PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

Môi Son Julie - [11] Vũ Trường Tango Đèn Mầu

Julie Quang
Ca hát cho đời mua vui. Người Nghệ Sĩ, đừng bắt họ khoác lên những bộ đồng phục thiên hạ mặc. Bởi họ là Nghệ Sĩ, nếu họ mặc đồng phục thì họ sẽ không thở được hơi thở của riêng họ, không nói được tiếng nói riêng của họ, làm sao dệt những vần thơ, khúc nhạc ngát hương cho đời, và ngược lại nếu phải thay đổi bộ đồng phục, để mặc vào cái áo khoác của người Nghệ Sĩ thì họ sẽ làm gì ? Đây là câu hỏi chung nhưng dành riêng cho giới Nghệ Sĩ... Như từ bao đời người Nghệ Sĩ phải tự chắc lọc mình, đem những chất liệu sống những tinh tuý của khổ đau và sung sướng mà cống hiến cho đời.

Là nhiệm vụ của một con dế phải ra rả hát ca đến lúc tàn hơi, để ca ngợi cuộc đời phù du ba chìm bảy nổi. Con dế tôi cùng các đồng môn hát ca nơi thành đô, trong lúc chiến tranh tàn phá ở khắp mọi miền đất nước, cái hình ảnh tương phản gây nhức nhối cho hầu hết những người phải đối diện với cái chết hàng ngày hàng giờ.

Hòn Ngọc Viễn Đông có bao xa, từ Saigon đến Tân Định Gia Định, từ Chợ Cũ đến Chợ Lớn, đạp xe chậm như tôi mất khoảng một tiếng là giáp vòng , so với các thành phố Paris, London, Franfurt, New york và nhiều thành phố lớn trên địa cầu này thì Hòn Ngọc bé tí teo, tuy bé nhỏ nhưng ý nghĩa của nó to lắm trong tâm hồn những người có thân phận xa xứ như chúng tôi. Nó là Hòn Ngọc Viễn Đông trong trí nhớ đậm màu khi nhắc nhớ đến .

Mời bạn chúng ta cùng viễn du một chuyến, ngược dòng thời gian tìm lại cái dư âm của tiếng nói ngày xưa còn sót lại trên vài ba chữ nghĩa, vài câu tản mạn niềm vui nhớ lại, ghi lại có thể gây những cảm xúc lẩn lộn, mong được hiểu như một chuyện phim được dựng lại.

Vũ trường là đời sống khi đêm xuống của các ca sĩ như tôi như bao đông nghiệp khác, không chỉ giới trình diễn mà guồng máy kỷ nghệ vũ trường, còn cuốn theo bao đời sống của những người sống về đêm như nhac công vũ nữ, người hầu bàn, chiêu đãi viên đến người lao công quét dọn v.v....

Những con người sinh hoạt ban đêm, ban ngày họ ngủ nghỉ ngơi và dự trù năng lượng của ngày, để khi nắng tắt đêm xuống họ đã có sẳn nguồn năng lực dự trữ để làm sinh động đời sống về đêm, làm cho đêm u huyền lộng lẩy hơn. Họ lũ lượt túa ra đường tìm vui hay kiếm cơm. Tất cả những con người kể trên họ làm thành đời sống ban đêm dưới ánh đèn màu.

Hát vũ trường khác với phòng trà ca nhạc thính phòng ; Ở đây khoan hãy nói về cái khác nhau, mà nói đến cái hấp dẩn đầy ma lực của không gian Vũ trường. Những người đến Vũ trường đều thích nhảy "danser ", nhảy đầm chữ trong dân gian luôn đi đôi với tượng hình, nhưng sao trong chữ danser chỉ thấy hình tượng của người phụ nữ da trắng trong cái chữ "đầm" ? Chữ trong dân gian có từ dân gian, không biết các nhà học giả có đưa vào tự điển tiếng Việt hay không thì tôi không rõ, nhưng khi tìm hiểu từ các cụ già người Bắc thì được biết, có những từ ngữ rất quen thuộc trong dân gian, qua giới phục vụ cho các quan Tây quan Ta thời trước còn lưu lại, cái cùi dìa = cái thìa ngoài Bắc, trong Nam là cái muỗng tiếng Pháp là cuillere hay bà đầm là madame, như búa xua là nghĩa gì? Ngoài cái kiểu ôm nhau hôn chùn chụt hai bên má, rồi thốt lên bonjour, bonjour là búa xua nghĩa là rối rít đấy các ông bà ạ!

