PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thời Kỳ Thành Lập (1938-45) - Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình - Nhóm MYOSOTIS - Hoa Lưu Ly

Thẩm Oánh

thamoanh

Sau khi Nguyễn văn Tuyên làm công việc ''hô hào âm nhạc cải cách'' và khi các nhóm âm nhạc ở miền Bắc thi đua nhau tung ra các bài hát mới thì xem chừng nhóm MYOSOTIS là nhóm có chủ trương rõ rệt nhất. Tuy về sau này, ta mới thấy họ công khai viết trên một tờ báo chuyên về âm nhạc là tờ Việt Nhạc (số 5, ngày 16-10-1948) về lối soạn nhạc của họ, nhưng qua một số bài được in ra và hát lên trong hai năm đầu (38-39) ta cũng thấy rõ ràng là họ đã và sẽ phải làm như Nguyễn văn Tuyên : xây dựng nhạc mới trên âm giai thất cung Tây Phương hay trên thang âm ngũ cung Việt Nam. Kể ra thì họ cũng còn một chọn lựa thứ ba nữa : soạn một ca khúc dung hòa cả hai hệ thống âm giai ngũ cung và thất cung.

Trong nhóm MYOSOTIS (tức là Hoa Lưu Ly), nổi bật lên trên hết là hai nhạc sĩ Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Thẩm Oánh thì rõ ràng là muốn soạn nhạc mới theo ngũ cung. Bài Khúc Yêu Ðương được đăng trên báo NGÀY NAY vào cuối năm 1938 có thể được coi như bản đầu tay của họ Thẩm :

Ngọn trào đưa sóng
Về tới nơi đâu
Chiếc thuyền tình xa chìm nổi
Thuyền ơi hãy ghé vào bờ
Ðể tôi đỡ phải mong chờ
Mượn mái chèo mà đi kiếm người mơ...

Ðúng như Thẩm Oánh tuyên bố sau này trong tờ báo kể trên : ''Âm Nhạc Cải Cách phải theo ý nhạc Việt Nam và phải có cảm tưởng thuần túy á đông'', nhạc điệu của bài Khúc Yêu Ðương này có phảng phất một nét nhạc ngũ cung mà tôi cho là gần gũi nhất, tự nhiên nhất đối với lỗ tai người Việt. Ðó là ngũ cung Do Ré Fa Sol La.

Tuy nhiên nếu ta dựa vào nhạc diatonique Tây Phương thì ta cũng có thể nói rằng bài Khúc Yêu Ðương được soạn với những nét nhạc "âm chuỗi" (arpege) : Do Fa La Do Fa vì lối hành âm của bài này. Chắc chắn vào lúc đó, Thẩm Oánh muốn bài hát của mình phải "theo ý nhạc Việt Nam và có cảm tưởng á đông" nhưng chưa chắc ông đã có ý thức rõ rệt về hai loại nhạc ngũ cung và thất cung. Ông cũng chưa phân biệt được sự khác nhau của ngũ cung Việt Nam và ngũ cung Trung hoa cho nên đã đưa ra bài Xuân Về trong đó ông dùng ngũ cung Trung Hoa có ''biến cung'' (pien) :

Xuân về rồi muôn đoá hoa đào tươi
Cười trong nắng sáng tươi
Buông mành xuống tơ liễu soi hồ gương
Rờn màu sắc Xuân vừa sang
Ngàn muôn tiếng vang lừng ca
Chim ghép đôi tung trời bay
Và âu yếm bên ngàn hoa
Cô gái mơ màng say...

Nếu phân tích theo nhạc diatonique thì bài Xuân Về này được soạn với âm giai thất cung Sol La Si Do Re Mi Fa# Sol. Nhưng nếu phân tích theo nhạc ngũ cung thì ta thấy đoạn A và đoạn C được soạn với ngũ cung Ré Mi Sol La Si có biến cung Fa# và câu đầu của đoạn B được soạn với ngũ cung Ré Mi Sol La Si có biến cung Do. Tôi hồ nghi Thẩm Oánh là người thuộc dòng dõi Trung Hoa bởi vì họ Thẩm không phải là một họ thông thường của người Việt. Khi Thẩm Oánh chủ trương nhạc Việt Nam cải cách phải có cảm tưởng á đông thì cái ngũ cung Trung Hoa từ trong mạch máu của ông đã tuôn ra một cách rất tự nhiên.

