Ðạo Ca Giữa Thành Vách Sương Mù

Ðầu thập niên 70, có sự gặp gỡ giữa tôi và nhà thơ Phạm Thiên Thư -- tức thiền sư Tuệ Không -- khiến cho nhạc của tôi bây giờ thiên hẳn về nhạc tâm linh mà trước đây tôi chỉ đem thoáng vào tâm ca hay vào những đoản khúc như LỮ HÀNH, XUÂN HÀNH v.v... Cách đây ít lâu, Phạm Thiên Thư đã cho tôi những lời thơ đẹp để soạn thành những ca khúc thoát tục như ÐƯA EM TÌM ÐỘNG HOA VÀNG, GỌI EM LÀ ÐÓA HOA SẦU, EM LỄ CHÙA NÀY... và bây giờ thì anh cho tôi những lời thơ đạo để tôi soạn thành MƯỜI BÀI ÐạO CA.

    Trong những bài báo viết về ÐạO CA, tôi chọn bài của Georges Etienne Gauthier để giới thiệu vói các bạn. Bài này khởi đăng trên báo BÁCH KHOA (Saigon) từ số 332 tháng 11, 1970, rồi đăng tiếp trong các số 334, 335, 337, 339, 340, 342, 345, 346, 347, 350, 354, 355, 363, 367, 372 và chấm dứt với số 375, tháng 7-1972. Bản chuyển ngữ do nhà văn Võ Phiến, dưới bút hiệu Thu Thủy dịch.



    Georges Etienne Gauthier
    Ðạo Ca: Tiến Về Ánh Sáng


    Trên mảnh đất Mỹ Châu mà tôi đang sống, hằng ngày, những nhà chọc trời và những hỏa tiễn, máy mọc và kỹ thuật tự động vẫn nêu lên với chúng tôi một chân lý. Trên mảnh đất Ðông Dương và còn trên nhiều miền khác trên thế giới, chân lý hàng ngày thường hiện bày dường như là chân lý của súng đạn và chiến cụ, chân lý của xương máu và hận thù. Toàn những thứ chân lý lọc lừa, những chân lý mà là những ngụy trá. Nhưng tôi muốn nhớ rằng tôi là một con người và tâm hồn tôi cần đến một chân lý rộng lớn hơn, êm đềm và dịu ngọt hơn, mà cũng vĩnh cửu hơn. Ði tìm chân lý, đó là hành trình mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đề nghị với tôi khi bắt đầu mười bài thơ và khúc điệu này.

    Nhưng cuộc đi tìm chân lý không ngắn ngủi, không dễ dàng gì. Bởi vì MƯỜI BÀI ÐẠO CA này giống như thể một thứ trường ca, với hướng đi rõ rệt, với sự luân chuyển của những màu sắc rất riêng biệt của thơ và nhạc nhưng cuối cùng tạo thành một bích họa mang tính cách gần như có một không hai. Nào! chúng ta đừng nên kéo dài mãi phần vào đề này, mà hãy lên đường đi tìm chân lý. Và để nhất quyết làm cuộc hành trình đi đến tận cùng của chính chúng ta, trước tiên hãy rũ một chút bóng râm xuống tâm hồn mình...


Ðạo ca 1
PHÁP THÂN


Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Anh làm cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở
Xưa em làm kiếp lá, rụng xuống lòng suối thu
Anh làm mưa tháng bẩy, đôi hàng lệ ướt tương tư
Xưa em làm kiếp hoa, chết rũ trong nội cỏ
Anh làm giọt sương sa, sầu thương em, lệ anh nhỏ
Xưa em làm kiếp gió hay có làm kiếp mây
Anh làm chim chích choè, trên đầu gậy, anh hát ca
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !

    ... Bởi vì chính cái cổng vào Ðạo Ca Một ấy đang chìm trong một hoà điệu mờ ào, dị thường và như là mê hoặc -- lối hoà điệu chuyển hành rất thích hợp với mục đích thăng hoa cuộc sống, ca ngợi tình yêu huyền hoặc giữa những con người -- nhưng giai điệu của Phạm Duy này, len lỏi khó khăn qua giọng Sol trưởng lững lờ để nghỉ lại ở một hợp âm Mi giảm, chỉ có thể đạt hết được ý nghĩa trong hoà điệu có tính cách ấn tượng và nhuốm màu nhạc vô thể đó mà thôi. Thực ra, có thể nói rằng giai điệu này phát sinh chính từ hoà điệu vậy.

    Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai... những câu thơ ấy của Tản Ðà bỗng nhiên xuất hiện vào giữa nhạc phẩm. Vũ trụ chỉ là một; chúng ta không phải tìm chân lý vì chân lý chính là chúng ta. Và trong một đoạn rất tương phản, nhạc Phạm Duy sẽ nhấn mạnh sự xác thực của nhất nguyên tính ấy. Do đó, giọng Sol trưởng vừa rồi càng lững lờ và bấp bênh bao nhiêu thì giọng Mi giảm lúc này càng chắc chắn và quả quyết bấy nhiêu, trong sự diễn tả niềm hạnh phúc trĩu nặng mà nghệ sĩ đang cảm thấy. Tôi yêu nét hân hoan trong vinh quang của giọng Mi giảm, nó hoàn toàn điển hình cho nhạc Phạm Duy.


Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng
Xưa em là chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng
Xưa ta hẹn với nhau, tìm nhau giữa vô thường
Anh hoá thân làm mực, thấm vào cuốn kinh thơm
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi... chim hót ca.
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !
A ha, ta tuy hai mà một ! A ha, ta tuy một mà hai !

    Thương người là thương mình; cứu người là cứu mình: đó là một chủ đề mà Ðạo Ca Hai sẽ nhấn mạnh. Và trên những câu thơ tinh vi của thi phẩm thanh tịnh đó, giai điệu của Phạm Duy lướt qua như đám mây xanh giữa bầu trời bao la và trong sáng của giọng Do trưởng. Nhưng phải chăng chính ngọn gió ban mai đó đã gợi hứng cho nghệ sĩ một giai điệu dịu dàng và như là phai biến này, một bản luân vũ mềm mại và không cần dấu diếm sự nồng nhiệt? Phạm Duy ở trong tình yêu!

Ðạo ca 2
ÐẠI NGUYỆN


Muôn loài như sương rơi, xin làm hoa trắng đỡ
Hoa yêu sương chẳng rời, hoa yêu sương tuyệt vời
Muôn loài như cát trắng, xin làm dòng nước trong
Ra trùng dương tím mát, cát sông vẫn nguyện lòng
Muôn loài như mây lam, xin làm trời bát ngát
Cho mây trôi bạt ngàn, như sương trong rừng trầm
Muôn loài như hoa thắm, xin làm một ánh dương
Cây cỏ mừng ánh nắng, tiếng chim hót dị thường.
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân !

Muôn loài như hương thơm, xin làm cơn gió sớm
Ðưa hương đi thập phương, nuôi trăng sao tỏ tường
Muôn loài như con suối, xin làm biển khát khao
Khi buồn như kiếp núi, nước mưa sẽ gột sầu
Xin làm mầu hoa kia, hoa vàng trong kiếp sống
Xin xanh như cỏ dại, bao Thu Ðông thường tại
Xin làm hạt cây nhé, cho đời hiện hữu Xuân
Xin làm chim gõ mõ, gõ tan kiếp hồng trần.
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân ! Thương người như thương mình !
Thương người như thương thân !

Ðạo Ca Ba sẽ có một không khí hoàn toàn khác hẳn. Truyện một chàng dũng sĩ trên lưng ngựa vàng, đi tìm người đẹp lý tưởng, để rồi cuối cùng, chính con ngựa vàng hoá thân thành người đẹp đó: ảo ảnh đã hóa thành sự thực. Ở đây, nhạc cũng như thơ, sẽ hùng tráng, phấn khích. Phạm Duy thực hiện những giấc mơ của mình. Nhất là một Phạm Duy trên đỉnh nghệ thuật của ông. Từ phách đầu tới phách cuối của nhạc phẩm lớn này, dòng nhạc chảy dài, dồi dào, mãnh liệt, tài tình. Nếu cuộc hóa thân trong ca khúc là kỳ diệu, thì cuộc hóa thân khác, cuộc hóa thân mà Phạm Duy bắt giai điệu của ông phải chịu, cũng lại thật là kỳ diệu. Tùy theo những biến chuyển của lời thơ, giai điệu sẽ linh động và dồn dập, rồi đài các và oai dũng rồi -- ở những đoạn có ghi ANDANTINO và ANDANTE thì lại nồng nàn, kiêu hùng và hơi có tính cách nhạc kịch; sau khi quay về -- MODERATO rồi RALLENTENDO -- đoạn mở đầu náo nhiệt giọng Ré thứ, một kết cấu ngắn bằng giọng Ré trưởng làm cho tuyệt mỹ nhạc phẩm lớn lao này, một công trình âm thanh có khả năng diễn đạt và gợi cảm hiếm có. ''Trong nghệ thuật, có một loạt những niềm hân hoan ưu đẳng, thâm trầm và cao thượng đến độ ta phải mang ơn mãi mãi kẻ nào đã mang đến cho ta''. Nhưng tôi đâu cần phải trích lại câu nói đó của Sacha Guitry nhỉ? Từ rất lâu, Phạm Duy đã xứng đáng với lời này.


Ðạo ca 3
CHÀNG DŨNG SĨ VÀ CON NGỰA VÀNG
(Ảo Hoá)


Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong ruổi sa trường
Một chàng dũng sĩ trên thớt ngựa vàng rong suốt thời gian
Một chàng dũng sĩ đôi mắt u buồn như ánh trăng vàng
Lòng chàng nung nấu một mối u sầu tìm dấu người yêu.

