PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

6. Nhạc Tình Giữa Mùa Kháng Chiến

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Toàn Quốc Kháng Chiến - Nhạc Tình Giữa Mùa Kháng Chiến



Trong thời gian đang phục vụ cho kháng chiến, từ 1945 cho tới 1951, ngoài những bài hát cho cuộc chiến đấu chung, tôi có gặp dăm ba cuộc tình và do đó cũng có soạn nhạc tình. Nếu trong thời kỳ trước, cũng như hầu hết các nhạc sĩ còn non trẻ khác, tôi chỉ soạn nhạc tình cho người tình tưởng tượng và cho ra đời ba bản gọi là tình ca ấp úng, tình ca nhút nhát hay tình ca câm lặng như CÔ HÁI MƠ, CÂY ÐÀN BỎ QUÊN, KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI... thì sau đó, tôi có một mối tình giang hồ để soạn bài TÌNH KỸ NỮ là một bản tình ca có đối tượng thật sự. Từ đây trở đi, tôi sẽ chỉ soạn nhạc tình khi có người yêu bằng xương bằng thịt ở trong vòng tay của mình.

Trong kháng chiến, vào năm 1947, tôi gặp một người cựu vũ nữ tên là Mai, làm tình báo viên cho một phòng trà tại Lào Kay, nơi đây tôi gặp nàng và soạn bài BÊN CẦU BIÊN GIỚI. Ðây là một bản nhạc tình nhưng cũng là một bài hát tâm linh.

BÊN CẦU BIÊN GIỚI
(Lào Kai-1947)

Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ
Cầu cao nghiêng dốc bên dòng sông sâu
Sầu vương theo gió suôi về cuối trời
Một vùng đau thương chốn làng cũ quê xưa.
Người đi chưa hết hương sầu lữ thứ
Hồn theo cánh gió quên tình xa xưa
Tuổi xanh như lá thu rụng cuối mùa
Mộng về đêm đêm khát vừng trán ngây thơ.
Nắng ngừng bên chiếc cầu biên giới
Xa xa thoáng đàn trầm vô tư
Ðâu đây dáng huyền đền duyên mơ
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi
Sông nước xa xôi
Mây núi khắp nơi
Không tỏ một đôi lời.
Ôi giấc mơ qua
Mộng đời phiêu lãng giang hồ
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu
Hay là chết bên bờ sông Danube
Những đêm sáng sao
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Ðời tôi sao vẫn ngừng nơi đây
Ôi dòng tóc êm đềm
Ôi bể mắt đắm chìm
Mộng bền năm xưa chỉ là mơ qua.

Vào tuổi ngoài 20, đang lao mình vào cuộc kháng chiến trời long đất lở, nhưng đứng bên cạnh một người tình và bên chiếc cầu biên giới ở Lào Kay vào năm 1947 này, tôi bỗng thấp thoáng thấy một biên giới lung linh khác. Ðó là biên giới giữa tình yêu và hận thù, giữa chiến tranh và hoà bình... Thì ra BÊN CẦU BIÊN GIỚI là một bản nhạc tình giang hồ ẩn chứa một tâm linh.

Bản nhạc tình giang hồ nữa của tôi là bài TIẾNG ÐÀN TÔI, soạn tại Chợ Ðại Cống Thần cũng vào năm 1947, nơi đây tôi có cuộc tình với một thiếu nữ rất đẹp tên là Hiếu... Sau đây là nguyên văn lời ca của bài hát, về sau tôi không nhớ vì sao tôi sửa cả nhạc lẫn lời:



TIẾNG ÐÀN TÔI
(1947)

Ðời lạnh lùng trôi trên dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ sót thương đời
Vì cuộc tình đã chết một đêm nao
Lúc trăng hãy còn thơ ấu
Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Người đẹp về trong lúc mùa Thu rơi
Tiếng chuông tiễn đưa tới tôi.
Thuyền về tới bến Mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi.
Hương Hương, nàng ôi
Nàng về xoã tóc không lời
Khoan khoan hò ơi
Lệ sầu rụng xuống đàn tôi
Buồm về dội nắng trên vai
Bao nhiêu mầu hoa ngát trên đôi môi, người ôi
Có tiếng hát ru hồn tôi
Ru cho đau thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả ơi
Ðường về xa tắp khung trời
Khoan khoan hò ơi
Lạnh lùng em đã rời tôi.

