Phạm Duy Còn Đó …

Kỳ  thứ 7 trong loạt bài "Hồi ức Julie - thời sự Saigon nửa thế kỷ trước..."



Câu chuyện dưới đây xin được kể lại như làn hương trầm đưa lòng tưởng nhớ đến Bố, người Cha kính yêu nhân ngày giỗ Nhạc sĩ Phạm Duy sắp tới: Nơi hải ngoại sẽ là ngày 27 tháng 1 tây lịch cũng là ngày 16 tháng 12 âm lịch, người viết ước mong chia sẻ với bạn đọc một vài kỷ niệm, xin hãy lắng lòng với người quá cố trong phút giây tưởng niệm.

"Con đường Duy Tân cây dài bóng mát".

Từng lứa, từng đôi sánh vai thả bộ dưới bóng hàng cây me hay dừng lại bên xe bò bía, túm tụm bên xe nước mía, nước dừa... Chìa tay nhận trái dừa tươi nặng trĩu từ người bán vừa mới gọt, rồi từng ngụm nước ngọt lịm xoa dịu cơn khát trong cái nóng hừng hực của hè nhiệt đới, khích động những người trẻ đang trượt lướt sóng tình ở vòng tay ôm, để môi tìm môi cho nhau phút ngất ngây nơi hương vị trái cấm!


Trường Đại học Luật khoa và hồ con rùa nằm phơi mình giữa lòng thành phố như giải bày tâm tư cùng mưa nắng Saigon, của biết bao thế hệ ra đi chẳng hẹn ngày về khi giải đất này còn vương mùi thuốc súng.

Sau 75, chiến cuộc đã tàn mà vẫn cứ ly tán...

Một quá khứ xa xăm, bỗng dưng thật gần khi chợt nghe câu dạo đầu của một bài hát: "Trả lại em yêu khung trời đại học, con đường Duy Tân cây dài bóng mát ... "

· Mùa Xuân năm 1990 là cái Tết đầu tiên sau hơn 15 năm xa xứ, tôi về nước với một nhóm bạn, trong số đó có em Kiều người bạn gái duy nhất trong chuyến đi. Tháp tùng với nàng Kiều trong lần đầu trở về quê khiến tôi liên tưởng đến đoạn "Thuý Kiều tái hồi Kim Trọng", thật như "bói kiều", ngày nay em Kiều đã chọn ở lại với "Kim Trọng nơi quê nhà"!

Sáng ngày mùng một, hai chúng tôi đón chiếc xích lô đạp để lượn phố Saigon. Người cũ trở về chốn xưa với thái độ dè dặt bởi mọi việc đã khác trước, thành phố đã thay tên, các con đường cũ có tên mới. Những con người mới với tư duy mới!

Tôi nói với anh phu xe: "Chúng tôi không định hướng, anh cứ đạp quanh Saigon miễn sao đi qua đường Duy Tân ngày trước ..."

Người phu xe chưng hửng một lúc ( có lẽ anh nhận ra người muôn năm cũ) rồi hối chúng tôi lên xe; anh ta đạp thẳng đến đúng nơi chúng tôi muốn nhìn lại, đạp thật chậm để chúng tôi thưởng lãm đường xưa cảnh mới, anh khẽ huýt sáo bài nhạc "Trả lại em yêu" ...

Thật kinh ngạc... tôi bồi hồi xao xuyến nghe dòng nhạc mình đã líu lo năm xưa từ một anh phu xe. Hỏi ra mới biết anh là một cựu thiếu tá trong quân lực VNCH, là một cựu " tù nhân chính trị " vừa mãn hạn tù, đạp xích lô để mưu sinh. Nếu sống còn, ngày nay có lẽ với những cái "cựu" của anh đã giúp anh đổi đời trên đất nước Cờ Hoa qua ngã H.O. tị nạn.

