PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

28. Cho Hoà Bình Trong Lòng Người

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Cho Hoà Bình Trong Lòng Người



Bình Ca

Vào lúc này, hoà bình có vẻ ló dạng với Hoà Hội Paris. Trong lòng thấy có điều gì vui, tôi muốn nói lên sự hoan hỉ đó qua những bài tôi gọi chung là ''hoan ca'' (song of joy). Do đó, sau ''bé ca'' và ''nữ ca'', tôi soạn ''bình ca''.

Trước đây (năm 1959), tôi có soạn một bài nhan đề NGÀY SẼ TỚI trong đó tôi réo gọi hoà bình, giống như trong năm 1945, giữa mùa Thu chiến tranh, tôi ngồi vỗ súng ca bài THU THANH BÌNH. Bây giờ, vào năm 1972, khi soạn bình ca, tôi phát triển đề tài mà tôi nói tới qua bài NGÀY SẼ TỚI và cũng dùng bài này để làm bài chót của loạt 10 bài bình ca. Tuy nhiên, 9 bài hát mới soạn (cộng với bài NGÀY SẼ TỚI đã có sẵn) cũng không hẳn là những bài hát nói tới hoà bình trên đất nước. Nó chỉ muốn nói đến hoà bình trong lòng người mà thôi! Tại sao vậy? Tại vì tôi không tin là có hoà bình...

Bình Ca ra đời vào năm 1972, không xưng tụng nền hoà bình mà Hội Nghị Paris đạt được sau các vụ đi đêm và ký kết giữa các phe nhóm. Trong bình ca, không phải vì lý do có ký kết hoà bình mà nói tới chuyện tương lai, với sự trùng tu xứ xở, xây lại nhà máy, cầu cống v.v... Nó nói nhiều tới chuyện lấy lại sự bình thường, bình dị của dân tộc ta, bị mất đi sau mấy chục năm chiến tranh. Trong bình ca người nghe chỉ thấy giọng tráng sĩ hành, giọng sĩ khí, giọng hoài cổ mà thôi ! Tuy nhiên nó cũng không thiếu ngôn ngữ của thời đại và nhạc ngữ của nó thì hoàn toàn theo style nhạc trẻ. BÌNH CA MỘT còn có vẻ hippy là khác.

BÌNH CA MỘT
(Saigon-1972)

Này em con chim lười
Nhiều năm chim đau phổi
Buổi sáng vắng tiếng chim cười vui
Này em con chim gầy
Chiều nay chim đứng dậy
Và nó hát líu lo thật dài
Cũng vì Hoà Bình đã về đây (hai lần).

Này em con trâu già
Nhiều năm trâu vất vả
Cùng với bác xã nơi đồng quê
Này em con trâu già
Nằm chơi trâu nhai cỏ
Nhìn những chiếc máy đang cầy bừa.
Trâu đừng buồn vì máy cầy nghe (hai lần).

Này em vang tiếng cười
Giờ chơi không e ngại
Trường lớp đó mới xây là nơi, là nơi
Ngày xưa, giam bao người
Già nua hay thơ dại
Trại cũ đã biến ra trường đời
Hoa hồng nở ở giữa vườn chơi (hai lần).

Này em đã tới giờ
Mẹ đưa em đi chợ
Từ sáng mãi tới trưa, còn lưa
Rồi khi đưa nhau về
Gặp anh hippy trẻ
Mặc áo rách đứng bên nhà thờ
Trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ (hai lần).

Này em dây hoa này
Là dây gai hoa dại
Làm xước những gót chân tình nhân
Này em khi sang mùa
Mà em nghe tiếng nổ
Là tiếng pháo cưới hay hội hè.
Lên chùa họp hội với người ta (hai lần).

Này em anh đã già
Tuổi cao thiếu sức khoẻ
Dù sống với trái tim cằn khô
Này em anh đã về
Thì xin nghe anh kể
Chuyện mới, cũ, khóc vui tràn chề
Những chuyện hoà bình có người nghe (nhiều lần).

