... tái sinh.

Thương nhớ quê hương, nghĩa là nhớ tới cảnh vật và nhất là âm thanh quê hương. Nhớ tiếng rao hàng buổi sáng, tiếng xe máy dầu rú trong thành đô, tiếng chuông chùa đầu ngõ, tiếng học trò hò la, tiếng mưa rơi trên mái tôn.... chao ôi là nhớ ! Tôi soạn bài:

TIẾNG THỜI XƯA
(Midway City, CALIFORNIA-1979)

Có ai nhớ tiếng rao hàng buổi sáng
Tiếng xe máy rú trên đường thành đô
Có ai nhớ tiếng chuông chùa đầu ngõ
Tiếng chim hót, tiếng học trò hò la
Có ai nhớ tiếng đêm về mùa nóng
Tiếng mưa vỗ những mái nhà lợp tôn
Những câu nói tiếng cha mẹ từ tốn
Tiếng đôi lứa, tiếng e thẹn chờ hôn
Giờ ở trong nước câm lặng tiếng rồi
Giờ ở ngoại quốc, xa lạ tiếng người
Tôi thương nhớ lời nói
Lời Mẹ tôi thường vỗ về tôi
Có tôi nhớ tiếng ông bà hàng xóm
Tiếng anh chiến sĩ, say rượu, cười vang
Có tôi nhớ tiếng bé đùa ngoài nắng
Tiếng êm ái, tiếng tôi gọi : Việt Nam.

Còn gì đáng nhớ hơn là nhớ Saigon? Trong giới soạn nhạc tị nạn, có tới trên mười bài được viết ra để nói tới thành phố thân yêu của chúng ta, nhưng chỉ có hai bài được phổ biến mạnh mẽ là bài VĨNH BIỆT SAIGON và SAIGON NIỀM NHỚ KHÔNG TÊN. Tôi cũng có một bài hát cho Saigon.

THƯƠNG NHỚ SAIGON
(Midway City, CALIFORNIA-1981)

Saigon ơi ! Tôi thương và tôi nhớ
Tôi nhớ Saigon, mà như nhớ người tình
Từng hàng cây lung linh, từng bóng mát
Tôi nhớ từng nhà, từng khu phố hiền lành
Từng buổi trưa đi trên đại lộ tươi sáng
Phố xá Saigon, rộn ràng mạch sống tưng bừng
Từng chiều êm yên vui về trong ngõ vắng
Gió mát Saigon mơn trớn tình nhân.
Những đêm không trăng, soi hồn vào ngọn hỏa châu
Sớm mai sôn sao, chim đậu cột đèn gọi nhau
Tháng năm trôi mau
Giữa Saigon yêu
Kỷ niệm thật nhiều
Cùng nắng sớm với mưa chiều.
Saigon ơi ! Yêu tôi xin chờ tôi nhé
Tôi sẽ trở về để hôn những vỉa hè
Của Thành Ðô, cao sang và say đắm
Chia sớt tủi hờn và xây đắp tình nồng.
CODA
Saigon ơi ! Dù có thay tên
Mà người yêu còn nhớ không quên
Chẳng bao giờ quên.

Người tị nạn thường hay than vãn là mất quê hương. Với bài QUÊ HƯƠNG CÒN ÐÓ NIỀM VUI sau đây, tôi khẳng định là chúng ta không mất quê hương. Quê hương còn đó, còn nằm bên bờ Thái Bình Dương xanh ngắt và hơn thế nữa, quê hương còn có thể được chúng ta đem theo trên đường tị nạn, quê hương được giấu kín trong tim, tổ quốc được giấu kỹ trong hồn.

QUÊ HƯƠNG CÒN ÐÓ NIỀM VUI
(Midway City, CALIFORNIA-1979)

Ta không mất quê hương
Vì quê hương còn đó
Ta có xa cửa nhà
Là vì yêu đời tự do
Quê hương giấu trong tim
Hồn mang thêm tổ quốc
Ta sống nơi lưu đầy
Lòng ta vẫn không đổi thay
Dù Cộng Sản mất trí
Lũ đầy tớ Mác Lê
Dâng quê hương tổ quốc
Cho lũ đi xâm lược
Người Việt thề tranh đấu
Sẽ vượt thoát hố sâu
Giành Ðộc Lập, Tự Do
Nước Việt mãi còn đó.

