Chương 8 - Con Dế Hát Rong

Nửa Thế Kỷ Phạm Duy - Phần 2 Người Suy Tư - Chương 8 - Con Dế Hát Rong

Trong PHẦN 1, tôi đã nói về nghệ thuật của một nghệ sĩ rất đa dạng. Trong nhạc Phạm Duy, ta thấy có chất liệu của cả thi ca, văn chương và hội hoạ. Phạm Duy lại cũng không chỉ là một người soạn nhạc để mua vui cho người nghe mà anh đã mượn cây đàn, giọng hát để nói lên những ý nghĩ của anh trước cuộc đời Việt Nam đầy sóng gió. Đã có một người viết về Phạm Duy, cho rằng nếu Việt Nam là một nước êm ấm bình thường (như nước Thụy Sĩ chẳng hạn) thì đã chẳng có một Phạm Duy, con người suy tư của thời đại, mà chỉ có một Phạm Duy, người ca sĩ của gánh hát, phòng trà hay đĩa hát mà thôi.Những suy tư, hay nói cho đúng hơn, triết lý trong nhạc Phạm Duy không nặng nề to lớn, ghê gớm siêu kỳ mà rất đơn giản, dễ lãnh hội như trong một bài ca rất giản dị, bài Bé Bắt Dế.

Nếu chỉ là nội dung một sự nghiêng mình của thi nhân xuống với tuổi thơ để cùng với chúng nhón chân đi bắt dế đem về và tổ chức cuộc chọi dế mà thôi, thì bài nhi đồng ca này (Phạm Duy gọi là bé ca) cũng đã đủ hay rồi, vì bài hát được soạn ra trong lúc chiến tranh làm tha hóa cuộc sống, làm mất đi cái hồn nhiên của người dân Việt. Thế nhưng Phạm Duy đã nhẹ nhàng ''xoay'' bài hát đi một tí, thêm vô đó một chút ẩn ý, giống như thêm một dấu hóa b (bémol) hay # (dièse) vào vài nốt nhạc trong giọng dế, để thay nội dung tức thì:

A ! Này bé ! Con dế nó đậu cành tre
Em bắt đem về hát xẩm mà nghe
Đừng bắt đem về đánh lộn làm chi
Loài giun dế mang tội gì
A ! Này bé ! Con dế nó nằm ổ sâu
Đào lỗ đem về cho ở hộp cao
Đừng bắt dế nghèo đánh bể đầu nhau
Để dế nó phải buồn rầu
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình chi
A ! Này bé ! Con dế nó tội tình gì...


I am a singer, not a boxer, đó là lời Phạm Duy giới thiệu bài Bé Bắt Dế mỗi khi hát cho khán giả Âu Mỹ nghe. Anh muốn nói: Đừng bắt con dế phải đánh nhau như là võ sĩ. Con dế nào có tội tình gì? Xin hãy để cho con dế hát (hát xẩm không tiền, nên nghèo xác xơ, nói theo nhạc sĩ Lê Thương, cũng là một thi nhân của tuổi thơ) hát cho cuộc đời và cho tình người.

Con dế, trong bài ca của Phạm Duy, cũng như đa số người dân Việt Nam, ở đồng quê. Vì chinh chiến lan về, nó phải tản cư. Nó sống trên hè, quanh quẩn ngoại ô, làm thân sống nương ở nhờ... Con dế tản cư đó, sống cùng chị ve, trong mấy tháng hè, nó chỉ hòa ca, mong sao mưa nắng thuận hòa, cho đẹp ruộng ta, con dế chỉ mong hát đẹp ngày mùa. Từ miền quê, con dế nó ra kinh đô, nó đến ở nhà em (vì em bắt nó về mà):

A ! Này bé ! Con dế nó ở nhà em
Nên nó cũng thèm coi truyền hình đêm
Nó thấy phi thuyền lên tận mặt trăng
Mà không thấy đâu Chị Hằng?
A ! Này bé ! Con dế cúi đầu phục lăn
Nó hát khen rằng: Con người giỏi giang
Nhưng vẫn chê rằng: Thiếu hẳn tình thương
Lòng vẫn chứa đầy bạo cường
. . . . . . .
A ! Này bé ! Này bé ! Mau thuộc bài đi
A ! Này bé ! Cho dế nó coi Ti Vi.