Một sớm mai chàng dừng nơi đỉnh núi
Mai trắng đôi hàng... mai trắng đôi hàng rơi rơi
Như mường tượng áo tơ người
Một chiều dừng cương nơi bờ sông vắng
Lớp lớp suôi dòng, sóng biếc mơ mòng
Như những nỗi buồn mênh mông
Rồi một đêm chàng ngừng nơi bãi núi
Chiến trường thoảng tiếng mưa rơi
Như vẳng gót hài xa xôi
Rồi một ngày nao dừng ngay bờ suối
Ngỡ tóc người xưa, mái tóc cài hoa, những làn tơ.

Chàng tìm khắp cõi không thấy bóng người
Không thấy bóng người
Ðường dài soải bóng, trong gió ngựa vàng thay sắc đổi lông
Chàng còn đi mãi, đi mãi, đi hoài, đi mãi, đi hoài
Vào làn sương khói, chiếc áo tươi mầu nay đã nhạt phai.

Rồi một hôm chàng trở lại
Ngựa dừng bên dòng nước mưa
Ngâm mình sâu trong suối biếc,
Bỗng thấy yêu thương vô bờ
Rồi một hôm chàng trở lại,
Cầy lại sa trường xác xơ
Ươm bầu, ươm dưa khắp lối
Lũ bướm bay quanh hoa vàng
Ngỡ bước chân xưa của nàng
Ngỡ bước chân xưa của nàng.

Chàng lên đỉnh núi, vun mai giữa trời
Mùa Ðông rồi tới, hoa bay trước đời
Rừng mai nở mãi, trông như nét cười của ai... ai ơi
Ngoài sông gầm gió, trên sông bắc cầu
Cùng con ngựa quý, qua sông lúc nào
Chợt con ngựa cũ thân yêu hoá thành người yêu.

Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người yêu muôn thuở
Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người vẫn hằng mơ
Rồi chàng dũng sĩ, đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời
Cùng người yêu quý đi suốt cuộc đời, tình ái nở hoa.

Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người yêu muôn thuở
Ngựa vàng đã hoá thân, hoá thân là người vẫn hẵng mơ
Rồi chàng dũng sĩ, đôi mắt sáng ngời như ánh mặt trời
Cùng người yêu quý đi suốt cuộc đời, tình ái nở hoa
Viên thành đạo ca cho đời ca hát !

Và bây giờ thì ta tới Ðạo Ca Bốn. Trong một bài thơ cảm động, Phạm Thiên Thư sẽ kể cho chúng ta nghe câu chuyện buồn của một bà Mẹ kia, đi tìm đưa con ruột rồi một hôm, bà chết đi, biến thành Mẹ chung của chúng ta, biến thành thiên nhiên bao bọc chúng ta.... Cũng giống như hình ảnh của bà Mẹ đó, giai điệu của Phạm Duy đi lang thang, buồn bã và già cội trong giọng Mi thứ ảm đạm, đây đó chỉ lọt vào dăm ba tia nắng hoà điệu ngắn ngủi. Ðiệu ru nặng nề và phiền muộn dành cho đứa con không còn nữa. và mặc dù lời thơ sáng lên vào đoạn cuối, điệu ru của sự đau khổ vẫn không kém phần tang tọc và nhợt nhạt cho đến phách cuối cùng, để lại trong lòng chúng ta một cảm tưởng lạ lùng khôn tả.


Ðạo ca 4
QUÁN THẾ ÂM
(Hoá Thân)


Có bà mẹ đi tìm con trên đỉnh đồi lan trắng
Có bà mẹ đi tìm con trong động hang lan vàng
Có bà mẹ đi tìm con bên bờ sông lam tím
Có bà mẹ đi tìm con trong thung lũng cỏ hoang.
Trên đỉnh mùa Xuân, mẹ ta thương cả rừng hoa lá
Trong mùa Hạ, bên bờ lau, Mẹ yêu tiếng ve rầu rầu
Thu về nằm trong bụi cây, nhớ mây trời xanh ngát
Nuôi một đàn chim mồ côi, khi Ðông tuyết lạnh rơi.

Bốn mùa hoa đua nở, bốn mùa Mẹ lang thang
Tìm con, loà đôi mắt, gọi con, lời đã khan
Khóc con, lệ đã cạn, thương con, lòng vắng hoang
Nhớ con, sầu đã ngất, đợi con, hồn đã tan.
Tay Mẹ đang quờ quạng, như một cành khô khan
Nhớ con tìm khắp chốn, rời rã cả thời gian
Khi còn là thiếu phụ, thơm như nhành ngọc lan
Ðến nay, già tóc trắng, tìm con đà mấy trăng.

Thế rồi, một hôm Mẹ chết, hơi Mẹ trong trời chưa hết
Ôm cả trần gian đầy vơi, nhân loại đeo tang người
Tim Mẹ thành ra trùng dương, máu Mẹ thành sông thành nước
Ôi đời trầm luân, Mẹ thương, chiếu ánh sáng từ quang.
Bây giờ Mẹ đã thành mơ, hơi Mẹ hoá thành hơi gió
Bốn mùa ngồi nghe mọi nơi, tiếng Mẹ ru bồi hồi
Xưa là Mẹ đi tìm con, tiếng Mẹ ru buồn khắp chốn
Bây giờ hiện thân Mẹ chung, tiếng Mẹ hát ru dịu dàng
Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng
Tiếng Mẹ hát ru dịu dàng.

