PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

18. Phục Hồi Dân Ca

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Phục Hồi Dân Ca


Thời gian giữa hai trường ca này là lúc có phong trào về nguồn trong mọi ngành nghệ thuật. Trong phạm vi âm nhạc, tôi nhận thấy thế hệ thanh thiếu niên lúc đó không biết gì về dân nhạc Việt Nam với những loại dân ca cổ truyền, dân ca kháng chiến hay dân ca cải tiến trước đây, cho nên một mặt, tôi thực hiện tại hai đài phát thanh Ðài Saigon và Ðài Voice Of Freedom những chương trình nhan đề "Dân Nhạc Dẫn Giải" và "Musical Heritage", một mặt tôi sưu tập những bài dân ca cổ truyền rồi phóng tác thành những bài dân ca phục hồi. Tôi không ngần ngại thêm lời, thêm nét nhạc vào những bài hay những điệu dân ca cổ. Tôi chia ra hai phần Dân Ca Miền Suôi và Dân Ca Miền Núi.

Dân Ca Miền Xuôi

Các bài dân ca miền suôi nằm trong các thể hát vặt, hát ví, hát quan họ, hát chèo, hát ả đào khi xưa như LÝ CÂY ÐA, QUA CẦU GIÓ BAY, CÂY TRÚC XINH, CHUỐC RƯỢU, SE CHỈ LUỒN KIM, TRẤN THỦ LƯU ÐỒN... được tôi phục hồi và hiện đại hoá.

Phục hồi có hai cách. Một là giữ nguyên điệu cũ nhưng có thêm lời ca phù hợp. Hai là tạo ra lời ca mới. Bây giờ hát những bài như LÝ CÂY ÐA, QUA CẦU GIÓ BAY phải hát đầy đủ ba lời ca (thơ 4 chữ), hát có hoà âm.

LÝ CÂY ÐA
 
Trèo lên quán giốc
Ngồi gốc cây đa
Ai xui mình gặp
Xem hội trăng rằm.

Chẻ tre đan nón
Kia nón ba tầm
Ai xui (cô) mình đội
Xem hội trăng rằm.

Vải nâu may áo
Kia áo năm tà
Ai xui (anh) chàng mặc
Xem hội trăng rằm.

QUA CẦU GIÓ BAY

Yêu nhau cổi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

Yêu nhau cởi yếm cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.

Yêu nhau cổi nhẫn cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi.


Bài CÂY TRÚC XINH còn có thể có tới năm lời ca (lục bát - có thêm tiếng lót):

CÂY TRÚC XINH

Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Chi Hai xinh, chị đứng chỗ nào cũng xinh.

Trúc xinh trúc mọc bên đình
Chi Hai xinh, chị đứng một mình cũng xinh.

Trúc xinh trong gió lạnh mưa rào
Chi Hai xinh, chị có dạ nào tôi cũng yêu.

Trúc xinh trúc mọc bên chùa
Chi Hai không yêu, tôi cũng lấy đạo bùa để yêu.

Trúc xinh trúc mọc cạnh buy-in-đinh
Chi Hai xinh, chị đứng trông tình lắm thay!

Tôi tìm ra năm lời ca cho bài dân ca quan họ:

SE CHỈ LUỒN KIM

Ngồi rồi se chỉ luồn kim
May quần vuông nhiễu gửi lên cho chàng

Con cò mặc áo trắng phau
Ăn no tắm mát rủ nhau lên rừng.

Lên rừng xẻ tấm gỗ lim
Muốn cho đây đó đẹp duyên vợ chồng.

Quạt tầu hai mươi bốn nhài xưong
Ai cầm quạt giấy thì thương đến người.

Ngồi rồi kể chuyện con cua
Tám chân, hai mắt một mai hai còng.

Bài LÝ CHIM KHUYÊN hay LÝ CHIM QUYÊN thường được hát với một câu lục bát, bây giờ có thêm lời, rút từ ca dao.

LÝ CHIM KHUYÊN

Chim khuyên quen trái nhãn lồng
Thia lia quen chậu,
Vợ chồng quen (hay quyện) hơi.

Chim khuyên nút mật bông qùi
Ba năm đợi được huống gì một năm.

Chim khuyên xuống núi ăn mồi
Thấy anh lao khổ đứng ngồi không yên.

Với bài LÝ CHE HƯỜNG tôi tìm ra và soạn thêm hai câu lục bát khác:

LÝ CHE HƯỜNG

Trồng hường phải khéo che hường
Nắng che mưa đậy cho hường trổ bông.

