PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhóm Nam Định

Ðặng Thế Phong

dangthephong
1918-1942

Nam Ðịnh là một tỉnh nhỏ, so với Hà Nội và Hải Phòng nhưng lại là nơi sinh trưởng của những đại văn hào của Việt Nam như Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... Trong lĩnh vực Tân Nhạc, Nam Ðịnh cũng là nơi sinh ra một thiên tài nhạc sĩ tài cao mệnh yểu Ðặng Thế Phong, người độc nhất trong thời kỳ thành lập của ngành nhạc mới này đã làm cho mọi người thấy ma lực của âm nhạc qua ba ca khúc tuyệt vời : Ðêm Thu, Con Thuyền Không BếnGiọt Mưa Thu.

Tiểu sử của ông được ghi trong ấn bản Con Thuyền Không Bến do nhà xuất bản TINH HOA phát hành tại Saigon vào năm 1964 như sau :

'' Ðặng Thế Phong sinh năm 1918, thứ nam của cụ Ðặng Hiển Thể, thông phán Sở Trước Bạ thành phố Nam Ðịnh, là con thứ hai của một gia đình có sáu anh em, hai trai bốn gái. Thân phụ mất sớm, gia đình thiếu thốn, ông phải bỏ dở học vấn khi đang học lớp 2ème année P.S. (bây giờ là lớp Ðệ Lục bậc Trung Học Phổ Thông). Ông có lên Hà Nội theo học trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật với tư cách bàng thính viên. Trong một kỳ thi, ông vẽ tranh cho báo HỌC SINH (chủ bút là Phạm Cao Củng) như truyện bằng tranh Hoàng Tử Sọ Dừa, Giặc Cờ Ðen ỡ để lấy tiền ăn học. Mùa Xuân năm 1941 ông có đi Saigon rồi Nam Vang. Ở Nam Vang ông có mở một lớp dạy nhạc. Ðến mùa Thu 1941 ông lại trở về Hà Nội. Lúc sinh thời Ðặng Thế Phong là một nhạc sĩ rất nghèo nên cuộc sống của ông thật là khổ cực, chật vật. Ngoài tài sáng tác, ông còn là một ca sỹ, tuy chưa hẳn được là ténor nhưng giọng hát khá cao, đã nhiều lần ra sân khấu mà lần đầu tiên ông hát bài Con Thuyền Không Bến tại rạp chiếu bóng Olympia (phố Hàng Da) Hà Nội năm 1940. Ðến đầu 1942 thì ông từ giã cõi đời tại nhà, trên một căn gác hẹp ở phố Hàng Ðồng vì bịnh lao (tuberculose péritonique). Ông hưởng thọ được 24 tuổi''.

Vào khoảng đầu mùa của Tân Nhạc này, trong khi các nhạc sĩ trẻ khác chỉ đưa ra những nhạc phẩm có tính chất thiên nhiên thì nhạc Ðặng Thế Phong đi thẳng vào lòng người và nói lên cái ''lãng mạn tính'' đặc biệt của thời đại.

Thời đại của những năm cuối thập niên 30 là thời đại của bà Tương Phố trong phạm vi thơ (Giọt Lệ Thu) và của Hoàng Ngọc Phách trong phạm vi tiểu thuyết (Tố Tâm) còn rớt lại, đồng thời cũng là thời đại của các thi nhân, văn nhân lãng mạn đang nổi tiếng như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương... Nếu đã có người nói rằng bất cứ một người Việt Nam nào cũng là một thi sĩ thì tôi cũng có thể nói rằng bất cứ một nhạc sĩ nào, vào lúc Tân Nhạc mới thành hình, cũng là nhạc sĩ lãng mạn cả ! Miền Bắc Việt là nơi có đầy đủ bốn mùa và mùa thu ở đây thì nên thơ không thua gì mùa thu ở Paris hay ở Ðông Kinh, Nam Kinh, Bắc Kinh gì đó...

Trong ba nhạc phẩm của Ðặng Thế Phong và cũng là ba bài trong số những bản nhạc tình đầu tiên của Tân Nhạc Việt Nam, ta đều thấy mùa Thu hiển hiện một cách bàng bạc, lung linh, quyến rũ. Bài Ðêm Thu được soạn với nhạc thuật Tây Phương dùng nhịp valse chậm để diễn tả lòng người trước cảnh đêm thu vắng vẻ :

Vườn khuya trăng rãi hoa đứng im như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa.
Cánh hoa vương buồn trong gió
Ánh hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay.