Tôi yêu tính chất tượng trưng của các Ðạo Ca Ba và Ðạo Ca Bốn. Bà Mẹ ấy và chàng dũng sĩ kia thật là những nhân vật cảm động, kẻ đi tìm con đã mất, người đi tìm ảo ảnh đã tan cho đến khi cả hai cùng hoà vào tình yêu và chân lý, những cuộc hóa thân duy nhất và cuối cùng...

Nếu ta đặt đời ta vào dòng sống của nhân loại thì ta không còn sợ chết nữa. Sự chết là niềm vui: đó là điều mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy thử tiết lộ trong Ðạo Ca Năm này, đem sự việc để giải thích hành vi của người con gái nhỏ tuổi Nhất Chi Mai -- một thứ hành động làm cho đa số người Tây phương phải phân vân, kể cả tác giả bài này. Giai điệu của ca khúc, vô sắc và thơm tho lạ lùng, được xây dựng trên một âm điệu chuyển hành đi lên -- hoà điệu chuyển hành giản dị nhưng được Phạm Duy sử dụng một cách rất thông thái -- nhưng cũng như trong Ðạo Ca Một, giai điệu và hoà điệu ở đây sẽ liên hệ với nhau khá chặt chẽ, cái này ít nhiều dẫn dắt cái kia. Khởi đầu từ giọng Fa trưởng giả định, giai điệu bơi lội trong một vũng nước lần này cũng lại có tính chất khá vô thể, cho đến một đoạn bằng giọng La trưởng bền vững hơn một chút. Sau khi trở về giọng Fa trưởng mở đầu, ca khúc sẽ kết thúc một cách hơi bất ngờ bằng cung La trưởng sáng sủa, giống như khuôn mặt của Phạm Duy càng ngày càng thụ cảm ân sủng, tự giải thoát ra khỏi thế giới dục vọng để đạt dần tới một thế giới vô diện...


Ðạo ca 5
MỘT CÀNH MAI


Em bé khóc đòi cha, như mẹ khóc đòi con
Người chồng khóc người vợ, người yêu khóc người yêu
Nước mắt vẫn đầy vơi, sinh tử vẫn còn đây
Ðời này qua đời nọ, tử sinh vẫn còn kia.
U ù u U u u u U u u U u.
Ôi máu đã thành sông, xương người đã thành non
Hận thù như trời bể, hờn căm vẫn còn nghe
Cái chết vẫn còn kia, sao cuộc sống còn mê
Ðòi thù, thì oán đời đời
Ðền nhau chỉ có chút lệ thôi
U ù u U u u u U u u U u.
Nước mắt bỗng ngừng trôi, khi người đã nguyện dâng
Thân mình làm đuốc hồng, cho đòng lúa trổ bông
Cuộc sống chết nào đây ? Ðau buồn sẽ đổi thay
Ðem mình vào kiếp người, thoát khỏi nỗi tử sinh.
Cành mai đã rụng rơi, rơi rụng xuống cuộc đời
Một cành mai rụng rời, làn hương vẫn chẳng phai
Người không riêng của ai, nhân loại vẫn của người
Ðặt mình trong dòng đời, tử sinh cũng là vui
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Một cành mai, mai mãi, mãi mãi
Mãi mãi...

Biết nói làm sao về niềm cảm xúc lớn lao đã tràn ngập tôi khi tôi mới lướt qua lần đầu tiên lời thơ của Ðạo Ca Sáu? Tôi vốn sinh sống ở một miền tuyết lạnh, ở đây con tim người ta thường gần như bị tê cóng nếu không phải là bị nguội lạnh theo với khí hậu xung quanh -- tôi đã tưởng chừng nếu ngày tôi còn bé Mẹ tôi cũng ru tôi bằng những lời ru tương tự thì, vâng, tôi đã tưởng chừng tôi lớn lên, tôi trở thành một con người khá hơn, nghệ sĩ hơn. Phạm Thiên Thư và Phạm Duy tin tưởng rằng lời ru, bú mớm, nâng niu là những yếu tố làm nên tâm hồn đứa trẻ.

