PhamDuy.com - Trang web lưu giữ di sản âm nhạc Phạm Duy
  • pd showcase01 976x400
  • pd showcase02 1200x400
  • pd showcase03 1200x400
  • pd showcase04 1200x400
  • pd showcase05 1200x400
  • pd showcase06 1200x400
  • pd showcase08 1200x400
  • pd showcase09 1200x400
  • PD Paintings
  • 2003 1200x400

9. Tình Tự Với Quê Hương/Dân Tộc

Một Đời Nhìn Lại - Ngàn Lời Ca
Tình Tự Với Quê Hương/Dân Tộc



Tình Ca Quê Hương

Phải mất ngót nghét gần hai năm (51-52) để tính chuyện vào thành và để tổ chức đời sống gia đình tại Saigon cho nên tôi không sáng tác gì cả, ngoài việc phổ câu ca dao thành bài dân ca là NỤ TẦM XUÂN, và phổ bài thơ TIẾNG SÁO THIÊN THAI của Thế Lữ thành một bản tango, hai bài này được soạn ra để đáp ứng nhu cầu hát đôi (duo) của chị em Thái Thanh Thái Hằng. Tôi cũng còn bận bịu trong việc tổ chức cho ban Thăng Long đi hát tại các Ðài Phát Thanh, thu thanh tại các hãng dĩa, phụ diễn tại các rạp chiếu bóng và trình diễn tại những buổi Ðại Nhạc Hội đầu tiên của miền Nam.

Lúc đó chưa phải là lúc gần một triệu người rời bỏ miền Bắc vào Nam sau Hội Nghị Genève, nhưng tôi đang là một nghệ sĩ vừa phải xa miền quê ''Bắc Kỳ'' và đang nhớ cảnh quê cũ cho nên khi bắt đầu sáng tác lại, tôi soạn bài TÌNH HOÀI HƯƠNG. Tôi sẽ không phải là người độc nhất soạn những bài hát nhớ quê hương khi vẫn đang sống ở quê hương. Cuộc di cư vào Nam trong năm 1954 của một triệu người khiến cho lũ nhạc sĩ chúng tôi lúc đó soạn nhiều bài hát về quê hương miền Bắc, ví dụ GIẤC MƠ HỒI HƯƠNG (Vũ Thành), HƯỚNG VỀ HÀ NỘI (Hoàng Dương) v.v... Trong Tân Nhạc đã khởi sự loạt bài về sau được gọi là tình ca quê hương. Bài TÌNH HOÀI HƯƠNG (và nhất là bài TÌNH CA) có thể được coi là bài khởi xướng cho xu hướng này...

TÌNH HOÀI HƯƠNG
(Saigon-1952)

Quê hương tôi, có con sông đào xinh xắn
Nước tuôn trên đồng vuông vắn
Lúa thơm cho đủ hai mùa
Dân trong làng trời về khuya vẳng tiếng lúa đê mê
Quê hương tôi có con đê dài ngây ngất
Lúc tan chợ chiều xa tắp
Bóng nâu trên đường bước dồn
Lửa bếp nồng, vòm tre non, làn khói ấm hương thôn
Ai về, về có nhớ, nhớ cô mình chăng
Tôi về, về tôi nhớ hàm răng cô mình cười ơ ơ ớ...
Ai về mua lấy miệng cười
Ðể riêng tôi mua lại mảnh đời, thơ ngây thơ ơ ớ ơ ơ ờ...
Quê hương ơi ! Bóng đa ôm đàn em bé
Nắng trưa im lìm trong lá
Những con trâu lành trên đồi
Nằm mộng gì ? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi
Quê hương ơi ! Tóc sương mẹ già yêu dấu
Tiếng ru nỗi niềm thơ ấu
Cánh tay êm tựa mái đầu
Ôi bóng hình từ bao lâu còn ghi mãi sắc mầu
.....
Tình hoài hương
Khói lam vương tâm hồn chìm xuống
Chiều soay hướng
Sống vui trong mối tình muôn đường
Tình ngàn phương
Biết yêu nhau như lòng đại dương
Người phiêu lãng
Nước mắt có về miền quê lai láng
Xa quê hương ! Yêu quê hương !

