Chương 15 - Tình Yêu Hạnh phúc Khổ Đau Tìm Cho Ra Mái Tóc Ngây Thơ Đó

Nửa Thế Kỷ Phạm Duy - Phần 3 - Người Tình - Chương 15 - Tình Yêu Hạnh phúc Khổ Đau Tìm Cho Ra Mái Tóc Ngây Thơ Đó

Dòng nhạc này vừa mênh mông lại vừa sâu thẳm, e bơi không xuể, chỉ xin đi một quãng thôi: 1957-1969. Nhưng quãng này lại cũng phải chia ra nhiều chặng để vừa bơi vừa nhìn ngó cảnh vật đôi bờ và nghe nước mát mơn man da, thấm vào thịt, nếu không người bơi sẽ hụt hơi mất.

Tình yêu, chính thực là sự đau khổ. Giáo đầu (prélude) của nó là đau khổ. Khi chưa đạt đến cái hôn thì mong chờ, bứt rứt, thổn thức. Phải chăng đó là đau khổ. Khi được đôi môi trói buộc đời nhau rồi, đã chắc gì hạnh phúc? Đến đôi môi xé rách nụ cười, thì đó, cái vị thanh (postlude) lại cũng là đau khổ. Phần chính của bản nhạc tình, hạnh phúc rất ngắn ngủi. Nó luôn luôn dạo nhạc và kết thúc bằng niềm đau.

Đó là tình yêu thiên thu, tình yêu đi vào nghệ thuật. Từ Cléopatre đến Roméo Juliette, từ Kiều đến Tố Tâm, từ Cỏ Hồng đến Nghìn Trùng Xa Cách ta thấy nét chính của tình yêu là đau khổ, có lắm khi hạnh phúc hiện ra nhưng rất yểu, hạnh phúc vĩnh viễn chỉ tìm thấy trong cái chết. Nguyễn Du đã viết: Tu là cội phúc, tình là dây oan. Ta thử xem cái sợi ''dây oan'' nghiệt này được Phạm Duy mô tả ra sao.

Nhạc tình của Phạm Duy được thấy nở rộ như vườn hoa muôn màu là những bản viết từ 1957 đến 1969. Để hiểu sự thai nghén những nhạc phẩm ấy, tưởng không gì nói rõ hơn lời được ghi lại trong cuốn Ngàn Lời Ca:
''...Trong một cuộc phỏng vấn của người phụ trách chương trình phát thanh VĂN HỌC NGHỆ THUẬT của Đài Sàigòn là Nguyễn Đình Toàn, tôi có nói là -- vào lúc đó -- đối với tôi chỉ có ba điều quan trọng: TÌNH YÊU, SỰ ĐAU KHỔ và CÁI CHẾT. Tôi đã thể hiện ra cả ba vấn đề đó trong những ca khúc, như bài Nước Mắt Rơi chẳng hạn. Giọt nước mắt là ngọt bùi của đôi lứa, là mặn đắng của khổ đau, là tình trinh nữ, là hồn thơ, là đời hoa sớm nở tối tàn, là suối lệ nhỏ nhoi hay biển nước mắt của chúng ta. Có cả nước mắt không mùi và cả nước mắt khô trong một ca khúc ngắn ngủi...''

Ở những bản nhạc tình đầu tay viết năm 1945-46, Phạm Duy đã xuất hiện với bóng dáng của một nhạc sĩ trẻ đầy suy tư qua những bài Chinh Phụ Ca, Nợ Xương Máu, Thu Chiến Trường, Tiếng Đàn Tôi... để sau đó, sự suy tư về mọi khía cạnh của cuộc tình, cuộc sống được biểu hiện nhiều và mang nhiều ý tưởng triết học. Phạm Duy đã dần dà trở thành một người vừa yêu vừa ngẫm nghĩ về tình yêu để thể hiện tình yêu với những khuôn mặt mới chứ không chỉ biểu hiện nó bằng những nét mòn. Ở giai đoạn này Phạm Duy đã làm nhiều người say sưa và ngẫm nghĩ theo nếp nghĩ của anh. Ví dụ bàiTìm Nhau:

Tìm nhau trong hoa nở
Tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ
Tìm nhau khi nắng đổ
Tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Tìm trong câu thơ cổ
Tìm qua tranh Tố Nữ
Tìm trên môi đương ca câu thương nhớ
Tìm sâu trong muôn thuở
Tìm sau lưng bốn mùa
Tìm nhau như Thiên Cổ tìm Ngàn Thu.

Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, người ơi !
Gặp nhau, hãy nép hơi im trong hương mới
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người !
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông.

Tìm nhau trong bom lửa
Tìm nhau trong mưa bão
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ
Tìm nghe câu than thở
Tìm nhau như goá phụ tìm mộ bia.
Tìm đâu môi em đỏ ?
Tìm đâu mây trong mắt ?
Tìm cho ra mái tóc ngây thơ đó.
Tìm xem trong kinh sử
Tìm tương lai sáng tỏ
Tìm nhau khi nhân loại được trùng tu...

Đây là một bản nhạc lấy cảm hứng từ hơi thở của cuộc đời, trong gió mưa của thiên nhiên, trong lửa đạn của chiến tranh. Nhưng qua sự ngẫm nghĩ của nhà nghệ sĩ thì hơi thở, gió mưa, lửa đạn đó không phải là gió mưa, hơi thở bom lửa mà ta thấy, ta sống. Đó là sản phẩm của tưởng tượng, những nét cụ thể nhưng cũng rất trừu tượng. Những nơi ''tìm nhau'' ở đây đều là những nơi mà con người thật không bước chân tới được. Đó là vẻ đẹp của tranh, của mộng, của câu thơ, của môi đương ca câu thương nhớ, của muôn thuở, của sau lưng bốn mùa (chứ không phải bốn mùa) v.v... Những nơi chốn không đến được bằng chân mà chỉ đến được bằng tiếng kinh cầu hay một hồi chuông.

Ta thấy sự tìm nhau rất sầu não, rất cháy bỏng. Nhưng tìm gì? Tìm mây trong mắt, tìm mái tóc ngây thơ (chỉ mái tóc đó thôi), tìm tương lai sáng tỏ... Rồi gặp nhau ở đâu? Gặp nhau trong hơi thở của cuộc đời, trong vinh dự của đời người, trong cơ khổ của Thế giới, trong nhân tình đầy Bác Ái, trong kinh cầu một hồi chuông... Phạm Duy cứ mãi mãi là kẻ đi tìm cho nên ta vẫn còn thấy những câu hát tìm nhau:

Xưa ta hẹn với nhau
Tìm nhau giữa vô thường
(Đạo Ca số 2)

Lời như tơ như tóc tìm nhau
Giường thơm tho chăn gối tươi mầu
Mảnh gương to rơi vỡ ngày nào
Còn lại bao nhiêu vẫn soi rõ mặt nhau.
(Tâm Ca số 2)

Bây giờ tìm đâu cầu tre lắt lẻo
Qua khúc sông đào tới nẻo người yêu
Câu hát trong chiều, giọng hát tìm nhau.
Bên bờ sông Seine ta ngồi ta khóc
(Tị Nạn Ca)

Trong Phạm Duy, sự đi tìm và gặp nhau, không cứ phải là của hai con người mà là của đôi tâm hồn. Nhưng người ta không thể chỉ yêu nhau bằng tâm hồn. Tâm hồn chỉ là một phần lớn hay nhỏ của tình yêu. Nhưng dù lớn hay nhỏ, tâm hồn vẫn không thể thiếu được trong bất cứ một tình yêu nào.

Dìu nhau đi trên phố vắng
Dìu nhau đi trong ánh sáng
Dắt hồn về giấc mơ vàng, nhẹ nhàng
Dìu nhau đi chung một niềm thương.
Nhịp chân êm êm thánh thót
Đừng cho trăng tan dưới gót
Chớ để mộng vỡ mơ tàn, dịu dàng
Đừng cho không gian đụng thời gian.
Đưa nhau vào cõi vô biên
Có chim uyên tình thiêng
Hát ru êm triền miên.
Đưa nhau vào chốn không tên
Mặc đời quên
Không bến, không thuyền, hết câu nguyền.
Dìu nhau sang bên kia thế giới
Dìu nhau nương thân ven chín suối
Dắt dìu về tới xa vời, đời đời
Dìu nhau đưa nhau vào ngàn thu.
(Thương Tình Ca)

Đây là đôi tâm hồn dìu nhau đi trên đường vắng, không phải đôi tình nhân dắt nhau đi dưới hàng dương hay trên bờ sông Seine. Đôi tâm hồn ấy dìu nhau đi trên những nơi siêu phàm. Phố vắng ở đây không phải là phố phường mà là sự hoang vắng của lòng người, ánh sáng ở đây không phải là ánh mặt trời hay ánh đèn mà là sự cao đẹp. Đôi tâm hồn dắt nhau về giấc mơ vàng, đi trong niềm thương, đi vào cõi vô biên, vào chốn không tên, sang bên kia thế giới, đến ven chín suối để cuối cùng đến tận ngàn thu.