Trở lại với danser nhảy đầm, những người đến vũ trường hầu hết đều mê nhảy hoặc mê gái, cái không gian khác biệt với thế giới bên ngoài, cái thế giới huyền ảo của đèn màu lia lia chớp nháy sao có nhiều ma lực quyến rủ người ta không phải gia đình quyến thuộc mà như thân thiết từ bao giờ, họ cảm thông nhau đến tận cùng bằng số, không gian của họ đượm đầy khói thuốc, ly rượu vơi trên tay, vây quanh là những Mỹ nữ yêu kiêu diễm lệ, với vũ khúc nghê thường, bên tai nhạc dập dìu chuyển mộng....Đời nay chốn này khác gì thời Đường Thi (1) nơi thiên đàng hạ giới của Thi sĩ Lý Bạch, cánh đàn ông có không ít người rơi rụng ở chốn ni như ông Lý Bạch rơi ùm xuống nước vớt Trăng lên và ông đã ở lại mãi mãi với vầng trăng muôn thuở Ô mê ly đời.

Tôi có người bạn tên anh là cả trời thơ đất Bắc -Bắc Sông Thơ- Song thân anh chắc hẳn yêu qúy văn chương thương yêu miền Bắc nên gửi gấm cả vào cái tên họ cho anh .

Là một tay chơi amateur( lúc đó) Bố vợ anh là nhac trưởng cuả một vũ trường , vợ anh là ca sĩ và anh là Chiến sĩ Việt Nam Cong Hòa , là Lính nên đâu có tiền tươi mà rưới nơi vũ trường , hằng đêm đưa đón vơ đi hát tới lui chốn ánh đèn quyến rũ anh tự nhủ một ngày kia anh sẽ có một dêm Vương giả của một Đường Minh Hoàng với bầy Tiên nữ nhởn nhơ xung quanh ,anh đã không có một đêm ngà ngọc lúc đó và sau này thế nhưng chẳng có gì để phàn nàn bởi anh cho rằng đã tránh được một cạm bẫy giết người không bằng vũ khí , anh là người vượt thoát tuyệt vời nhất .

Vũ nữ, các cô gái dáng dấp yêu kiều mảnh mai tha thướt được tuyển chon để nhảy đầm, phải có chút nhan sắc, người ta không tìm thấy một vũ nữ nào trời bắt xấu cả, các cô đều xinh, có cô còn vượt trội với sắc đẹp mê hồn cùng khả năng trói chân đàn ông bằng sợi tóc. Các cô này đi đến đâu là kẹt xe kẹt đò đến đấy, thậm chí có khi tai nạn xảy ra chỉ vì các ông mãi mê nhìn theo, có bị cái nhéo đau điếng của bạn gái hay cái tát của bà vợ thì cũng vừa với tội say bống hồng. Tôi có con bạn thân là gái đẹp nhất trong các vũ trường Sài thành, đi chơi với nó tôi thường chứng kiến những cảnh tượng cười chảy nước mắt .

Những mảnh đời của người vũ nữ và người ca sĩ có nhiều điểm giống nhau nên họ có sự đồng cảm sâu sắc. Hằng đêm chúng tôi gặp gỡ nhau dưới ánh đèn màu mua vui cho thiên hạ, bằng điệu nhảy bắt mắt hay lời ca bán phổi. Đêm đêm từng đấy cái quen quen đủ để thân nhau, để những ngày trái gió trở trời không đi làm được, bâng khuâng nhớ ánh đèn và nhớ nhau. Thứ hai đầu tuần mà gặp mùa mưa thì vũ trường trở thành trường đua -ngựa có thể rảo bước, người có thể nằm bốn vó lên trời- mà hát nghêu ngao "Rainy Days and Mondays" của Carpenters .

