Chương 1

Hồi Ký - Thời Cách Mạng Kháng Chiến
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng...
Văn Cao-BUỒN TÀN THU


Lính Nhật

Vào đầu tháng 3 năm 1945, gánh hát Đức Huy Charlot Miều đang trong thời gian ghé lại tỉnh lỵ Cà Mâu. Trên đường lưu diễn khởi sự từ thành phố Hải Phòng ở miền Bắc cách đây 2 năm, bây giờ gánh hát vào tới một tỉnh cực xa của miền Nam rồi. Coi như lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt.

Tôi vẫn giữ chân phó quản lý và còn giữ thêm vai trò của một người hát phụ diễn trong mục ca nhạc cải cách. Tôi cũng khá nổi tiếng vì trước tôi chưa có ai đem Tân Nhạc vào đại chúng cả. Tôi được sống hả hê một cuộc đời vô tư lự, nay đây mai đó. Rất bằng lòng với lối sống giang hồ ăn đường ngủ chợ này. Đi tới đâu cũng vậy, trong gánh hát, từ vợ chồng ông bầu, các đào kép, các nhạc sĩ tân hay cổ nhạc cho tới anh chị em lao công, tất cả mọi người đều ăn ngủ ở ngay trong rạp hát. Thường thường sau những đêm hát, ai cũng thích tìm chỗ ngủ tại những nơi được che khuất như ở sau những phông cảnh hay sau lớp cánh gà, hoặc ở dưới hai bên hông hí trường là nơi khán giả ít tiền thường đứng để coi hát. Nhưng về phần tôi, ''phòng ngủ'' bao giờ cũng là một cái ghế bố đặt ở ngay giữa sân khấu, là nơi rộng rãi và thoáng khí nhất.

Lúc đó là vào buổi trưa ngày mùng 10 tháng 3 và theo thông lệ, tôi còn đang muốn ngủ thêm thì tôi bị khua dậy bởi những tiếng ồn ào, loạn sì ngầu :

-- Nhật đảo chính mày ơi.

-- Đảo chính từ hôm qua lận. Toàn Quyền Decoux bị giam rồi.

-- Ở ngoài Bắc, nghe nói một số lính Tây trốn được sang Tầu mà...

-- ... ở Saigon và các tỉnh... bị bắt hết cả rồi.

-- Nè, có chúng nó chạy được về Cà Mâu, đang đóng đầy ở trong thị xã đó. Đi coi chơi, chúng mày.

--- Đ... m... chắc hết đường chạy rồi...

Rạp hát ồn ào còn hơn cái chợ. Tôi quen với cái chuyện thích ăn to nói lớn của các bạn đồng nghiệp từ lâu rồi. Giới nghệ sĩ cải lương là những người rất nhàn rỗi. Suốt ngày không có việc gì làm, nếu không ngủ mê ngủ mệt là ngồi nói chuyện trên trời dưới biển. Vì luôn luôn phải đóng những vai trò, phần nhiều là những vai ''anh hùng hào kiệt'' cho nên kép hát đem luôn nhân vật ban đêm vào đời sống ban ngày. Chúng tôi có danh từ sạo ke dành cho những người đó.

Mọi người trong đoàn hát tranh nhau bình luận về thời cuộc. Ai cũng có vẻ hãnh diện trước sự kiện người da vàng đã đánh bại người da trắng. Ai cũng ngây thơ tin rằng với thuyết Đại Đông Á, từ nay trở đi Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam trên con đường tự do, độc lập và phú cường. Tôi cũng mừng thầm, nghĩ rằng :

--Thế là thời nô lệ của Việt Nam đã cáo chung.

Kép Ba Hội người Huế, xưa nay vẫn là người ba hoa nhất ở trong đoàn hát, hô to qua cái miệng đầy răng vàng :

-- A lê. May cờ Nhật ngay.

