PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Ấn tượng Phạm Duy

Tháng năm, quận Cam có một buổi hòa nhạc, hát và nghe 50 năm nhạc Phạm Duy. Vinh danh. Dấy lên những bàn tán đánh giá về âm nhạc và ngay cả con người của ông. Số báo VĂN, một tờ báo nhận định về nghệ thuật và văn học cũng có một số đặc biệt với bài vở của nhiều nhà phê bình nổi tiếng của Việt nam. Đề tài Phạm Duy là một sự hấp dẫn tự nhiên, gần như ai cũng có thể nói ít nhất là một vài điều gì đó về Phạm Duy. Có người đã từng gặp Phạm Duy, đã từng nói chuyện với ông, đã từng đọc sách của ông, đã từng nghe kể về ông và hầu như ai ai cũng đã từng nghe nhạc của ông. Nhiều người công nhận ông là một nhạc sĩ tài hoa, có người chê ông thiếu đạo đức, tuy nhiên điểm đặc biệt là, khi nói về Phạm Duy, họ thường nói với một mức độ xác tín rất cao, gần như họ cam chắc là họ rất hiểu và nắm bắt được Phạm Duy.

Đối với những người trẻ hơn, trong nước cũng như ở ngoài nước, họ ít biết về Phạm Duy hơn, vì lẽ trong hơn mười năm gần đây, ông ít khi xuất hiện trước công chúng. Nhà ông ở Midway City, rất gần trung tâm thương mại của người Việt ở Little Sàigòn, MimiNews chúng tôi đến hỏi chuyện và để nắm bắt gần hơn con người hiện tại và suy nghĩ của Phạm Duy.

1. Gần đây bác làm gì ?

"Tôi làm thinh." Sau khi nhà tôi mất, tôi không làm gì hết, song sau khi về Việt nam, tôi hoàn tất được "Hồi ký" và "Minh Hoạ Kiều II"

2. Về Việt nam để làm gì ?

Đi tìm mồ mả gia tiên và tìm những người trong họ còn sống. Tôi khám phá ra mình là người trưởng họ, người cao tuổi nhất trong làng Phượng Dực, Hà-Tây.
Ngoài ra, thì gặp gỡ bạn bè cũ như Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang, Đoàn Chuẩn khi đó còn sống, và nhiều người khác nữa.

3. Bác trao đổi với bạn bè cũ những điều gì ?

Không ai nói với ai điều gì, nhưng đầy dẫy tâm sự. Nói với nhau bằng một sức im lặng. Chúng tôi có cái lạ lắm, không ai nói với ai một lời nào cả, nhưng đầy dẫy tâm sự. Có thể nói chúng tôi nói chuyện với nhau bằng một sức im lặng. Hình như giữa chúng tôi có một cái ngôn ngữ nào mà không cần phải nói ra. Theo tôi đó là tình tự dân tộc. Tình tự dân tộc có thể là ghét bỏ nhau, có thể là yêu mến nhau, có thể là quý trọng nhau. Chúng tôi đã biết cái nguyên nhân vì đâu có sự chia rẽ nhau, giết chóc lẫn nhau, hận thù nhau. Bao giờ tôi cũng lấy cái đại độ nhìn rõ sự việc để đối xử với nhau.

4. Bác có đi nhiều nơi ở Việt nam không?

Tôi đi xem phong cảnh, ra Hòn Gay, nghe nhạc trên sông Hương ở Huế, vào Quảng Nam thăm Hội An. Ở phía Nam, ra tận Hàm Tân và ghé thăm Phan Thiết là chiếc nôi ái tình của tôi.

5. Phản ứng của dân chúng như thế nào ?

Có điều may mắn là đa phần dân chúng không nhận ra tôi, nhưng mà khi nhận ra thì như đám rước vậy. Sự thật thì tôi chỉ muốn yên thân, không muốn ồn ào. Ồn ào đối với người trong nước thì không nên, đối với người ngoài này thì càng không nên nữa.

6. Sự đón nhận âm nhạc Phạm Duy ra sao ?

Trước kia thì tôi băn khoăn lắm, đến độ đau khổ, vì tôi cho rằng nhạc của tôi vắng tiếng ở Hà nội 50 năm qua và ở Sài gòn 25 năm qua.

Người nghệ sĩ nào mà không muốn khoe những sáng tác của mình. Tôi cứ tưởng ở ngoài Bắc thì họ biết đến bài "Về Miền Trung" là hết, và trong Nam thì đến bài "Này Cô Em Bắc Kỳ Nho Nhỏ" thì hết, thế nhưng tôi lầm hoàn toàn. Ở bên nhà họ thuộc nhạc của tôi còn hơn tôi. Có người tặng tôi đến 60 đĩa CD sưu tập nhạc Phạm Duy. Phản ứng của người ngoài Bắc thì họ thú vị hơn so với trong Nam, vì nhạc của tôi đối với họ còn mới mẻ.