Tuy nhiên, phân tích là để hiểu thêm về tác giả, ta sẽ thấy rằng dù bài Xuân Về có được soạn bằng âm giai ngũ cung Trung Hoa đi nữa, bài này vẫn được hát vang trên các đài phát thanh ở miền Nam cho tới hết mùa Xuân 1975.

Trong thời gian hình thành của Nhạc Cải Cách, Thẩm Oánh còn tung ra nhiều bài hát thuộc nhiều loại khác nhau : Hồ Xưa, theo nhịp ba sở trường của ông; Hồn Xuân với nhip fox trot khá giật gân; Có Ai Sang Ðò (soạn chung với D.T.Tước); Cô Hàng Bán Hoa... Nếu ta coi lại những bản nhạc đầu tay của Thẩm Oánh, ta sẽ thấy tuy ông muốn soạn nhạc ngũ cung để cho bản nhạc có cảm tưởng á đông nhưng nhiều khi ông lấn qua nhạc diatonique. Ví dụ trong bài Hồ Xưa, câu đầu thì chắc chắn là nét nhạc ngũ cung Sol La Do Ré Mi :

Hôm xưa trên nước lờ đờ
Hai chúng ta đã say sưa
Lái một chiếc thuyền mơ

... nhưng qua câu thứ hai thì lại lòi ra cung Fa (ở chỗ thuyền trôi) nghĩa là từ thang âm ngũ cung Sol La Do Ré Mi chuyển qua thang âm ngũ cung Do Ré Fa Sol La :

Thuyền trôi êm ái vô ngần
Trên sóng lăn tăn...

... rồi lại quay trở về thang âm Sol La Do Ré Mi :

Mà đến hôm nay
Hôm nay vẫn nước hồ này
Ôi đắng cay có mình tôi
Lái thuyền, nước lênh đênh...

Nếu theo quan niệm nhạc có chủ âm (musique tonale) hồi đó, câu đầu thuộc giọng Do majeur và Sol 7 thì câu thứ hai đã chuyển qua Fa majeur (sous dominate), rồi lại trở về Do majeur v.v... Lúc đó chưa có ai nghiên cứu và lập luận về nhạc ngũ cung (như các giáo sư Constantin Brailiou, Jacques Chailley sẽ làm trong thập niên 50 tại giảng đường của Institut De Musicologie ở Paris) cho nên chưa ai biết đến ''hiện tượng chuyển hệ'' (métabole), nghĩa là một đoạn nhạc đang ở một hệ thống ngũ cung Sol La Do Re Mi có thể chuyển qua một hệ thống Do Re Fa Sol La để cho nét nhạc ngũ cung thêm phong phú. Thẩm Oánh đã làm đúng như vậy một cách vô tình mà thành ra rất trung thành với chủ trương soạn nhạc có cảm tưởng á đông của mình.

Sau khi đã soạn bài : Hồ Xưa, Thẩm Oánh đưa ra bài Có Ai Sang Ðò, lần nay ông dùng ngũ cung rất là thuần túy : Do Ré Fa Sol La với Dạng (aspect) Ré Fa Sol La Do, và có chuyển hệ qua Sol La Do Ré Mi. Chắc chắn vào lúc này ông vẫn đinh ninh là mình soạn nhạc với nhạc pháp Tây Phương, dù rằng vẫn chủ trương giữ vẻ nhạc á đông, cho nên trong một bản nhạc ngũ cung không có một nốt Sib nào, ông cũng để một dấu "giáng" tại đầu khóa (armature), chủ ý cho ta thấy bài này nằm trong giọng Fa majeur hoặc Re mineur. Ðược soạn với giai điệu ngũ cung, nhưng lại lồng vào một nhịp điệu giống như tango, với câu cú 8 mesures, toàn bài gồm ba đoạn, theo đúng nhạc pháp soạn nhạc Tây Phương hiện đại, bài Có Ai Sang Ðò này không được phổ biến lắm, nhưng tôi cũng xin ghi lại đây để chúng ta biết qua "đường đi nước bước" của các vị đi trước :

