Phạm Duy Nói Về Con Ðường Cái Quan

Con Ðường Cái Quan là một trường ca do Phạm Duy khởi công sáng tác từ năm 1954, đã được nhiền danh ca trình bày từ năm 1960 tại Sài Gòn, qua đài phát thanh hay tại quán văn nghệ Anh Vũ. Di tản sang Mỹ từ năm 1975, Phạm Duy tiếp tục sáng tác, chủ yếu là trường ca Bầy Chim Bỏ Xứ (1990); và viết hồi ký gồm ba tập: Thời Thơ Ấu Vào Ðời (1990); Thời Cách Mạng Kháng Chiến (1989), Thời Phân Chia Quốc Cộng (1991). Năm 1991, anh cho trình diễn Con Ðường Cái Quan dưới dạng thức nhạc hòa tấu và ghi thành đĩa compact bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại: điện toán, điện tử. Tháng 11-1991, anh sang Pháp trình bày đĩa hát hòa tấu này tại Paris và trả lời báo DIỄN ÐÀN. Tháng Giêng vừa rồi, anh lại trở lại Pháp, trình diễn ở Marseille, Troyes. Người đàm thoại với Phạm Duy là Ðặng Tiến.


    DIỄN ÐÀN (DÐ): Anh Phạm Duy, kỳ này anh sang Pháp để trình bày Con Ðường Cái Quan.


    Phạm Duy (PD): Nhạc không lời.


    DÐ: Nhạc không lời? Liệu tác phẩm có thiệt thòi gì không?


    PD: Không. Nếu so sánh cách đây 30 năm, khi Con Ðường Cái Quan được các danh ca Thái Thanh, Thái Hằng, Kim Tước rồi Duy Khánh, Trần Ngọc... trình bày thì có khi tôi còn bị trói buộc về lời. Bây giờ nẩy ra ý kiến làm nhạc không lời; thứ nhất, tôi là nhạc sĩ cũng như bất cứ người làm nhạc nào, bao giờ cũng muốn đi đến giai đoạn nhạc không lời, tức là nhạc hòa tấu, để thiên hạ khỏi chê: anh này chỉ làm đến ca khúc là cùng; nhiều bài báo ở Hà Nội đã nói vậy! Ừ thì tôi cũng đồng ý: tôi chỉ làm đến ca khúc thôi. Thế thì trình bày Con Dường Cái Quan - Nhạc không lời, tôi thích thú, vì đã diễn tả được anh lữ khách khi lẻ loi một mình, khi hối hả ra đi, đi chầm chậm, khi ngừng lại bên bờ suối, khi vượt núi trèo non; tôi nghĩ là nhạc làm tăng lên giá trị, ý nghĩa của tác phẩm. Ðó là điều tôi tâm đắc. Hơn nữa, những người đã biết, đã nghe bài ấy, khi nghe lại, họ dễ cảm thông hơn. Riêng với các bạn thật trẻ, không am hiểu điển tích, không tường tận phong cảnh đất nước, và nước nào cũng có tiếng hát, giọng điệu riêng, thì đây là môt thử thách; thành công hay không thì chưa biết. Nhưng nếu lớp trẻ nghe bài này mà thấy được hình ảnh Việt Nam thì tôi đã toại nguyện. Ðiều này tôi đã nhận thấy: như ở California, các em các cháu không còn nói được tiếng Việt nữa, nhưng đã bảo là cảm động, touching my heart, touchant mon coeur; còn qua mười một buổi trong vòng trình diễn vừa rồi, thì nhiều bạn trẻ tuổi hai mươi, hai lăm đến nghe. Khi ra đường họ đứng nhìn tôi. Tôi hỏi: Sao? nhạc có vào lòng các cậu không? Họ vạch áo trả lời: cassette nằm cả đây!


    DÐ: Cái đó đúng. Vì trong ca khúc, lời ca diễn tả ý tưởng mà đồng thời cũng hạn chế ý tưởng. Hơn nữa, nghệ thuật không phải chỉ là chuyện ý tưởng, nó có ghi lại nhiều xúc động khác.


    PD: Ðúng.


    DÐ: Riêng trong đặc tính của âm nhạc, phần nhạc diễn tả nhiều hơn lời. Anh trình diễn nhạc không lời, lúc này, là một sáng kiến hay, giúp người nghe nhận thấy nét chính trong nhạc Phạm Duy. Bây giờ anh có thể nhắc lại hoàn cảnh sáng tác Con Ðường Cái Quan ?