Với một nét nhạc mineure rất đẹp, Ðặng Thế Phong dẫn ta vào một vườn trăng để, cũng như Lê Thương trong Bản Ðàn Xuân, tình tự với các loài hoa. Nhưng có lẽ Ðặng Thế Phong thấy trước được mệnh yểu của mình nên muốn mở lòng ra thật rộng để thâu tóm vào đó tất cả cảnh vật chung quanh, từ tiếng côn trùng trong gió tới ánh sao trong vũ trụ. Ca khúc có hai phần, một phần theo âm hưởng mineure của Tây Phương, một phần nghiêng hẳn về nhạc ngũ cung Việt Nam (Ré Mi Sol La Si) :

Ðêm lắng buồn tiếng Thu như thì thầm
Trong hàng cây trầm mơ.
Làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta phiêu diêu
Theo mây trắng trôi lờ lững
Ngàn muôn tiếng réo rắt
Côn trùng như than van
Mơ hồ theo gió lan.
Trăng xuống dần cỏ cây thêm âm thầm
Dâng buồn trong ánh sao
Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng
Lay hồn ta rồi tan...

Nhưng bài Ðêm Thu chưa làm cho mọi người bị ám ảnh bằng bài hát thứ hai của Ðặng Thế Phong, bài Con Thuyền Không Bến. Bây giờ, người nghệ sĩ không còn đứng trong khu vườn nhỏ của mình nữa, anh dắt ta ra trước cảnh thu về trên một dòng sông :

Ðêm nay Thu sang cùng heo may
Ðêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi suôi dòng
Như nhớ thương ai trùng tơ lòng...

Dường như Ðặng Thế Phong đã nói lên được tâm trạng của thanh niên nam nữ trong thời đại. Họ sống dưới thời cai trị của thực dân và họ bơ vơ lạc lõng như những con thuyền không bến. Nhưng con thuyền này phải là con thuyền trôi trên một dòng sông dân tộc, dòng sông Thương (ai ơi) nước chảy đôi dòng. Quan trọng nhất là con thuyền phải trôi trong một mùa thu Việt Nam có gió heo may, có sương lam mờ chân mây, có gió van thông ngàn và có ánh trăng mờ chiếu... Nếu là con thuyền trôi trong mùa hè hay trôi trên sông Seine (Paris) thì chưa chắc bài hát có thể quyến rũ và ám ảnh chúng ta từ lâu và mãi mãi được :

Lướt theo chiều gió
Một con thuyền theo trăng trong
Trôi trên sông Thương (ai ôi) nước chẩy đôi dòng.
Biết đâu bờ bến ?
Thuyền ơi thuyền, trôi nơi đâu ?
Trôi trên sông Thương
Nào ai biết nông sâu ?

Bài Con Thuyền Không Bến còn có một ưu điểm là được soạn với một giai điệu ngũ cung, dạng 2 (Ré Fa Sol La Do - nốt Mi trong bài chỉ là nốt thoáng qua) nghe như hát sa mạc hay ngâm Kiều. Nhạc sĩ Pháp Debussy, khi đi tìm chất liệu mới trong nhạc ngũ cung, đã có một câu nhạc tương tự như nét nhạc của câu hát mở đầu :

Ðêm nay Thu sang cùng heo may...

Ngoài ra, trong Con Thuyền Không Bến còn có những đoạn hát với "nhịp chỏi" (syncope), một thứ nhịp ta thường thấy trong những bản hát Chèo :

Nhớ khi chiều sương
Cùng ai trắc ẩn tấm lòng.
Biết bao buồn thương
Thuyền (syncope) mơ (syncope) buông suôi dòng
Bến mơ dù thiết tha (syncope)
Thuyền ơi, đừng chờ mong
Ánh trăng mờ chiếu
Một con thuyền trong đêm thâu
Trên sông bao la
Thuyền mơ bến nơi đâu ?

Từ khu vườn nhỏ ra tới sông dài, sông rộng, bây giờ Ðặng Thế Phong còn đi xa hơn nữa, đi tới cuối cuộc đời của mình qua một ca khúc mà mới đầu anh định đặt tên là Vạn Cổ Sầu. Ðó là bài Giọt Mưa Thu :

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u sầu mây hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ
Trong mưa thu ai khóc ai than hờ...

