PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Nghe nhạc Phạm Duy giữa Saigon

(bài viết từ NguoiViet Online Saturday, October 02, 2004)

Ðiệu nhạc tango vang lên thôi thúc, mời mọc trong ánh sáng dịu nhạt của một quán cà phê gần khu cuối đường Ðồng Khởi. Chúng tôi đang được nghe bài “Phố Buồn” của Phạm Duy ngay giữa thành phố Sài Gòn vào một ngày đầu Tháng Bảy, năm 2004.

N. H. là nữ ca sĩ thường trực của quán cà phê. Lần đầu tiên tôi đến quán, anh bạn tôi vốn quen biết cô từ lâu đã giới thiệu tôi như một người thích nghe nhạc Phạm Duy. Thế là trong khoảng 12 bài hát cô trình bày hôm đó, có 6 bài của Phạm Duy: “Bên Cầu Biên Giới, Tìm Nhau, Hẹn Hò, Tiễn Em, Ðừng Xa Nhau, Thương Tình Ca”. Cái sảng khoái của một buổi tối Sài Gòn là giữa những bạn bè thân quen, những kẻ vác ngà voi suốt thời sinh viên thập niên 60, chúng tôi được nghe Phạm Duy với đầy ắp những kỷ niệm một thời xưa cũ. Suốt mấy tối liền bóng dáng đầy đặn của N. H. cứ như chơi vơi trên bục diễn khi cô đam mê hát một loạt những bài hát từ lâu không còn vang lên trên đường phố Sài Gòn, để chiều ý nhóm khách hàng đang ngồi trong góc tối thích nghe Phạm Duy.


N. H. đã vào độ tuổi ngoài 40. Là con của một họa sĩ, cô cũng có theo nghiệp hội họa nhưng cô thích hát nên đã sống đời ca hát gần 20 năm. Trong dịp gặp Phạm Duy năm 2001, cô được nhạc sĩ cho một CD gồm 800 bài hát. Cô giữ được một ấn bản hiếm hoi nhạc Phạm Duy do nhà xuất bản Quảng Hóa in năm 1970, tập “Ca Khúc Cho Ngày Mai” với phụ đề là “Trong Tập Hòa Bình Ca”. Phạm Duy đã ký tên trong tập bài hát cũ kỹ này để tặng N. H., và ghi “Rất thân ái, Tháng 8 - 2001”. Chắc chắn đây là một kỷ vật vô cùng giá trị của N. H., vậy mà khi nghe anh Ái, bạn tôi, giới thiệu tôi: “Ðây chính là người sáng lập nhà xuất bản Quảng Hóa, và hiện giờ chàng này không hề giữ được bất kỳ một ấn bản nào những sách của các tác giả chàng đã xuất bản”, cô đã không ngần ngại tặng lại cho tôi tập nhạc này. Cử chỉ đó nói lên sự lớn lao trong tính cách nghệ sĩ của cô. Trong những sách Quảng Hóa xuất bản có một tập nhạc Nguyễn Ðức Quang “Những Bài Ca Khai Phá” với bìa và phụ bản của họa sĩ Nguyễn Ðồng, và hai tập nhạc của Phạm Duy, một tập hình như tựa đề là “Vòng Tay Thế Giới”, in năm 1968, và tập N. H. còn giữ được là “Ca Khúc Cho Ngày Mai” in năm 1970. Bìa của tập nhạc sau do Nguyễn Quỳnh, hai phụ bản màu cũng của Nguyễn Quỳnh, Quang Vũ trình bày, không thấy ghi in ở đâu.

Cầm tập nhạc cô nói tên Quảng Hóa thật là ý nghĩa, và hỏi tôi chắc vốn liếng làm xuất bản lớn lắm phải không? Tôi giải thích tên đó chỉ do một chuyện nghịch ngợm thuở xưa mà thôi. Nhà xuất bản Quảng Hóa thành lập do vốn đóng góp của hàng trăm thân hữu, bạn bè với cao vọng in những sách cần cho những người trẻ lúc đó. Nhóm chủ trương gồm Ái, bạn cô (hiện ở Sài Gòn), Ðạt nhỏ (hiện là luật sư ở California), Ðạt lớn (Lưu Trọng Ðạt) và tôi, mọi người quen coi tôi là cột trụ của nhóm. Chúng tôi bán phiếu thân hữu mỗi cái $100 (tiền VNCH), thu tiền trước, gửi sách sau. Ông Trần Chánh Thành đã cho luôn $2,000, tôi cũng chẳng nhớ đã gửi cho ông được mấy cuốn sách. Lúc chọn tên nhà xuất bản bọn chúng tôi ghi tên mấy cô quen biết hồi đó rồi bốc thăm. Hình như gồm các cô như Quảng Hóa, Hồng Hà (quán cà phê cuối đường Pasteur), Nhuệ Giang (Bông hồng Quán Văn - chữ của Nguyễn Thụy Long)... Khi in tập “Ca Khúc Cho Ngày Mai” tôi đã đi lính, Lưu Trọng Ðạt cùng Nguyễn Quỳnh tiếp tục trông coi nhà xuất bản. Sau Ðạt và Quỳnh đổi tên thành nhà xuất bản “Quán Văn”, tên quán cà phê do chúng tôi thành lập của một thời hào hứng của tuổi thanh xuân. Hiện nay trong tập nhạc, trên trang có chữ ký và thủ bút của Phạm Duy còn có thêm chữ ký Nguyễn Quỳnh, nhưng tôi không thể nào lấy thêm chữ ký của Lưu Trọng Ðạt vì người bạn hiền lành này đã được “Tổ Quốc Ghi Ơn” từ 1973.