TIẾNG ÐÀN TÔI
(sửa lại)

Ðời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt
Với bao tiếng tơ sót thương người
Lúc trăng hãy còn thơ ấu
Dù đời tàn trên cánh nhạc chơi vơi
Vẫn còn mong nhớ khúc yêu đời
Lúc bao nhiêu tiếng cười
Rộn ràng chẩy về xuôi.
Mênh mông lả ơi (chú ý: lả ơi)
Thuyền về tới bến Mê rồi
Khoan khoan hò ơi
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi.
Mênh mông lả ơi
Thuyền về bát ngát hương trời
Khoan khoan hò ơi
Nhịp sầu xa vắng mà thôi
Buồm về dội nắng trên khơi
Bao nhiêu hoàng hôn đến cho êm vui người ơi
Có tiếng hát theo đàn tôi
Như ru như thương linh hồn đắm đuối
Mênh mông lả ơi
Thuyền chờ mong gió lên trời
Mang theo đàn tôi

Thế rồi trong kháng chiến, tôi lấy vợ. Tôi gặp Thái Hằng ở Chợ Ðại-Hà Ðông rồi ở Chợ Neo-Thanh Hoá và chúng tôi lấy nhau vào năm 1949 ở Chiến Khu IV. Tôi soạn bài ÐÊM XUÂN cho Thái Hằng. Bài này đậm đà, thắm thiết, chứa chan hạnh phúc. Ðây là lần thứ sáu, tôi nói tới cây đàn. Khi trước là CÂY ÐÀN BỎ QUÊN côi cút, là TIẾNG ÐÀN TÔI chết chóc trên đường dương thế xa vời, là tiếng đàn trầm vô tư BÊN CẦU BIÊN GIỚI, là cung đàn thờ ơ của TÌNH KỸ NỮ hay là cung Nam Thương, Nam Ai thở than của KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI. Bây giờ là tiếng đàn báo tin Xuân đã về và hạnh phúc đã tới.

ĐÊM XUÂN
(Chợ Neo, Thanh Hoá-1948)

Ðêm qua say tiếng đàn
Ðôi chim uyên tới giường
Chim báo tin Xuân đã về trong giấc mộng
Em yêu câu hát buồn
Lả lướt trong màn trăng
Yêu trời thanh vắng đón đưa em tới chàng
Hồn em chùm đêm tối
Tình em còn chơi vơi
Lòng em yêu rồi xin đừng nhạt phai
Ðừng nhạt phai.

Chưa quen nhau lúc đầu
Em nghe theo tiếng sầu
Ôi khúc ca nuôi mối tình muôn sắc mầu
Vì lúc trăng về đây có đàn đêm ấy
Ðã ru trái tim này
Hồn em tìm nương náu
Tình em chờ thương đau
Lòng em chưa tàn, xin đừng phụ nhau
Ðừng phụ nhau.

Ngoài bài ÐÊM XUÂN mặn nồng đó, tôi còn soạn cho Thái Hằng một bài có tính chất dân ca hay bé ca là bài CHÚ CUỘI, trong đó tôi nói dối lũ trẻ con là: ''... Ngày xửa ngày xưa, có chú chăn trâu tên là Cuội, ngồi ở dưới gốc đa, mặc kệ cho trâu ăn lúa, chú nhìn mây bay theo gió và xin ai cho mình một đôi cánh vàng, hoặc cho mượn một cái chiếu mây non để chú theo ánh sáng lên cung trăng và không trở về làng nữa. Lý do là vì: Chị Hằng xuống trần để tìm người nuôi nấng cung đàn Hằng Nga (lại nói tới đàn!) Chú Cuội bị Hằng Nga quyến rũ nên bay lên trời, chứ không phải vì nó mắc tội nói dối rồi bị đầy lên cung trăng''.