Con dế coi Tivi, thấy loài người đã lên tới mặt trăng, nên phục loài người lắm! Nhưng dế tự hỏi: Con người lên tới vũ trụ rồi mà sao vẫn còn hận thù nhau như vậy? Vì cái triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc đó, bài Bé Bắt Dế không chỉ là một bài hát cho trẻ em mà là bài hát cho cả người lớn ở khắp năm châu nữa. Đặc biệt hơn nữa, do người Mỹ hát.

Trong một bài hát cỏn con này, Phạm Duy đã đưa được cả bức tranh xã hội Việt Nam trong chiến tranh, với con dế Phạm Duy chỉ mong được theo bé ra tận bờ đê, đất sét đem về, ta nặn đồ chơi... Đồ chơi ở đây chẳng phải là búp bê, tầu hỏa, súng giả mà là những bàn tay giả, những cái chân giả để tặng cho người tàn tật. Tàn tật vì chiến tranh! Đoạn cuối của bài này đưa ra những ước nguyện của nhạc sĩ, cũng là ước nguyện của mọi người trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam đã tới màn khốc liệt nhất:

A ! Này bé ! Thôi nhé, dế còn phải đi
Đi hát câu vè trên nẻo đường xa
Đi tới quê mẹ nối lại tình cha
Và ca hát câu giải hoà
A ! Này bé ! Có lẽ dế về miền sông
Có lẽ lên rừng hát cùng loài công
Hay xuống cát vàng hát cùng hàng thông
— giữa cõi đời mịt mùng.
A ! Này bé ! Con dế đến mùa phải đi
A ! Này bé ! Rồi sẽ có ngày trở về.

Con dế phải đi xa, đi rất xa là xa. Song le, vẫn hẹn ngày về. Khi chúng ta ăn quả cam hay quả táo ngon, chúng ta nghĩ đến cái công cưu mang của cội cây. Có biết chăng khi quả nẩy nở trên cành thì cây con phải chịu biết bao nắng mưa, gió bão để cho trái chín đến tay người đời? Khi hưởng thụ tác phẩm này, ta biết là người nghệ sĩ đã phải dùng biết bao nhiêu tim óc để trút lên trang giấy phím đàn. Cho dù là một tác phẩm nhỏ thì đó cũng là kết tinh của sự lao động trí óc.

Có ai trong chúng ta không thuộc bài Việt Nam Việt Nam ? Từ chuyện trẻ con ngây thơ bắt dế, tới chuyện nước non Việt Nam khổ ải, Phạm Duy đều cho ta những lý lẽ sống, để giận hờn hay để thương yêu. Phạm Duy kêu gọi giải quyết vấn đề tranh chấp Tổ Quốc, bằng tình thương nòi giống chớ không bằng xương máu. Chỉ có yêu thương mới giải quyết được sự chia cắt trong giang sơn và trong lòng người. Gươm súng nào có thể mang lại hòa bình an vui cho Tổ Quốc, trừ phi để chống xâm lăng. Giữa người Việt Nam với nhau, cùng nói tiếng Việt Nam, tình yêu thương sẽ giải quyết tất cả chia rẽ hận thù. Phạm Duy đã viết một loạt ca khúc trong phần Sông Mẹ (trong Trường Ca Mẹ Việt Nam) để nhắn nhủ các đứa con của Mẹ, kêu gọi ngày trở về của đàn con bất hạnh vì chia rẽ lẫn nhau:

Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Mẹ Việt Nam ơi! Mẹ Việt Nam ơi!
Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ.
Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ.
Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới
Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi!

Đó là triết lý, cũng là chân lý. Triết lý này không đao to búa lớn, không rút ra từ kinh rách nát mà rút từ cuộc sống. Cái nhìn đẻ ra triết lý. Triết lý hướng dẫn trở lại cái nhìn và làm phong phú cuộc đời. Triết lý thông thường đã được đúc kết từ cuộc sống hằng ngày của chúng ta:

Lá rụng về cội.
Cây có cội, nước có nguồn.
Không gì bằng cơm bằng cá, không gì bằng má bằng con
Đói ăn rau, đau uống thuốc.
Đồng tiền đổi trắng thay đen khó gì.
Chữ tài liền với chữ tai một vần.

