Phạm Duy Nhượng: Nhà Giáo

Từ lúc sinh ra cho tới khi trưởng thành, tôi và người anh thứ hơn tôi hai tuổi -- Phạm Duy Nhượng -- có khoảng 16 năm sống gần nhau. Kém tuổi người anh cả trong gia đình tới hơn 10 năm cho nên chúng tôi là những đứa em rất xa lạ đối với người anh lớn Phạm Duy Khiêm. Ðó là chưa kể anh Khiêm đi du học bên Pháp trong bẩy năm trời, khi trở về với gia đình vào năm 1935 thì đã trở thành một ông Giáo Sư Thạc Sĩ, đối xử với mọi người và nhất là với các em như một ''ông Tây''.



Phạm Duy Nhượng tuổi 18
Phạm Duy Nhượng tuổi 18

Ngược lại, tôi rất thân với anh Nhượng. Trong một gia đình thiếu người cha, vắng người anh nhưng tuổi niên thiếu của chúng tôi rất lành mạnh, chúng tôi không bị lôi cuốn vào những thú vui không tốt như đánh bạc, hút thuốc. Ngoài những trò chơi như đánh đáo, đá cầu, đá bóng, chạy thi... tôi và anh Nhượng còn có chung một cái thú là đọc sách, giữ sách. và ca hát, đánh đàn. Lúc đó đàn mandoline là thứ đàn rẻ tiền dễ chơi, bài hát không nhiều, phần nhiều là bài Tây, cổ điển hay tân thời. Tôi còn nhớ những cuốn tiểu thuyết đang thịnh hành như VANG BÓNG MỘT THỜI, HỒN BƯỚM MƠ TIÊN hay LOAN VÀ DŨNG mà anh em chúng tôi để dành tiền ăn sáng để mua, trang nào cũng có những nét bút chì mầu, gạch dưới những câu văn hay, những ý tưởng đẹp. Và nhớ tới những bản nhạc Ý Ðại Lợi như MARTHA của Bellini, hay nhạc Nam-Mỹ như LA PALOMA, chơi trên đàn ''măng đô'' là đúng điệu nhất, hai anh em thi nhau xem ai ''vê '' ròn rã hơn ai...

Anh Nhượng chăm học và ít ham chơi hơn tôi nhiều. Anh luôn luôn đứng đầu trong các lớp ở Trường Nguyễn Du. Có lẽ vì anh bị bệnh thương hàn lúc còn bé rồi mang tật méo mồm nên anh có một đời sống hơi khép kín. Tài hoa của anh chỉ có dịp phát tiết ra ngoài khi, về sau, tôi kéo anh vào chơi trong một lĩnh vực nghệ thuật mà tôi đang cổ võ : phổ biến một nền âm nhạc mới toanh, so với nền nhạc cổ đang suy tàn.

Sau khi anh Khiêm ở Pháp về và anh Nhượng đã tốt nghiệp ở trường Bưởi, nếu có thể thì người anh thứ của tôi cũng đi du học bên Tây và sẽ cũng thành công như người anh lớn. Nhưng anh Nhượng đã phải vào học tại Trường Sư Phạm để ít năm sau trở thành một thầy giáo, được phái đi gõ đầu trẻ tại tỉnh lỵ Hưng Yên. Mẹ tôi và người chị chưa lấy chồng không ở với anh Khiêm ở Hà Nội mà đi theo anh Nhượng về Hưng Yên.

Sau khi bỏ học tại hai trường Thăng Long và Bách Nghệ rồi bỏ nhà đi giang hồ ít lâu, tôi cũng về Hưng Yên sống với Mẹ, chị Trinh và anh Nhượng trong một hai năm, tại đây tôi đi làm thư ký cho một ông Lục Sự tại Toà Án để không phải ăn bám vào gia đình.

Là ông giáo tại tỉnh Hưng Yên, vào thời kỳ người Pháp đang thua trận ở ''mẫu quốc'' nên tạo ra Phong Trào Thể Dục Thể Thao tại các thuộc địa để thu hút thanh niên, anh Nhượng được giao cho việc huấn luyện học sinh trong truờng về các môn điền kinh như nhẩy cao, nhẩy xa, chạy nhanh 100 thước v.v... Những buổi chiều trên sân vận động, tôi lại có dịp vui chơi với anh mình qua hai môn chạy nhanh và nhẩy cao.