Thật là đúng biết bao! Ðó là chân lý nguyên sơ, chân lý của buổi đầu cuộc đời, đó là chân lý mà những bà Mẹ Việt Nam phải tìm lại: ''Con ơi! Mẹ là Thượng Ðế... Nghìn năm còn đây thắm thiết, câu ru mạch máu Ðông phương''! Mà tôi muốn trích dẫn tất cả từng câu của thi phẩm làm cho ta phải bàng hoàng này! Trong nước Việt Nam từng xuất hoá bao nhiêu là bài hát chiến tranh vô ích ấy, tôi tưởng chừng chỉ một bài ru đơn giản như bài ru này cũng đủ nghiền nát tất cả những bài hát kia. Ca khúc được soạn ra để nghĩ tới những bà Mẹ Việt Nam, nhưng mà tôi, bất chấp hết, tôi ước nguyện rằng tất cả những bà Mẹ trên thế gian này sẽ được nghe ca khúc đó một ngày gần đây, để cho không riêng gì Việt Nam mà cả nhân loại sẽ tốt hơn, tốt hơn từ cội nguồn...

Trên bài thơ của những bài thơ này giai điệu của Phạm Duy vút lên đơn giản và thanh khiết trong những nẻo đường nhẹ nhàng thanh thoát của giọng La giảm trưởng. Ở đây, mến thương, nồng nàn, xúc cảm cùng nhau hoà hợp tinh vi trong một bức thủy họa bằng âm thanh có nét quyến rũ độc nhất và lưu giữ. Nghệ thuật là hạnh phúc, bởi vì khoảnh khắc của nghệ thuật lại là vĩnh cửu.


Ðạo ca 6
LỜI RU, BÚ MỚM, NÂNG NIU


Ru con bằng vòng tay ấm, cho con yêu tiếng dịu dàng
Ru con bằng bầu sữa nóng, cho con ơn mãi tình nồng
Ru con bằng bài ca ngắn, cho con mến Nhạc và Thơ
Ru con còn nhờ mây gió, tim con chẳng có vực bờ
Ru con bằng rừng trên núi, con ơi, mưa nắng còn dài
Ru con bằng đồi ven suối, cho con không oán thù người
Ru con bằng cỏ hoa mới, trăng sao kết lại thành đôi
Yêu muôn loại và muôn tánh, mai sau chẳng sống một mình.
Ù ơ Mẹ ru con biết :
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Ðông Phương.

Tim em là bình minh mới, cho con tia máu đỏ ngời.
Ru con bằng làn hương mới, cho con thơm ngát lòng đời
Ôm con nhìn vào con nhé ! Cho con lẽ đạo thường chân
Môi em là nụ hoa thánh, cho con ngợp ánh chiêu dương
Con ơi ! Mẹ là Thượng Ðế, cho con tâm lý nguyên sơ
Câu ru và dòng sữa quý, cho con nguyên lý diệu vời
Ru con rằng : Ðời muôn lối, như mây kết hợp, rồi tan
Thân con là Trời cao vói, tim con là cõi địa đàng.
Ù ơ Mẹ ru con biết :
Yêu thương như câu đầu lòng
Nghìn năm còn đây thắm thiết
Câu ru mạch máu Ðông Phương.

Trong cuộc đời, tất cả chỉ là mây hồng trôi trên trời như những con suối, những con suối đẹp đẽ và lặng lẽ biết bao nếu ta biết đối thoại với sự lặng lẽ đó: đó sẽ là ý nghĩa của chân lý thứ bảy, kể lại truyền thuyết khá quen biết về cuộc Ðại Chiến Thầm Lặng này. Hãy thử xem Phạm Duy ca ngợi sức mạnh của lặng lẽ đó bằng âm nhạc như thế nào...


Ðạo ca 7
QUA SUỐI MÂY HỒNG
(Vô Ngôn)


Một sớm mai tuyệt vời
Mỵ Nương về đỉnh núi
Làn suối mây lưng trời
Ðưa Nàng lên chơi vơi
Bầy hạc vàng lượn múa
Hoà sáo trúc vô thanh
Núi quấn lụa trời xanh
Hoa dâng hương trên cành.

Một đoạn khí nhạc mở đều có tính cách kể chuyện, trước hết gây một không khí huyền thoại, rồi trên một quãng 6 trưởng tao nhã, giai điệu khai mào, đài các và nồng nàn, như một thứ luân vũ chậm và nặng nề cố ý. Biết bao là quyến rũ trong nhạc đề bằng giọng Si giảm trưởng này -- âm thể khêu gợi niềm vui của núi non -- nhạc đề đó, với một cách hơi bất ngờ, đến ngừng nơi một hợp âm Ré trưởng kẹo dài gần ba phách, hợp âm kéo dài này rất quan trọng vì nó sẽ tái hiện nhiều lần trong ca khúc, với nhiều chủ âm khác nhau, như thể một tiếng vang, một ngưng nghỉ của sự im lặng nhưng hợp âm Ré đó sẽ đưa tới âm thể tương hợp của Si giảm nghĩa là Sol thứ -- âm thể khêu gợi nỗi buồn của biến khơi -- để mở ra một nhạc đề lớn thứ hai là, phát xuất một cách hợp lý từ nhạc đề bàn mở đầu bằng Si giảm.


Sáo tơ làm mưa nhẹ
Nghiêng lầu các Thủy Vương
Giật mình trên nệm ngọc
Thét quan quân lên đường
Người yêu đà mất rồi !
Suối mây hồng phơi phới
Ðem Nàng lên đỉnh núi
Thành cũ hoa còn rơi.