Bình ca số 2, SỐNG SÓT TRỞ VỀ được viết ra với ngôn ngữ tráng sĩ hành.

SỐNG SÓT TRỞ VỀ
(Saigon-1972)

Sống sót trở về, trên đường làng tươi mát
Sống sót trở về, trên đại lộ thơm ngát
Sống sót trở về, trên rừng đồi xanh ngắt
Sống sót trở về, trên biển xanh cát vàng
Sống sót trở về, anh thợ cầy sung sức
Sống sót trở về, anh thợ mỏ náo nức
Sống sót trở về, anh mục đồng thao thức
Sống sót trở về, anh thợ chài bâng khuâng.
Sống sót trở về, anh hùng rực chiến công
Cũng giống anh hiền, ưa cuộc đời tối tăm
Sống sót trở về, ta đều ngập ước mong
Má ấp môi kề, ôm người đẹp suốt năm
Sống sót trở về, linh mục dựng gác chuông
Chúa giáng ơn lành cho bổn đạo bốn phương
Sống sót trở về, nơi Phật đài ngát hương
Tiếng mõ chen vào lời Thượng Tọa sót thương.
Sống sót trở về, tên cường đạo lau kiếm
Xé áo giang hồ, xin chèo đò trên bến
Sống sót trở về, quên mầu hồng gái điếm
Trút phấn son rồi, xin mặc lại áo huyền
Sống sót trở về, tôi tạ từ vũ khí
Sống sót trở về, tôi trở lại nhỏ bé
Sống sót trở về, đeo một bầu rượu quý
Sống sót trở về, vui một mình... tôi đi !

Bài DƯỜNG NHƯ LÀ HOÀ BÌNH là bài có nhiều tính chất nhạc trẻ nhất trong 10 bài Bình Ca.

DƯỜNG NHƯ LÀ HOÀ BÌNH
(Saigon-1972)

Dường như nghe đâu đây tiếng người
Ngày hôm qua im tiếng im hơi
Người xưa nay thường che mặt lại,
Bỗng hôm nay không ai là không cười
Dường như tôi yêu ông láng giềng
Người xa xôi ai cũng như quen
Còn yêu thêm cả người oán ghét
Giấc chiêm bao là giấc mơ tiên
Là giấc mơ tiên ! (hai lần)

Dường như xưa nay ta khác thường
Thừa quê hương hay thiếu quê hương
Dường như đây về trong tưởng tượng
Núi sông kia : giang sơn vô thượng
Dường như nay quê hương có một
Từ bao lâu sống chết chia đôi
Dù con tim này rộng phơi phới
Cũng xin mang một nước non thôi
Một nước non thôi (hai lần).

Dường như tôi quen anh dế mèn
Hiểu nhau qua câu hát ban đêm
Từ nay không còn e còn thẹn
Kéo nhau đi du ca cho tiện
Dường như em là rêu xanh bám mạnh
Vào thân anh, một viên đá lăn quanh
Ngày hôm qua tình chờ không đến
Bỗng hôm nay thành mối lương duyên
Thành mối lương duyên (hai lần).

Dường như đêm hôm nay quá dài
Dường như đêm nay ngắn quá thôi
Cùng nhau chơi ở nơi mở hội
Chúng tôi vui như điên, như dại
Dường như tôi hôm nay bé lại
Dường như tôi nay mới lên hai
Mẹ ôm tôi vào lòng êm ái
Gãi lưng tôi, nhặt chấy cho tôi
Mẹ gãi lưng tôi ! Nhặt chấy cho tôi !
(hát nhiều lần câu cuối)

Bình ca số 4 nhan đề XIN TÌNH YÊU GIÁNG SINH là một bài thơ của Trụ Vũ do tôi phổ nhạc.

XIN TÌNH YÊU GIÁNG SINH
(Saigon-1972)

Xin tình yêu giáng sinh
Trên một quê hương cằn cỗi
Xin tình yêu giáng sinh
Trên địa cầu tăm tối
Xin tình yêu giáng sinh
Trong lòng người hấp hối
Xin tình yêu giáng sinh
Trên cuộc đời lầy lội.
Xin tình yêu giáng sinh
Trên quê hương ngục tối
Xin tình yêu giáng sinh
Trên địa cầu gian dối
Xin tình yêu giáng sinh
Trong lòng người tội lỗi
Xin tình yêu giáng sinh
Trên cuộc đời nổi trôi.