Nam mô Quán Thế Âm
Từ bi ngôi bồ tát
Lạy Ðức Mẹ Ma-ria
Hiền hòa cứu nguy đời ta
Ta đi giữa đêm đen
Mà ta không lạc lối
Ta sống hơn mọi người
Vì lòng sáng ngời niềm Tin
Dù Cộng Sản gian ác
Lũ lừa nước dối dân
Hung hăng đi đàn áp
Ngăn Pháp tăng, Linh mục
Ðầy một lòng ân phúc
Ôm chặt lấy Ðức Tin
Người Việt sẽ vùng lên
Xua đuổi lũ hồ tinh.

Xin em cứ tin anh di
Tình ta không thể chết
Em cứ tin đời mình
Tình Thương giúp cho hiển vinh
Ðôi ta muốn nay mai
Về quê hương đổi mới
Thương nước, thương giống nòi
Tình Thương quyết không hề phai
Dù Cộng Sản thấp kém
Lũ người mất trái tim
Phân chia ra đẳng cấp
Không sót thương dân tộc
Là người Việt, ta sẽ
Ðưa người thoát cõi mê
Bằng Tình Thương hàn gắn
Nước Việt hết khổ oan.
CODA
Quê hương ta còn đó
Ta còn có niềm vui
Quê hương trong bạc đãi
Sẽ còn mãi niềm tin
Quê hương ôi trìu mến
Xin gửi đến Tình Thương
Tình thương nòi giống Việt Nam.

Trong niềm nhớ quê hương đó, ai cũng nằm mơ thấy mình trở lại quê hương. Nhưng trong thực tế 1975-80, đó là những cơn ác mộng. Tôi soạn một bài hát khủng khiếp, trước khi có tập thơ của Nguyễn Chí Thiện:

GIẤC MƠ KHỦNG KHIẾP

Ðêm hôm qua tôi nằm mơ về nước
Ði lang thang trong thủ đô lạnh ngắt
Những gốc me trước tôi hay thả hồn
Chờ người yêu, để nắm vai hôn
Cây me tươi, nay già khô trụi lá
Người tôi yêu tóc bạc phơ ngồi đó
Mắt trông tôi, rất xa vời, xa lạ
Nhìn tôi như nhìn khoảng trống bao la
Ðêm hôm qua tôi nằm mơ lội nước
Suôi theo sông tôi về quê thuở trước
Ðứa bé con vẫn hay quen đợi quà
Của Mẹ yêu, chợ vãn ban trưa
Như con trâu, cha mẹ tôi lầm lũi
Phải lao công xin chuộc bao tội lỗi
Khắp nước tôi đã biến ra trại tù
Toàn dân tôi thành một đám nô lệ.

Giật mình tỉnh dậy
Giật mình tỉnh dậy
Trời ơi ! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi !
Giật mình tỉnh dậy
Trời ơi ! Khủng khiếp, khủng khiếp quá thôi !
Xin cho tôi đừng ngủ nữa
Xin thôi không nằm mộng dữ
Xin cho tôi mộng dệt hoa
Xin cho tôi đẹp mộng mơ
Cho tôi mơ nước Việt Nam giầu có
Quê hương tôi đi về nơi rực rỡ
Có con tim biết quên đi hận thù
Và Tình Yêu nổ vỡ tim ra
Cho tôi mơ nước của tôi được thoát
Khỏi cơn nguy, ra khỏi tay tàn ác
Chốn Á Ðông có nước Việt yên lành
Tự do xây một đời sống thanh bình.

Chủ Ðề Chia Ly

Sau chủ đề QUÊ HƯƠNG là chủ đề CHIA LY. Chủ đề này đã được nhà thơ Cao Tần khai thác ngay trong những ngày đầu tiên sống trên đất Mỹ, qua một thơ nhan đề THƯ EM ÐẾN. Hoàn cảnh của người trong bài thơ không khác gì hoàn cảnh tôi và các con. Thư đi thư lại giữa chúng tôi đều phải trá hình, giống như thi sĩ nói, chỉ là những khẩu hiệu buồn nôn... Tôi đã phổ nhạc ngay bài thơ này.

THƯ EM ÐẾN
(theo thơ Cao Tần)

Thư em đến như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
Bao son phấn không che nghìn cay đắng
Mắt lệ đầy miệng hát những lời vui
Thư em đến sau muôn vàn ân ái
Dường như ai soi bạt cả linh hồn
Em không khóc bằng lời hay chữ
Thì gửi làm chi dăm khẩu hiệu buồn nôn...
Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh
Nuôi một bầy con cuối đời vắng lạnh
Cho anh ôm hôn ơn nặng một thời xa
Gửi cho anh manh áo rách con thơ
Cho anh ngửi mùi nhọc nhằn nô lệ
Anh ra đi con tập nói u ơ
Con vấp ngã anh không được nâng đỡ...