Này hồng ngọc lưu ly
Không được gì đôi mắt
Này bốn bể quyền uy
Không nghiêng được lòng người...

Trong một đoạn nhạc thứ ba bằng giọng Ré trưởng tuy nhiên vẫn liên hệ chặt chẽ với hai nhạc đề trước, Thủy Vương tuyên chiến với đôi uyên ương đẹp... Nhiều người Việt Nam không có may mắn học hỏi về âm nhạc nên sẽ không hiểu hoặc ít hiểu về vấn đề âm thể, hợp âm và hoà âm trong nhạc của Phạm Duy, tuy nhiên tôi xin nhấn mạnh rằng những cái đó rất là quan trọng để hiểu đến nơi đến chốn bản chất đich thực của xúc cảm nghệ sĩ nơi người nhạc sĩ này, sự tinh tế, thâm trầm và tuyệt hảo của khiếu nhạc nơi ông. Thực ra, đối với một nhạc sĩ, vấn đề âm thể và hoà âm cũng quan trọng ngang với vấn đề màu sắc đối với một họa sĩ. Mặt khác, trong khi phần đầu của ca khúc, vì phong cách của giai điệu, phảng phất giống lối bel canto của thế kỷ 10 bên Ý Ðại Lợi -- chắc chắn Bellini, Rossini và Verdi phải yêu đơn điệu gợi hứng này, nhưng chỉ Phạm Duy, tuy vậy, mới có thể đem vào đơn điệu đó một sắc thái độc đáo và lưu luyến như thế -- thì phần nhì lại có một không khí lâm ly và kích thích hơn.


Thề quyết không một trời
Thủy Vương vùng kiếm thét
Trả đoá hoa hồng ngời
Thủy Vương vùng kiếm thét
Nhưng trên ngọn đỉnh núi
Chẳng được ai trả lời
Thủy Vương căm giận điếng
Xua quan quân thẳng tiến !
Sơn Vương ngồi trên núi
Cùng Mỵ Nương mỉm cười
Thủy Vương căm thổ máu
Xua quan quân tràn đồi...

Bởi vì bây giờ cuộc chiến đã khởi sự giữa Thủy Tinh và Sơn Tinh, sự kiện được minh họa bằng một nhạc đề mới, có vóc dáng mạnh mẽ và nóng nẩy, nhạc đề đưa sự kích thích lướt nhanh trên một loạt âm thể nối tiếp cho đến một giai đoạn nghỉ ngơi ở cung Do thăng trưởng phong phú và cực kỳ hiếm hoi. Một nhạc sĩ kém tài hơn Phạm Duy có thể sẽ diễn dịch đoạn thơ này bằng một khúc nhạc mô tả với lối đẹp dễ dãi và kém giá trị nghệ thuật. Phạm Duy thì không. Dụng ý mô tả vẫn có đấy, nhưng nó là thứ yếu, chính âm nhạc, chính sự cần thiết sáng tạo nghệ phẩm đã thắng và luôn luôn thắng.


Sóng ầm ầm, sóng ầm ầm nổi dậy !
Gió ào, gió ào ào nghiêng trời !
Mây ùn ùn, mây ùn ùn kéo tới !
Sét ầm ỳ, sét ầm ỳ ra oai
Nước bừng bừng, nước bừng bừng tràn ngập !
Ðất dồn dập, đất dồn dập lên trời !
Mây dần dà, mây dần dà ra nước !
Núi vùn vụt, núi vùn vụt lên cao !

Cuộc chiến tranh thầm lặng, cuộc chiến tranh thầm lặng
Cuộc chiến tranh thầm lặng, cuộc chiến tranh thầm lặng...

Thủy Vương vung kiếm hét
Núi tịch liêu không lời
Thủy Vương xua sóng tới
Sóng tan nhành hoa suôi
Thủy Vương kêu thét mãi
Núi mù khơi thêm mù
Thủy Vương hộc thêm máu
Lui quân về biển khơi.

Nhưng rồi từ Do thăng trưởng, chúng ta chuyển qua những âm giai đông hoà Si giảm thứ và Ré giảm trưởng để nói đến sự bại trận của Thủy Tinh. Ðoạn này liên kết với hai nhạc đề trước của ca khúc, nhưng do việc sử dụng nhiều âm thể có nhiều dấu giảm (bemol) cho nên ở đây, giai điệu mang vẻ đài các và phong phú hơn. Sau đó, giai điệu như hướng về một kết cục êm ả bằng giọng Si giảm trưởng, nhưng bất ngờ hợp âm cuối cùng lại sẽ là một hợp âm Ré trưởng, mây hồng lững lờ trong lặng lẽ... Ðó là câu kết của Ðạo Ca Bẩy, tác phẩm chỉ có Ðạo Ca Ba mới sánh kịp về vẻ đẹp và về sức mạnh của những ý nhạc.