Trăng vừa lên mơn nước trôi
Trăng vừa lên đắm say soi lòng sông
Bóng đêm tan giờ chờ mong
Nhớ nhung nhường cho ái ân
Trăng vừa lên mơn nước trôi
Trăng vừa lên âu yếm soi lòng sông
Có cô du thuyền tìm Xuân
Tiếng oanh mê hồn ca rằng
Có ai sang đò
Xuống thuyền em chèo giúp cho
Xuống đây lái chung con đò
Trên dòng ta cùng khoan hò

Tuy vậy, trong bài Hồn Xuân (trùng tên với một bài hát của Nguyễn Xuân Khoát) soạn với một nhịp điệu giống như Fox Trot rất vui tươi, Thẩm Oánh đã dùng những nét nhạc chỉ có trong nhạc Pháp : Re Fa Si La Sol hay Do Si La Si Sol Do :

Hồn xuân, bát ngát hương Xuân
Ngập vườn, ong chuốt thanh tân
Rực mầu đắm sắc dương trần
Cho đời diêm dúa
Âm khúc ca ngân...

Nhạc pháp soạn nhạc có ''cảm tưởng á đông'' của Thẩm Oánh thì ta đã biết. Còn về "ý nhạc" thì như ông ước mơ, đúng là những ý tưởng của văn nghệ sĩ Việt Nam hồi cuối thập niên 30 : tình cảm thiên nhiên (sentiment de la nature), than mây khóc gió, xưng tụng mùa Xuân, đôi tình nhân nào cũng chỉ muốn bơi trên "chiếc thuyền tình". Mấy bài nhạc tình của Thẩm Oánh đều là "gọi đò", đều là "tình yêu trên sông trên hồ" cả. Ta sẽ còn thấy ý nhạc đó trong Văn Chung với bài Hồ XuânThiếu Nữ (phổ thơ Thế Lữ), trong Dzoãn Mẫn với bài Cô Lái Thuyền, trong Nguyễn Ðình Phúc với bài Cô Lái Ðò (phổ thơ Nguyễn Bính). Ðúng là thời đại ngây thơ (le temps de l'innocence) mà chúng ta sẽ bị mất đi trong những thập niên tới.

Thẩm Oánh sẽ không ngừng ở đó. Trong những năm tới, với sự phát triển của Tân Nhạc, nhất là khi ông giữ chức vụ cao ở Ðài Phát Thanh Saigon, ông còn cống hiến cho chúng ta nhiều tác phẩm khác trong nhiều thể loại khác nhau. Cho tới 1953-54 là lúc Tân Nhạc đang sửa soạn bước vào thời kỳ phát triển 2, Thẩm Oánh đã có hàng chục nhạc phẩm nằm trong cả hai xu hướng nhạc tình và nhạc hùng. Ông cũng thử thách soạn truyện ca như bản Thiếu Phụ Nam Xương và nhạc kịch QUÁN GIANG HỒ. Nhạc kịch này chưa hề được in ra và trình diễn.

Sau 1975, Thẩm Oánh ở lại Việt Nam cho tới 15 năm sau thì ông qua sống ở Hoa Kỳ rồi mất vào năm 1995.


Dương Thiệu Tước

duongthieutuoc

Dương Thiệu Tước mới thật sự là người có nhiều sáng kiến trong thời gian khởi sự xây dựng một nền âm nhạc mới mẻ này. Ngay từ khi mọi người còn phải vay mượn nhạc điệu tây phương để soạn lời ca tiếng việt và gọi nó là ''bài ta theo điệu tây'' thì ông lại soạn những bài mà tôi dám gọi là ''bài tây theo điệu ta''.