Bước đi của họ rất êm, rất thánh thót, mỗi bước đi như một dấu nhạc gieo. Vậy đâu là bước chân trần tục. Nhẹ đến đỗi không làm trăng tan dưới gót, đến đỗi thời gian không đụng không gian. Họ dìu nhau đi vào cõi vô biên, có tình thiêng của những đôi chim uyên, có lẽ tác giả muốn nói đó là nơi dành cho những người thanh cao, những mối tình đẹp đã hiển thánh.

Dìu nhau vào những chốn không tên, những bờ sông ngọn suối không thuyền, vào tận cả nơi từ xưa tới nay chưa thấy kinh sử nào nói đến là ''ven chín suối''. Nơi này vừa tìm ra được bởi nhà thần học Phạm Duy. Đó là một vùng đêm nhỏ nhoi như sợi tóc mai mà lại cũng rộng như trùng dương, nằm giữa sống và chết, giữa tiên và qủy, giữa âm và dương, giữa phước và oan, giữa thanh và tục.

Đôi tâm hồn yêu nhau đã khám phá ra được vùng đất lý tưởng này. Ở đây họ có thể nghiêng tai liếc mắt về cõi Tiên để nghe nhạc Nghê Thường, coi những bầy tiên nữ ca múa. Hay có thể phóng mắt xuống địa ngục để nhìn những đám người rớt khỏi cầu Nại Hà bị quỉ ăn thịt sống kêu la thảm thương. Ở đây đôi tâm hồn sẽ được ''nghỉ ngơi'', tha hồ nhìn mây trong mắt em, nghe trong tiếng đàn của anh hoặc trần truồng yêu nhau giữa trời đất.

Tuy rằng ven chín suối ít ngựa xe, ít bụi bặm nhưng vẫn không vui thích bằng trần gian. Tiên nữ ở trên Thiên đường còn trốn xuống trần để được hưởng mùi tục lụy, ta đang ở trần gian sao lại bỏ đi? Thế là cặp tâm hồn kia trở lại trần gian, nơi có một mùa hạ, một đồi cỏ hồng. Nơi hằng đêm có em đang đi:

Đường em có đi
Hằng đêm gót hoa
Nở những đoá thơ, ôi dị kỳ
Đường êm có khi
Chờ em bước qua
Là nghiêng giấc mơ ước thề.
Ngàn sao sáng xa nhìn em thướt tha
Rụng rơi vướng mây tóc ngà
Đường thơm bóng gầy
Nhạc run lá bay
Hàng cây thiết tha đắm say.
Đường dìu ngang bao ngõ đắng cay
Dừng chân phút dây xong, chia lìa
Đường dài thêm bao nỗi éo le
Dài thêm nắng mưa, thêm ê chề !
Đường em cứ đi
Tình ta cứ xây
Chờ em thoát thai quay đường về
Đường quanh khúc co
Nhịp chân trói vo
Đường duyên ấm vui
Đường mơ !
(Đường Em Đi)

