Người Tình Già Trên Ðầu Non

Bạn hãy cùng tôi một chuyến đi tâm tưởng. Chuyến đi đời người trên giòng nhạc tư duy. Hành lý là con tim mở ngõ, chốn đến là tự thức an nhiên. Lên non, xuống núi, vượt suối, băng rừng. Trên lộ trình, tình cờ một đồng hành tóc bạc. Ðã có một đời thăng trầm cùng lịch sử non sông. Ðã có thời gian với cưu mang thân phận con người. Và tâm sự. Thật nhiều tâm sự. Phạm Duy, với tôi, là người đồng hành tóc bạc đó, qua những giòng nhạc cuối một đời người. Ðã ghi lại. Từ con tim mình. Cho chính mình. Như một lần sau cùng nhìn lại. Và một lần sau cùng trao đi. Người nhạc sĩ đồng hành tóc bạc đó đã tự vẽ mình khi cuối đời là một...

... Người tình già trên đầu non,
tuyết đã tan trên vai mỏi mòn,
giữa đám mây xanh xao chập chờn,
nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn.
Người tình già trên đỉnh khơi,
muốn lãng quên trăm năm - một đời,
nhưng dưới thế gian mông mênh vời vợi,
người chợt nghe tiếng em chờ đợi.
Người tình già trong lẻ loi, có nhớ thương ai?
Người tình già nghe lời kêu,
lững thững đi trên con đường chiều,
xuống lũng sâu leo qua ngọn đèo,
về một miền phơn phớt cỏ non.
Người tình còn nhớ tuổi son,
cúi xuống hôn bông hoa thật gần,
nghe suối vẫn reo trong hang rì rầm,
người chợt nghe tiếng em thì thầm.
Ðợi người tình đã từ lâu vẫn khát khao nhau.

.....Người tình vào cuộc tử sinh, sống chết lung linh...


Là chứng nhân của lịch sử, Phạm Duy cũng đã dùng âm nhạc để ghi lại những hình ảnh hào hùng hay đau thương của chiến tranh - Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc, Kỷ Vật Cho Em... Nhưng trong năm tháng gần đây ông nhìn chiến tranh qua một nụ cười ý nhị mà cay đắng, buồn bã nhưng bao dung.

Có hai thằng mập đánh nhau thì chết,
Cả hai thằng bèn cất vũ khí đi.
Có hai thằng kia gờm nhau quá độ,
Cả hai thằng bèn ký kết làm gương
Bắt hai thằng gầy đánh nhau hộ nó,
Bắt hai thằng yếu cùng nhau giải hòa
Bằng xương, bằng máu thịt da...

Người đi trong mùa đông,
Lòng bâng khuâng như làn sương,
Theo người phu đi nhặt xác chiến trường.
Người phu, sau thời gian một trăm năm,
anh bình tâm đi lượm xác trên đường
Những xác úa một thời,
có bóng dáng triệu người
phiêu diêu nơi Thế Chiến Một, Thế Chiến Hai.
Hết thế chiến rồi
là anh em trong một nhà
lấy chém giết để giải hòa trong quốc gia....

... Nghe bên nấm mộ có tiếng đàn trẻ nhỏ
Lưng trâu bé ngồi đang cùng nhau hát vang
Mai kia nấm mộ một nụ vàng sẽ hé
Hoa ơi tên gì - có phải hoa hướng dương...

... Ði qua nấm mộ sẽ thấy ngọn cỏ mềm
Cho êm cõi đời, cho tình nhân ngã lên
Ngày trên nấm mộ còn nở rộ bông hoa mới
Hoa ơi tên gì - Hoa tình yêu đó em...

Tình yêu trong nhạc của Phạm Duy cũng vậy. Cũng thay đổi theo chiều nhìn của tuổi tác. Tôi trước nay vẫn thích nhạc tình yêu của Phạm Duy khi ông phổ thơ người khác - Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư, Phạm Văn Bình v.v... Nhưng so với những bài hát xưa do chính ông đặt lời, tình yêu trong nhạc Phạm Duy hôm nay thăng hoa và vời vợi lắm.

... Nghìn thu anh là suối trên ngàn
Thành sông anh đi xuống anh tuôn tràn biển mơ
Nghìn thu em là sóng xô bờ
Vào sông em đi mãi không bao giờ biển vơi

... Nghìn thu em lặng lẽ ươm mầm
Cành mai không ai biết em âm thầm nở hoa
Nghìn thu trăng chợt sáng hay mờ
Lặng im anh lên xuống không ai ngờ hiển nhiên

... Nghìn thu anh là đã em rồi
Và em, trong muôn kiếp, em đã ngồi ở anh
Nghìn thu ta bù đấp không ngờ
Tình âm dương chan chứa xoay trong vòng tử sinh...