Chị Miều, vợ của ông bầu Charlot Miều vội vàng lấy rổ kim chỉ ra và nhờ tôi vẽ cho chị cái mẫu rất dễ vẽ của lá cờ Nhật Bản, với hình tròn của mặt trời đỏ lửa trên một nền trắng tinh như tuyết. Tôi cũng được sự phụ giúp của anh Dần mặt rỗ, tính tình hoà nhã và là người được tôi rất quý mến. Cờ may xong, lại có vụ tranh nhau đem cờ ra cắm ở cổng rạp.

Nhưng không ai trong đoàn hát lại có thể ngờ được rằng thằng đánh trống người Việt gốc Miên tên là Giỏi ở trong ban nhạc lại là một thằng làm mật thám cho Tây (Hồi trước, chúng tôi quen gọi Pháp là Tây). Ngay sau đó, không biết thằng Giỏi đi báo Cảnh Sát từ lúc nào mà Ba Hội, anh Dần và tôi bị một lũ mật thám tới rạp hát còng tay lại và dẫn tới nhà tù của thành phố Cà Mâu, nhốt trong một phòng giam rất chật hẹp và bẩn thỉu. Không hiểu tại sao trong đoàn hát lại chỉ có ba đứa chúng tôi bị bắt mà thôi ? Bà bầu đâu có bị bắt nhỉ ?

Kép Ba Hội sợ xanh máu mặt :

-- Chết cha cả lũ rồi.

Anh Dần vẫn im lặng từ khi bị bắt. Bây giờ tôi mới thấy là mình ngu quá. Cái việc làm rất vô duyên là vẽ lá cờ Nhật cho bà bầu có thể đem tới một cái chết lảng xẹt :

-- Được đến đâu hay đến đó, cậu đừng lo...

Nói như vậy nhưng trong lòng rất lo. Từ ngày bỏ nhà ra đi khi mới 17 tuổi, làm đủ các thứ nghề trước khi được làm cái nghề hát rong mà mình rất ưa thích, chưa bao giờ tôi bị lâm nguy như bây giờ... Nghĩ tới mẹ, chỉ lo mẹ sẽ buồn nếu có điều gì không hay xẩy ra cho mình... Nghĩ tới cuộc đi suốt từ Bắc vào Nam... Nghĩ tới những thành phố mình vừa đi qua. Thích nhất là ở trong miền Nam này, thị xã nào cũng có một con sông lớn chẩy qua, chợ bao giờ cũng họp ở ngay bến sông và cạnh chợ thể nào cũng phải có một rạp hát. Người dân lúc nào cũng ăn no mà không cần mặc ấm. Ở cái xứ có mặt trời quanh năm này, mặc quần áo bà ba càng rộng càng mát... Nghĩ tới đêm hoà nhạc tài tử mới đây tại thị xã, từ chập tối cho tới gần sáng, mọi người chỉ đua nhau hát hết bài Vọng Cổ này tới bài Vọng Cổ khác. Không có ai hát bất cứ một điệu nào ngoài điệu Vọng Cổ , vậy mà nghe mãi không thấy chán... Nghĩ tới người đẹp răng vàng mà mình gặp trong buổi hoà nhạc đó... Nghĩ mà giận cho thằng mật thám tên là Giỏi.

-- Ông ra khỏi nhà tù này thì ông giết mày...

Có bị bắt giam mới thấy thấm thía cho số phận của người dân nhược tiểu da vàng sống dưới ách thống trị của dân da trắng. Trước kia dù ghét Tây, muốn đánh Tây, muốn nước mình có tự do và độc lập nhưng mình chỉ luôn luôn là kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Bây giờ thì được nếm mùi nhà tù thực dân rồi nhé. Thành ''nhà chính trị'' rồi nghe. Dù rằng chỉ là trò chơi chính trị bất đắc dĩ và đượm vị khôi hài. Tức nhất là nó đã bị Nhật đảo chính rồi mà nó còn nắm tính mệnh của mình ở trong tay. Nghĩ tới nghĩ lui thì đã quá nửa đêm.