Và nhờ biết được như vậy nên tôi không còn thắc mắc nữa. Bây giờ thì coi như là tôi xong rồi, tất cả sự nghiệp của tôi nằm trong computer hết rồi. Tôi có thể chết được rồi mà không có phải thắc mắc như ông Văn Cao hay ông Trịnh Công Sơn.

7. Bác muốn nói gì qua âm nhạc?

Tôi là một người "khóc cười theo mệnh nước" và tôi đã nói hết những điều đó qua những tác phẩm của tôi rồi. Trong số người nghe, tôi xin cám ơn những người như Thụy Khuê, Đoàn Xuân Kiên nói lên được cái đại quan cũng như cái vi mô của tôi.

8. Nhìn về Việt nam từ hải ngọai, bác nghĩ gì ?

Không có giây phút nào trong 26 năm qua mà tôi không nghĩ đến nước Việt nam. Tôi đều ước mong là nó sẽ tiến bộ như những nơi mà mình đã nhìn thấy. Thế nhưng làm sao được mỗi đất nước có một lịch sử riêng. Là một người nghệ sĩ tôi ước mong thấy một Việt nam thống nhất lòng người, nhưng mà cho đến bây giờ vẫn chưa có được. Đành vậy thôi. Tôi nghĩ lịch sử có nhiều ngẫu nhiên cuộc đời chứ không phải ai muốn mà được.

9. Bác có lạc quan về con người Việt nam, đất nước Việt nam không ?

Nhìn lại 500 năm lịch sử Việt nam, thì sự chia rẽ triền miên, muốn giải quyết trong một tháng trời thì làm sao được. Tuy nhiên, một điểm mà tôi rất lạc quan, là con người Việt nam vẫn không thay đổi sau bao nhiêu thăng trầm như vậy. Con người Việt nam vẫn là Việt nam như tôi biết, như tôi vẫn từng yêu quý. Càng đi về vùng quê, thì càng rõ ràng như vậy.

10. Còn con người Việt nam hải ngoại thì sao?

Con người Việt nam bị đánh bật cái gốc ra ngoài này rồi, thì còn rất ít người còn giữ được, vì hoàn cảnh đời sống. Ví dụ như người Việt nam chúng ta xưa kia đại lượng lắm, "chín bỏ làm mười" cơ mà, nhưng bây ở đây chúng ta có được thế đâu ? Toàn là giả tạo cả. Ví dụ như cuộc sống hiện thực ở đây rõ mồn một, nhưng các nghệ sĩ đều than cạn đề tài cả. Cộng đồng Việt nam ở đây có nhiều tật xấu, nhưng không ai dám nói ra. Ai cũng sợ dây bẩn cả. Thì nó sẽ bẩn. Có thể là tôi nói sai, nhưng suy nghĩ của tôi là thế.

11. Khoảng cách với Phạm Duy ?

Sở dĩ hiện nay có sự ly dị giữa người nghệ sĩ nói chung với quần chúng thưởng ngoạn là do hoàn cảnh. Trong cộng đồng Việt nam hiện nay, ai là người lo tổ chức những sinh hoạt văn hoá. Chỉ có những tờ báo, nhưng chỉ lo nuôi sống cho tự họ không thôi cũng là khó quá. Thành thử lại phải dùng đến vấn đề chính trị. Mà chính trị thì phải mị dân, thì phải làm ồn lên cho người ta mua báo của mình. Trong lãnh vực văn nghệ, thì xưng tụng theo đồng tiền, thành nó tạo ra một sự náo loạn. Trong những tổ chức văn nghệ thì đưa ra sự hở hang, đề cao cái sex. Họ có cái lý của họ, có thể là nhạc của tôi không còn ăn khách nữa. Nhưng là một nghệ sĩ, tôi phải tránh xa những sinh họat như vậy. Sự cách biệt đó, chủ quan cũng có, khách quan cũng có, nhưng nó phải xảy ra thôi.

12. Đánh giá về nền âm nhạc bên trong Việt nam hiện tại.

