Môi Son Julie - [8] Về Một Đôi Song Ca Khi Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông

Julie Quang

Cả hai là một đôi trên sân khấu của các Câu Lạc Bộ Mỹ và những phòng trà hộp đêm tại Sài Thành lúc bấy giờ, lúc Sài Gòn là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Cùng thời với họ còn có những cặp duet ca nhạc sĩ Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng & Từ Dung, Thanh Lan & Nhật Trường (đôi song ca này đặc biệt chỉ xuất hiện trên màn ảnh nhỏ tivi, thường diễn xuất những bài nhạc mang kịch tính nói lên những cuộc tình mất mát và những tai ương trong chiến tranh), là những cặp hát đôi lý tưởng của các sân khấu nhỏ và phòng trà ca nhạc ở Sài Gòn. Đến các sân khấu lớn Đại Nhạc Hội thì các đôi cặp lớn nhỏ gì cũng bị chìm xuồng trước cặp sóng thần Mai Lệ Huyền & Hùng Cường.

Những cặp duel (chiến đấu tay đôi) Lê Uyên & Phương, Từ Công Phụng & Từ Dung hay Julie & Duy Quang trên sân khấu Miền Nam Việt Nam Cọng Hoà là hình ảnh của những cặp tình nhân trẻ tạo nên cái không khí của tình yêu lãng mạn. Ba đôi song ca trên là biểu tượng hơi thở của thời đại, là cái nét biểu tượng rất thành phố, thời bấy giờ.

Còn cặp đôi sóng thần Mai Lệ Huyền & Hùng Cường lại là một hiện tượng khác. Hùng Cường và Mai Lệ Huyền hát nhạc kích động lời lẽ đơn giản như những lời tán gái của con trai ngoài ngõ. Tâm tình đơn sơ của những người lính trẻ đong đầy những ước mơ và cái ngây thơ e ấp của người yêu bé nhỏ nơi hậu phương. Những bài hát mộc mạc vô thưởng vô phạt trong thời chinh chiến ấy vậy mà đi vào lòng người. Từ trong các trại lính đến những đồn vắng ngoài biên ải trải dài với đồng lúa ruộng nương Việt Nam, cặp sóng thần Hùng Cường Mai Lệ Huyền đã chiếm lĩnh gần như toàn bộ các lãnh thổ đó.

Ngày nay người yêu nhạc Việt còn tìm thấy những hình ảnh xưa của thần tượng trên Youtube. Vào thời đại tin học muốn tìm kiếm hình ảnh thông tin gì mà không có.

Thế nhưng người ta đã không tìm được một bài hát Việt nào trong thế giới âm thanh và truyền hình internet ghi lại cặp đôi Julie & Duy Quang hát chung với nhau.

Ca nhạc Sài Gòn ngày ấy đặt cho họ một tên gọi: Duy Quang ca sĩ thần tượng, Julie Quang ca sĩ huyền thoại. Hãy tạm gọi là Chàng và Nàng để cùng đi vào thế giới bí ẩn của họ. Thế giới của ngày trước và ngày nay. Còn bức rèm che giữa bên này và bên kia của đời sống hãy thử vén lên xem. . .

Nàng, người đàn bà trẻ thơ đã đến trong cuộc đởi Chàng lúc tuổi đời còn bỡ ngỡ nghe thân xác rạo rực đòi hỏi chuyện yêu đương, háo hức được gặp nhau để xoắn xuýt như đôi lứa, cả hai đều thật sự chưa biết tình yêu là gì ngoài cái hừng hực nung nấu trong lòng người trẻ tuổi, sức lớn mau sự trổi dậy như quy luật tạo vật những đòi hỏi vật vã của thể xác. Chẳng những cho rằng tình yêu là một sự chiếm hữu, phải làm chủ tình hình phải đánh Nam dẹp Bắc không cho bất kỳ đối thủ nào có cơ hội toan tính chuyện tranh dành, phải mau mắn đánh dấu lãnh thổ của mình. Đơn giản khi yêu thích vật gì thì ta muốn chiếm hữu trở thành sở hữu chủ của vật đó. Trong tình yêu rồi đi đến hôn nhân là như thế nơi những cặp tình nhân từ thời học sinh "em tan trường về" (1) đi bao xa với nhau, bao lâu cuộc tình kéo dài đen' kết thúc tốt đẹp có đoạn kết tốt hay dang dở nửa chừng đều tùy thuộc vào cả hai bên. Hai người nhìn cuộc đời hai phía với những góc cạnh khác nhau như "hai khía cạnh cuộc đời" (2). Hai khía cạnh luôn song song đó có chở được đoàn tàu đông đúc đi qua không lại là một chuyện khác. Về phía xa tắp cuối chân trời nơi giới hạn của tầm nhìn hai khía cạnh khác nhau đó có kết nối lại được thành một không?

Một buổi sáng sớm mùa đông tại thị trấn giữa đàng nơi nhà bố Chàng, Nàng đang quét dọn phòng, Chàng buông thõng một câu chẳng đâu vào đâu.

- Già quá!

Nàng:

- Ừ, thì mình già rồi phải chấp nhận điều ấy.

Chàng nói tiếp:

- Cái mền mới mua, màu của người già. Không nói em. Anh với em cùng tuổi, hai đứa mình đều mang mạng Mộc. Anh là cây chết đứng giữa trời còn em già nua như cổ thụ.

Câu nói làm điếng lòng người, mà kinh quá khiến người nghe chết sững, lạc dòng thời gian. . .

Trở về Chàng và Nàng đều không có cái hậu vận tốt theo kiểu cách classic-classy đó mà cũng không thể gọi là dở dang. Cái lưng chừng không có tên.