Trước cái gọi là "biến cố tháng ba 1938" gây ra bởi Nguyễn văn Tuyên, Dương Thiệu Tước đã là người đánh đàn guitare hawaienne rất giỏi, chủ nhân của một cửa tiệm bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà Nội và có mở cả lớp dạy đàn nữa. Trong sinh hoạt hằng tuần với các bạn nhạc sĩ tài tử của mình, ông đã sáng tác mấy bài mang những đầu đề bằng tiếng Pháp, như Joie d'aimer (Thú Yêu Ðương), Souvenance (Hồi Niệm), Ton Doux Sourire (Nụ Cười Êm Ái Của Em)... Lời ca của những bài này là do Thẩm Bích (anh ruột của Thẩm Oánh ) soạn, dĩ nhiên là bằng Pháp ngữ.

Có lẽ vì ông tự coi như đã nắm được nhạc pháp soạn nhạc Tây Phương, cho nên ông đã tuyên bố, khi được phỏng vấn về cách soạn nhạc Việt Nam : "Nếu đã có nhà văn Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp, thì nhà soạn nhạc Việt Nam cũng có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây Phương'' (báo Việt Nhạc số 5, ngày 16 tháng 10, 1948). Do đó, ngay trong năm 1938, ông đã cho in ra những ca khúc như Tâm Hồn Anh Tìm Em, Một Ngày Mà Thôi, Bên Cây Lục Huyền Cầm, Dập Dìu Ong Bướm... Bây giờ, nghĩa là 50 năm sau khi Tân Nhạc thành hình, trong hoàn cảnh ở xa đất nước và rất thiếu thốn tài liệu, tôi cũng cố gắng sưu tập những bản nhạc đầu tay của Dương Thiệu Tước để nghiên cứu những ca khúc đầu tiên của Tân Nhạc. Và tôi khám phá ra rằng : Tuy nhạc sĩ họ Dương không câu nệ trong việc soạn ca khúc Việt Nam với âm giai Tây Phương, nhưng trong những ca khúc tuyệt vời mà ông viết trong thời kỳ thử thách của nhạc cải cách, đa số các nét nhạc đều là nhạc ngũ cung Việt Nam. Ví dụ bài Tâm Hồn Anh Tìm Em mà hồi đó ai cũng đều biết :

Tâm hồn anh tìm em
Theo lần sang lầu Thúy
Dưới trăng ngà sao huyền
Lòng anh giá băng
Trong bóng sương mờ...

Rõ ràng nét nhạc của đoạn này nằm trong ngũ cung Sol La Do Ré Mi (thuần túy). Dương Thiệu Tước thật tình muốn dùng nhạc pháp Tây Phương để soạn nhạc Việt mới, nhưng ông bị nhạc ngũ cung Việt Nam trói ông lại. Sau này, trong một nhạc phẩm bất hủ của ông là bài Trỡi Xanh Thẳm, chỉ có đoạn sau là được soạn theo âm giai thất cung Tây Phương, đoạn đầu hoàn toàn là nhạc ngũ cung Việt Nam thuần túy :

Còn đâu như lúc xưa
Ngày đôi chúng ta còn thơ
So phím tơ bên thềm
Anh hoà theo lời em
Ngàn lời ca êm ái
Khiến anh đắm say hoài
Và giờ đây em thấy
Muôn ngàn lời không phai
Còn đâu như lúc xưa
Ngày đôi chúng ta còn thơ
Anh nắn cung đàn
Còn em thì biệt tăm...

Không còn nghi ngờ gì nữa, hai nhạc sĩ tiền phong trong phong trào Âm Nhạc Cải Cách là Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước đều dung hòa cả hai âm giai ngũ cung á đông và âm giai thất cung tây phương. Bởi vì họ đều có học thức trong cả hai loại nhạc cổ truyền Việt Nam và nhạc cổ điển tây phương cho nên khi họ sáng tác thì nét nhạc mà họ học được từ lâu, đã tự nhiên tuôn ra từ tâm thức. Qua bài Trời Xanh Thẳm, tôi thấy trong tiến trình thất cung, giai điệu Dương Thiệu Tước có nét nhạc đẹp hơn Thẩm Oánh, vì không còn là nét nhạc "âm chuỗi " (arpège) nữa. Ðoạn đầu của bài Trời Xanh Thẳm là ba mệnh đề nhạc ngũ cung, mô phỏng (imitation) nhau để tạo cho ta một không khí xa xưa, khi chúng ta còn thơ, anh so phím, nắn cung đàn để dâng ngàn lời ca êm ái, rồi thì... em biệt tăm ! Ðoạn sau là nhạc dùng âm giai thất cung, giai điệu hơi giống nét nhạc của Chopin hay Schumann, kéo ta về ngày hôm nay, cũng vẫn còn buồn bã như ngày hôm xưa :