Học nhảy đầm từ các em (ca ve) nhảy đẹp nên tôi biết hầu hết các điệu nhảy, tuy biết nhưng đâu có được ra sàn nhảy, việc của tôi trên sân khấu phải hát cho người ta nhảy cơ mà!

Hát vũ trường phải lựa chọn bài hát với những tiết điệu variety khác nhau gọi là nhạc tour, thay đổi tiết tấu ở mổi bài, lúc kích động, lúc du dương, lúc dập dìu, lúc lả lướt quay tít đến bến mộng bên bờ sông Danube của Valse, dồn dập điệu nhạc trong âm thanh có phẫn nộ cuồng si là điệu Tango hay Paso, kìa đoàn quân chiến thắng dưới bóng Khải Hoàn Môn đang diễn khúc quân hành, đến slow "mùi" từng cặp từng đôi đằm thắm dìu nhau ra sàn nhảy, những vòng tay ôm ghì xiết trong giai điệu này, họ không còn nghe thấy gì ngoài hơi thở của nhau. Bebop , Swing , hay Twist là những tấu khúc sôi động, làm cho người nghe kích động chân tay sàn nhảy hực lên cái nóng của vũ trường.

Với điệu Tango tôi thích hát đồng thời thích nhảy. Trước khi lên sân khấu mà liếm môi bằng cognac thì biểu diển Tango hết xảy! Tôi tha hồ ném mình từ cánh phải sang cánh trái sân khấu, mọi người phải né qua một bên cho con dế tôi nhảy Tango với người tàng hình, đôi khi cao hứng nhạc sĩ Cao phi Long đã buông cây saxo để dành vai của người tàng hình.... Sau này di cư sang Mỹ những năm đầu của thập niên 80 tôi hát với ban nhạc Saigon Cabaret của nhạc sĩ Lê Quang Anh đến đầu thập niên 90 hát thường trực với Mây Bốn Phương. Nơi đây gây cho tôi nhiều ấn tượng đậm nét với Vũ trường bên Mỹ .

Vũ trường mọc lên ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống đều không giống như Sài thành thuở trước như một tinh cầu đã vỡ những tinh hoa trời Đông tan tác khắp nơi để rồi nỡ rô khắp năm Châu làm vẻ vang dân Việt .



Trở lại với Sàigòn trong ký ức, từ phòng trà này đến vũ trường nọ, hằng đêm dưới ánh đèn spotlight trên sân khấu làm rực rở người ca sĩ, nhưng không soi rọi được những mảng bóng tối, khuất sau vòm ánh sáng là những đốm lân tinh lung linh từ những đôi mắt hực ánh cuồng si mê dại hay cơn ngái ngủ mệt mỏi chán chường đều trở thành những bóng ma trơi chập chờn trong màn đêm. Blacklight đã làm thay đổi màu sắc, tất cả màu trắng biến thành thứ ánh sáng của mặt trăng lúc chói lọi nhất, làm cho đêm u huyền lộng lẫy trong ánh mắt giai nhân có thêm thứ ma lực, black magic làm huyển hoặc chao đảo những trái tim đa tình yếu bóng vía.

Phòng trà ca nhạc khác với vũ trường hộp đêm nhiều lắm, khác từ khách tìm vui thưởng ngoạn hay túy lúy trong gái đẹp rượu nồng. Họ những vị khán giả khác nhau đó, đã là một phần trong đời sống về đêm của các ca nhạc sĩ trong giới trình diễn và quan trọng hơn hết họ là động cơ thúc đẩy cho cả một guồng máy hoạt động. Đời sống ban đêm có ồn ào náo nhiệt hay vắng tanh như chùa bà Đanh là nhờ cả vào các vị khách quý ấy.