Báo ÐỜI MỚI do Trần Văn Ân, Nguyễn Ðức Quỳnh chủ trương là tờ báo có nhiều độc giả vào đầu thập niên 50 này. Trong một bài phỏng vấn của phóng viên báo ÐỜI MỚI, tôi tuyên bố: Sau khi nói lên vinh quang và nhọc nhằn của dân tộc với nhạc kháng chiến, bây giờ tôi đi vào tình tự quê hương... Do đó, tôi cho đăng trên báo này một tác phẩm mới là bài TÌNH CA (soạn cùng lúc với bài TÌNH HOÀI HƯƠNG). Bài này nói lên bản sắc quốc gia (identité nationale) nghĩa là những gì thuộc vào một quốc gia thống nhất như: tiếng nói, cảnh vật và con người. Trong phạm vi nhạc thuật, cả hai bài TÌNH HOÀI HƯƠNGTÌNH CA là sự tiếp tục dòng nhạc dân ca kháng chiến với mức độ nghệ thuật cao hơn.

TÌNH CA
(Saigon-1953)

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi ! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi
Tiếng nước tôi ! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai
Một yêu câu hát Truyện Kiều
Lẳng lơ như tiếng sáo diều (ư diều) làng ta
Và yêu cô gái bên nhà
Miệng xinh ăn nói thật thà (à à) có duyên...

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành
Ðất nước tôi ! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn
Ðất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Ðất nước tôi ! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi
Tôi yêu những sông trường
Biết ái tình ở dòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng (*)
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng (ừ đồng) Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng (à hàng) mến nhau

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo
Mình đồng da sắt không phai mầu
Tấm áo nâu ! Những mẹ quê chỉ biết cần lao
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, áo ơi
Tấm áo nâu ! Rướn mình đi từ cõi rừng cao
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mâu, áo ơi
Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai
Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài (ư bài) tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là (ừ là) đoá hoa...


Tình Tự Dân Tộc

Những bài hát tình ca quê hương rất dễ dàng dẫn tới những bài hát tình tự dân tộc. Lúc đó, trong lòng tôi còn mang nhiều hình ảnh khó quên của thời kháng chiến cho nên tôi dùng bài BÀ MẸ CHIẾN SĨ đã soạn tại Vinh năm 1949 để làm thành bài BÀ MẸ QUÊ, một bài trong bộ ba - trilogie về con người Việt Nam, tôi gọi là những bài hát quê hương-dân tộc.

Trong ấn phẩm do nhà xuất bản TINH HOA phát hành vào năm 1954, tôi có đề tựa như sau:

1.- BÀ MẸ QUÊ tượng trưng cho lòng hi sinh, chí kiên nhẫn, tình thương yêu và biểu tượng cho dĩ vãng;

2.- VỢ CHỒNG QUÊ tượng trưng cho tình yêu trong sạch, sức làm việc, niềm hạnh phúc chỉ dành cho những kiếp người lành mạnh, biểu tượng hiện tại;

3.- EM BÉ QUÊ là mầm non lớn mạnh, kiến thiết xã hội, biểu tượng tương lai.


BÀ MẸ QUÊ
(Bà Mẹ Chiến Sĩ)

Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một mầu
Có đàn, có đàn gà con nương náu
Mẹ quê, mẹ quê vất vất vả trăm chiều
Nuôi đàn, nuôi một đàn con chắt chiu.
Bà bà mẹ quê !
Gà gáy trên đầu ngọn tre
Bà bà mẹ quê !
Chợ sớm đi chưa thấy về
Chờ nụ cười son, và đồng quà ngon.

Trời mưa, trời mưa ướt áo mẹ già
Mưa nhiều, mưa nhiều càng tươi bông lúa
Trời soi, trời soi bốc khói sân nhà
Nắng nhiều thì phơi lúa ra
Bà bà mẹ quê ! Ðêm sớm không nề hà chi
Bà bà mẹ quê ! Ngày tháng không ao ước gì
Nhỏ giọt mồ hôi, vì đời trẻ vui.

Miệng khô, miệng khô nhớ bát nước đầy
Nhớ bà, nhớ bà mẹ quê xưa ấy
Mùa đông, mùa đông manh chiếu thân gầy
Cháu bà, cháu bà ngủ thiu giấc say.
Bà bà mẹ quê !

Chân bước ra đời rồi xa
Bà bà mẹ quê !
Từ lúc quê hương xoá nhoà
Nhìn về miền quê, mà giọt lệ xa


VỢ CHỒNG QUÊ

Chàng là thanh niên mạch sống khơi trên luống cầy
Nói năng hiền lành như thóc với khoai
Nàng là con gái nết na trong xóm
Nước da đen ròn với nụ cười son.
Hỡi anh gánh gạo ư ứ trên đường, chàng ơi
Gạo Nam, gạo Bắc ứ ư
Ðòn miền Trung, gánh đừng để rơi
Chàng chàng ơi, gánh đừng để rơi.
Hỡi em tát ruộng ư ứ bên ngòi, nàng ơi
Biển Ðông ta tát cạn ừ ư ư
Nàng nàng ơi, cho đời thuận nhau.
Nàng nàng ơi, chàng chàng ơi (2 lần)
Chàng nhìn đàn chim rồi ước như chim ngang trời
Sống chia miếng mồi, như đũa có đôi
Nàng cười không nói, ngước ra sông núi
Má em hây hồng như áng mây trời.
Một ngày sang Thu
Một buồng cau tơ
Quanh co lối xóm những tà áo mới.
Mẹ già yên lòng
Thiếu nữ mơ mòng
Các em nhi đồng trống ếch khua vang.