Mười ngàn đêm đau thương
Ôi trường thiên ác mộng
Mười ngàn đêm của hờn
Mười ngàn đêm của giận
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy máu và xương
Trên vũng lầy vô tận
Chỉ thấy khóc và than
Mười ngàn đêm đau thương
Mười ngàn đêm đoạn trường
Mười ngàn đêm oan khiên
Mười ngàn đêm đau thương.

ÐIỆP KHÚC
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần hoa nở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần ngực thở
Xin tình yêu giáng sinh
Cho một lần cửa mở
Xin tình yêu giáng sinh
Tình yêu của chúng mình.

Bình ca số 5 rất là cổ kính, dùng nhiều danh từ như Xuân Phong, Xuân Tiêu, Xuân Miên... để nói tới
gió Xuân, tới ánh sáng mùa Xuân, tới giấc ngủ và giấc mộng đêm Xuân. Hình ảnh tôi thích nhất là:
khoanh tay ra bờ giếng gọi tên Trời Ðất.

XUÂN HIỀN
(Saigon-1972)

Xuân huy chan hoà trên khắp quê hương
Nắng chói gia đình huyền bí trăm con
Năm mươi người xuống
Năm mươi người lên
Ðến lúc gặp chỗ hàn huyên
Xuân phong đem về tin tức vui chung
Gió mát cho lòng rộng rãi thong dong
Chung nhau cuộc sống
Chung nhau cuộc chết
Và quyết định cưới Xuân liền !
À ạ ơi ! À ạ ơi ! (2 lần)

Xuân xanh em là xuân nữ tơ trinh
Sức sống em là dòng suối lung linh
Em nghiêng từ núi
Em trôi về khơi
Uốn khúc mình nõn nà tươi
Xuân xanh anh đà tóc trắng da nhăn
Sức sống anh là biển cũ mông mênh
Anh vươn từ bãi
Anh lên ngàn chơi
Thả khói lờ lững lưng trời...
À ạ ơi ! À ạ ơi ! (2 lần)

Xuân tiêu em nằm trong giấc mơ yêu
Trăng xuân mỹ miều nhẹ bước đi theo
Ði thêm vào đó
Ðôi chim bồ câu
Cất tiếng gù ấm lòng nhau
Xuân miên anh vào sâu giấc mơ tiên
Bứt trái hạnh đào, rượu uống liên miên
Anh ra bờ giếng
Khoanh tay gọi tên
Gọi đất trời rất ngoan hiền...
À ạ ơi ! À ạ ơi ! (2 lần)

Xuân non, Xuân già, Xuân vẫn Xuân quen
Mới biết Xuân là cuộc tái sinh duyên
Thu, Ðông, Hạ chết
Nhưng Xuân còn nguyên
Khuyến khích dòng máu về tim
Xuân không lên đường, Xuân đứng êm êm
Ðứng mãi trong đời để cõng ta lên
Yêu Xuân đằm thắm
Yêu Xuân một phen
Và sống cùng với Xuân hiền...
À ạ ơi ! À ạ ơi ! (2 lần)

Bình ca số 6 là lời con ru mẹ, không phải mẹ ru con.

RU MẸ
(Saigon-1972)

Mẹ năm mươi tuổi chiến tranh
Con hai mươi tuổi, Hoà Bình về chơi
Từ lâu súng nổ vang trời
Hôm nay im lặng cho đời ngẩn ngơ
Mẹ tôi giấc ngủ khó khăn
Xưa nay ru mẹ toàn bằng đạn bom
Mẹ ơi ! Giấc ngủ muộn màng
Con xin ru mẹ một ngàn lời ru.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hoà bình.
Ù ơ tiếng hát Nguyễn Du
Vần thơ sáu tám hát cho hoà bình.