Một đời người, trong tầm tay, sống với nhau hơn ba vạn ngày, xin cố gắng nuôi sao cho tình đầy, chẳng vì thu với đông ngần ngại - Phạm Duy đã ghi nhận một đời người như vậy. Gom hết cả một cuộc đời đã sống vào một bản nhạc, nào phải dễ. Nhưng Phạm Duy đã làm được điều đó. Ông xem đời mình như một hành trình, ba vạn ngày thăng trầm cùng nhịp đời luân chuyển. Rong Khúc là phản ảnh trọn vẹn của chuyến đi đó. Của thăng trầm đó. Của một đời người nghệ sĩ.

Từ cõi xa xôi muôn nghìn thế giới,
Anh đã đi theo nắng từ trời vui,
Anh xuống nơi chơi lúc người mới tới
Anh đã hân hoan ghé qua cuộc đời,
Cuộc đời trần gian chỉ có trăm năm
Anh đã rong chơi khắp miền hoang dã
Anh đã đi qua bốn bể gần xa
Êm ái rơi theo tuyết miền băng giá
Hay cuốn bay theo gió sa mạc già
Ở nơi dương thế mặn mà

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường đời
Anh đã quên đi những nẻo đường tiên
Chân đã tung tăng khắp nẻo đường đời
Anh đã cho anh sống thật đầy vơi

Ðã trót đưa em tới nguồn yêu dấu
Anh cũng theo em bước vào khổ đau
Khi thấy ai trong cõi trần khô héo
Anh đã dâng cho trái tim nhiệm mầu
Ðời mà chìm sâu cũng muốn leo cao
Anh bước khoan thai lối rừng hun hút
Ðưa đón chân anh, có lửa hoàng hôn
Anh dẫn em vươn tới miền an tĩnh
Cho bớt mông mênh cõi sinh mệnh buồn
Ở nhịp trần gian quay cuồng

Anh đã rong chơi khắp nẻo đường tình
Anh đã đưa em đi gặp bình minh

Như đã rong chơi khắp nẻo đường chiều
Như đã đưa em tới đỉnh tình yêu

Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất
Anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn
Nhưng nếu em yêu muốn vào cõi lớn
Anh sẽ cho em dắt tay lên đường
Một đường hành tinh
Ði thăm những thái dương
Anh dắt tay em đi vào ngàn mai
Anh khoát vai em bước về ngàn xưa
Ta sẽ quên như có mình nơi đó
Ta sẽ quên như có ta nơi này
Và lộ trình ta miệt mài
. . . . . . .
Ta vứt sau ta những nẻo đường trần
Ta vút bay theo những nẻo đường tiên
Nhưng nếu mai sau ai gọi người tình
Anh sẽ quay lưng bước về nẻo xanh...

Ðiều kiện căn bản của thưởng thức một cuốn băng là nghe nó. Trong chu vi hạn hẹp của giấy mực, tôi chỉ mong chia xẻ cùng bạn những cảm nhận khi nghe một cuốn băng.

Phạm Duy ngày xưa, với tôi, là phản ảnh của sự ghi nhận những điều chung quanh cuộc sống ông - những cảm nhận được tạo ra bởi bối cảnh bên ngoài. Phạm Duy của ngày nay, của cuối một đời người, của Người Tình Già Trên Ðầu Non, là những chắt chiu từ chính cuộc đời và con tim ông. Cho chính cá nhân ông. Ẩn trong trối trăn, là tái ngộ. Dấu sau nước mắt, là nụ cười. Có ngạo mạn. Có khiêm nhường.

Cuộc đời sáng tạo của Phạm Duy chắc chắn có nhiều tác phẩm cần phải nhắc đến. Nhưng tôi tha thiết với Người Tình Già Trên Ðầu Non. Với tôi, đây là một tác phẩm Phạm-Duy nhất của Phạm Duy. Là một quay lưng không bận bịu. Là một trở về rất vô tư.

Chúng ta ai cũng có những lúc ngồi ''nghiêng tai nghe lại cuộc đời''. Những lúc như thế, nếu ta ghi lại được đời mình, cho chính mình, như Phạm Duy đã - với Người Tình Già Trên Ðầu Non, hẳn chắc là hạnh phúc lắm. Ðây là ý tưởng lúc nào cũng còn lưu lại trong tôi khi nghe cuốn băng này, sau khi những cảm giác khác đã phai đi.


Nguyễn Phước Nguyên
trên INTERNET
23 tháng 1, 1996