Trồng hường bẻ lá che hường
Nhớ em không quản bước đường, đường xa.

Trồng hường giở nón che hường
Ngắt bông hoa đẹp tặng (cho) nường đẹp hơn.

Bài HÁI HOA nguyên là câu hát thờ và chỉ có một lời. Tôi soạn thêm ba lời nữa:

HÁI HOA

Hỡi bạn đường ta
Hái hoa cho khéo
Hoa nào heo héo
Thì hái bỏ đi
Chớ để làm chi
Ứ ư ư ừ hoa tàn.

Gió thổi từ xa
Cánh hoa phơi phới
Yêu làn hương mới
Chẳng nỡ bẻ hoa
Gió thổi từ xa
Ứ ư ư ừ hoa cười.

Bướm đẹp vờn hoa
Bướm mơn đôi má
Hoa nào thương nhớ
Thì chóng già nua
Bướm chỉ nhởn nhơ
Ứ ư ư ừ hoa sầu.

Lũ trẻ đùa hoa
Ngắt hoa không tiếc
Hoa còn trinh tiết
Còn thiếu tình duyên
Chờ để vườn tiên
Ứ ư ư ừ hoang tàn.

Bài NƯỚC CHẨY BON BON cũng được phục hồi, ngoài lời ca cổ, có thêm ba lời ca do tôi soạn.

NƯỚC CHẨY BON BON

Nước chẩy bon bon
Con vượn ôm con
Lên non hái trái
Anh cảm thương nàng
Cô gái mồ côi
Hỡi nàng nàng ôi
Anh cảm thương nàng
Cô gái mồ côi.

Mưa nhỏ mênh mang
Con nhện trong hang
Tơ giăng bối rối
Em cảm thương chàng
Lạc lối đường đi
Hỡi chàng chàng ôi
Em cảm thương chàng
Lạc lối đường đi.
Gió thổi vang vang
Con quạ kêu than
Thâu đêm suốt sáng
Ta cảm thương người
Mang nặng hờn oan
Hỡi người người ôi
Ta cảm thương người
Mang nặng hờn oan.

Nắng đổ nghiêng nghiêng
Con dế vô duyên
lên tiếng hát
Ta cảm thương người
Phai nhạt tuổi xanh
Hỡi người người ôi
Ta mở tay đầy
Mau trở về đây.


Dân Ca Miền Núi


Văn Cao phác họa

Tôi cũng lên Cao Nguyên một thời gian để làm công việc phục hồi dân ca miền núi. Ðồng bào vùng
Sơn La, Lai Châu lúc này di cư vào Nam và ở trên vùng gần Dalat. Tôi quay phim một màn vũ của
người Thái, múa theo nhạc điệu của một bài dân ca mà tôi soạn lời Việt, đặt tên là NGÀY MÙA:

DÂN CA THÁI
NGÀY MÙA

Chim ơi, lũ chim trời
Tung cánh về đây coi
Lúa chín vàng trên đồi
Nàng về nàng quẩy trên vai
Lúa thơm của ta ơi.

Ngày mùa nắng mới hoe
Chim ơi ! Hãy bay về
Xem thóc của sơn khê
Thóc chín vàng trên hè
Nhà sàn cửa rộng không che
Ðón vui người phương xa.

Ngày mùa khói bốc lên
Hiu hiu nắng êm đềm
Ðưa gió vào theo chim
Nếm chút gạo dinh điền
Người Thượng là cùng người Kinh
Kết duyên tình anh em.

Dân ca của các sắc tộc Cao Nguyên cũng được tôi phục hồi và hiện đại hoá.

DÂN CA JARAI
CHIÊNG TRỐNG CỒNG

Chiêng trống cồng mừng anh trên rẫy
Xuống đồi xuống nương đi cầy
Ôi rừng ơi ! Núi ơi !
Ôi thác suối ơi ! Rừng ơi ! Núi ơi !

Tang tính tình đàn tre dây nứa
Chúc mừng các anh đi bừa
Ôi ruộng ơi ! Ðất ơi !
Ôi thóc lúa ơi ! Ruộng ơi ! Ðất ơi !

Không đốt rừng làm đau hoa lá
Sót lòng cái cây kơ-nìa
Ôi rừng yêu mến ơi !
Ôi gỗ qúy ơi ! Rừng yêu mến ơi !
Chim sáng chiều mừng anh xây ấp
Ðắp làng hát câu muôn đời
Ôi gạo ơi ! Nước ơi !
Ôi áo mới ơi ! Gạo ơi ! Nước ơi !