Đến đây phải nhắc lại một sự kiện bi thảm không thiếu tính cách rùng rợn của phim trường Hollywood, nhưng có trong đời thật của một người vũ nữ tên là Cẩm Nhung, một nhan sắc bị đọa đầy! Cô đã từng là nữ hoàng của vũ trường được ăn trên ngồi trước, kẻ đưa người rước cung phụng đủ điều, đến một đêm bất trắc định mệnh thay đổi ngôi -lon át xít- không ngờ từ một nhan sắc mê hồn đến bộ mặt dị dạng làm trẻ con khóc thét! Cô sống lây lất tấm thân tàn bằng sự bố thí của thiên hạ, hầu hết những người lân la chốn vũ trường đều biết đến câu chuyện thê thảm này, riêng tôi ngày đó có gặp Cô vài lần quanh khu thương xá Tam Đa, về sau nghe nói Cô đi khất thực phương xa, nhưng dù Cô có đi đến phương trời nào hình bóng thanh xuân yêu kiều của Cô đã ở lại với Kim Sơn, Arc-en-ciel vũ trường, nơi chốn có lẽ đã thay tên đổi chủ nhưng Cẩm Nhung và câu chuyện thương tâm của Cô sẽ mãi mãi được chuyền miệng với nỗi xót xa đời...Đã có không ít Văn nhân Thi sĩ nhỏ lệ trong hồn trên những giòng văn thơ khi nhắc đến Cô.

Cuộc sống ban ngày chổi dậy từ lúc mặt trời mọc, trẻ con đến trường, cha mẹ ra khỏi nhà lao vào công việc hằng ngày, trong guồng máy khổng lồ xoay một chìều cố định theo hướng kim đồng hồ tictac tictac... Nhịp đều của tiếng thời gian và như thế đến khi ngày hết nắng tắt là đời sống của muôn loài trước thiên nhiên như mỗi ngày của một con ong hay một cái kiến, con người ta lao ra khỏi nhà để hòa vào nhịp sinh động của đời sống. Muôn loài phải sống với một định luật không dời đổi - ngày kiếm ăn đêm ngủ nghĩ ngơi - duy có con người đam mê lạc thú, khoái hưởng thụ nên sinh ra nhiều sáng kiến để thõa mản những nhu cầu bức rứt không bao giờ ngừng ở nơi con người ...Hay không là một định luật bất biến được thay đổi bởi con người luôn phải đi "tới" về phía trước, với mục đích phục vụ cho những thích nghi của con người?

Sáng kiến có thêm đời sống về đêm từ các ông Vua bà Hoàng, tự Cổ chí Kim chưa thấy một tấm gương sáng nào phản chiếu được từ vùng bóng tối đó, nên cuộc đời này lãnh đạm thờ ơ không muốn nhắc nhớ đến, thậm chí với các bậc phụ huynh còn phải lo bảo vệ con em mình, tránh xa chốn đầy cám dổ lắm tội tình.

Và tôi sống khá lâu trong cái thế giới đèn màu quyến rũ đầy ma lực lôi cuốn (2) ấy đủ để có cái nhìn của một ngưòi trong cuộc, phần nào thôi.

Về sau khi sang Hoa Kỳ, có lúc sống ở hảỉ đảo Hạ Uy Di hai năm liền tôi hát trong một club bar có gái tứ xứ chuốc rượu hầu khách, nên cái nhãn quan về đêm có phần mở rộng hơn.





Sàigòn Chợ lớn không bao xa, ngay tại trung tâm cùng một con đuờng có đến 4-5 hộp đêm, vũ trường mọc lên như nấm rải khắp Hòn Ngoc Viễn Đông, từng thế hệ đã qua và tiếp nối cho dù muốn nói ngưọc xuôi thế nào nhưng phải nhìn nhận miền Nam Việt Nam sống trong trù phú và hưởng thụ suốt cho đến một hồi... Gọi là giải phóng.