    PD: Ðược chứ. Khi tôi làm Bầy Chim Bỏ Xứ rồi Bầy Chim Hồi Xứ, thì là do tình hình chính trị của thế giới và trong nước Việt Nam khiến tôi hoàn tất tổ khúc đó. Bầy Chim Hồi Xứ, tôi phải mất 15 năm giời mà không xong; và những biến cố trên thế giới vào cuối thế kỷ này đã giúp tôi hoàn tất. Trong Bầy Chim Hồi Xứ, tôi ngụ ý những bầy chim trở về để khâu vá lại những rách nát. Mà khâu vá ra sao, thì tôi chịu. Tôi chỉ là người nghệ sĩ, tôi chỉ có thể linh cảm, hay là mơ mộng. Bầy Chim Bỏ Xứ bắt đầu bằng một cơn ác mộng, rồi chấm dứt. Sau đó, giấc mộng của tôi, cũng như tất cả người Việt Nam, nếu đã sống dưới thời Pháp thuộc như tôi, thì chỉ mong độc lập, tự do, hạnh phúc, và về phương diện chính trị, phải thống nhất.


    Sau Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước, thì bản thân tôi cũng như những người đồng tuổi phải đợi đến năm 1975 mới được thấy thống nhất. Sự thống nhất đó, quả làm bằng bạo lực; sau đó, hậu quả của nó là các trại cải tạo, đã gây thù hận. Người nghệ sĩ như tôi suy nghĩ giản dị: phải điều hợp xã hội, phải điều hợp con người. Giải pháp nào đưa ra rồi cũng vậy thôi! Thống nhất Ðất Nước thì phải thống nhất Lòng Người. Thống nhất lòng người là không còn phân chia Quốc Cộng, tả hữu, quốc nội quốc ngoại nữa mà là phải thương mến nhau, phải thống nhất lại cái lòng người hiện nay đã chia rẽ đến cực điểm! Tác phẩm này của tôi cũng chỉ thốt lên nỗi lòng của một nghệ sĩ trước hoàn cảnh Ðất Nước. Trước kia thì tôi phản đối sự chia cắt Ðất Nước, năm 1954 bằng cách làm Con Ðường Cái Quan. Bây giờ, thống nhất rồi nhưng lòng người không thống nhất. Lịch sử éo le như vậy. Tôi không tạo nên được lịch sử, chỉ dóng lên tiếng nói. Ðó là động cơ giúp tôi quyết định làm lại, đi lại con đường thống nhất đó. Bây giờ làm sao để trình diễn một tác phẩm như vậy, một nhạc phẩm phần nào theo kỹ thuật nhạc giao hưởng, hay nhạc hòa tấu -- nói đùa là nhạc giao hòa.


    Trước hết, tôi nhờ có con tôi (Duy Cường) để diễn dịch ý kiến của tôi. Bố con tôi làm việc trong 18 tháng; và sự thành tựu bản nhạc Con Ðường Cái Quan không lời nhờ vào máy điện toán. Nếu không có những chương trình gọi là Music Sequencer Software, thì không làm được. Vì trong hoàn cảnh tị nạn, chúng tôi làm gì có tiền thuê một dàn nhạc; viết ra rồi thuê dàn nhạc đánh cho mình nghe, rồi sửa đi sửa lại? Dù chỉ đánh một lần thôi thì tôi cũng không đủ tiền: phải có 260.000 đô la mới làm được. Thế là đành dùng phương thức chương trình điện toán, giúp chúng tôi lấy được tất cả những âm sắc về thính âm (accoustique), về nhạc dân tộc (ethnique) tức là những tiếng đàn không thuộc nhạc hòa âm (symphonie), hay nhạc điện tử (electronique) nghĩa là những tiếng nhạc nhân tạo. Có thể có người không đồng ý, cho rằng giả tạo. Nhưng làm cách nào được? Cái khó bó cái khôn. Nếu tôi là một công dân nhạc sĩ ở một nước thống nhất, văn hóa hưng thịnh, thì tôi sẽ có được một dàn nhạc giao hưởng thực sự. Trong khi chờ đợi, làm gì được thì cứ làm. Anh hỏi tiến trình và lý do của việc làm, thì nó là như vậy.


    DÐ: Dù sao nội dung Con Ðường Cái Quan vẫn là nội dung lịch sử. Bây giờ trong nước thì cấm nhạc Phạm Duy, còn ở ngoài nước, số đông người Việt bỏ nước ra đi khi nước nhà thống nhất. Liệu thính giả của anh có theo kịp tham vọng của người nghệ sĩ, khát vọng của người dân, đòi hỏi thống nhất Ðất Nước hay không?


