PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Duy Cường “phù thủy” hòa âm

Khôi Nguyên
1/2011

Là một người yêu nhạc cổ điển phương tây và cũng rất yêu nhạc Việt Nam nên trước đây lúc nào tôi cũng mong muốn có một ban nhạc chơi nhạc Việt Nam theo phong cách cổ điển. Hồi trước năm 1975, lúc đó tôi còn học tiểu học nhưng vẫn còn nhớ có ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng là ban nhạc chơi theo phong cách này.



Tuy nhiên tôi thấy ban nhạc này chơi đơn giản, không mấy sáng tạo nên không để lại ấn tượng nhiều trong tôi.

Nhạc Việt Nam những năm 60 và 70 thật nhiều và thật hay nhưng ở thời điểm ấy và nhiều năm sau đó chưa được hòa âm hay tương xứng.

Về hợp âm thì các ban nhạc chỉ sử dụng các hợp âm trưởng, thứ, bảy, chưa biết sử dụng các hợp âm maj7, m7.... Về nhạc cụ thì nhạc cụ điện tử nghèo nàn, dàn violon quá yếu. Các khúc biến tấu, các khúc dạo đầu dạo giữa bài đơn giản và thiếu sáng tạo.

Vào khoảng năm 1987, qua một tiệm sang băng đĩa ở khu Tân Định tôi có được băng cassette sang từ 2 đĩa nhạc "Ngày xưa hoàng thị" - ca sĩ Thái Thanh, "Chiều về trên sông" – nhạc không lời, cả 2 đều do Duy Cường hòa âm. Nghe xong hai băng nhạc này tôi vô cùng bàng hoàng và thán phục phần hòa âm.

Ấn tượng đầu tiên là dàn violon quá mạnh và truyền cảm, (lúc đó tôi nghĩ là Duy Cường đã phải sử dụng các giàn nhạc giao hưởng cỡ lớn gồm toàn các ông bà tây tóc vàng mắt xanh nhưng sau này qua các bài phỏng vấn nhạc sĩ Phạm Duy tôi mới biết là Duy Cường hoàn toàn sử dụng computer).

Phần hợp âm thì gồm những hợp âm rất lạ gắn bó thích hợp với từng đoạn nhạc như các nhạc sĩ cổ điển phương tây chứ không dựa vào những thế hợp âm có sẵn. Ví dụ như bài "Ngày xưa hoàng thị", thay vì mở đầu phải đệm gam C với Do Mi Sol thì Duy Cường lại sử dụng hợp âm rải đều Sol Do Re Mi Re Mi nghe vừa là tại mà lại rất hợp với một bài thuộc loại ngũ cung như bài này.

Chưa hết, nói về những đoạn dạo đầu, dạo giữa bài thì Duy Cường đúng là "phù thủy" qua sử dụng các biến tấu thật thần sầu như bài "Nửa hồn thương đau". Tôi không biết Duy Cường có biết chơi ghi ta cổ điển không nhưng tôi thấy cách bài "Hai năm tình lận đận" thì giống như anh là một danh cầm ghi ta - sử dụng song tấu ghi ta phần đệm và phần giai điệu như quyện chặt vào nhau.

Có lẽ ai cũng đồng ý là bài "Chiều về trên sông" là một trong những bài hòa âm hay nhất của anh cho thấy anh là một nhạc sĩ hòa âm có tầm vóc lớn. Cũng cần phải nói thêm rằng tại thời điểm ấy (những năm 80), hòa âm còn rất đơn giản. Các ban nhạc chơi theo lối "trẻ" thường chỉ theo công thức có sẵn, về tiết điệu thì chơi theo điệu valse, tango...về hợp âm thường chơi các hợp âm đơn giản như trưởng, thứ, bảy... nhạc cụ điện tử thì cũ.

Tôi nhớ lại, không những tôi (một người chơi ghi ta tự học và nghiệp dư) mà ngay cả những ban nhạc chuyên nghiệp thời đó cũng không sao bắt chước lại những hợp âm "lạ" của các ban nhạc nước ngoài như The Capenters, Bee Gees... Các ban nhạc chơi theo lối cổ điển và bán cổ điển như dàn nhạc giao hưởng Việt Nam và đoàn ca múa nhân dân trung ương ở miền Bắc hòa âm khá đơn giản, chủ yếu là đánh theo giai điệu của bài hát mà thôi.

Chính vì vậy khi nghe những bài do Duy Cường hòa âm tôi xúc động vô cùng và xem đó như một vật quý giá (lúc đó tôi thường sang làm 2 băng casette, một băng để nghe, một băng để dành lỡ băng kia có bị rối, đứt thì cũng mất đi đoạn nào). Sau đó tôi còn may mắn được tiếp tục nghe rất nhiều dĩa nhạc do Duy Cường hòa âm.


Từ trái sang: Duy Cường, Duy Quang, Duy Minh.

Có khi tình cờ nghe được một bài hát ở quán cà phê hoặc nhà người quen tôi cũng nhận ra ngay là của Duy Cường hòa âm vì phong cách riêng của anh rất đậm nét. Duy Cường đã hòa âm rất nhiều bài, bài nào cũng hay cả nên có lẽ không thể bình luận hết tất cả những bài hát anh thực hiện.

Tóm lại, về tài năng hòa âm của Duy Cường có thể tóm tắt như sau:

1.Có thể nói, anh là người đầu tiên và cũng là người hay nhất đưa tân nhạc Việt Nam lên tầm cao mới qua lối hòa âm bán cổ điển. Nghệ thuật hòa âm của anh nổi rõ ở cách dùng hợp âm rất sáng tạo, cách dùng nhạc cụ rất tinh tế và hợp lý theo từng bài, các đoạn dạo đầu, dạo giữa bài, các câu vuốt đuôi theo bài hát thật "thần sầu" (tôi không phải là dân chơi nhạc chuyên nghiệp nên dùng từ không được chính xác lắm)

2. Anh là nhạc sĩ hòa âm có phong cách rất đậm nét, "phong cách Duy Cường", nghe qua là đã biết bài này do Duy Cường hòa âm chứ không phải ai khác. Phong các này tôi thấy hình thành từ CD đầu tay của anh và không đổi cho đến giờ, gần bốn chục năm. Hiện nhạc sĩ Việt Nam ở trong và ngoài nước tôi chưa thấy ai đạt được điều này.

3. Anh là người có số lượng bài hòa âm vô cùng nhiều (với hơn 100 đĩa CD) trong đó phần lớn là hòa âm cho các danh ca như Thái Thanh, Ý Lan, Khánh Hà, Thái Hiền, Tuấn Ngọc, Duy Quang điều này nói lên tầm vóc lớn.

4. Chịu ảnh hưởng bởi Duy Cường nhiều nhạc sĩ trẻ ở trong nước cũng như ở hải ngoại đã chọn hòa âm theo lối bán cổ điển và đã ít nhiều thành công.


Khôi Nguyên

Nguồn: Doanh Nhân Sài Gòn
  
Bình luận