Khó nói, nhưng nói chung về phương diện tổ chức và tài năng, thì họ có nhiều lắm. Nhưng họ bị đóng khung thành ra không có nổi bật lên được. So với thời kỳ ông Diệm, thời kỳ ông Thiệu, mặc dù có kiểm duyệt, nhưng dù sao cũng không đến nỗi nào, chúng tôi không bị đóng khung mấy.
Vì tôi về Việt nam trong một thời gian ngắn ngủi thôi, nhưng nhìn thoáng qua thì thấy có những bài bắt chước nhạc Đại Hàn và nhạc Đài loan. Xu hướng quay về với nhạc dân tộc thì lại theo chiều hướng giữ y nguyên như cũ và cũng thiếu sáng tạo.

13. Phản ứng của người ngọai quốc về nền âm nhạc Việt nam.

Người ngoại quốc đến Việt nam, phần nhiều là vì mục đích sưu tập, bảo tàng các loại hình âm nhạc cổ truyền nhiều hơn, bởi vì âm nhạc Việt nam của mình còn thô thiển và thấp lắm về đủ mọi phương diện. Nếu mà so với Nhật bản hay Trung hoa thì họ hơn mình rất nhiều. Lý do giản dị là vì dân họ đông, tổ chức của họ giỏi. Còn mình, thì nhạc sĩ trong Nam ngoài Bắc chia rẽ nhau.

14. Ảnh hưởng của xu hướng nhạc hiện đại của Tây phương đến Việt nam như thế nào?

Tôi có biết có người đi vào nhạc Jazz, nhưng mượn một cái áo người khác khoác vào mình, thì theo tôi khó lắm. Riêng tôi sau khi đi du học Pháp về, thì tôi thấy mình không thể mượn cái áo của Schubert hay của Beethoven, mà mình phải có cái của mình, thành ra tôi có "Minh Hoạ Kiều."

15. Điều gì là quan trọng nhất trong việc sáng tạo nghệ thuật?

Phản ánh xã hội, và quan trọng nhất là thành thật với mình, thành thật với người, và thành thật với đời. Nghệ sĩ mà giả tạo thì vứt đi.

16. Nghĩ gì về khu Bolsa Little Saigon?

Phải gọi khu Bolsa là khu Bon Chen. Đời sống vật chất lôi kéo con người trở nên tha hóa, "tất cả cho sự sống." Nhiều người không có đời sống tinh thần, thiếu lý tưởng.

17. Tại sao bác không viết về cộng đồng Little Saigon?

Cộng đồng ở đây không nuôi được nghệ sĩ. Không đài phát thanh nào trả tiền cho nghệ sĩ. Có tờ báo nào chú trọng đến chúng tôi đâu. Thành ra làm sao không có cuộc ly dị đó được, mặc dầu không phải lỗi tại ai.

18. Sinh hoạt cá nhân của bác như thế nào ?

Tôi hoàn toàn sống bằng âm nhạc từ xưa đến giờ. Ở ngoài này, thì may mà tôi còn sáng tác nhiều và đi hát, đồng thời bán đĩa nhạc để sống, nhưng mà phải làm như vậy thì nhục lắm.

19. Bác thích những sáng tác nào nhất trong sự nghiệp âm nhạc của mình?

Cái nào tôi cũng thích cả, kể cả các bài nhục tình ca hay tục ca. Thí dụ, tôi thích tục ca vì tôi dám nói trong khi không ai dám nói cả.

20. Bác muốn người ta nhớ về và nói về bác như thế nào?

Tôi đã buông bút, treo đàn, chùi mặt, tắt đèn, rời sân khấu, từ nay trở về sau, tôi không còn đứng ở giữa chợ đời nhận ai khen hay chê nữa. Bây giờ tôi vui một mình tôi đi thôi.

21. Nhắn nhủ gì đối với mọi người?

Tôi chỉ có một lời cám ơn đối với những người yêu nhạc Phạm Duy, vì đó là lý do làm cho tôi sống.

22. Muốn nói gì với thế hệ trẻ ở đây?

Các cậu may, mà không may. May là có một đời sống thoải mái hơn, không may là cuống rốn đã bị cắt lìa. Muốn nối lại, thì các cậu phải tự tìm lấy thôi, sẽ không ai giúp được.

* * *

Như một hậu chấn của tất cả mọi cuộc ly dị, chúng tôi ra khỏi nhà Phạm Duy, không tránh khỏi tâm trạng băn khoăn lý giải những nguyên nhân. Có lẽ Phạm Duy đúng -- không phải lỗi ai, nhưng quả là có một sự cách xa. Có lẽ chúng ta ở hải ngoại không còn là chúng ta khi ở Việt nam. Chúng tôi là những người "may mà không may" như lời của Phạm Duy. Hành trang của Phạm Duy để lại cho chúng tôi quan trọng hơn cả âm nhạc, có thể là tinh thần sáng tạo, sự thành thật, can đảm và tận tình với đời sống.

Etcetera thực hiện
  


Bình luận