Bao thú rừng nhiều đêm không ngủ
Thức nhìn các anh vui đùa
Ôi Việt Nam, nước ơi !
Ðời sống ấm no ! Việt Nam nước ta !
Ðời sống ấm no ! Việt Nam nước ta !

DÂN CA JARAI
MỘT MẸ TRĂM CON

Anh em ta cùng mẹ cha
Nhớ truyện cũ trong tích xưa
Khi thế gian còn mù mờ
Xưa khi xưa mẹ đẻ ra
Trăm cái trứng, sinh lũ con
Trăm đứa con cùng một dòng
Năm mươi con vượt đồi non
Phá rừng núi, khai rẫy nương
Xây đắp buôn, lập nhà sàn.
Năm mươi con dọc Trường Sơn
Ði xứ Bắc, đi xứ Nam
Xây núi sông, lập ruộng đồng.

Hôm nay đây, rừng gặp mây
Lá gặp núi, ta tới đây
Tay nắm tay, mình gặp mình
Vui ca lên, Thượng và Kinh
Người trong nước, anh với em
Em với anh, cùng họ hàng
Khua chiêng lên, đập cồng lên
Tiếng cồng đánh, qua mái tranh
Qua mái tre vào rừng già
Cho con Hua, khỉ già Hua
Cho ma quái, cho lũ nai
Ngơ ngác say vì nhạc gồng.

DÂN CA TAKUA
HÁT ÐÔI

Này cô gái xinh
Như đoá hoa tình
Dệt vải một mình
Ngực tròn rung rinh.

Này anh thanh niên
Như sức voi thần
Ngả gỗ đào rừng
Thành ruộng mênh mang.

Này cô gái ngoan
Như lúa trên ngàn
Ðập gạo ngoài sàn
Bụng nhỏ lưng thon.

Này anh thanh niên
Như cánh chim băng
Ðuổi cọp về ngàn
Bẻ sừng trâu non

Này cô gái vui
Cơm nắm trong gùi
Ðào lũy hào dài
Lập rừng chông gai.

Này cô gái ơi
Xây đắp cho đời
Gìn giữ gạo bùi
Gìn giữ ngô khoai.

Này anh thanh niên
Vác súng trên ngàn
Bảo vệ ruộng vườn
Bảo vệ dân buôn.

Này anh thanh niên
Chung sức oai hùng
Lập ấp tự cường
Thoả lòng muôn dân.

Việt Nam chúng tôi
Xây ấp lâu dài
Gạo trắng đầy nồi
Rượu cần thêm hơi.

Việt Nam chúng tôi
Vui sống trên đời
Ðàn gảy về trời
Gồng chạy ra khơi.

DÂN CA HRÊ
VỀ ÐỒNG BẰNG

Còn nhớ ngày nào
Ở dưới vách đá
Trong cái khe âm u
Còn nhớ ngày nào
Ở dưới khóm lá
Trong cái lều mịt mù.
Ðời sống nghèo nàn
Ðời sống tối ám
Trong biết bao nguy nan
Giặc nó về làng
Giặc nó chiếm đóng
Ðau cái lòng vợ chồng.

Nhớ lại ngày nào
Chúng nó bắt chúng ta làm cái dân công
Nhớ lại ngày nào
Chúng nó bắt chúng ta mệt sức nuôi cơm
Nhớ lại ngày nào
Bao đau thương trong buôn
Ôi bao đau thưong !

Rồi có một ngày
Ðời sống khốn khó, ta quyết đi di cư
Rồi có một ngày
Bỏ hết xóm lá, ta quyết lìa rừng già

Ở phía rừng ngoài,
Giặc đến cướp phá, ta kéo nhau đi suôi
Về phía đồng bằng
Về phía quốc gia
Ta có nhiều bạn bè.

Nhớ lại một ngày
Ðã nhất quyết chúng ta về với anh em
Nhớ lại một ngày
Ðã nhất quyết chúng ta tìm lấy an ninh
Nhớ lại một ngày
Ta vui ca trong buôn. Ôi vui trong buôn !

Lập lũy đào hào
Rào kín xóm mới
Trong ấp ta yên vui
Làng buôn người người
Tìm lấy khí giới
Ngăn lũ giặc nghìn đời

Nhiều rẫy làm mùa
Ruộng mới tốt lúa
Bên thác reo vi vu
Ðàn chim rừng già
Bỏ vách núi đá
Thương nhớ người tìm về.

DÂN CA Ê ÐÊ
XUÂN TRÊN BUÔN

Kia mùa Xuân đến buôn chúng mình
Và lòng dân hân hoan đón Xuân
Kìa chàng trai bước vui trên đời
Vào đồi nương thăm bông lúa tươi.