Thế rồi, cuộc đời làm cho anh em tôi phải xa nhau, tôi thì bỏ nhà đi Bắc Giang, Moncay rồi đi theo một gánh hát lưu diễn từ Bắc vào Nam, anh Nhượng thì lấy vợ là Hoàng Thị Sâm, học trò của mình và là cô con gái nhà lành đẹp nhất Hưng Yên. Trong khi tôi đi xa và không hề có thư từ liên lạc gì với gia đình thì ở nhà, chị Sâm đẻ cho anh Nhượng hai đứa hai con trai, rồi chị dâu tôi bất ngờ qua đời vì bệnh thương hàn do sự cẩu thả của ông bác sĩ tỉnh nhỏ. Mẹ tôi, chị tôi vẫn ở với anh Nhượng cho tới ngày Sở Học Vụ thuyên chuyển anh tôi đi Thái Nguyên thì Mẹ tôi và chị tôi cùng đi Thái Nguyên sống với anh Nhượng...

Từ Ðà Nẵng là nơi gánh hát đang dừng chân trên đường lưu diễn, tôi tạt về thăm gia đình ở Thái Nguyên trong dịp Tết 1943. Tỉnh lỵ Thái Nguyên cũng buồn tẻ vắng ngắt như tỉnh lỵ Hưng Yên. Người anh góa bụa bây giờ dường như đắm mình vào sự đau khổ cho nên chúng tôi cùng nhau vui chung ba ngày Xuân mới trong sự thầm lặng. Nói về cái chết của chị dâu tôi, Mẹ tôi còn cho tôi biết thêm rằng, sau ngày vợ chết, trong mấy năm liền, anh Nhượng luôn luôn giở những chiếc áo dài của vợ ra coi rồi ngồi ôm mặt khóc.

Rồi hai anh em lại xa nhau. Tôi chỉ gặp lại anh Nhượng vào năm 1947, khi trên đường kháng chiến, tôi tới Thái Nguyên. Mẹ tôi và chị tôi đã về Hà Nội từ lâu, Anh Nhượng sống một mình trong thành phố đã bị phá hủy, nhưng sau đó vài năm, anh tái hôn với một cô gái Thái Nguyên rồi vợ chồng kéo nhau về Hà Nội, lúc đó tôi cũng đã giã từ kháng chiến để vào sinh sống tại Saigon trong năm 1950.

Khi tôi mang đoàn GIÓ NAM ra trình diễn tại Hà Nội vào năm 1953, thấy anh Nhượng ngỏ ý muốn di cư vào Nam, tôi bèn giúp anh phương tiện để cùng vợ con đáp máy bay vô Saigon. Trước tiên, anh chị Nhượng và mấy đứa con ở chung với gia đình tôi rồi sẽ dọn qua một căn nhà nhỏ ở giữa ngõ E đường Chi Lăng, Phú Nhuận (nhà tôi ở đầu ngõ) sau khi đã tìm được việc dạy học tại một trường tư ở Thủ Ðầu Một.

Ðời sống của một giáo viên tỉnh nhỏ, dù dưới thời Pháp thuộc hay sau khi nước Việt Nam đã trở thành một nước Cộng Hoà, dù là giáo viên ăn lương Nhà Nước hay là giáo viên tư thục, cũng đều là một đời sống chỉ đủ ăn nếu không muốn nói là nghèo.

Gia đình

Không biết anh tôi khởi sự hút thuốc lá vào lúc nào, nhưng khi thường xuyên sống gần anh trong những ngày Phú Nhuận, tôi thấy anh ''đốt'' trong một ngày tới ba bốn bao thuốc lá... thì tôi sợ cho anh quá. Quả nhiên, vào năm 1967 anh Nhượng chết vì bệnh ung thư phổi, để lại một vợ trẻ và một đàn con thơ dại.


Phạm Duy