PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Thương Tiếc Nhạc Sĩ Phạm Duy (1921-2013)

    Phạm Duy, 'The Shootist'

    Có hai nghệ sĩ không thể nào trái ngược hơn trong cõi đời này. Ðó là John Wayne và Phạm Duy, người Mỹ người Việt ở hai góc sân khấu khác biệt của cuộc đời.


    John Wayne trong "The Shootist"

    Sinh năm 1907 và mất năm 1976, John Wayne là diễn viên điện ảnh thuộc loại nổi tiếng nhất Hoa Kỳ với tài diễn xuất trung bình nhưng vẫn đoạt giải Oscar trong phim "True Grit" nên chẳng thể nói là ông đóng dở. Ðiểm son của John Wayne là trở thành biểu tượng của anh hùng tính Hoa Kỳ. Ông sống và diễn xuất cho hình ảnh anh hùng đó nên còn tồn tại mãi trong ký ức của nhiều người.

    Phạm Duy thì hoàn toàn tương phản.

    Ông là nhạc sĩ không sống cho một hình ảnh nào về mình, kể cả khi mặc bộ đồ bà ba đen cầm cây đàn như kẻ du ca trên các nẻo đường đất nước. Vì ngay sau đó ông có thể là gã Duy già đa tình hay bạt mạng, viết tục ca và nói năng chẳng kiêng nể ai. Ông theo đuổi một cái gì khác, có lẽ chỉ chân thật với âm nhạc, còn lại thì cười khẩy về mọi chuyện.



    Nhưng vì sao người viết lại so sánh hai nhân vật trên?

    Một buổi chiều cuối năm, khi nhớ đến giỗ đầu của Phạm Duy (ông mất ngày 16 Tháng Chạp năm Nhâm Thìn), Quỳnh Giao coi lại "The Shootist," phim cuối của John Wayne khi ông đã lâm trọng bệnh. Một tay súng khét tiếng biết rằng đời mình sắp tàn vì bệnh ung thư và thế giới Viễn Tây của ông cũng hết khi nhân loại bước sang thế kỷ 20. Người hùng vào ngõ cụt ở cuối đời chỉ xin hai chữ bình an. Ông chờ chết trong một thành phố nhỏ.

    Con gấu già có thể mơ chuyện ấy trong rừng hoang vu. Chứ đại xạ thủ vẫn bị cái danh của mình rượt đuổi. Ðó là những kẻ muốn để tiếng cho đời khi đòi đọ súng với nhân vật J. B. Books.

    Quỳnh Giao nghĩ đến Phạm Duy trong trạng huống đó.

    Ở tuổi 84, còn già hơn John Wayne một giáp khi diễn viên này tạ thế, Phạm Duy muốn tìm nơi an nghỉ sau một đời còn sóng gió hơn ngần ấy cuốn phim của John Wayne cộng lại. Ông chọn nơi đó là Việt Nam. Nhiều người trong chốn thân tình, kể cả người viết này, có thể không đồng ý với quyết định ấy vì nhiều lý do. Nhưng quyền tự do vẫn là quyền chọn lựa. Vì vậy, năm 2005, chúng tôi tiễn đưa ông đi với sự ngậm ngùi.

    Sau đó, về đến nhà, Phạm Duy rơi vào vùng "The Shootist" của John Wayne. Ông khổ tâm mà chẳng nói ra ngoài.

    Ở bên ngoài, nhìn một người đã từng ứng khẩu diễn thuyết trong mấy tiếng đồng hồ về âm nhạc bằng tiếng Việt tiếng Pháp, nhiều người thấy khổ tâm khi Phạm Duy phải cầm giấy đọc lời giới thiệu một đêm nhạc của mình. Tờ giấy đó không là sáng tác của người đã viết ngàn lời ca. Nếu có hỏi han để chia buồn thì ông đã có nụ cười cố hữu: "Eo xèo nhân thế mà!"

    "Dăm eo xèo nhân thế
    Chưa phai lòng say mê..."

    Phạm Duy đã viết như vậy từ năm 1959 trong bài "Tạ Ơn Ðời..."

    Người nghệ sĩ này say mê khá nhiều điều từ khá sớm, nhưng với âm nhạc phải đến tuổi 21 ông bắt đầu với tác phẩm đầy tay là Cô Hái Mơ, phổ thơ Nguyễn Bính. Thế rồi từ tuổi 21 đến khi đã 91, trong 70 năm nhiều biến động nhất của vận nước, Phạm Duy vẫn gắn bó với nhạc và sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng. Ông tận tụy và chung thủy với âm nhạc Việt Nam và gần như mỗi thập niên lại tìm tòi ra một vài hướng mới.

    Trong 70 năm sáng tác, chín năm đầu của Phạm Duy mới chỉ là thời khai phá.

    Vậy mà ông đã cải biên dân ca và thúc giục lòng yêu nước trong thời kháng chiến với các ca khúc bi hùng và lãng mạn. Khi thấy con đường kháng chiến lại được lãnh đạo dẫn vào chốn độc đạo và lãng mạn bị coi là cái tội thì ông bỏ đi. Những người còn lần mòn trong con đường độc đạo ấy chỉ muốn nhắc đến nhạc Phạm Duy thời kháng chiến, nhưng may cho ông là đã sớm đi từ năm 1951.

    May cho chúng ta là Phạm Duy tìm đến nơi khoáng đạt là miền Nam. Nếu thời đó, ông ở lại chiến khu Việt Bắc hoặc qua Pháp luôn, liệu chúng ta có nhạc Phạm Duy như đã có hay không?

    Sau thời kháng chiến, từ năm 1951 đến 1975, nhạc Phạm Duy đã đổi khác, với nghệ thuật trác tuyệt, thể tài phong phú và lời ca lên tới cõi siêu hình. Ngoài hai bản trường ca bất hủ, tình ca Phạm Duy trong những năm 1960-1970 và "Ðạo Ca" phổ thơ Phạm Thiên Thư tại Sài Gòn là những viên ngọc quý mà những người biết nhạc và yêu nhạc đều nhớ. Khi đã ra tới hải ngoại, ông vẫn "mang theo biết bao nhiêu ngày vàng" với "Hoàng Cầm Ca," "Rong Ca," "Thiền Ca," "Minh Họa Kiều," v.v...

    Cuối năm 2012, chẳng hiểu sao Phạm Duy yêu cầu cô cháu này hãy bình về ca khúc Xuân Hành. Bài viết được đăng trên số Xuân Việt Báo nhưng kịp gửi trước về cho ông vào đầu năm 2013. Niềm an ủi nhỏ nhoi của người viết là chú Duy đã đọc, trả lời bằng email là rất vui và mong rằng nhờ đó người ta sẽ hiểu ông hơn. Mấy tuần sau là ông đi vào cõi Xuân hành của ông.

    Bây giờ, chúng ta nghĩ thế nào về Phạm Duy? Về cái công đã đi kháng chiến, cái tội đã vào vùng tề hay xuôi Nam? Hoặc về cái tội đã trở lại Việt Nam mà chết?

    Tại sao chúng ta không lắng nghe nhạc Phạm Duy và nhớ về Việt Nam muôn đời.


    Quỳnh Giao
    8/1/2014

    Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=180445&zoneid=97#.UtC3Z7Ry0yI
    Bình luận