Hôm nay Ðông đã trôi qua
Hôm nay Xuân đến với hoa
Thấy nắng Xuân êm đềm
Mà chẳng thấy am tìm đến
Bên sông anh đứng trông trời
Bao la mây xanh tuyệt vời
Nắn nót mấy cung đàn
Lòng thấy như nát tan...

Ðoạn này có những chuyển cung (modulation) khá cổ điển, rất hợp lý, rất quyến rũ vì nét nhạc không có những "quãng" (intervalles) quá xa, quá trúc trắc mà là những nét nhạc có bán cung mềm dịu. Cấu phong của ca khúc cũng rất là cổ điển : từ đoạn A qua B, rồi kết thúc bằng A...

Bài Trời Xanh Thẳm sẽ còn được hát mãi trong những thập niên sau vì nó đã là bản nhạc tình, nghiêng nhiều về "nhạc tình đôi lứa", không còn là thứ nhạc tình chỉ có ''than mây khóc gió'' mà thôi. Ðặc biệt hơn nữa, nhạc tình của Dương Thiệu Tước luôn luôn là mối tình của những nhạc sĩ, của nghệ sĩ. Có ''so phím tơ, có nắn cung đàn'' và sau này cũng vẫn có ''tơ chùng phím loan'' trong một bản nhạc tuyệt vời của ông là bản Ngọc Lan. Nhạc Dương Thiệu Tước, theo tôi, là loại nhạc tình tứ, nhưng cũng rất sang trọng. Ðó là những ca khúc tình ái thốt lên từ con tim của một nghệ sĩ dòng dõi nhà quan.

Tưởng cũng nên ghi lại ở đây một ca khúc nữa của ông cũng dùng hai ngũ cung Do Re Fa Sol La và Sol La Do Re Mi, bài Vừng Trăng Sáng mà nhiều ca sĩ đã hát trong những năm 44-45. Giống như những tác phẩm của Thẩm Oánh, Dzoãn Mẫn hay Văn Chung, bài này cũng vẫn nói đến chuyện yêu nhau bên hồ, dưới trăng, trong chiều thu :

Kìa vừng trăng sáng
Chiếu in trên hồ
Dưới làn trăng nước
Sóng lan nhấp nhô
Mặt hồ rung rinh
Dưới khung trời tím
Có anh cùng em
Chúng ta vui hoà
Trong một chiều thu
Ðắm say dưới trăng...

Nhóm MYOSOTIS qui tụ được nhiều nhạc sĩ nhưng về mặt sáng tác thì trong bốn năm đầu, từ 1938 cho tới 1942 là lúc Tân Nhạc đã có thêm một xu hướng mới -- xu hướng nhạc hùng -- chỉ có hai người đầu đàn là Dương Thiệu Tước và Thẩm Oánh là có nhiều sáng tác, bài nào cũng buồn man mác (không trữ tình thì cũng lãng mạn) và đều có giá trị, không những là giá trị khai phá mà còn phải được coi như đã hoàn mỹ và sẽ phải bất tử.