Khi đọc lời ca trên đây, ở ngay mấy hàng đầu, tôi đã cười thầm: Cái ông này lại muốn giành Dương Quý Phi của vua Đường Minh Hoàng và Tây Thi của Ngô Phù Sai đây. Dương Quý Phi đi mỗi bước gót chân nở một đóa hoa sen hồng cho nên có tiếng ''gót sen thoăn thoắt''. Còn Ngô Phù Sai thì muốn ngắm dáng đi của Tây Thi và còn muốn nghe cả bước chân của người ngọc, cho nên cho thợ tìm gỗ quý, đem về lót sàn trong cung điện, để mỗi lần Tây Thi bước đi thì nghe tiếng chân như nhạc, gọi là ''điệp hưởng lang''. Hãy đọc thêm vài câu thơ trong Cung Oán Ngâm Khúc nói về những nét đẹp, để thấy trong Đường Em Đi, Phạm Duy tả cái đẹp nội tâm chứ không chỉ cái đẹp hình thể. Cũng như Tìm Nhau, Dìu Nhau, Đường Em Đi là một bài luận về tình yêu đầy suy tư. Chân em bước, đường thơm, lá run, đất nở hoa, nhưng gót chân ấy, đâu chỉ bước trên đường trơn, gỗ quí mà còn phải trải qua những con đường thật trên cõi trần gian. Chúng ta đã bơi một quãng suối tiên khá xa, bây giờ xin trở lại đường ở Sàigòn thân yêu, với khung trời Đại Học:

Trả lại em yêu, khung trời Đại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai nhạt
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi buồn cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hoà.


Anh sẽ ra đi về miền cát trắng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Đem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Đem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Đô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt...


Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Đường buồn anh đi bao giờ cho tới ?
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài
Trả lại em yêu ! Trả lại em yêu !
Mây trời xanh ngát.

Đây là bài hát của người Saigon hôm qua hôm qua. Nó là bài hát của người Sàigòn hôm nay và mãi mãi còn là bài hát của người Sàigòn, hơn nữa, là bài hát của người Việt Nam. Văn nghệ có giá trị lớn là văn nghệ không có biên cương, không có không gian giới hạn. Bài hát này làm môi gái Sàigòn tươi thắm làm tim trai Sàigòn đầy ứ và vỡ toang như... suối tiên. Bài hát này đã biến các cô hàng nước của Sàigòn thành những tiên nữ với bàn tay ngà có phép vì trong ly nước chanh đường, có môi em ngọt.

Khi đã yêu nhau, người ta không chỉ uống môi em ngọt. Người ta còn cho nhau tất cả.

Cho nhau chẳng tiếc gì nhau
Cho nhau gửi đã từ lâu
Cho nhau cho lúc sơ sinh ngày đầu
Cho những hoa niên nhịp cầu
Đưa tuổi thơ đến về đâu ?
Cho nhau nào có gì đâu !
Cho nhau dù có là bao
Cho nhau cho phút yêu đương lần đầu
Cho rất luôn luôn cuộc sầu
Cho tình cho cả niềm đau.
Cho nhau làn tóc làn tơ
Cho nhau cả mắt trời cho
Cho nhau tiếng khóc hay câu vui đùa
Cho chiếc nôi cho nấm mồ
Cho rồi xin lại tự do.

Cho nhau ngòi bút cùn trơ
Cho nhau đàn đứt đường tơ
Cho nhau cho những câu thơ tàn mùa
Cho nốt đêm mơ về già
Cho cả nhan sắc Nàng Thơ.
Cho nhau tình nghĩa đỏ đen
Cho nhau thù oán hờn ghen
Cho nhau, xin nhớ cho nhau bạc tiền
Cho cõi âm ty một miền
Cho rồi cho cả đời tiên.
(Cho Nhau)

Phạm Duy -- như ta đã thấy -- đi trên con đường nghệ thuật của mình đã luôn luôn tránh những vết xe mòn. Thực vậy nhưng bài nhạc trên đã bộc lộ tâm tư và mơ ước của người tình, nhưng không hề dùng tiếng yêu đến một lần. Thế nhưng tình yêu đã được anh diễn tả đến mức tận cùng và gương mặt tình yêu ở mỗi bài một khác.

Đường Em Đi, đường êm thướt tha, từng bước nở hoa, nhịp chân trói go, cố vượt bao ngõ đắng cay để vui. Ờ Trả Lại Em Yêu thì tình yêu chia tay nhớ nhung từ cao nguyên gởi về khung trời đại học nơi uống ly chanh đường một cuộc tình là một bản tình ca khác cung khác nhịp. Nhạc tình của Phạm Duy có nhiều bài, không có bản nào điệp ý với bản nào. Mỗi bản nhạc tình của anh là một khám phá trái tim con người. Văn hào Elya Erhenbourg đã nói: Mỗi trái tim con người là một kho vàng của nhân loại. Mỗi bản nhạc tình của Phạm Duy là một kho vàng của mọi người.



Xuân Vũ