    PD: Tôi chưa được về nước để trình diễn bài này, và đĩa hát cũng chưa về trong nước, và trong nước lại cấm, thì tôi không biết nói sao. Nhưng thật sự sau ngày 5.10.1991, buổi trình diễn đầu tiên ở Thị Trấn Giữa Ðàng (Midway City, California, chú thích của DIỄN ÐÀN) nơi tôi đang ở, thì tôi đã đi trình diễn nhiều nơi trên lục địa Mỹ Châu. Ði đến đâu tôi cũng được hoan nghênh nhiệt liệt; thính giả còn thích hơn Bầy Chim Bỏ Xứ. Tôi nghĩ có lẽ rằng mình nói được tiếng lòng khát khao thống nhất của mọi người chăng ? Tất nhiên trong những người mong muốn thống nhất Ðất Nước, có người đòi "quét sạch bóng quân thù"; thái độ hết sức cực đoan ấy thì tôi cũng có thế hiểu được; có người đòi phải có giải pháp rõ ràng. Nhưng đó không phải là việc làm của tôi. Việc của tôi là nói lên khát vọng thôi. Tôi nghĩ rằng đưa Con Ðường Cái Quan ra lúc này có lẽ hợp thời, chứ để trễ quá thì nó lạc hậu, mà sớm quá thì chưa tới lúc chín mùi.


    DÐ: Anh có thể giới thiệu thêm về Con Ðường Cái Quan , về ba nhạc khúc của nhạc phẩm?


    PD: Ðó là một công trình hơi lớn, có vẻ cổ điển. Loại nhạc này, khi không lời thì nó vừa mô tả (descriptif) vừa ấn tượng (impressionniste), diễn tả cảnh Ðất Nước. Người nào còn nhớ Ðất Nước thì còn có thể nghe âm sắc mà thấy lại phong cảnh. Miền Bắc là gì? là nhạc rừng núi hiểm trở. Miền Trung là nhạc miếu đền cung điện; nếu anh nghe thấy tiếng chuông Thiên Mụ, thấy không khí nhạc triều, tức nhạc cung đình, thì tôi thành công. Miền Nam thì là nhạc nắng, nhạc gió, nhạc sông nước phải không anh? Thế là thành trường phái: hoặc miêu tả, hoành tráng (colossal) hay ấn tượng như Debussy.


    Còn về sự duy nhất thời gian, không gian và động tác thì bài này được cấu trúc rõ nét: thứ nhất : tuy là có ba nhạc đề, nhưng chỉ có một nước Việt Nam. Về thời gian nhẽ ra phải đi bốn nghìn năm mới hết, nhưng tôi chỉ ghi lại ba ngày. Anh lữ khách bắt đầu đi từ buổi sáng, tối thì về đến Thủ Ðô; sáng hôm sau anh lại lên đường. Nhạc nói lên yên tĩnh của ban đêm: thính giả nghe được là tôi thành công.


    Còn về duy nhất hành động thì người lữ khách chỉ có một trái tim và đôi chân; nhưng không phải lúc nào cũng hối hả, "tôi đi từ Ải Nam Quan"; có lúc đi chậm, có lúc ngừng lại để đánh giặc, nhưng vẫn trong một nét nhạc, vẫn một hoa văn (motif) đó. Ði theo Huyền Trân Công Chúa thì đến Huế. Cái ngộ nghĩnh là vào miền Nam tôi lại cho anh đi ngựa, theo nhịp mà người miền Nam ưa thích. Mỗi nhân vật đều có nét nhạc riêng; về phong cảnh từng Miền thì tôi cũng không đi xa hơn Bầy Chim Bỏ Xứ mấy.


    Bầy Chim Bỏ Xứ là ca dao sấm truyền, tục ngữ, thì tất cả Con Ðường Cái Quan này là những điệu dân ca được nâng lên thành nhạc giao hưởng. Cũng là nét nhạc đó, có khi trình diễn theo lối nguyên sơ, với những cây đàn có nhấn, khác với nhạc cổ điển Tây phương không nhấn được vào những hơi oán hay hơi nam. Khi tôi dùng nhạc dân tộc, tôi không dùng đàn tranh, tôi dùng đàn koto của Nhật có nhấn. Khi đi vào nhạc giao hưởng thì những cái yếu tố đó phải chịu quy luật hòa âm. Mà hòa âm ở đây lại không phải của Tây phương. Hòa âm Tây phương là nhạc tonale, thanh nhạc, còn Á Ðông là thể nhạc modale - cái đó hơi đi sâu vào chi tiết. Về phương diện nhạc thuật chỉ có vậy.


    DÐ: Xin cảm ơn anh Phạm Duy đã trả lời về Con Ðường Cái Quan. Bây giờ ta nói sang chuyện khác.

    Ðặng Tiến ghi, sao lại 16.3.1992.