Thiền Ca 9, 4, 1 của Phạm Duy

Phan Trang Hy
1/2017



Phạm Duy từng được giới yêu nhạc tôn vinh là “phù thủy âm nhạc”. Chính những sáng tác của ông đã minh chứng điều đó. Thời gian sống ở nước ngoài, ông vẫn sáng tác đều đặn, trong đó có “Thiền Ca”. Có thể nói rằng, chính cuộc đời thăng trầm, lúc này, lúc nọ, lúc được yêu thương, lúc được ghen ghét, lúc trầm luân trong cõi tục lụy, lúc thăng hoa trong chốn phiêu bồng đã tạo nên 10 bài thiền ca đi vào cõi thực, chốn mơ, cõi nhân sinh, chốn vô thường vô lượng kiếp.

Mười bài thiền ca như vàng mười ngời ngời tồn tại cõi trần gian. Từ “Thinh Không” đến “Võng” cùng “Thế Thôi”, từ “Không Tên” đến “Xuân” và “Chiều”, từ “Người Tình” đến “Rắn”, từ “Thiên Đường Địa Ngục” đến “Nhân Quả”, mỗi bài có cách cảm, cách nghĩ riêng, nhưng đều tồn tại chất thiền như sự chứng ngộ của ông khi đã thấm đòn con tạo.

Nhưng, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin nêu một vài suy nghĩ của mình về 3 bài trong số 10 bài “Thiền Ca” của Phạm Duy.

Thiền Ca 9 - giới thiệu: Phạm Duy - trình bày: Thái Hiền


Trước tiên là bài Thiền Ca 9 (Thiên Đường Địa Ngục). Ca từ đầu tiên vẽ ra cõi Thiên Đường:

“Vượt chín tầng mây tới Thiên Đường này
Tìm em chín nắng và chín mưa bay
Thấy em khỏa thân đứng bên Ngọc Hoàng
Nữ thánh, nam thần, đèn đóm sáng choang.
Làn gió trần gian thoát lên tầng trời
Làm cho huyên náo một cõi Thiên Thai
Gió tôi lên thì tắt đi đèn đóm
Mới hay Thiên Đường kia cũng tối om”

Cảnh Thiên Đường, đâu dễ đến. Phải “vượt chín tầng mây” mới tới được. Lạ ở chỗ, không phải đến Thiên Đường chỉ vì bản thân, mà đến chỉ vì “tìm em”. Mà ở đây “tìm em” những “chín nắng”, “chín mưa bay”. Quả là, đâu dễ gì đến Thiên Đường! Theo tôi nghĩ, dù có đến được Thiên Đường có Ngọc Hoàng, có nữ thánh, nam thần, mà chẳng có “em” thì Thiên Đường cũng chẳng là gì! Chính “em khỏa thân” mà Thiên Đường rực rỡ, “sáng choang”. Còn riêng “gió tôi” dù có đến Thiên Đường cũng chỉ làm huyên náo cõi Trời, làm đèn đóm tắt, tối om. Lời ca như trộn lẫn “em” và “tôi” cho người nghe cảm nhận rằng chốn Thiên Đường có một phần tăm tối. Chính phần tăm tối ấy là Địa Ngục:

Chín vạc dầu sôi đường vào Địa Ngục
Gặp em bội tình, tội gốc em mang
Em chọn nhục hình, giàn thiêu lửa đốt
Lửa cháy ngụt ngàn quỷ sứ la vang
Khổ lụy tận cùng là thoát đau thương
Tưởng Địa Ngục đen, ngục sáng hơn đèn”.

Em ở Địa Ngục và em chọn sự trừng phạt “nhục hình”, "giàn thiêu lửa đốt” như là trả nghiệp “bội tình”, đốt thiêu “tội gốc”. Em như hóa thân trong lửa cùng tiếng la vang của quỷ sứ: “Khổ lụy tận cùng là thoát đau thương/ Tưởng Địa Ngục đen, ngục sáng hơn đèn”. Địa Ngục giờ như sáng rỡ là vì có “em”.