Có thể lúc đó đám lính Pháp còn đang hoảng hốt trong cơn rút lui và tinh thần của lũ đội xếp, mã tà Việt Nam rất là hoang mang cho nên ba đứa chúng tôi chưa bị đánh đập hay bị đem ra xử bắn thì lính Nhật đã tới bao vây thị xã Cà Mâu. Đám tàn quân Pháp bị tước khí giới và được lính Nhật dẫn đi. Lũ mã tà, đội xếp Việt Nam cũng trốn đi đâu hết cả rồi. Trong đêm khuya tối om và lặng lẽ, bỗng nhiên một tiểu đội lính Nhật Bản tới mở cửa nhà tù. Ba nhà ''ái quốc'' là chúng tôi vội vàng arigato nhắng nhít cả lên, rồi ù té chạy về rạp hát sau non một nửa ngày và già một nửa đêm hú vía.

Chuyện tôi bị Tây bắt này thật ra cũng chẳng có gì là đáng kể so với những hành động chính trị của nhưng người làm cách mạng thứ thiệt, nhưng tôi đã có lần nhận ra rằng cái biến cố chính trị (sic) vô duyên này là một dấu vết rất quý giá đối tôi. Ngọn lửa đấu tranh trong bất cứ một thanh niên Việt Nam nào cũng thường chỉ được âm ỷ ở trong lòng. Trước khi ngọn lửa chung là Cách Mạng lùa tới để giúp cho ngọn lửa của từng cá nhân bùng lên, tối thiểu cái vụ tôi bị Tây bắt cũng làm cho lòng tôi rồi đây, sẽ bắt lửa nhanh hơn.

Trong khi tôi vô tình dính líu vào vụ đảo chính như vậy, ở nhiều nơi trong nước có nhiều thanh niên tin rằng Nhật Bản thực sự muốn giúp cho Việt Nam thoát ra khỏi ách thực dân Pháp. Họ tích cực tham gia cuộc đảo chính. Tại Hà Nội, có những sinh viên như Trần Văn Nhung đi tiên phong trong đám lính Nhật tới đánh thành Cửa Bắc rồi bị bắn chết ngay trong phút đầu tiên của vụ đảo chính và Nguyễn Thiện Giám bị hi sinh trong một trường hợp khác. Ngày 11 tháng 3 năm 45, một buổi lễ truy điệu anh hùng tử sĩ hi sinh cho nền thịnh vượng chung của Đại Đông Á được tổ chức rất long trọng tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Dì ruột của Nguyễn Thiện Giám cùng với con gái tên là Phạm Thị Thái (sau này có tên nghệ sĩ là Thái Hằng) được mời tới dự lễ truy điệu.

Cuộc đảo chính này không có gì là gay cấn lắm, vì không có sự giao tranh dữ dội giữa hai Quân Đội Nhật và Pháp, nhưng sự giao thông trên toàn quốc bị đình trệ. Gánh hát Đức Huy-Charlot Miều muốn di chuyển từ Cà Mâu qua Rạch Giá nhưng vì còn lệnh giới nghiêm trong vụ đảo chính cho nên chưa có một hãng xe đò nào dám cho xe chạy cả. Nhờ sự quen biết với mấy người lính Nhật tới giải cứu, tôi bèn tới gặp họ để xin họ cho gánh hát đi nhờ trên những xe nhà binh tới địa điểm hát đã được định đoạt từ trước là thị xã Rạch Giá . Tôi trổ tài đem vài bài hát Nhật Bản mà tôi học lóm được từ trước như Shina No Yoru, Mori No, Kohan No Yado... để hát cho lính Nhật nghe, do đó họ bằng lòng chở đoàn hát của chúng tôi đi từ Cà Mâu qua Rạch Giá. Mấy cô đào trong gánh hát xưa nay mê tôi rồi bây giờ còn phục tôi quá xá...


Phạm Duy