Nhưng sở dĩ nhạc của hai ông Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước (cũng như của các nhạc sĩ trẻ trong nhóm TRICEA mà tôi sẽ đả động tới trong những chương sau) được mọi người biết tới trong giai đoạn đầu này, đó cũng là nhờ ở sự tích cực của một người, tuy không có nhiều sáng tác nhưng đã có công kết hợp các nhóm để tổ chức các buổi trình diễn nhạc mới. Ðó là nhạc sĩ Lê Ngọc Huỳnh, tác giả bản Trên Ðường Hưng Quốc, vốn là người anh của quân nhạc trưởng tương lai Lê Như Khôi. Lúc Tân nhạc mới ra đời, chưa có những giọng ca lớn để truyền bá bài bản mới, sự phổ biến dựa vào việc ấn hành các bản nhạc hoặc dựa vào các buổi trình diễn của những ban nhạc tài tử trong đó, ban nhạc Orchestre Amateur do Lê Ngọc Huỳnh kết hợp một số đông các nhạc sĩ trong nhóm để thành lập, là ban nhạc quan trọng nhất.

Trong những năm đầu của Tân Nhạc, tác phẩm của nhóm MYOSOTIS rất là nhiều, nhưng không lưu truyền cho tới về sau, trừ một số bài nào đó, ngẫu nhiên được một giọng ca lớn nào đó, ví dụ giọng Thái Thanh hay Kim Tước, hát lại trong những thập niên sau. Ðó cũng là một điều đáng tiếc, vì xét ra những bản nhạc đầu mùa của hai vị tiền phong Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh... có một hương vị rất trinh trắng, phản ảnh một thời rất êm ả của chúng ta, trước khi những cơn cuồng phong kéo tới, liên tiếp trong bốn, năm chục năm trời. Nếu cần phải biết rõ hơn về tác giả để hiểu biết và yêu mến tác phẩm hơn, tôi thấy trong hai vị sáng lập ra nhóm MYOSOTIS, Thẩm Oánh đã đạo mạo thì sẽ đạo mạo suốt đời, còn Dương Thiệu Tước thì có một đời tình khá chuyển động. Sau 1975, với tuổi hạc đã khá cao, ông còn kết duyên với một thiếu nữ rất trẻ và ''lão bạn'' này vẫn ''sinh châu'' như thương. Mới hay, nhạc sĩ là hạng người thuộc nòi tình... cho tới hơi thở cuối cùng.

Quay về với sự tìm hiểu trong giai đoạn thành lập của Tân Nhạc này, ta thấy sau một thời gian ngắn, nhóm MYOSOTIS không còn là một nhóm thuần nhất nữa. Các thành viên sẽ chia tay nhau, mỗi người đi theo hành trình riêng của mình. Nếu như sau này Thẩm Oánh còn sáng tác thêm những bài mới thuộc nhiều loại khác nhau, thì Dương Thiệu Tước ít khi chịu rời khỏi lĩnh vực nhạc tình tứ và cao sang đặc biệt của ông. Về sau, khi nhạc dân ca được coi như phản ảnh đúng tâm hồn của dân tộc, Dương Thiệu Tước quay hẳn về nhạc ngũ cung để cống hiến cho ta những bài hát bất hủ như Tiếng Xưa, Ðêm Tàn Bến Ngự ... Rồi cũng trong ý muốn dung hoà cả hai hệ thống âm nhạc Việt, Âu, tại mấy Ðài Phát Thanh ở Saigon, ông chủ trương hình thức ''cổ kim hoà điệu'' nghĩa là hoà tấu những bản nhạc mới với đàn tranh Việt Nam cùng hoà điệu với giàn nhạc Tây Phương.

Từ 1946 cho tới 1953, nhạc phẩm của Dương Thiệu Tước được xuất bản rất mạnh mẽ vì quanh ông không có ai là địch thủ cả. Hầu hết các nhạc sĩ trẻ và có tài đã rời bỏ thành thị đi kháng chiến... Dương Thiệu Tước và một số nhạc sĩ khác như Ðoàn Chuẩn, Từ Linh ở lại Hà Nội và soạn ra khá nhiều bản nhạc tình. Rồi ông vào Saigon làm việc tại các Ðài Phát Thanh Pháp Á, Ðài Phát Thanh Quốc Gia rồi làm giáo sư dạy nhạc tại Nhạc Viện Saigon cho tới khi ông mất vào năm 1996, khi ông 83 tuổi.


Phạm Duy
Bình luận