Bây giờ mùa thu đối với anh là một sự chia ly, sự chết chóc. Dương thế trong mùa Thu bao la sầu, gió xa xôi vẫn về, mưa giăng mù lê thê và lũ chim non chiêm chiếp kêu trên cành hay vợ chồng Ngâu sẽ mãi mãi khóc vì Thu...

Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành
Như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi ! Mưa làm chi ?
Cho cõi đời lâm ly.
Hồn Thu tới nơi đây gieo buồn lây
Lòng vắng muôn bề không liếp che, gió về
Ai nức nở thương, đời châu buông mau
Dương thế bao la sầu.

Giọt Mưa Thu nghe như bản Nhạc Sầu trong thơ Huy Cận :

Ai chết đó ? Nhạc buồn chi lắm thế !
Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường.
. . . . . . . . . . . . . . . .
Từng tiếng lệ : ấy mộng sầu lá úa
Chim vui đâu ? Cây đã gẫy vài cành...

Trong bài Gịot Mưa Thu, Ðặng Thế Phong dung hợp cả hai âm giai thất cung Tây Phương và ngũ cung Việt Nam để nói lên cái hắt hiu, cái lâm ly, cái xa xôi của mùa Thu ngoài đời và trong đời mình. Với Gịot Mưa Thu, Ðặng Thế Phong còn cho ta thấy sự chuyển thể khéo léo trong ca nhạc Việt Nam loại mới, xứng đáng là sự nối dài của nhạc cổ truyền. Lối hành âm từ giọng Mi mineur qua La majeur ở nhiều đoạn trong bài Gịot Mưa Thu chẳng khác chi lối chuyển thể trong loại hát bồng mạc, sa mạc nhưng phong phú hơn. Nếu nghiên cứu theo lối Tây Phương thì ca khúc được xây dựng trên mode dorien rất gần gũi với một dạng trong ngũ cung Á Ðông. Âm vực của bài này rất rộng, nét nhạc đi từ nốt Si trầm vói lên tận Sol cao, cốt ý diễn tả cái sầu thiên cổ trong mùa thu, có mưa rơi không bao giờ ngừng.

Tôi có thể đoan chắc rằng những bản nhạc tình lãng mạn ra đời ngay sau đó như Buồn Tàn Thu, Thu Cô Liêu của Văn Cao, Thu Quyến Rũ, Lá Ðổ Muôn Chiều, Thu Ði Cho Lá Vàng Bay của Ðoàn Chuẩn, Từ Linh, Tiếng Hát Chiều Thu của Tô Vũ v.v... đều khởi sự từ ba bài hát mùa thu của Ðặng Thế Phong. Rồi theo gót Ðặng Thế Phong, mùa Thu sẽ còn được xưng tụng nhiều lần nữa trong Nhạc Sử Việt Nam, khi thì làm cho một cuộc Cách Mạng có thêm chất lãng mạn Nhạc Tuổi Xanh) cái chết của một cuộc tình (Mùa Thu Chết) nhưng vào buổi bình minh của Tân Nhạc này, ta đã có một lúc ba bài hát tuyệt diệu của Ðặng Thế Phong, và ta chỉ còn biết tiếc thương cho người nghệ sĩ tài hoa bị thần bệnh cướp đi khi tuổi còn thanh xuân. Tôi sẽ còn có cơ hội nói thêm về Ðặng Thế Phong trong những bản tân nhạc theo xu hướng nhạc vui khoẻ. Bởi vì ông còn có những bài hát rất trong sáng mà ít người biết tới.


Hoàng Trọng

hoangtrong

Ðặng Thế Phong sinh ra và lớn lên ở Nam Ðịnh nhưng tác giả ba bài hát tuyệt vời về muà Thu đã sớm bỏ thành Nam ra đi, giống như các thanh niên 'mắc bệnh giang hồ thời đó (thi sĩ Nguyễn Bính và tôi chẳng hạn), hay dản dị hơn, giống như tuổi trẻ thất nghiệp ở tỉnh nhà phải đi tha phương cầu thực tại miền rất xa như Nam Kỳ hay Cao Mên, rồi lại phải sớm lià bỏ cuộc đời... Còn lại ở Nam Ðịnh là các nhạc sĩ tài tử như Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng, Ðan Thọ... thì họ sẽ đóng góp rất nhiều vào sự thành hình và phát triển của Tân Nhạc Việt Nam.

