Duy Quang, những bài hát còn ở lại

Lê Hữu

"Nguyễn Tất Nhiên–Hoàng Ngọc Tuấn–Duy Quang,
là 'bộ ba' những chàng nghệ sĩ tiêu biểu
của một thời tuổi trẻ đáng yêu."



Khi nhắc tên bài hát mình yêu thích, người ta cũng hay nhắc tên giọng hát gắn liền bài hát ấy. Nếu không phải là giọng hát ấy, không chắc bài hát đã được phổ biến và yêu chuộng đến như vậy. Mỗi bài hát, vì thế, cần đến một giọng hát.

"Nếu không có nhạc Phạm Duy, liệu có ai biết đến những người làm thơ như Nguyễn Tất Nhiên, Vũ Hữu Định, Phạm Văn Bình...?" Câu ấy trước đây tôi vẫn nghe và vẫn cho là đúng... một nửa. Nhạc Phạm Duy thôi thì chưa đủ, còn phải kể thêm giọng hát làm cho người ta "yêu" những bài nhạc phổ thơ ấy. Giọng hát Duy Quang.

Có còn hơn không, có còn hơn không

Duy Quang không phải là một trong vài giọng hát tôi yêu thích nhất, thế nhưng phải nói là anh có giọng khá đặc biệt và giọng ấy được nhiều người yêu thích qua một số bài hát quen thuộc. Những bài này ai cũng dễ dàng kể ra được.
Bài hát đầu tiên tôi "làm quen" với giọng hát Duy Quang là một bài phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên của nhạc sĩ Phạm Duy, "Thà như giọt mưa" (1971), gần như ngày nào cũng nghe tới nghe lui, nghe đi nghe lại qua các làn sóng đài phát thanh hay những băng cassette, trên những đường phố, trong những quán café hay những sân trường.

Bài hát được phổ biến rộng rãi, kể về câu "chuyện tình thư sinh" (chữ của nhạc sĩ Phạm Duy) của anh chàng thất tình vì "ta hỏng Tú Tài / ta hụt tình yêu" với những lời lẽ vu vơ, phất phơ như là "sao cũng được", "thế nào cũng xong", "tới đâu thì tới"..., chỉ cốt rong chơi cho qua ngày tháng.

Thà Như Giọt Mưa - thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy - Duy Quang & The Dreamers trình bày


Thà như mưa gió / đến ôm tượng đá
Có còn hơn không / có còn hơn không

Câu hát nghe riết đến thuộc lòng, và mỗi khi ai hỏi bài hát ấy tên gì tôi đều trả lời gọn là "bài 'Có còn hơn không'".

"Có còn hơn không" trở thành một "triết lý sống" dễ dãi, an phận của tuổi trẻ thời ấy. Bài hát nghe lần đầu không thích lắm, nghe mãi cũng quen tai, cũng thấy hay hay, thấy gần gũi với giọng hát khào khào, trẻ trung và những câu hát ngồ ngộ.

Người từ trăm năm / về như dao nhọn
Dao vết ngọt đâm / ta chết trầm ngâm

Chết... trầm ngâm là một kiểu chết mới, nghe giống như là "Trầm tư của một tên tội tử hình" (tên một tựa sách của học giả Hồ Hữu Tường). Điều khá lý thú, trong bài thơ được phổ nhạc ("Khúc buồn tình" của Nguyễn Tất Nhiên) không hề thấy có kiểu "chết trầm ngâm" nào như thế cả, mà chỉ có:

"Người từ trăm năm
về như dao nhọn...
Ta chết âm thầm
máu chưa kịp đổ"

Câu thơ được người nhạc sĩ đổi thành câu hát mang vẻ "triết lý lừng khừng" của một "triết nhân" tự nguyện chết cho tình yêu. Không rõ chàng thi sĩ, và cả chàng ca sĩ nữa, đã phải gồng mình hứng chịu bao nhiêu là nhát "dao vết ngọt đâm" như thế. Những nhát dao nghiệt ngã khiến hai chàng phải...