Mới nghe qua tưởng chừng nôm na xoàng xĩnh, nhưng thực ra không có bực thánh nhân nào sáng tác ra nổi những triết lý muôn đời đó. Nó như khuôn vàng thước ngọc, bất di bất dịch. Triết lý, tư tưởng là cái xương sống của cuộc đời, là ngọn đèn pha trong sương mù cho tầu bè đi biển. Chúng ta sẽ chẳng biết lối nào mà đi nếu tay ta không cầm sẵn triết lý. Khi chúng ta bỏ nước ra đi, chúng ta chỉ biết đi cho thoát, nhưng sau khi tỉnh cơn đau, chúng ta lại cần có triết lý trong tay.

Không có cuộc ra đi nào mà không có ngày về? Không có một chia ly nào mà không có xum họp, dù là 10 năm, 20 năm. Dân Do Thái đã mất bao nhiêu năm? Phạm Duy dường như đã đoán trước được ngày ly tán của dân tộc này, trong bài tâm ca Để Lại Cho Em, soạn năm 1966:

Ngọn cờ bay trong bại thắng
Chỉ là khăn tang mầu trắng

Chúng ta, người Việt Nam, giết nhau để tranh phần thắng. Cho tới khi có kẻ thắng người bại rồi, thì ngọn cờ bay bổng nhiều nhất chỉ là những rừng khăn tang mầu trắng mà thôi. Phải chăng Phạm Duy đã thoát được ra ngoài cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời để có thể nhìn cuộc sống một cách rõ ràng hơn? Và do đó ta thấy những nhận định của anh đi sát với con người, ra khỏi cuộc sống để rồi hội nhập lại với cuộc sống.

Suy tư về cuộc đời, mà lại là cuộc đời Việt Nam, anh có một bài hết sức mãnh liệt, nhan đề Dạ Hành:

Người đi trong đêm tối, trong đêm thâu
Trong đêm vắng, trong đêm sâu
Trong đêm dầy, trong đêm dài Việt Nam
Người đi giương đôi mắt, khua đôi tay
Đưa chân bước trên chông gai trên đất gầy
Trên vũng lầy bùn nhơ

Phạm Duy cho ta thấy một người đi trong đêm dài bốn chục năm qua, hay trong đêm dài lịch sử của dân tộc mình, đi trong thống khổ phải chiến đấu với thiên nhiên hay kẻ thù, đi trong cõi u minh để tìm ra ánh sáng, mỗi chặng đường lại vấp ngã hay có kẻ đánh vào sau lưng.

Tiếng kêu nhỏ bé của dế Phạm Duy vẫn nghe ra âm vang sông núi, nghe ra khung cảnh của quê hương, nghe ra hoàn cảnh của dân tộc. Phạm Duy vẫn có thể thu bé lại như một con dế để cho ta dễ nhìn. Trong suốt quá trình sáng tác, không lúc nào con dế vắng mặt trong nhạc Phạm Duy. Trong tâm ca :

Một giọng con ve kêu
Một điều con dế nói
(Một Cành Củi Khô)

Con dế nói gì? Nó nói giun dế bé bỏng hiền lành vẫn có thể ngồi chung với hùm beo hung dữ. Đó là ý niệm sống chung rất cần thiết trong giai đoạn lòng người và đất nước bị chia rẽ:

Ngồi gần loài giun dế
Hay ác thú hùm beo
Mình vào ngồi với nhau
(Ngồi Gần Nhau)

Cũng biết bao phen, con dế thấy mình vô duyên cho nên không lên tiếng hát:

Nắng đổ nghiêng nghiêng
Con dế vô duyên
Không lên tiếng hát.

Nó sẽ chỉ hát, nếu:
Người cảm thương người
Phai nhạt tuổi xanh
Hỡi người người ôi !
Người mở tay đầy
Mau trở về đây.
(Nước Chẩy Bon Bon)

Dế yêu người, người yêu dế, cùng mơ tưởng hoà bình và cùng đi hát rong:

Mùa Xuân sẽ còn thổi đi liều thuốc mê
Khiến cho bầy dun dế cũng như đàn em bé,
Quấn quýt đời, không muốn ra đi...
(Trên Đồi Xuân)

Dường như tôi quen anh dế mèn
Hiểu nhau qua câu hát ban đêm
Từ nay không còn e còn thẹn
Kéo nhau đi du ca cho tiện
(Dường Như Là Hoà Bình)