CHÚ CUỘI
(Chợ Neo, Thanh Hoá-1948)

Trăng soi sáng ngời
Treo trên biển trời
Rủ đàn con gái
Ra ngồi nhìn trăng
Ra nghe chú Cuội
Ngồi gốc cây đa
Cuội ơi ! Ðể trâu ăn lúa
Nhìn mây theo gió
Miệng ca ời ời.
Ta yêu cô Hằng
Ðêm xưa xuống trần
Nàng ơi ! Nàng về dương gian
Tìm người nuôi nấng
Cung đàn Hằng Nga
Xin đôi cánh vàng
Mượn chiếu mây non
Cuội ơi ! Cuội theo ánh sáng
Cuội lên cung vắng
Cuội không về làng.
Ánh trăng vàng
Bên người đẹp yêu chồng
Khúc Nghê Thường
Quên đường về dương gian
Ánh trăng vàng
Kìa ánh trăng vàng
Ðời dương thế
Có người trong đêm tối
Chờ trăng chiếu
Mối tình của Hằng Nga
Ðời đời mọc trăng mơ sáng loá.
Trăng soi tóc thề
Ðưa trai gái về
Tình ơi ! Nửa đường thôn quê
Gặp đàn em bé
Hát vè một câu
Câu thơ : " Chú Cuội
Mà lấy Tiên Nga
Cuội ơi ! Ðể trâu ăn lúa
Ngồi trên lưng gió
Tình yêu mặn mà "

Tiện đây, tôi cũng xin báo cáo là trong một bài bé ca khác nhan đề MỘT ÐÀN CHIM NHỎ soạn vào năm 1957, tôi nói trước tới việc hoả tiễn sẽ chỉ mất có ba ngày để lên tới mặt trăng và cũng chỉ vì lo sợ loài ngưòi gây phiền nhiễu cho nên Chú Cuội đành... đem chị Hằng Nga tìm xứ xây nhà không biết ở đâu?

Một Bài Hát Ðoạn Tình

1950, sau khi quá mệt mỏi vì cuộc chiến kéo dài, phần buồn rầu khi nghe tin mẹ tôi đã qua đời, phần không thể nào sống nổi ở vùng quê với vợ dại và con thơ... tôi tính chuyện "zinh tê". Trước khi rời vùng kháng chiến về thành, tôi soạn một bài hát buồn, kể chuyện một tiên nữ bị Trời đầy xuống trần gian chỉ vỉ mắc tội làm huyên náo Thiên Ðường bằng mối tình của nàng... ... Cũng giống như tôi sẽ bị đầy vào thành phố vậy. Bài hát nhan đề:



CÀNH HOA TRẮNG
(Thanh Hoá-1950)

Một đàn chim tóc trắng
Bay về qua trần gian
Báo tin rằng : Có Nàng Giáng Hương
Nàng ngồi trên cung vắng
Trong một đêm tàn trăng
Phá then vàng bước vào vườn hoang.
Không gian tràn dâng niềm thương
Rồi tiếng hát sui cuộc tình duyên
Bao nhiêu nàng tiên nỉ non
Làm huyên náo Thiên Ðường lạnh lẽo.
Trời đầy cô tiên nữ
Xuống đầu thai thành hoa
Giữa đêm mờ, hoa nở ngát hương
Người về trong đêm tối
Ôm cành hoa tả tơi
Bóng in dài gác đời lẻ loi.

Mùng 1 tháng 5 năm 1951, tôi từ Chiến Khu IV (Thanh Hoá) vào thành. Tôi chỉ ở Hà Nội có đúng một tháng rồi toàn thể gia đình lên máy bay, bay vào sinh sống ở Saigon.


Phạm Duy


Bình luận