Ta chạy vòng vòng / ta chạy mòn chân...
Ta chạy mù đời / ta chạy tàn hơi
quỵ té trên đường rồi...

Chuyện tình yêu của tuổi trẻ ngày ấy là vậy, là "chạy vòng vòng", là "chạy mòn chân", chạy hụt hơi để đuổi bắt chiếc bóng lung linh của tình yêu.

Điều đáng nói, bài hát ấy đã khởi đầu cho một nhánh tình ca xanh tươi–tách ra từ dòng nhạc tình muôn thuở của nhạc Việt–gọi là "tình ca sinh viên, học sinh". Những bài tình ca ấy cũng cần đến một giọng hát, và thật khó tìm giọng hát nào thích hợp hơn giọng Duy Quang.

Sau "Thà như giọt mưa", một bài nhạc khác của Phạm Duy, cũng phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, cũng Duy Quang hát, cũng nói về những chuyện tình "có còn hơn không", phất phơ như gió thoảng.

Như mưa đời phất phơ
chắc ta gần nhau chưa?

Bài hát có cái tên ngồ ngộ, "Em hiền như ma soeur" (1972). Tôi thích hai chữ "phất phơ", nghe vui vui và trẻ trung. Xưa nay chỉ nghe "mưa lất phất" chứ chưa hề nghe "mưa phất phơ" bao giờ. Bài hát nghe "phất phơ" thế mà lại hay. Điều lý thú khác, trong bài thơ được phổ nhạc (bài "Ma Soeur" của Nguyễn Tất Nhiên) không hề thấy có cơn mưa "phất phơ" nào cả, mà chỉ có:

"Phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa?"

Chỉ khi Duy Quang cất tiếng hát ta mới nghe "Như mưa đời phất phơ..."

Em hiền như ma soeur -  thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy - Duy Quang trình bày


"Hiền như... ma soeur" là cách ví von khá mới và lạ vào thuở ấy (trước đó chỉ nghe "em hiền như nàng tiên", hay "như cô Tấm", hay "như con mèo nhỏ", "như chim sẻ / chim bồ câu"...), và cũng chưa thấy ai đưa ma-sơ, ni-cô, linh mục... vào trong nhạc, trong thơ cả. Anh chàng Duy Quang đã sốt sắng dắt cô em "hiền như ma soeur" của Nguyễn Tất Nhiên ra mắt giới yêu nhạc thời ấy.

Bài hát được nhiều ca sĩ trình bày sau đó, thế nhưng nhiều người vẫn chỉ thích nghe "Em hiền như ma soeur" với giọng Duy Quang mà thôi.

Ma-sơ, này ma-sơ!

Câu hát nghe têu tếu, nghịch nghịch (còn "nghịch" hơn khi có lúc được đổi thành "Ma-cô, này ma-cô!"). Tất cả các nữ sinh, các cô gái ngoan hiền được các chàng trai theo đuổi dạo ấy đều biến thành... ma-sơ.

Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ -  thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy - Duy Quang trình bày


Có khá nhiều câu hát nghe têu tếu, nghịch nghịch và đậm chất "Duy Quang" như thế. "Này cô em Bắc kỳ nho nhỏ!..." chẳng hạn ("Cô Bắc kỳ nho nhỏ", Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên). Chưa thấy ai hát "nho nho...o...ỏ" hay hơn và thể hiện được tình cảm vui nhộn của bài hát hơn Duy Quang. Có thể nói theo lối bây giờ, Duy Quang là giọng hát "chuyên trị" những chuyện tình thư sinh, đặc biệt là những bài phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên.

Bài hát tôi thích nhất trong số những bài Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên là "Hai năm tình lận đận". Ngày ấy tôi cũng thất tình, cũng hốc hác xanh xao, lao đao lận đận nên dễ dàng "đồng cảm" với nỗi niềm của chàng thi sĩ qua giọng hát chở đầy tâm sự muộn phiền của Duy Quang.

Hai năm tình lận đận / hai đứa cùng xanh xao...

("Hai năm tình lộn xộn / hai đứa cùng hư hao," bạn bè tôi dạo ấy vẫn hát như thế).