Trước khi trao tôi tập nhạc, cô N. H. nâng niu lật từng trang sách úa vàng, chỉ tôi xem từng dấu vết những ngày cất giấu. Tập nhạc gồm các bài: “Cung Chúc Việt Nam; Tôi Ðang Mơ Giấc Một Dài; Một Ngày, Một Ðời; Khi Tôi Về; Kỷ Niệm; Thu Chiến Trường; Xuân Thì; Hoa Xuân; Xuân Nồng; và Con Ðường Cái Quan”. Có lẽ đây là lần thứ hai trường ca Con Ðường Cái Quan được in ra sách. Tôi hỏi N. H. vì sao cô còn biết nhiều đến nhạc Phạm Duy trong hoàn cảnh mấy chục năm nay không ai nhắc đến nhạc sĩ này ở Việt Nam. Cơ nói:

- Trước 75, song thân em thường nghe nhạc Phạm Duy. Ðiệu nhạc, lời ca Phạm Duy cứ thế thấm dần vào đầu óc trẻ thơ, và em say mê nhạc Phạm Duy từ đó. Thực ra nói sau 75 ở Việt Nam không ai nhắc đến bác Phạm Duy là không đúng. Bác Nguyễn Văn Tý hoặc một số nhạc sĩ, văn nghệ sĩ khác cũng đã công khai nhắc đến Phạm Duy. Ca sĩ nổi tiếng Lê Dung cũng đã ghi âm mấy bài của Phạm Duy trong một CD phát hành ở trong nước. Nhạc bác Phạm Duy bị cấm phổ biến nhưng vẫn được âm thầm hát đâu đó dù không nhiều.

Mấy buổi tối sau đó mỗi khi thấy chúng tôi đến quán cà phê, N. H. đều thu xếp để hát một số bài của Phạm Duy. Cô còn phải chiều ý những lời yêu cầu khác, hát những bài của các tác giả khác, nhưng quan trọng hơn cả là phải biết rõ người đệm cho cô có thể chơi bài Phạm Duy cô định hát hay không. Cô phải giải thích cho chàng nhạc công ý nghĩa của bài hát ra sao, theo cô cảm thì bài nhạc phải được diễn đạt thế nào. Tìm được một nhạc công trẻ từng biết đến nhạc Phạm Duy là một điều không dễ. Nhưng cô cố gắng chiều chúng tôi. Cô cho rằng được hát những bài hát mình yêu thích cho những người cũng yêu thích những bài đó, là một điều hạnh phúc của cô, nỗi hạnh phúc lâu rồi cô ít có. Từ lâu, cô kiếm sống bằng những buổi hát tại các quán cà phê. Cô nói rằng không phải vì “đi hát kiếm sống” như vậy mà cô hát cho qua, hát như trả bài. Với những bài hát của các tác giả khác cô vẫn hát bằng cả tâm hồn, bởi vì “mình được cơ hội cống hiến khả năng cho mọi người thưởng thức, mà lại được trả tiền nữa thì tốt quá rồi, cho nên em luôn hát bằng tất cả sự cảm nhận của em...” Thực ra những bài cô hát thường là của những tác giả nổi tiếng trước đây như Cung Tiến, Phạm Ðình Chương, Dương Thiệu Tước... Nhưng cô nói những bài hát loại đó cũng kén chọn người nghe, chỉ lớp đứng tuổi mới có thể cảm được, còn lớp trẻ bây giờ có những chọn lựa khác, mà “nếu không có nhiều khách đến uống cà phê ở quán mình hát thì em sợ chủ quán sẽ phải tìm ca sĩ khác thôi!” Cô nói rất thành thực đượm chút đau xót của một nghệ sĩ trình diễn đã quá tuổi vẫy vùng. Giọng hát của cô còn hơn rất nhiều những ca sĩ trẻ hiện nay ở Sài Gòn. Cô hơn hẳn lớp ca sĩ đó ở cái “với tất cả tâm hồn” trong khi hát. Nhưng cô không thể chen chân vào cái khối lượng ca sĩ trẻ trung, ăn mặc thời trang, mát mắt, chịu uốn éo...

