Thụy Khuê: Con Ðường Cái Quan

Không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông - từ Héraclite - bởi vì tuy cùng dòng nhưng nước đã khác ''toujours les mêmes, d'autres et d'autres eaux toujours surviennent'' cho nên ''cùng khác'' đã có trong nhau như thể ''nghìn thu anh là đã em rồi''. Mỗi tác phẩm nghệ thuật, mỗi bài ca, không ai được nghe hai lần: đó là một hạnh phúc. Hạnh phúc trong sự đổi thay, hồi sinh và nẩy sinh của nghệ thuật. Con Ðường Cái Quan cũng vậy. Phạm Duy sáng tác Con Ðường Cái Quan những năm 54-60, trong hoài ước thống nhất Ðất Nước. Trải dài 60-75: 15 năm chiến tranh, rồi 75-91: 16 năm hòa bình; biết bao lần chúng ta đã nghe Con Ðường Cái Quan qua những giọng hát điêu luyện nhất của Tân Nhạc Việt Nam như Thái Thanh, Kim Tước, Minh Trang... và có lần nào nghe giống lần nào ? Bởi cùng dòng nhạc ấy, những âm ba rung động mỗi lần mỗi khác, theo giọng hát, tùy thời điểm, hoàn cảnh và cảm quan của người hát và người nghe: ở đó và do đó có hạnh phúc.


Con Ðường Cái Quan là một cuộc hành trình lớn và dài trong âm nhạc, trong dân ca, trên đường đi xuyên qua lịch sử và địa lý đất nước, đem âm hưởng gieo vào lòng người. Mở cuộc hành trình, người lữ hành tay đàn quẩy nhạc xuôi Nam qua lời hát ví đong đưa của cô gái miền Bắc dựa trên tam liên âm (triton) Ré-La-Fa (1): Hỡi anh đi đường cái quan - Dừng chân đứng lại... Dừng chân đứng lại...

Và nhạc ở đây đã bị giọng Sirène quyến rũ cũng lần khân trong giây phút rồi mới chuyển sang tam liên âm Ré-Sol-Si theo âm hưởng Tây phương: Cho em đây than (2) đôi lời - Ði đâu mà vội mấy anh ơi ?

Nhạc và khách băng qua Ðồng Ðăng thăm nàng Tô Thị, bắt điệu ru con miền Bắc rồi trôi theo điệu hát lượn tới sông Thương đáp đò lặng lờ xuôi về Hà Nội. Lữ khách vào Trung vật vờ trong gió trong sương với âm hưởng ngũ cung phỏng theo Lý Con Sáo. Ðất Thần Kinh lôi cuốn, mê hoặc du khách Ðiệu Nam Hơi Ai và tới tuyệt khúc ''Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði'' khách đã đi vào sử xưa với tiếng lòng Huyền Trân vọng lên ai oán:


... Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dân hòa bình trong ái ân...


rồi trở lại sử nay với những tang thương xâu xé:


Tàn cả tình yêu
Vì hận còn gieo
Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu...

Vào miền Nam, nhịp bước lữ hành vui hơn, nhanh hơn, mạnh hơn, với những ca khúc ấp ủ Ðiệu Nam Hơi Oán và kết thúc bằng những hành khúc có âm hưởng Tây phương như để chào đón buổi bình minh của Dân Tộc: Bắc Nam Trung nhất một nhà. Người nghe - phần đông tuy không thông hiểu nhạc lý - cũng tìm được âm hưởng Ðất Nước, tìm thấy Việt Nam qua cuộc hành trình bốn mươi phút bằng âm thanh, theo lời Phạm Văn Kỳ Thanh. Bởi vì âm giai ngũ cung - đã có sẵn trong huyết quản chúng ta, như lời Phạm Duy - được Phạm Duy dùng như chất liệu tạo hồn Dân Tộc. Do đó, Con Ðường Cái Quan thu hút, quyến rũ, gần gũi như đã có trong ta tự bao giờ. Une chanson est une petite fête de mots et de notes theo Brassens, mỗi bài ca là một cuộc liên hoan nhỏ giữa từ và nhạc.

Ngày nay, Phạm Duy bỏ từ, trình diện Con Ðường Cái Quan dưới dạng thức nhạc giao hưởng do Duy Cường hòa âm - một tác phẩm mới - mà thần cảm của Cha và Con đã gieo vào lòng cung bậc. Hỏi anh : '' Tại sao không lời ? ''. Phạm Duy trả lời : '' Bây giờ còn cần gì lời, vô ngôn rồi ! '' Vô ngôn rồi. Thâm thúy, người nghệ sĩ tóc bạc trắng. Tại sao vô ngôn? Vô ngôn là... khỏi nói ? Vô ngôn là không lời nào diễn tả cho cùng ? Vô ngôn là giữa người Việt và người Việt, ngôn ngữ đã thất bại, không còn tác dụng thông cảm và biểu cảm ? Hay vô ngôn là mở cửa đến vô cùng, để nhạc thay lời, đàm thoại trực tiếp với con người về con người ? Dù sao chăng nữa và dù ở một bến bờ tuyệt vọng nào đó, Phạm Duy cũng tìm được hướng lạc quan để dẫn chúng ta đi lên bằng nhạc của anh, bằng âm hưởng quê hương trong nghệ thuật như tiếng gọi âm thầm (en sourdine) trong vô thức, mỗi lần tiếng nhạc trổi lên, như một ký hiệu chung nhất và duy nhất mời gọi những cái khác cùng giao hòa với nhau, cùng chảy trong nhau, trong cùng dòng - dòng sông, dòng nhạc hay dòng giống - cũng giống nhau thôi.

Thụy Khuê
Paris, Xuân Nhâm Thân

------------------------------------------
CHÚ THÍCH:
(1) Những giải thích về nhạc lý trong bài này dựa theo ''Một vài cảm xúc âm nhạc qua trường ca Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy'' của Phạm Văn Kỳ Thanh in trên Hợp Lưu số 2 và Văn Uyển bộ mới số 1.
(2) Sau này Phạm Duy đổi thành: cho em đây han đôi lời, han có nghĩa là hỏi han.