Một sớm, hoa rụng nhài
Mỵ Nương và Thần Núi
Làn suối mây lưng trời
Ðưa về nơi mãi mãi
Còn lại siêu hùng ca
Thiên Thư không cần chữ
Sáo Thần không cần lỗ
Vi vu trong lòng người
Một khúc ca giục người
Vượt muôn trùng ảo huyễn
Về chốn không lụy phiền
Suối mây này dẫn đến...

Ðạo Ca Tám sẽ nói với chúng ta về tiếng chuông chùa -- trong Phật giáo Việt Nam -- đã từng thức tỉnh con người trong kiếp sống rất cô đơn và bát ngát. Ca khúc sẽ gợi kỳ niệm của vị đại thiền sư Vạn Hạnh xuống núi theo tiếng đại hồng chung, nắm tất cả mùa đông trong lòng tay, gậy thiền chống xuống thời gian và không gian, vô ngại, cứu vớt nước Việt Nam và cứu cả nhân loại. Giai điệu của ca khúc, lần này, sẽ là giai điệu ngũ cung, thanh bình và sắc nét từ đầu đến cuối, như muốn phác họa chân dung vị sư già lững thững. Về điểm hoà âm, tiếng chuông chùa sẽ được gợi nên bằng những hợp âm có nhiều nốt phụ suốt dọc ca khúc. Không một hợp âm toàn bài nào được sử dụng âm thể của toàn bài, một lần nữa, sẽ rất giả định. Tuy nhiên, về hiệu quả âm thanh thì đó là một nhạc bản huy hoàng. những âm hưởng trong suốt tuyệt vời và lạ lùng, những hồi chuông nhẹ nhàng và như là thoát tục... Debussy và Ravel có thể sẽ yêu một tác phẩm như vậy, nhưng tuy thế chỉ Phạm Duy mới có thể viết như lối viết này mà thôi. .

Ðạo ca 8
GIỌT CHUÔNG CAM LỘ


Bóng đêm qua rồi, bóng đêm qua rồi
Tiếng chuông vang hồi, tiếng chuông vang hồi
Thấy trong nhân loại tiếng chuông vang hồi
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông rơi.
Nụ hoa đang ngủ, giấc êm giữa nội
Giọt sương trên lá đón đưa ánh trời
Ðể cho con suối vươn vai trở mình
Chùa rêu lơ lửng giữa lưng núi mờ
Ðại hồng, chuông lớn đã khua tiếng ròn
Nụ cười yên tĩnh ngát hương khói trầm
Lời kinh cao ngất A Di Ðà Phật
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...

Tiếng chuông đầu ngày cho bừng giấc ngủ
Tiếng chuông mơ hồ cho Thái Dương hồng
Tiếng chuông lẫy lừng cho cội đá mừng
Xóm thôn tưng bừng, chim chóc xôn xao
Tiếng chuông lên núi, làm trái mật say
Xuống trên luống cầy, cho đòng lúa trổ
Tiếng chuông Cam Lộ cho biển trầm tư
Cho đời người hết ưu tư...

Một nụ mai nở giữa cơn gió rừng
Thiền Sư lững thững xuống non, chống gậy
Lòng tay nắm lấy tiết Ðông giá lạnh
Giọt mưa lóng lánh, lắng trên gậy vàng
Gậy Thiền đưa xuống không gian vô tận
Gậy Thiền đưa xuống thế gian cõi thường
Thời gian mãi mãi, tiếng chuông sáng ngời
Thiền Sư xuống núi, cứu nguy cho đời
Ngọt lành thơm mát, từng giọt chuông vang...

Ðạo Ca Chín sẽ đưa ta đến một thái độ cung kính và yêu thương đối với tất cả những vật chung quanh, bởi vì tất cả đều thiêng liêng bởi vì nấc thang giá trị giữa mọi vật chỉ do con người đặt ra. Chắp tay như một đóa hoa, quỳ lạy cuộc đời, lạy tất cả chẳng trừ vật nào. Theo sát lời thơ, giai điệu tiến tới từ đầu đến cuối bằng những đoạn ngắn với nhịp điệu thay đối. Giọng Do thứ khiến cho giai điệu một tính chất trang trọng, nhưng một hoà điệu khá linh động, như bấy nhiều nụ cười, sẽ soi sáng bước đi của nhạc phẩm.


Ðạo ca 9
CHẮP TAY HOA
(Quy Y)

Chắp tay lạy Người, cho xin nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Chắp tay lạy nữa...

Tôi lạy mây bay cho trời cao rộng
Tôi lạy sông trôi cho sạch sầu đời
Tôi lạy tất cả hiện hữu diệu vời
Ðâu không là Phật ? Ðâu chẳng là Trời ?
Dù bông hoa cỏ, dù hạt bụi rơi
Như suối suôi non, như mây lên ngàn
Như sông vượt trùng, như ánh trăng vàng
Xin mở lòng ra cho trời đất hiện.