Những ý niệm về cuộc đời hình ảnh buồn bã của một đám tang trước mắt và hạnh phúc muộn không hẹn mà đến cùng lúc vào cuối đời. Chàng mơ thấy xác thân chảy vữa ra thành tơ vàng và hào quang của sự Chết là lửa thiêng nung cháy ánh tơ vàng thành trang sức trên người Nàng. Chàng được treo trên vùng ngực để ngửi hương thơm ngày cũ. Chàng đeo bám bên hoa tai cùng kết bạn với làn tóc rũ vờn trên đôi má và thì thầm bên tai những lời âu yếm, vừa đủ cho một mình Nàng nghe. Vào lúc chập chờn giữa cái sống và cái Chết, giữa cõi mơ thực hư ảo, như một cuốn phim quay thật chậm, chậm như nhịp đập của trái tim bằng hơi thở hắt hiu Chàng bắt gặp Nàng lung linh từ tiền kiếp bỗng chói lòa, người tình của kiếp trước đã trở lại cùng Chàng bằng xương bằng thịt bằng trái tim son, màu tươi thắm của máu đỏ.

Nàng, người tình muôn thuở trong thi ca "Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng (3). Suốt một đời Chàng dũng sĩ cưỡi con ngựa vàng rong ruổi chiến trường, vượt nghìn trùng sông núi những bến bờ để đi tìm người yêu trong mộng tưởng. Đi khắp nơi tìm khắp chốn người tình cứ biền biệt, đến một ngày ngựa đã mỏi vó chồn chân, lông đã thay sắc và Chàng dũng sĩ áo chinh nhân đã bạc màu sờn vai. Rũ bụi đời bên bờ sông vắng. Soi bóng hình lung linh dưới nước ẩn hiện một giai nhân, người tình trong mộng tưởng là hóa thân của con ngựa vàng đã cùng Chàng như hình với bóng trong từng dậm dài hành trình của một đời người. Nàng đã âm thầm đi bên lề cuộc đời Chàng như một cái bóng, chiếc bóng câm lặng, cái bóng vô tri vô giác là con ngựa vàng. . . Trong cái vỡ òa giữa sự sống và cái chết Nàng đã trở về như một huyền thoại.

Nàng, huyền thoại một ca sĩ có thực mà những cái người ta biết và không biết, chi chít như những dọc ngang trong bức họa đồ của một đời người. Nàng có đời sống phóng túng, một tâm hồn già nua một trái tim non trẻ. Trẻ con rất ngây thơ khi tô vẽ những bức họa đầu đời bằng cách vẽ những cảm nhận lên trên bức họa, trong cái thế giới quan của con trẻ là thiên thần nên tất cả đều tốt đều đẹp. Không tồn tại bất kỳ một điều xấu mà cho dù có xấu đi chăng nữa cái đơn giản ngược ngạo trong hình thể lắm lúc đã trở thành cái đẹp rất duyên dáng trong cái xấu. Cái xấu và sự kỳ dị ngược đời lồng trong màu sắc sặc sỡ đậm nét của trẻ con là tổng hợp chính làm thành những tác phẩm giá trị hằng triệu đô la của Picasso. Nàng mang trái tim của một con trẻ ham chơi mà vẽ lên cuộc đời Nàng những nét chấm phá loang lở, ở đó có ánh sáng và bóng tối.

Nàng Eva yếu đuối trong cám dỗ và là nguồn gốc của tội lỗi như trong thánh kinh dẫn. Nàng là thiên thần bảo hộ hay quỷ ám toàn đời.

Chàng trong ngục tù bao la của đời sống vợ chồng. Nàng không muốn làm người vợ. Nàng quá lãng mạn để đóng vai vợ hiền. Nàng chọn làm người tình. Người tình có thể là người tình của nhiều người trong số đó có Chàng phải luôn luôn cất dấu Nàng trong tim. Trong ái tình Nàng là kẻ tham lam mà không toan tính chuyện đời đời, được thua.

Chàng cố gắng vất vả để biến Nàng thành một bà Thánh Sống như mẹ Chàng, một mẩu người Vợ, người Mẹ lý tưởng điển hình trong đời sống.

Nhưng đó không là ước muốn của Nàng. Từ trong tiềm thức Nàng chọn sắm vai người tình và chỉ là người tình mà thôi.

(Em hãy là thuyền tình dật dờ trôi để anh là bến mộng mãi đợi chờ). Eva bản chất là hoa, cá tính là bướm là người nghệ sĩ. Chàng nhận biết điểm này bởi Chàng cũng là bướm biết thế nào là mật ngọt hương hoa. Như một chuyện tình buồn đẫm lệ Chàng hôn mê trong ký ức giật lùi, thời gian của buổi ban đầu rồi chập chờn qua cơn mộng mị. Nàng có đó ngay trước mắt biết đớn đau nhỏ lệ từng giọt rồi tung'giot nặng nề rơi trên đôi vai gầy giơ xương của Chàng. Ôi, ơn đời quá đỗi, ơn em nặng quá thể tuôn trào từ hốc mắt những giọt nước đẫm tình làm chìm đắm cái ngạo nghễ trong bất kỳ gã đàn ông nào như chàng.

(còn tiếp)


Julie Quang

(1) Ngày Xưa Hoàng Thị, thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy.

(2) Hai khía cạnh cuộc đời. Both sides now của ca nhạc sĩ Joni Mitchell, lời Việt Phạm Duy

(3) Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng, Đạo ca, Thơ Phạm Thiên Thư nhạc Phạm Duy.

Nguồn: http://www.gio-o.com/Chung/JulieSonMoi8.htm