Chàng vừa cầy sâu vừa hứng mưa trên đất mầu
Hái bông ngô vàng hay bới khoai nâu
Nàng vừa cuốc bẫm, tắm trong sương sớm
Tát xong nước rồi, sẽ về thổi cơm.
Chữ i móc ngược, o o ó o tròn, người ơi
Còn trong một nước ứ ư
Người người ơi, ta còn yêu nhau
Người người ơi, ta đừng bỏ nhau
Á ơi, con ngủ u ú cho muồi
À ơi, cười vui trong giấc mộng
À à ơi ! Yêu đời tự do
À à ơi, À à ơi ! À à ơi, à ơi.

Thuở nào vườn cau vừa mới cao ngang mái đầu
Lúa dăm ba sào, nay đã hai trâu
Nhìn thằng cu bé đẫm mưa trong ngõ
Nước mưa chan hoà cho tốt lúa nhà.
Mùa màng năm nay
Gạo tròn tay say
Ðêm đêm thức giấc lúc gà chưa gáy
Vì đời yên lành
Nên lúa đa tình
Hứa cho đôi mình kiếp sống thanh bình


EM BÉ QUÊ

Chăn trâu sướng lắm chứ
Ngồi mình trâu, phất ngọn cờ lau
Và miệng hát nghêu ngao
Vui thú không quên học đâu
Nẵm đồi non gió mát
Cất tiếng theo tiếng lúa đang reo
Em đánh vần thật mau.
Chiều vương tiếng diều
Trên bờ đê vắng (ứ ư ư) xa.
Ðường về xóm nhà
Chữ i, chữ (ư ư ư) tờ.
Lùa trâu nhốt chuồng
Gánh nước nữa là (a à a) xong
Khoai lùi bếp nóng
Ngon hơn là (a à a) vàng.

Em mới lên năm, lên mười
Nhưng em không yếu đuối.
Thầy mẹ yêu cũng vì trẻ thơ
Làm việc rất say sưa
Em biết yêu thương đời trai
Ðời hùng anh chiến sĩ
Ước mong sao em nhớn lên mau
Vươn sức mạnh cần lao.
Kìa trăng sáng ngời
Ðêm rằm Trung, Trung (ứ ư ư) Thu.
Ðời vui trống ròn
Tiếng ca lẫy (ý y y) lừng
Từ ngõ ngách làng
Ðèn đuốc rước triền miên
Bao người đóng góp
Vui chung một (ư ừ ư) miền.

Trâu hỡi trâu ơi đi cầy
Trâu ơi đi cấy nhé
Ðồng ruộng kia, với đồi cỏ kia
Là của những dân quê
Em bé dân quê Việt Nam
Là mầm non tươi thắm
Sức mai sau xây đắp quê hương
Cho nước giầu mạnh hơn.
Vàng lên cánh đồng
Khi trời vươn ánh (ứ ư ư) dương
Trẻ thơ nhớn dậy
Giữ quê, giữ (ứ ư ư) vườn
Ðời vui thái bình, cây lúa sớm trổ bông
Cỏ ngàn thơm phức, trâu ăn đầy (y ỳ y) đồng.

Những bài tình tự dân tộc này được xây dựng bằng nhạc thuật soạn dân ca của tôi trước đây. Sau khi nó được phổ biến tại các thành phố ở miền Nam thì nó được các lớp nhạc sĩ trẻ như Hoàng Thi Thơ, Lam Phương, Duy Khánh, Trần Thiện Thanh tức Nhật Trường... hưởng ứng để soạn ra những bài mà họ gọi là dân ca mambo bolero v.v...


Phạm Duy


(*) Ðúng ra là ''đại đồng'', nhưng ý niệm về Thế Giới Ðại Ðồng bị nghi ngờ là tuyên truyền cho Cộng Sản cho nên Sở Kiểm Duyệt khuyến cáo tác giả đổi chữ. Ðây cũng là trường hợp của bài VIỄN DU.