Thiên Đường, Địa Ngục chính là “em”. Thôi thì cứ tìm “em” để trăn trở phận người...

Nghe ca từ cả bài, tôi cảm nhận rằng, chính cuộc sống của “tôi”, của “em” là Thiên Đường, Địa Ngục. Và chính cuộc sống này là nơi “tôi” và “em” phải trải nghiệm, tập thiền. Chất thiền theo ca từ trong bài này, theo tôi rất trần tục! Chính trần tục cho ta thấy cõi Thiên Đường cũng như chốn Địa Ngục. Và khát khao sống chính là:

“Tìm em cao thấp chỉ là ảo vọng
Thôi! Ở lưng chừng
Nhớ nhau mà sống”.

Thiền Ca 4 - giới thiệu: Phạm Duy - trình bày: Thái Hiền


Còn đây là bài Thiền Ca 4 (Không Tên). Như Phạm Duy đã nói về nội dung bài này: “Không tên là vô danh, không háo danh, khướt từ danh vọng”. Nói là nói vậy, chứ thật ra không sự vật, bản thể nào lại không tên. Nói không tên là để nói về cái tâm của chủ thể “lòng tôi”. Nghe cả bài, ta thấy cái tâm của chủ thể rộng lớn dường nào!

“Một loài hoa không tên
Không sắc không hương
Mà như lòng tôi
Lộng lẫy thơm lừng
Tỏa ra bốn hướng

Một ngọn suối không tên
Bé nhỏ, ngoan hiền
Mà như lòng tôi
Nổi sóng lên đường
Thành bốn trùng dương

Và lòng tôi không tên
Như suối, hoa tiên”.

Thiền Ca 1 - giới thiệu: Phạm Duy - trình bày: Thái Hiền


Đặc biệt, bài Thiền Ca 1 (Thinh Không), đây là bài mà tôi thích nhất. Lời ca như tan biến vào không gian, thời gian:

“Thinh không
Trống trải mênh mông
Rộng rãi vô cùng
Cao thấp vô lường
À à a a bỗng
Đầy ắp sinh trùng
Tất cả là tôi
Mà cũng là chung...

Thinh không
Vắng vẻ trầm ngâm
Lặng lẽ âm thầm
Yên tĩnh vô cùng
À à a a bỗng
Rộn rã tưng bừng
Nhất nhất trùng trùng
Nhưng cũng là không”...

Tôi thích bài này bởi ca từ rất chọn lọc, mang hơi thở của thiền gắn với cuộc sống. Đoạn đầu của bài này vẽ ra một thinh không không giới hạn bởi không gian, thời gian. Tưởng thinh không chỉ có “trống trải”, “mênh mông”, “rộng rãi”, “cao thấp” “vô cùng” - “vô lường”, ai ngờ lại “đầy ắp sinh trùng”. Và cái tôi đã chuyển hóa thành cái chung của muôn loài. Còn đoạn hai của bài là tưởng là một thinh không vô âm - “vắng vẻ”, “lặng lẽ”, “yên tĩnh”, nhưng ai ngờ lại “rộn rã tưng bừng” để tất cả như hợp nhất, như sinh sôi, rồi trở về cõi thinh không.

Chất thiền của bài này, theo tôi nghĩ, đó chính là sự sống của muôn loài giữa cõi thinh không. Nghe cả bài, tôi như bay theo từng giai điệu âm thanh của ngôn từ. Tôi như lắng lòng, như thấy mình “Tất cả là tôi/ Mà cũng là chung”... Tôi như thấy trong tâm “Nhất nhất trùng trùng/ Nhưng cũng là không”...

Mỗi người có cách cảm nhận riêng về những Thiền Ca của Phạm Duy. Còn riêng tôi, nhất là khi nghe 3 bài trên, tôi như thấy mình thêm yêu cuộc sống trần gian này.

Tháng 01/ 2017
Phan Trang Hy