Mẹ năm mươi tuổi lất lây
Con hai mươi tuổi lạc loài đường xa
Dù cho tan cửa nát nhà
Hôm nay nguyên vẹn vẫn là Việt Nam
Mẹ ơi ! Xin ngủ êm đềm
Riêng con không ngủ, ngồi nhìn mẹ yêu
Mẹ xưa nay ngủ không nhiều
Con xin ru mẹ ngủ chiều, ngủ trưa.
Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời.
Ù ơ tiếng hát võng đưa
Lời ca dao đó ấm như mộng đời.

Mẹ năm mươi tuổi thiếu mơ
Con hai mươi tuổi nằm chờ mộng xanh
Từ nay giấc ngủ thanh bình
Con chia cho mẹ mộng lành, mộng ngoan
Mẹ ơi ! Giấc mộng tốt tươi
Cho con xin gửi cuộc đời Việt Nam
Mộng không máu đổ, xương tàn
Mơ trong giấc ngủ một đàn trẻ thơ
Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời.
Ù ơ tiếng hát bây giờ
Bài ca chắp nối tiếng ru muôn đời.

Bình ca số 7 phát triển hình ảnh khoanh tay gọi tên Trời Ðất.

LỜI CHÀO BÌNH YÊN
(Saigon-1972)

Mang giầy giớ tốt, mang khăn áo lành
Tôi chào đất nước tôi nay thái bình
Tôi cúi lưng xin chào anh
Tôi đứng lên, tôi chào em
Tôi vói lên cao, chào Ðức Tin
Tôi chào sáng sớm, ban trưa, xế chiều
Ðêm về vẫn cứ chưa thôi cúi chào
Tôi thấy trong tôi mừng reo
Tôi thấy chung quanh chào nhau
Tôi cũng không quên chào đứa tôi đâu.
Lời... lời chào bình yên ! (2 lần)

Xin chào những bác nông dân ít lời.
Cho đời những miếng cơm thơm sức người
Xin bác công nhân nghỉ ngơi
Xin bác thương gia về chơi
Nghe sĩ dân tôi chào tiếng vui
Tôi chào chiến sĩ đang ôm súng ngồi
Bên bờ suối vắng ngâm thơ tối ngày
Tôi sẽ đi theo thiện nhân
Ra chốn tôn nghiêm niệm kinh
Rung tiếng chuông ngân chào khắp muôn dân.
Lời... lời chào bình yên ! (2 lần)

Tôi chào vũng nước trong xanh, tháng hè
Tôi chào tấm áo bông, đêm rét về
Xin cám ơn hoa mùa Xuân
Hôn gió Thu trên đồi non
Yêu nắng mưa... theo ngày, tháng, năm
Tôi chào đứa bé sơ sinh khóc oà
Tôi chào đám cưới đi ngang trước nhà
Tôi vẫy tay theo nhịp xe
Ðưa đám ma ra ngoại ô
Tôi muốn thăng hoa cuộc sống đi qua.
Lời... lời chào bình yên ! (2 lần)

Tôi chào trái đất xinh xinh giữa trời
Tôi chào thế giới chung nhau giống người
Chia với nhau dăm biển to
Dăm núi cao băng lạnh co
Hay mấy khu sa mạc nắng khô
Tôi chào ý nghĩ chia vui chúng mình
Chia buồn, sẽ sống chung nhau thái bình
Chia nước ngon, chia hột cơm
Chia áo khăn, chia mảnh tôn
Ta bắt tay nhau chào tiếng hân hoan.
Lời... lời chào bình yên ! (2 lần)

Bình ca số 8 nói tới chuyện tìm lại được thiên đàng hạ giới.

GIÃ TỪ ÁC MỘNG
(Ðịa Ðàng Tìm Thấy)
(Saigon-1972)

Nào người yêu, giã từ ác mộng
Ta đưa nhau tới cõi địa đàng
Về một nơi sông dài nước rộng
Ta yêu nhau trên bãi cỏ hoang
Nào người yêu xin đừng e ngại
Nơi ta đi, chó sói ngủ vùi
Một đàn nai mắt huyền thơ dại
Theo ta đi ven suối nhỏ nhoi
Nào người yêu giã từ bóng tối
Ta yêu nhau dưới ánh măt trời
Cỏ vàng khô cũng là chăn gối
Hay mưa rơi cũng mát lòng người.