Trong tôi, miên man hồi tưởng ngày tháng cũ, những hoạt cảnh trên con đường có biết bao tình thân quen với ngày nắng ráo, là chốn hội tụ, là nơi hẹn hò của tuổi học trò, của lớp sinh viên, của thế hệ trang lứa với chúng tôi... Và cũng trên con đường này, đêm đêm con ngựa sắt đưa những vị chủ nhân ca nhạc sĩ đi đi về về dù trời gió mưa vẫn chưa mỏi vó qua bao tháng năm khứ hồi liên tục.

Từ Saigon đi và về Phú Nhuận, có con đường Hai Bà Trưng là một hướng trực chỉ, thế mà anh Quang hay Bố khi lái xe đều chọn cách chạy vòng, chạy quanh để đi ngang hồ con rùa.

Mỗi đêm sau khi trình diễn, trên đường về nhà, chúng tôi im hơi lặng tiếng vì mỏi mệt; chiếc xe lăn mòn bánh trên con đường quá quen thuộc, quen từng hàng cây bóng lá, từng cột đèn đến tà áo trắng của một người thiếu nữ chưa từng quen biết.

Rồi một đêm, như mọi đêm trên đường về nhưng không thấy cái bóng trắng nấp dưới hàng cây, tôi mơ hồ thấy thiếu một điều gì đó không rõ?.

Hoá ra người đàn bà mặc áo dài trắng chưa một lần gặp mặt, cái bóng lẻ loi bên hàng cây đã trở thành thân thiết với tôi tự bao giờ?!...

Tôi từng đặt câu hỏi trong đầu : Cô chờ ai ? Và phải chờ đợi một mình như thế bao lâu ? Cô ta không sợ một mình trong bóng đêm?. Đã có lúc tôi ngỡ cô là bóng ma trên con đường Duy Tân!

Ngẩn ngơ với cái thiếu vắng nơi thói quen thường ngày, tôi buột miệng nói lên tự sự của mình:

- Bố viết bài mới, cho con đường này hiện diện trong một bài hát nhe Bố ! Tôi xin Bố Phạm Duy-

Chỉ là một câu nói ngớ ngẩn không đầu không đuôi của con bé tôi, vậy mà ông nắm bắt ngay mạch lạc trong lời nói, dù chỉ là lời vu vơ!

Sự trẻ trung trong sáng tạo của người nghệ sĩ không có tuổi. Sự già nua, cằn cỗi đành chào thua trước Ông.

Loạt " Bé Ca ", Ông viết khi đã trên dưới 50; nắm bắt được nhịp đập thời đại qua "Con Đường Tình Ta Đi"; tìm ra nỗi khát khao, niềm thao thức của lớp người trẻ với " Trả Lại Em Yêu " hay nhắn nhủ với lớp người yêu cuồng sống vội qua "Tình Hờ" v.v... ( Mỗi bài nhạc chép ra chí ít trên một trang giấy ngõ hầu kể về nhạc của Ông; từ lúc khởi nghiệp sáng tác đến lúc Ông yên nghỉ ngàn thu chắc phải tốn hơn nghìn trang viết.)

Nguồn sáng tạo ở khả năng thiên phú nơi con người dẫn đến từ đâu ? từ năng lượng của trời đất hay vạn vật thiên nhiên?!

Đôi khi, bất chợt, ông đặt câu hỏi chẳng đâu vào đâu: "Chúng mày thường đi đến những đâu để ăn quà vặt? Con đường này thì có gì khác những con đường kia?"... Đừng vội kinh ngạc! Bởi vì chắc chắn sáng hôm sau sẽ bị đánh thức dậy thật sớm để tập một bài hát mới ra lò!

Từ ý tưởng đến hiện thực, Ông luôn lắng nghe từng nhịp điệu từ trái tim của các con ông đến các vần thơ Nguyễn Tất Nhiên (trong giới hạn bài viết thành thật xin lỗi không nêu hết tên các Thi sĩ ) làm nên bài hát, trở thành hiện tượng tiêu biểu cho lớp người trẻ trong một thời khói lửa lan tràn.

