Nhạc Cảnh

Vào năm 1963, khi những hãng phim muốn có những nhạc cảnh để cho vào những cuốn phim của họ thì họ tìm đến tôi. Cho tới lúc này, tôi đã liên tục soạn nhạc cho phòng trà, nhạc cho sinh viên, nhạc cho người tình, nhạc cho người lính v.v... với những thể tài như đoản ca, trường ca, chương khúc... được coi như khá thành công (vì bán rất chạy). Nay có hãng phim mướn tôi soạn nhạc cảnh thì tôi cũng thử đi vào một giai đoạn mới là giai đoạn soạn nhạc cho sân khấu tức là soạn nhạc cảnh xem sao ?

Vậy là vào năm 1963 này, lúc Ðiện Ảnh VN bắt đầu nẩy nở, Hãng Mỹ Vân tại Saigon mướn tôi soạn hai nhạc cảnh với ''kịch bản'' -- libretto -- của kịch sĩ Năm Châu. Ðó là nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và nhạc cảnh TẤM CÁM.


Thực ra thì những bài ca đầu tiên của tôi, như bài CÔ HÁI MƠ phổ từ thơ Nguyễn Bính hay bài KHỐI TÌNH TRƯƠNG CHI... hai bài này đều có một cốt truyện và hai nhân vật mà một đạo diễn sân khấu có thể dễ dàng dựng thành một hoạt cảnh có ca diễn -- hay nói cách khác -- thành một nhạc cảnh. Rồi cũng vào năm 1963 này, khi nhà văn Nguyên Lộc trao cho tôi bài thơ QUÁN BÊN ÐƯỜNG để phổ nhạc thì tôi đem lại kết quả là một bức tranh hay một tấn tuồng xã hội vẽ ra bằng âm nhạc. Bài thơ phổ nhạc này có cốt truyện, có nhân vật, có đối thoại, có bối cảnh xã hội, có mở đầu và có kết thúc... nghĩa là có đầy đủ yếu tố kịch, làm cho người nghe rất cảm động. Do đó, Hãng Mỹ Vân đã tin vào khả năng soạn nhạc kịch của tôi và nhờ tôi soạn nhạc cảnh. Hồi đó, trong làng Tân Nhạc Việt Nam, mới chỉ có Lưu Hữu Phước với nhạc cảnh -- hay nhạc kịch -- CON THỎ NGỌC, TỤC LỤY và Hoàng Thi Thơ với CÔ GÁI ÐIÊN v.v...

Phần hát của hai nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜITẤM CÁM là do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ''lipsing''. Rất tiếc rằng tôi không giữ được (bản thảo *) hay băng nhạc của hai nhạc cảnh này.

Tới khi tôi qua Hoa Kỳ, dù vẫn được sống bằng nghề ca nhạc nhưng trong những năm đầu, về sáng tác, tôi vẫn chỉ cần soạn ra những ca khúc ngắn hay dài để thu thanh rồi cho vào những băng cassette hay CD (tôi là người đầu tiên sản xuất compact disc) để phổ biến, đa số là những tị nạn ca mang nặng tinh thần hoài hương.

Rồi trong cộng đồng người Việt xa xứ, vào những năm 80 bỗng phát sinh ra một ngành mới là ngành sản xuất băng video do những hãng trước đây chỉ sản xuất băng audio-cassette như Thúy Nga, Làng Văn hay Asia v.v. Trước tiên chương trình trong băng video chỉ là những màn đơn ca có kèm những hình ảnh đi đôi với ca khúc hoặc có khi chẳng ăn nhằm gì đến nội dung bài hát... sau dần có thêm những màn vũ, nhạc cảnh, nhạc kịch... Và khi hãng Thúy Nga sản xuất một cuốn video về tôi với nội dung Phạm Duy, Con Người Và Tác Phẩm (Paris By Night số 19) thì tôi đề nghị đưa bài Chú Cuội vào cuốn video thành một nhạc cảnh do Ái Vân đóng cả hai vai Chú Cuội và Hằng Nga.


Sau đó, hãng Thúy Nga luôn luôn nhờ tôi soạn nhạc cảnh, phần nhiều để cho nghệ sĩ Ái Vân đóng vai chính. Ðó là những nhạc cảnh NGƯỜI ÐẸP TRONG TRANH, THẰNG BỜM, THỊ MẦU LÊN CHÙA...

 

Phạm Duy

(Ghi chú: Nhạc cảnh Chức Nữ Về Trời đã được tìm thấy do một người ái mộ nhạc Phạm Duy scanned và gửi lại cho ông - BBT.)