Kìa nàng sơn nữ bên suối ngàn
Gội đầu thơm ca vui véo von
Kìa là em bé ngoan chăn bò
Thả diều theo tiếng sáo vi vu.

Ngọn lửa thui miếng ngon chín ròn
Rượu cần thơm, chung quanh cháu, con.
Cụ già châm điếu ngon trên sàn
Kể truyện Cao Nguyên xưa, véo von.

MẸ GỌI CON

Trên đồi nương lũ nai vàng mơ màng
Là nai đàn nhường nhau ăn miếng khoai ngon
Trên rừng khơi lũ chim non vui cười
Trên vườn hoang mái tóc sương ngỡ ngàng
Mẹ u buồn vì trên nương thiếu bóng con
Theo hoàng hôn kéo lê trên lối mòn
Mẹ âm thầm về bản thôn im lìm
Con đi theo giặc ngày nào
Con đi giết hại đồng bào.
Mẹ âu sầu vì thương con sống u mê
Mẹ kêu gào Trời thương con dắt con về
Con ơi ! Nghe lời mẹ già
Con ơi ! Mau trở về nhà
Về luống cầy, về vườn rau với nương khoai
Về xây dựng nền tự do muôn đời.

ANH MAU VỀ

Anh ở buôn làng
Là anh ở buôn làng
Ðời sống vui yên lành
Ðời sống vui thanh bình
Sống trong tình nước non
Như đàn chim nhỏ quây quần
Trong tình yêu Việt Nam
Và một tối thê lương
Nghe cú kêu trong rừng
Nghe tiếng xui căm hờn
Tiếng dỗ dành kéo anh xa nhà
Xa cả gia đình, xa tình yêu đàn em

Anh ở trong rừng
Là anh ở trong rừng
Như lũ nai xa đàn
Như lũ beo hung tàn
Kéo nhau về rẫy nương
Ăn càn, nhưng cả dân làng
Xua vào trong rừng hoang
Ðời sống nguy nan
Và đời sống cô đơn
Anh chết sâu trong rừng
Anh chết cao trên ngàn
Chết vô tình, thiếu tay bế bồng
Cha mẹ xa buồn
Không một ai mà chôn.

Anh phải mau về là anh phải mau về
Về với cây tre già
Về với hoa bốn mùa
Với rượu vò, với câu vui đùa
Trong họ trong nhà, ăn mừng anh tự do
Dòng nước xanh lơ
Và dòng suối nên thơ
Vẫn khát khao mong chờ
Cùng với đêm sương mờ
Ðón anh về, bước chân lững lờ
Qua nẻo trăng tà
Trên đường quê ngẩn ngơ...


Một Bài Dân Ca Nữa

Một bài nữa soạn theo âm hưởng điệu Nam, giọng oán của miền Nam, với chủ đề chiêu hồi như
trong mấy bài dân ca miền núi trên đây.

ANH HỠI ANH CỨ VỀ

Anh hỡi anh cứ về
Về đây ! Nghe tiếng cố hương
Tiếng thiết tha của người thương.
Anh hỡi anh cứ về
Cứ về ! Làng thôn tươi thắm
Mong đón đưa bước chân hồi hương.
Anh hỡi anh cứ về Về đây ! Chung sức đắp xây
Quốc Gia đang ngóng chờ bàn tay
Anh hỡi anh cứ về
Cứ về, lập công chiến đấu
Hay sống yên vui bên ruộng nương.
Anh hỡi anh cứ về
Anh hỡi anh cứ về
Anh nỡ nào theo giặc cho đành
Anh hỡi anh cứ về
Anh hỡi anh cứ về
Về đây, anh hỡi anh cứ về.

Anh hỡi anh cứ về
Về đây ! Nghe tiếng nhớ thương
Tiếng chưa quên của người quen
Anh hỡi anh cứ về
Cứ về, người xưa yêu dấu
Ðang khát khao anh mau về quê
Anh hỡi anh cứ về
Dù nay mưa cuốn gió bay
Cũng có khi nắng đẹp trời mây
Anh hỡi anh cứ về
Cứ về, cứ về, dù đêm nay tối
Nhưng sớm mai nắng trên ruộng vui.
Anh hỡi anh cứ về
Anh hỡi anh cứ về
Anh nỡ nào theo giặc cho đành
Anh hỡi anh cứ về
Anh hỡi anh cứ về
Về đây, anh hỡi anh cứ về.


Phạm Duy