Thế rồi mùa Xuân năm đó, con dế ''hát xẩm không tiền'' bỗng trở thành ''con dế lưu vong''. Trong cơn chấn động chưa từng xẩy ra cho người dân Việt, tưởng rằng nó không còn có thể cất lên tiếng hát dế mèn được nữa, ai ngờ nó vẫn còn hát. Tiếng hát của nó âm vang mãnh liệt hơn bao giờ hết. Dế hát cho tất cả mọi người, cho người trên đường tạm dung, cho người ra đi, người ở lại, hát cho tình nhân loại nghĩa đồng bào:

Anh yêu người, dun dế còn thương
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Chia cho nhau hột cơm manh áo
Tình nhân loại, nghĩa đồng bào
Tránh cho nhau máu chảy ruột đau
(Tình Nhân Loại Nghĩa Đồng Bào)

Con Dế Hát Rong hát cho người yêu kẻ ghét, hát cho kẻ nhục người vinh, hát cho cả kẻ thất bại và hát cho cả chính mình. Tiếng hát của dế không phải là tiếng họa vần của ve sầu chỉ rủ rỉ ở gốc cỏ vườn hoang. Ra tới thế giới bên ngoài, tiếng dế hát rong là điệu kèn thúc giục. Tiếng hát của dế xoa dịu đau buồn, tiếng hát của dế làm cho những cái đầu nóng vì tự phụ phải nguội đi, những trái tim sắt đá phải mềm đi. Và trên hết, con dế lúc nào cũng xưng tụng tình yêu nòi giống, tình yêu quê hương. Ta hãy lắng nghe tiếng dế lưu vong:

Những muốn theo mây vượt mấy tầng
Theo thuyền về vực thẳm mông lung
Theo em về xứ sầu thiên cổ
Anh phải làm con dế hát rong

Theo em (tức là theo Tự Do đấy) nó tưởng rằng đã ra khỏi trần gian vào ngủ vườn tiên, tìm được lãng quên:

Con dế đã theo làn mây lãng tử
Vượt khỏi trần gian
Vào ngủ vườn tiên
Tìm thãy lãng quên
Nhưng nhiều khi mây về đầu non
Mây làm tranh vân cẩu sầu thương
Đời nơi cuối đường

Nhưng nó nghe được thống khổ của người trong nước nên đứng ở trên mây, nó hát cho kẻ tù nhân:

Con dế hát trên từng mây trắng ngắt
Cho kẻ tù nhân
Nghe nhạc phù vân
Qua lỗ chấn song
Mây còn mưa cho nhẹ khổ oan
Những tình yêu kết hợp rồi tan
Làn mây man mác.

Từ mây cao xuống biển rộng, nó hát cho nghĩa điạ hồn ma, nơi chôn vùi những người vượt biển:

Con dế đã đi vòng quanh bốn bể
Vượt nghìn trùng xa
Một thuyền một ta
Gặp hết bến Mê
Bão nổi lên cho biển tả tơi
Cho thuyền ôm ta chìm vào khơi
Thuyền rơi xuống vực

Con dế muốn thăm bầy tiên đuôi cá
Ai ngờ gặp ngay
Nghĩa địa hồn ma
Dưới nước trôi qua
Ôi biển sâu thăm thẳm huyền mơ
Sinh vật ra đi từ nghìn xưa
Nay trở về quê cũ.

Thế rồi con dế cất tiếng hát cho người tình của nó. Người tình riêng không còn đó để trả lời, nó bèn hát cho tất cả những người tình chưa quen biết:

Con dế hát trong mùa Thu nức nở
Gọi người tình
Ôi, gọi người tình!
Nhưng tình đã vắng xa
Em về đâu? Em lạc về đâu?
Anh còn đây, anh vào nghìn sau
Bằng muôn tiếng nhạc
Anh sẽ hát cho đời, cho muôn kiếp
Cho cuộc tình trên khắp nẻo đường xa
Thế giới bao la
Thôi thì em đi vào mộng mơ
Anh còn đây anh soạn lời ca
Cho người tình không quen biết.

Đó là tư tưởng Phạm Duy, qua một bài hát về con dế. Đó là ý nghĩ của nhạc sĩ về cuộc đời hát rong của mình. Đứng trước cuộc đời, không lúc nào Phạm Duy ngưng suy tư.


Xuân Vũ