Tâm là đảo quý giữa biển luân hồi
Thần thánh đi rồi, chỉ có lòng thôi
Hiện hữu đây rồi, không ý không lời
Tôi không là Tôi, Người không là Người
Mười phương mây nổi như cánh hoa trôi
Như sóng ra khơi, như hơi gió thổi
Như mây xa vời, như bóng hạc trời
Tôi không là Tôi, Người không là Người.

Chắp tay lạy Người,xin cho nụ cười
Chắp tay lạy Trời, cho đám mưa rơi
Chắp tay lạy Ðất, cho mầm cây tươi
Chắp tay lạy Nước, cho mát cõi đời
Chắp tay lạy Người, chắp tay lạy Trời
Chắp tay lạy rồi, lạy mãi không thôi
Lạy mãi không thôi !
Lạy mãi không thôi !

Ca khúc trở về thiên nhiên, gia đình, xã hội và siêu nhiên, ca khúc gợi thế quân bình của người Việt giữa cảm súc, trí thức và hành động: đó sẽ là Ðạo Ca Mười. Nhưng ngoài việc tô đậm cái tinh túy của triết lý Việt Nam phát xuất từ ba tôn giáo Phật, Khổng, và Lão, Phạm Thiên Thư và Phạm Duy còn muốn nói rằng sự hồi sinh của tạo vật còn là sự thức tỉnh mạnh mẽ của tâm hồn của chúng ta. Về mặt âm nhạc, giờ đây chúng ta lại trở về giọng Sol trưởng ổn định hơn và xác quyết hơn, mặc dù chuyển cung rất nhiều lần sang các giọng gần khác. Giai điệu vui tươi, với một nét nhạc đi nhanh như thể một đám rước làng linh hoạt và nhịp nhàng. Phạm Duy đem mùa xuân trở về cõi lòng chúng ta.


Ðạo ca 10
TÂM XUÂN
(Tam Giáo Ðồng Nguyên)


Xuân về trong gió, hoa lay lững lờ
Xuân về đám mây, bướm vàng nhụy bay
Xuân về lòng đất, mầm tươi nhựa trào
Xuân về non cao, chim mừng suối reo...

Xuân về biển mát, suôi nhanh cánh buồm
Xuân về suối xanh, cá hồng lượn quanh
Xuân về trầm ngát, Di Lạc hiền lành
Em về thiên nhiên, ngâm mình suối tiên.

Em về thôn trang, tiếng hò giao duyên
Em về khơi hương, thơm ngôi từ đường
Em về quê nhà, lễ đình làng ta
Nhớ cội, nhớ nguồn, đất tổ, quê cha
Em về siêu nhiên, hành hương chùa chiền
Dâng hoa cúng Phật, ưu phiền sẽ tan
Em mở lòng ra, vui cùng cỏ hoa
Xuân về vũ trụ ! Ta về lòng Ta !

Có thiên nhiên mới, an vui hiền hoà
Có lò hương đợi, nối liền ngày qua
Mái đình diệu vợi, nặng tình quốc gia
Chuông chuà siêu thoát, Ta vượt lòng Ta.
Bao dung độ lượng như bốn mùa hoa.

Mùa Xuân có không ? Hay là cõi Tâm ?
Mùa Xuân có không ? Hay là cõi không ?
Về nguồn về cội ! Về nguồn về cội !
Ðể rồi vươn tới, với lòng mênh mông...

Tôi yêu những chân lý mà Phạm Thiên Thư và Phạm Duy vừa phát hiện. Ðối riêng tôi, những chân lý đó hoà đồng dễ dàng với những chân lý nghệ sĩ của tôi, cũng như thêm thắt vào những chân lý trong tuổi thơ ấu của tôi, chân lý của người Tây phương Thiên Chúa giáo. Chân lý là ánh sáng. Bởi vậy tôi nói rằng mười bài đạo ca này là một cuộc hành trình tiến về ánh sáng. Nhưng cuộc hành trình chẳng dễ dàng gì, nó phải đi qua đau khổ và lo âu.

''Chúng ta, những sinh vật hữu hạn mang tinh thần vô hạn, chúng ta chỉ sinh ra cho nỗi khổ hay niềm vui, và ta có thể nói rằng những kẻ siêu việt chụp lấy niềm vui qua đau khổ''. Ðó là lời của Beethoven, một người đã từng biết khổ đau trong thể chất cũng như tinh thần. Và đối với đa số người Việt Nam, sự ''đau khổ'' không phải là một chữ vô nghĩa. Nhưng Phạm Thiên Thư và Phạm Duy đã bất chấp tất cả để đón mời chúng ta lên đường về niềm vui qua nhạc tuyển này. Chúng ta có thể là những con người sáng suốt lên đường đi gặp một thứ ánh sáng khác là chân lý. Mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi vượt thoát khỏi cuộc đời vật chất này để đạt tới một thế giới vô sắc, đạt tới nguồn gốc của ánh sáng. Bởi vì chỉ có những cái gì không thể nhìn thấy mới thực là đẹp vậy.

Georges Etienne Gauthier
Montréal, Avril 71