Cô tâm sự: Anh nghĩ xem, mấy cô cậu trẻ bây giờ làm sao cảm được “Mắt Biếc, Ngọc Lan, Thu Vàng,...” Họ chỉ thích nghe những bài họ đã quen thuộc của lớp nhạc sĩ trẻ bây giờ, hoặc của các nhạc sĩ thành danh của Miền Bắc hay được Miền Bắc chấp nhận từ đầu như Trịnh Công Sơn chẳng hạn. Có bao giờ họ được biết đến Cung Tiến,... và đặc biệt là Phạm Duy. Nhiều năm qua cô rất ít hát Phạm Duy ở nơi công cộng. Cô thường phải hát những bài đang thịnh hành trong nước, và một số tác giả của Sài Gòn xưa, nhưng không phải Phạm Duy.

N. H. cho rằng cô có thể tìm thấy biết bao điều trong nhạc Phạm Duy. Từ những khổ đau đến hạnh phúc trong cuộc sống, cuộc tình. Nỗi khổ đau và niềm hạnh phúc đó hiện thực như của chính cô. Phạm Duy như đã thấu hiểu toàn bộ cuộc sống của một con người Việt Nam, của một con người nói chung. Mỗi khi hát Phạm Duy là chính cô đang giãi bày những ý nghĩ, những khao khát, những băn khoăn của chính con người cô. Cô nhớ lại suốt giai đoạn 22 năm trời qua tính từ ngày chồng cô vượt biên và mất tích trên biển khơi, giữa lúc cô đang mang bầu cậu con trai mới tốt nghiệp đại học cách đây ít ngày. Ðó là những năm tháng khắc khoải chờ đợi mà không hề nhận được một tin tức nào về chồng mình. Ðó là những giờ phút tuyệt vọng vì bụng mỗi ngày mỗi to, chưa biết xoay xở ra sao khi lâm bồn và nuôi nấng con nên người, thì nhận được những lời trách móc, kết án vì mình cao số khiến cho người chồng chưa đến tuổi 30 đã ra người thiên cổ. Những lúc đó, lời ca Phạm Duy đã nâng đỡ cô từng chặng trong cuộc đời này. Từ những câu hát đơn sơ nhưng chất chứa biết bao tư tưởng về cuộc sống như “bánh xe tang ngoại ô, chiếc nôi trong vòng hoa”, đến triết lý Phật Giáo trong “Mười Bài Ðạo Ca” mà Phạm Duy phổ thơ của Phạm Thiên Thư. Cô biết rõ mình đã bị thiệt thòi rất nhiều, không thể có được “em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây,...” nhưng ít nhất cô cũng có thể gởi những hình ảnh đó, những giai điệu đẹp đẽ đó cho khán giả. Khổ nỗi, lâu rồi người ta không được nghe Phạm Duy, người ta không cảm nhận được những đam mê cuồng nhiệt, những tình cảm gia đình hay lứa đôi, những ưu tư về con người, về cuộc đời trong nhạc Phạm Duy. Người ta không quen với “ngôn ngữ” Phạm Duy, làm sao những con người lâu rồi đã quen với “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, quen với công thức ngôn từ có lãnh đạo cảm được những chữ như “lời thơ nuối?”. Lâu lâu cô mới nhận được vài lời yêu cầu hát Phạm Duy từ “lớp người Sài Gòn xưa”, có lẽ người ta nghĩ cô hoặc không biết hoặc không dám hát loại nhạc còn đang bị cấm, và quả thực cô cũng ít khi dám hát, “Riêng lần này không hiểu sao em lại hát thoải mái thế”, cô nói qua một nụ cười. Cô chỉ vào một bàn ở góc trái của bục diễn và nói: “Thỉnh thoảng em vẫn được một số bạn bè của bố em đến ủng hộ, như thầy Chu Phạm Ngọc Sơn đang ngồi với mấy ông bà bạn kia. Em mừng lắm.” Và cô nhắc lại câu nói của hôm qua, nếu ít người đến nghe quá thì chủ quán phải mời ca sĩ khác thôi! “Mấy hôm rồi các anh đến em cũng mừng lắm.” Rồi cô hỏi ngược lại tôi: Thế tại sao anh thích nhạc Phạm Duy?