Hát nơi phòng trà ca nhạc có đối tượng lắng nghe và dõi theo từng cử động của người ca sĩ, nên luôn phải tập trung từ giọng hát đến phong cách trình diễn, nhưng hát nơi vũ trường lại hoàn toàn khác, vai trò người ca sĩ trên sân khấu mờ nhạt, nhạc công thu mình trong bóng tối ôm cây đàn tấu khúc nhạc lòng, giọng ca vàng ròng trau chuốt hay tiếng hát vút trên ngàn cũng trở thành âm thanh lạc lõng của một loại nhạc cụ không hơn không kém. Các ca nhạc sĩ không có sân khấu đề trình diễn nơi vũ trường, sân khấu là sàn nhẩy cho các Nàng " vũ nữ thân gầy " lả lướt biểu diễn trong vòng tay ôm của khách tình say. Sàn nhẩy là sân chơi của họ, của khách tình say và vũ nữ thân gầy.

Người ta nói phải có hai người mới nhẩy được điệu Tango, nghĩa là cả hai phải có sự đồng tình đồng thuận trong từng nhịp điệu, từng cái đẩy đưa của chàng cho bước chân nàng vững vàng hơn, để rồi bất chợt chàng gập người tay ôm sát vòng eo nàng như định cưỡng ép, nhưng không cần phải thế vì nàng đã uốn cong người với nét mặt đầy khiêu khích, Bingo.

Tango, điệu nhạc này không cần đến ca sĩ xướng lên, chất giọng nào cũng trở nên dư thừa với nhạc

Tango, người viết nhạc và lời cho các ca khúc kể luôn ca sĩ trình bày, kể cả người ưa thích tango đều thấy rõ điểm này, nhưng nhạc sĩ vẫn sáng tác và ca sĩ cứ hát và tôi cũng hát. Tất cả đều có chung một sở thích Tango...

Đến một lúc nào đó chán làm sự dư thừa, tôi tìm cách để hát điệu nhạc mà mình thích được hoàn chỉnh hơn, tôi chú ý đến những màn biểu diễn tango của những vũ sư nhà nghề Thùy Trang, Thùy Vân và trên truyền hình với những tay dansers Pro. Người ta còn nhìn thấy rõ nét diễn trên gương mặt xuất thần của họ. Điểm nhấn của tango là nhịp điệu, cho sở thích riêng tôi khám phá ra điều chế phục để hát tango không bị đơn lẻ, và nếu luyện tập kỷ không chỉ nơi vũ trường mà người bình thường không có chất giọng cũng có khả năng chinh phục trên bất kỳ sân khấu lớn nhỏ nào.





Vũ trường Palace kín đáo nằm trên thượng từng của tòa nhà cao ốc trên đại lộ Nguyễn Huệ, tọa lạc ngất ngưởng giữa lòng thành phố Sàigòn như treo lơ lửng trên không, tự nó có một vẻ "kín cổng cao tường" mọc lên trên tầng cao chót của một hộp đêm. Thật là nơi chốn lý tưởng cho những câu truyện tình thâm cung bí sử.

Nơi cổng ra vào, đón tiếp khách dưới chân là tấm thảm Ba Tư đắt tiền, cái đệm hoa lún sâu dưới những gót hài giai nhân và những đôi giầy Tây bóng lộn đặt chân lên, nó tạo cho khách đến cái cảm giác sắp tham dự một cuộc phiêu lưu thần thoại hay khách ra về với chút say sưa lưu luyến ...Ngậm ngùi.

Bước vào bên trong không gian tối hù hù kế sát bên mới nhận diện nhau, chung quanh đen kín phủ lên trên tường những bức màn nhung màu đỏ thật dầy cách ly với âm thanh ánh sáng bên ngoài, bên trong đủ nghĩa tối bưng của Hộp đêm.