Nào người yêu đêm về phơi phới
Ta yêu nhau dưới ánh đèn ngời
Mầu tường vui, căn phòng êm ái
Soi gương nhau nhớ mãi hình hài
Nào người yêu giã từ ác mộng
Ta đưa nhau tới cõi địa đàng
Một vườn thiêng thơm mùi da ngọt
Môi ngon hơn những trái đào tiên.
Nào người yêu giã từ dĩ vãng
Thôi đau thương, tức tối, giận hờn
Nào người yêu giã từ oán ghét
Thôi ăn năn, hối tiếc, buồn phiền.

Bình ca số 9 muốn được nhìn Chúa Giê Su như một con người của hoà bình.

CHÚA HOÀ BÌNH
(Saigon-1972)

Nếu có ai giận dữ
Nếu có ai bất hoà
Nếu có ai lầm lỡ
Rồi sinh ra khắt khe
Sẽ đánh tôi một cái
Tát tôi nơi má này
Sẽ thấy tôi lặng lẽ
Chìa luôn ngay má kia !
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Nhân ái ban xuống đời
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Cho hiếu hoà khắp nơi.

Ðã chót mang tội gốc
Gái hư thân não nùng
Khóc giữa nơi quần chúng
Nằm cho viên đá quăng
Hỡi những ai ở đó !
Sẽ đóng vai phán toà
Nếu tự thấy không tội lỗi
Thì quăng viên đá coi.
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Thương sót cho giống người
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Không xét người ! Xét tôi !

Nếu thấy trên tiền đúc
Nếu thấy trên những đồng
Có khắc in hình dáng
Hình vua La Mã nghiêng
Ðã đúc ra tiền thuế
Sẽ César lấy về
Khắp lũ chiên còn đó
Trả về cho Chúa nghe !
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Thân xác ra với đời
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Tim óc về với tôi
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Nơi khó khăn kiếp người
Lạy Chúa ! Lạy Chúa tôi !
Nhận Chúa là nỗi vui.
Amen.

Như đã nói ở trên, bài NGÀY SẼ TỚI soạn từ lâu, nay được dùng để kết thúc 10 Bài Bình Ca.

NGÀY SẼ TỚI

Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !

Ngày sẽ tới, biết bao nhiêu mừng vui
Mừng biết mấy chiến tranh đã tàn phai
Quê hương ta xưa nay đã đẹp rồi
Thêm xinh tươi, thêm vui, thêm tuyệt vời !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !

Ngày lúa mới, bước vui phiên chợ quê
Ðường sáng chói bước đi không ngại gì
Trên con đê không chôn chông, gài mìn
Không phi cơ bay nghiêng con đò xinh.
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !

Ngày chấm dứt chiến tranh, vợ gặp chồng
Ngừng tiếng súng khiến cha mẹ gặp con
Anh em ta không coi nhau là thù
Tay trong tay tương lai ta trùng tu.
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !

Ngày sẽ tới nước non thôi là hai
Ngày thống nhất, Bắc-Nam đi lại rồi
Anh đưa em ra nghe Thu Hà Nội
Em đưa anh vô Nam coi mặt trời.

Ngày sẽ tới, mỗi khi nghe Việt Nam
Toàn thế giới sẽ ăn ngon ngủ ngoan
Không nghe thêm, nghe thêm câu chuyện buồn
Nhưng nghe lên nghe lên chuyện thần tiên.
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !

Ngày đã tới, cái ta gọi là YÊU
Là QUÝ MẾN, chúng ta vẫn hoài nghi
Nhưng hôm nay, ôm nhau không còn ngờ
Ta yêu nhau, thương nhau như trẻ thơ.
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !
Này hỡi, hỡi Hoà Bình !


Phạm Duy