Ở thế hệ sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, dòng nhạc của thời buổi nhiễu nhương đó tưởng không còn ai nhớ đến, nào ngờ âm nhạc trượt thời gian trở về với không gian cũ để âm thanh ngày xưa vẫn rộn ràng ngày nay trong tiếng huýt sáo của anh phu xe .

Về sau tôi kể lại câu chuyện đó cho Bố nghe, Ông cười sảng khoái rồi nói :

· Có thế chứ, anh phu xe hay chị bán hàng rong mà biết đến nhạc Phạm Duy thì Bố vui lắm còn hơn cái đám khoác áo trí thức, đeo mặt nạ đạo đức, ngoác mồm chỉ trích tao với Tục Ca.

· Thời kỳ vừa hoàn tất Tục Ca, tiếp theo liền sau đó là Đạo Ca, thời gian này Ông Thi sĩ Phạm Thiên Thư hầu như ghé qua nhà mỗi ngày để làm việc với Bố.

· Sau khi đọc bài viết này, quý vị nào chưa từng nghe loạt Tục Ca mà vì tò mò muốn biết cái thể thống đó như thế nào thì cứ lên Youtube mà tra nhưng xin chớ quá nôn nóng vội nghe hát mà hãy nghe lời tác giả diễn giải trước, nếu không thì hư bột hư đường hết . Với những vị đã nghe rồi mà vẫn một mực lên án, xin hãy bình tâm nghe lại lời vào đề, diễn giải trước ở mỗi bài.

Thời gian sống chung với Duy Quang chỉ có vài ba năm, không nhiều thì ít, thừa biết rõ những tật xấu nơi mỗi người (ai cũng có mà tôi thì có dư) nhưng chưa một lần nghe câu văng tục hay tiếng chưởi thề, những lời đốp chát ngoài đường phố hay bên hàng xóm chưa hề bén mảng đến thềm nhà ông Phạm Duy-Bà Thái Hằng.

Ông Bà không bao giờ lớn tiếng la mắng con. Bà đôi khi rầy rà nhỏ tiếng nhưng ông thì chẳng hề. Khi con có lỗi, ông đem những chuyện ngụ ngôn của La Fontaine - le Corbeau et le Renard - le Boeuf et la Grenouille - le Chêne et le Roseau- le Loup et l'Agneau - la Cigale et la Fourmi ... tùy trường hợp mà ứng dụng chuyện ngụ ngôn trong sách giáo khoa Pháp văn như chuyện đời xưa để răn dạy con, những chuyện mà ngày bé tôi đã thường nghe trong giờ -công dân giáo dục - giảng dạy nơi nhà trường.

Tuy nhiên những chuyện này không lưu lại ấn tượng sâu sắc nào trong tôi cho tới khi được cách dẫn giải của Ông thì Con Ong Cái Kiến đến Con Bò Con Ếch.v.v...mới khiến một đứa trẻ chưa nếm vị đắng cay hay vị ngọt ngào của cuộc đời bắt đầu biết cân nhắc điều hay, cái dở để tự rèn luyện bản thân.

Với gia đình vợ con, Ông có lá gan của "con thỏ"!

Với dư luận "búa rìu" "định kiến", gan Ông nở to như "khủng long" để ứng phó !

Đối với tình nhân và bằng hữu Ông lấy tấm lòng tri kỷ mà đáp đền !

Viết về Bố Phạm Duy, ngàn lời chưa đủ nói lên một khía cạnh, một góc nhỏ trong toàn phần con người nghệ sĩ của Ông.

Xin tạm dừng nơi đây, xin hẹn cùng bạn đọc ngày này năm sau cũng trong một chủ đề - Phạm Duy còn đó ... !


Julie Quang

Nguồn: http://www.gio-o.com/Chung/JulieHoiUcTGNS7.htm