Ngày khai trương của vũ trường cũng là ngày đầu tiên tôi nhận việc hát thường trực tại đấy, lúc họp mặt tổng dợt, tôi được biết tất cả những nhân vật sẽ cùng làm việc với nhau mỗi đêm trên sân khấu, từ anh nhạc trưởng Hồ Xuân Mai đến các nhạc công ôm đàn gỏ trống, trong bóng tối ngỡ họ vô danh mà toàn là những cổ thụ lão làng trong âm nhạc như: Xuân Lôi, Xuân Tiên, Lê văn Hạnh và còn ai nữa mà tôi không nhớ hết...Họ là những người làm việc trên sân khấu, bên dưới sàn nhẩy còn có Ông Thinh quản lý ăn mặc tuxedo theo kiểu tiếp viên nhà hàng năm sao tiếp khách, và Cô Annie tài pán lo cai quản phân phối các em vũ nữ vào vị trí cho khách mua giờ. Vũ nữ là một cái nghề. Có chút nghệ thuật nhảy đẹp thêm vóc dáng mỹ lệ em là Gà Tơ (4)được khách bao (mua) giờ là cái chắc, các em yểu điệu mỗi người một vẽ mười phân vẹn mười đẹp như Tiên, các Nàng được tuyển chọn vào hàng top của Sài thành nên thu hút đông khách tìm du hí.

Thật đáng tiếc, ngày nay không sao tìm lại được hương xưa ngày cũ trên xứ người, cho dù có tìm về chốn cũ thì bộ môn giải trí về đêm đã mất hẳn bóng dáng thanh lịch thay vào đấy là ngành kỷ nghệ buôn bán đổi chác , thật đáng rầu...





Khách của Palace khác với Maxim's hay Tự Do vũ trường, tuy cùng một tuyến đường giữa lòng Sàigòn mà mỗi nơi có sắc thái riêng không đụng khách, không đụng hàng. Riêng Palace nấp trên cao, nơi có vẻ bí mật đối với những mụ vợ đa nghi, và các quan lớn quan bé đều cho là như thế, nên lắm lúc tai nạn xảy ra những trận đòn ghen chí tử, từ sàn nhẩy đến thang máy ra tới ngoài đường cửa vũ trường, có lần tôi chứng kiến một em vũ nữ bị đánh máu me đầy mặt, áo quần te tua và mái tóc bị xén lởm chởm.

Thời buổi chiến tranh làm gì không có mặt Tử thần đến viếng vũ trường? Lưỡi hái của thần chết lợi hại hơn mìn định hướng! Một lúc vớt đi bao sinh mạng ở Mỹ Phụng, Tự Do và đã có bao nhiêu bóng ma ở lại với vũ trường?





Hát vũ trường tuy không được khán giả quan tâm chú ý, nhưng trong cái thờ ơ của khách quý tôi cảm giác thoải mái hơn khi đứng ngồi trong bóng tối. Một đêm chán đứng một mình tẻ ngắt dưới ánh tù mù, tôi ngồi hát thu mình co ro trong bóng tối và nghe một niềm khoái cảm dâng trào, tôi đã hiểu được vì sao các vị tiền bối lão làng trong âm nhạc lại thu người trong bóng tối ôm cây đàn tấu khúc nhạc lòng.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, có lẽ từ lúc đó dưới ánh đèn màu trong bóng tối ban đêm, chúng tôi đã là những bóng ma nơi vũ trường.


Julie Quang


(1)Thi ca Trung Hoa rực rỡ nhất vào thời nhà Đường nên được gọi là Đường Thi cách đây hàng ngàn năm , nơi biên cương biến loạn, tại hoàng cung là cảnh tiên nơi hạ giới do nhà vua Đường Minh Hoàng xây cất lên để làm đẹp lòng Dương Quý Phi và giữ chân Thi sĩ Lý Bạch

(2) Saigon những năm trước 1975

(3) Vũ nữ thân gầy: Nhạc ngoại quốc lời việt Phạm Duy

(4) Gà: Từ tiếng lóng thường dùng nơi vũ trường để ám chỉ người vũ nữ

* Các hình ảnh và minh họa trên được trích lại từ một trang mạng chuyên sưu tầm ảnh cũ của Việt Nam Cọng Hòa trước 1975: http://saigon.vietnam.free.fr


Nguồn: http://www.gio-o.com/Chung/JulieSonMoi11.htm
Bình luận