PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Trên đường về nghe thiền ca Phạm Duy

Tôi đã có album 10 bài Thiền ca của Phạm Duy cách đây hơn mười năm. Lúc đó tôi đang làm báo ở Đà Nẵng nên chưa có điều kiện thời gian để suy ngẫm về cái thế giới tâm linh trong Thiền ca của ông. Đến sau ngày tôi nghỉ việc công (7-1998), chủ động được thời gian, tôi nghe lại nhạc thiền Phạm Duy, đọc kỹ lời và suy ngẫm, nhiều khi tôi có cảm giác mới lạ như trước đây tôi chưa từng nghe bao giờ.

Bà xã tôi là một Phật tử, tuy rằng xưa nay rất mê nhạc Phạm Duy, nhưng khi nghe xong album 10 bài Thiền ca, bà bảo: "Trong Thiền cũng có tình yêu nhưng là thứ "tình yêu đã diệt dục" chứ làm gì lại có những chuyện "Ta lôi em về, ta kéo em đi; nâng em lên trời, đem xuống âm ty; chôn em trong lòng, xong lấy em ra "(Chiều, Thiền ca số 6) và "Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay, yêu cho lâu, ghét cho mau, khóc cho đầy, cười cho rõ" (Răn, Thiền ca số 8)? Không riêng gì bà xã của tôi mà nhiều người khác cũng có cùng nhận xét như thế. Họ chưa chấp nhận nhạc Thiền của Phạm Duy.

Trong những ngày sắp bước sang Xuân Bính Tuất này, gặp lại Phạm Duy giữa Sài Gòn, tôi rất thấm thía bài Thiền ca số 2 mang tên Võng. Mở đầu bài ca ông viết: "Tôi nằm võng, võng đưa võng đưa". Vâng, ở đời có thể còn có nhiều người chưa từng nằm võng của mẹ mắc dưới mái tranh nghèo, dưới bóng tre, bóng dừa ở làng quê. Nhưng chiếc võng cuộc đời thì không ai tránh được. Có người bảo tôi chiếc võng cuộc đời chính là thân phận làm người. Chiếc võng cuộc đời nó đẩy đưa con người từ đỉnh cực này sang đỉnh cực đối nghịch. Đó là "Cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận; Núi đợi, vực chờ; Niềm vui, nỗi khổ". Chiếc võng cuộc đời đưa theo quy luật của trời đất (sinh- tử), theo khát vọng của tình người (tình-hận, vui-khổ). Nhạc sĩ Phạm Duy đã sống một cuộc đời tận cội rễ của cuộc sống mới chứng nghiệm và rút ra được những ý tưởng đó. Phạm Duy không cưỡng được "cái sự võng đưa" của cuộc đời, nhưng ông không buông xuôi theo số phận. Võng đưa mặc võng, ông vẫn"... nằm đó, nằm im mọi chỗ...". Cái"nằm im mọi chỗ" trong tâm hồn Phạm Duy là "Đất nước tôi, tiếng nước tôi, người Việt tôi" mà ông đã sớm thể hiện trong bài Tình ca sáng tác cách đây hơn 50 năm. Nếu có một sát-na nào đó chiếc võng đời dừng lại trong thế thăng bằng, thì cái "nằm im mọi chỗ" của Phạm Duy sẽ là nơi gặp gỡ của hai chiều lên-xuống, phải-trái, đông-tây.

Bao giờ con người thoát ra được cái hữu hạn hiện tại, thấy được cuộc đời như Thiền ca số 10 viết: " Tròn như trái đất yên lành, muôn loài như một cõi sinh vẹn toàn", không còn "bên ni, bên nớ", theo Phạm Duy, thì con người mới tìm được hạnh phúc. Ông cảm nhận theo cách của riêng mình:"Muốn tới được bờ sông giác, An nhiên hát nhỏ cùng tôi "(Xuân, Thiền ca số 5) -hát nhỏ nhạc Thiền với ông. Bởi vì "Tất cả là tôi mà cũng là chung" (Thinh Không, Thiền ca số 1).

10 Bài Thiền ca ra đời đã trên mười năm, không rõ đã "giác ngộ" được cho những ai chưa, nhưng theo tôi, nó đã có một ảnh hưởng rất lớn đến những năm cuối đời của chính ông. Việc Phạm Duy đưa gia đình trở lại sống ở quê nhà là một biểu hiện của con người đã đến được "bờ sông giác". Ông đã tự thắp đuốc rọi sáng "con đường về" chi chính mình.

Trong một phút giây nào đó, tôi cũng muốn có được một "bờ sông giác" của riêng tôi. Trên đường về, với tuổi bảy mươi, tôi lại nghe nhạc thiền Phạm Duy...

Gác Thọ Lộc, cuối năm 2005

Nguyễn Đắc Xuân

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 12 năm 2006