Gửi cho anh một viên sỏi trên đường
Anh sẽ đọc ra muôn vàn lối cũ
Gửi cho anh một nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc ra đất trời ta thở
Gửi cho anh thêm một tờ giấy trắng
Thấm nước trời quê qua mái dột đêm mưa
Anh sẽ đọc ra mênh mông đời lạnh vắng
Em tiếc thương hoài ấp ám gối chăn xưa...

Tôi soạn thêm những bài hát chia ly như Ở BÊN NHÀ EM KHÔNG CÒN ÐỨNG ÐỢI CHỜ ANH, LẤP BIỂN VÁ TRỜI... Những bài này muốn nói lên nỗi buồn trùng dương (océanique) và vũ trụ (cosmique) như trong hầu hết những bài tôi soạn trong thời kỳ này. Khi còn ở trong nước, tình cảm với thiên nhiên (sentiment de la nature) ở trong chúng ta thường hay chỉ hạn chế trong sự trao tình với lũy tre xanh, con đê dài, khung trời tím, con sông đào... Bây giờ, sau khi đã ra khỏi lũy tre xanh, tôi nghĩ rằng nó phải mang nhiều tính chất cao rộng hơn, sâu xa hơn.

Ở BÊN NHÀ EM KHÔNG CÒN ÐỨNG ÐỢI CHỜ ANH
(Midway City, CALIFORNIA-1978)

Ở bên nhà em không còn đứng đợi, chờ, mong
Ðợi anh về, anh hôn vào mắt nàng mầu nhung
Ở bên nhà em đi lao động
Ở bên này anh ra biển rộng, gọi trùng dương
Trùng dương nào đã chia lìa đôi vợ chồng son
Trùng dương còn thêm cắt rời cha mẹ và con
Trùng dương nào hay chế độ nào
Ðẩy con người vô kiếp nghẹn ngào, kiếp xa nhau !
Nhớ đôi tay em, xưa xinh như mộng
Tay vuốt tóc chồng, tay nựng con thơ
Nhớ đôi môi em, ôi đôi môi mọng
Ca hát cho đời thêm sắc thêm hương
Ở bên nhà đôi tay ngà em vục bùn đen
Ở bên nhà đôi môi mềm thú vạn tội oan
Ở bên này sống với ác mộng
Từng đêm ngày anh ra biển rộng, khóc thương em !
CODA
Ở bên nhà em không còn đứng đợi chờ anh
Ở bên này anh căm thù lũ Cộng tàn hung.

LẤP BIỂN VÁ TRỜI
(Midway City, CALIFORNIA-1978)

Chúa đã phán rằng có được niềm Tin
Thì mình có thể vá được trời xanh
Xê dịch núi rừng, lấp cạn trùng dương
Anh có nghe chăng ?
Anh có nghe chăng lời em khấn nguyện
Khấn vái có ngày rung được trời đất
Ðể người yêu vượt thoát khỏi ngục thất
Bay được lên trời, hay vượt biển khơi
Anh đến bên em
Anh đến bên em gần nhau suốt đời...
Ðịa ngục nơi chốn quê hương
Ðịa ngục trong bước tha phương
Em khóc Ðông Dương cùng chung số phận
Khóc thân anh vùi trong đói lạnh
Khóc cho tâm hồn em héo hon
Hồn em rách bươm
Trận cuồng phong có đâu xa
Trận cuồng phong cuốn trong ta
Nơi trái tim em nổi cơn sóng thần
Sóng dâng cao từng cơn uất hận
Trái tim hay biển không đáy đây ?
Ðể em đắng cay !

Nếu vẫn khó lòng vá được trời xanh
Phận hèn không thể lấp cạn đại dương
Xin được sống còn, giữ vẹn lòng son
Xin mãi yêu thương
Xin mãi yêu thương người nơi cuối đường
Chúa sẽ thương tình vá lại hồn em
Bằng niềm Tin để lấp biển sầu thương
Sống được trong đời, hi vọng còn nuôi
Nuôi mãi tin yêu
Nuôi mãi tin yêu, gửi nơi cuối trời
CODA
Còn niềm Tin mãi nơi ta
Thì rồi sẽ nối duyên xưa.


Phạm Duy