Tôi giải thích cho cô biết là thế hệ bọn thanh niên thành thị chúng tôi, trước cô trên dưới 20 năm, thường là được nuôi dưỡng qua tiếng hát Thái Thanh và nhạc Phạm Duy. Dĩ nhiên chúng tôi cũng thường nghe Lệ Thu, Thanh Lan, Thanh Thúy, Khánh Ly và những nhạc sĩ khác như Trịnh Công Sơn, Phạm Ðình Chương, Trúc Phương.... Thực ra ở thời chúng tôi trên dưới 20 tuổi, từ giữa thập niên 50 đến thập niên 60, nhạc miền Nam đang ở độ trăm hoa đua nở mà mỗi đóa hoa là một trời hương sắc. Mỗi nhạc sĩ, ca sĩ đều có vị trí nhất định trong lòng người nghe, trong đó có thể Trịnh Công Sơn được lớp thanh niên thành thị hâm mộ do tính cách một thời phản chiến... Nhưng với tôi, về toàn bộ chiều dài lịch sử, Phạm Duy không chỉ là một nhạc sĩ tài ba nhất, mà còn là một sử gia, một thi sĩ lớn,... Ở trong nước hiện nay người ta xưng tụng Trịnh Công Sơn. Ða số quần chúng không được phép biết Phạm Duy, không có Phạm Duy. Họ không biết rằng ông là chứng nhân lịch sử và cũng là nhà tư tưởng. Hình ảnh xã hội Việt Nam đã được ông phản ảnh qua cả ngàn tác phẩm, từ thuở thanh niên lên đường theo kháng chiến trong khi ở thành vẫn còn “bước chân miệt mài của người ăn chơi”. Ngay cả những ngôn ngữ vỉa hè “sức mấy mà buồn” của một tầng lớp quần chúng giữa thời “Me Mỹ” cũng được ông ghi nhận... Rồi “tâm ca”, và đến đỉnh cao nhất là “đạo ca”... Trong một trăm năm đất nước ta chắc chỉ có được một Phạm Duy và một Thái Thanh. Có thể N. H. đã đồng ý với tôi về nhận định này, nên thêm một lý do để tặng tôi tập nhạc có chữ ký Phạm Duy, một kỷ niệm quí giá của cô, và cô lên hát bài “Quán Thế Âm”.

N. H. thường bắt đầu trình diễn từ 8:00 tối, đến 11:00 đêm thì kết thúc, và thường là 7 ngày một tuần. Thì giờ có thể co giãn do phải chờ đợi người đệm đàn. Tôi không rõ thù lao của cô một tháng khoảng bao nhiêu, nhưng biết đại khái một trong hai người thay phiên đệm cho cô và hát thay phiên với cô, kiếm được khoảng 7 hay 8 chục ngàn cho mỗi buổi dài khoảng 1 giờ rưỡi. Sau mỗi buổi diễn cô thường đi nhờ xe một nhân viên trong quán, từ trung tâm Sài Gòn về Gia Ðịnh. Cô nói hôm nào không đi nhờ xe được, không kiếm được người lái xe ôm quen biết, phải đi với người lạ thì ngại lắm, chẳng biết điều gì sẽ xẩy ra ở đất Sài Gòn hỗn loạn này, nhất là những đêm mưa dầm dề, “mưa làm cho đêm tối hơn, vắng hơn, và run hơn, em đành phó mặc cho thượng đế”. Kể xong điều này, cô lên hát bài “Phố Buồn” của Phạm Duy. Tôi tiếc cho một tiếng hát chững chạc, đằm thắm, nhẹ nhàng và ngọt ngào đến thế mà ít người biết đến. Tối đó, chúng tôi rủ cô đi bộ qua vài góc phố, đến khu có mấy cửa hàng bình dân ăn cháo, xôi gà, và cả bọn đã phải cùng ngồi taxi đưa cô về nhà.

Là con một họa sĩ, nên giải trí của cô là vẽ. Cô có thể khóc, cười với đôi mắt, vành môi, nhưng cô cũng có thể khóc cười qua những bài nhạc, câu ca, và cô cũng có thể khóc cười qua khung vải, màu sắc, hình khối. Vẽ là để cô giãi bày, tâm sự, và đôi khi trốn khỏi những não nề của cuộc sống. Nếu không ca hát, không vẽ tranh, không biết cô lấy đâu ra sức mạnh để chống chỏi với bao bất hạnh trong cuộc sống của riêng cô và của Sài gòn mấy chục năm qua.


Ðỗ Tăng Bí

Bình luận