Nhưng vào lúc âm nhạc cải cách mới được thành lập này, tại Nam Ðịnh, ngoài Ðặng Thế Phong ra, chỉ có Hoàng Trọng là có tác phẩm để tặng cho người ca sĩ bán-thời-gian là tôi, có thêm bài hát để biểu diễn trên sân khấu Cải Lương lưu động mang tên gánh ÐỨC HUY cùng với các nhạc phẩm của Văn Cao, Ðặng Thế Phong, Lê Thương... Tiếng Ðàn Ai là một trong những bản tango đầu tiên của Tân Nhạc và cũng là thể nhạc sở trường của Hoàng Trọng. Sau này, ông có khoảng vài chục bài Tango để dùng trong ban nhạc của ông mang tên Tiếng Tơ Ðồng.

Bài Tiếng Ðàn Ai có một nét nhạc mineur chung mà nhạc sĩ nào cũng dùng tới trong thời đó :

Trời khuya thanh vắng
Hồn ai khóc trong đêm trường
Nhạc sầu ai buông
Trong sương rền khúc
Hồn ai quanh khuất
Dường như nhắn bao lời thương
Sầu tình chung khúc
Tầm tã châu buông
Ðàn lòng tràn bay
Vẳng đưa xa tiếng hờn
Ðàn sầu trầm buông
Chìm trong đêm tiếng thương
Ðàn ai theo gió
Dường như nhắn bao lời thương
Ðường tơ ai buông
Thánh thót kêu sương...
. . . . . .
Buồn ơi xa vắng
Buồn thương nhớ ôm bên lòng
Buồn ơi mênh mông
Thương mây cùng gió
Ðàn than chi đó
Lòng ta xót thương cùng mây
Ðàn than chi đó
Nhủ gió thương mây
Ngừng, ngừng đàn ai
Ðàn chi cũng nát lòng
Ðàn ngừng lời than
Lòng ta ôi nát tan
Ðàn than chi đó
Ðàn van gió thương giùm mây
Hồn ai quanh đây
Nhắn gió đưa mây...

Có thể vì tôi đem bài Tiếng Ðàn Ai của Hoàng Trọng đi hát dài dài trên đường "du ca" cho nên khi tôi trở thành người viết ca khúc thì tôi bị ảnh hưởng và soạn ra bài Tiếng Ðàn Tôi chăng ? Và nếu như về sau tôi còn đem "cây đàn bỏ quên" vào Tân Nhạc cùng với Tiếng Dương Cầm của Văn Phụng, Tiếng Ðàn Trong Ðêm của Nhật Bằng, Tơ Sầu của Lâm Tuyền, Ðường Tơ Dang Dở của Phạm Mạnh Cương (1) ... thì Hoàng Trọng cũng đem thêm vào đó một bài về cây đàn, nhan đề Một Thuở Yêu Ðàn :

Nghe tiếng thời gian âm thầm đưa
Ngẩn ngơ thương nhớ đến cung đàn xưa
Một mùa trăng đã khắc se đường tơ
Heo may gió cách từng mùa
Ôi thơ mộng đâu còn nữa
Tôi vẫn tha thiết yêu ngày xưa
Ngày nào say đắm với cung đàn mơ
Ngày nào hai đứa dưới trăng mùa thu
Ðêm nao hát khúc tạ từ
Ðêm nay sầu lắng tương tư
Một muà thu xưa dưới vầng trăng hai đứa
Ðã hơn một lần mơ
Nào ngờ duyên xưa đã chìm trong thương nhớ
Ðã trôi vào xa xưa
Ai biết thương nhớ bao giờ nguôi
Lạnh lùng trông cánh lá khô nhẹ rơi
Tìm dư âm cũ nhớ nhau mà thôi
Ðêm đêm rõi bóng một người
Tôi đi tìm chốn xa xôi
. . . . . . .
Coda:
Tiếng xưa còn đó
Gió trăng còn đó
Thấy đâu người xưa?

Chúng ta sẽ còn gặp lại nhạc của Hoàng Trọng trong những thời kỳ sau...

hoangtrong2
Gặp nhau tại Hoa Kỳ trong năm 1990


Phạm Duy