Hai năm tình lận đận -  thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy - Duy Quang trình bày


Xanh xao và mệt mỏi đến nỗi "tượng Chúa" cũng... "gầy hơn xưa". Tôi thích ý này và thích những "có lẽ" trong những câu hát:

Em bây giờ có lẽ / toan tính chuyện lọc lừa
Anh bây giờ có lẽ / xin làm người tình thua
Chúa bây giờ có lẽ / xuống trần gian trong mưa
Anh bây giờ có lẽ / thiết tha hơn tín đồ
xin làm cây thánh giá / trên nóc cao nhà thờ

Nghe Duy Quang hát là nghe những câu chuyện tình "hình như, có lẽ, chắc là, dường như", mơ mơ màng màng, lất pha lất phất, chẳng ra làm sao, chẳng đi đến đâu cả.

Nghe Duy Quang hát là nghe những lời tỏ bày của chàng trai mới lớn ngu ngơ ngờ nghệch, và của "người tình thua" với những nhọc nhằn, vất vả trên con đường tình chông chênh, gập ghềnh.

Ta yêu em lầm lỡ
bây giờ đường nào đi!?
Ta yêu em vất vả
ôi, lần cuối lần đầu
Em là cành gai sắc
cho thịt nát xương đau
("Ta yêu em lầm lỡ", Phạm Duy & Đào Văn Trương)

Nghe Duy Quang hát là nghe những lời lẽ tàng tàng, tốc tốc và một vẻ gì bất cần đời, như là "có còn hơn không", "nói năng chi cũng thừa", "chắc ta gần nhau chưa", "có nhau mà như xa"... hay là em thì thế này, anh thì thế kia...
Em mang hồn vô tội / đeo thánh giá huy hoàng

Còn ta nhiều sám hối / mà sao vẫn hoang đàng...
("Em hiền như ma sœur", Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên)

Hay là:

Anh một đời rong ruổi / Em tay bế tay bồng...
("Chuyện tình buồn", Phạm Duy & Phạm Văn Bình)

Hay là:

Em là cây cỏ úa / Ta là loài ma hoang...
("Ta yêu em lầm lỡ", Phạm Duy & Đào Văn Trương)

Hay là:

Em thường hay mắt liếc / Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm / quán chiều anh nôn nao...
("Hai năm tình lận đận", Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên)

Chuyện tình tuổi học trò nào mà chẳng có những đuôi mắt liếc xéo, những nắm tay vội vàng, "những hẹn hò cuống quýt" hay những "luýnh quýnh giữa sân trường trao thư"...

Tôi đã đi khá xa thời tuổi trẻ của "sân trường, lớp học" thế nhưng những câu hát ấy và tiếng hát Duy Quang đã cho tôi và nhiều người tìm lại được giấc mơ êm đềm của tuổi học trò và những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.

Hầu hết những ca khúc gắn liền tên tuổi Duy Quang là những bài phổ thơ hoặc sáng tác của bố anh, nhạc sĩ Phạm Duy. Có thể gọi Duy Quang là "phát ngôn viên" của nhạc sĩ Phạm Duy, khi ông đã chọn anh để gửi gấm những ca khúc mà ông cho là phù hợp với giọng anh, không chỉ những bài ngày xưa mà cả đến những bài về sau này, như "Nghìn năm vẫn chưa quên", "Người tình già trên đầu non", "Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà", "Rong khúc", "Tình cầm" (phổ thơ Hoàng Cầm), "Trăm năm như một chiều" (phổ thơ Hoàng Cầm), "Trăm năm bến cũ" (phổ thơ Lưu Trọng Văn), "Ngày xưa một chuyện tình buồn" (phổ thơ Huyền Kiêu)... Cũng tựa như những bài Bé Ca, Nữ Ca ngày xưa từng được nhạc sĩ Phạm Duy gửi gấm cho giọng lảnh lót, véo von khá thích hợp là giọng hát Thái Hiền.

Bài hát đầu tiên, bài hát cuối cùng

Có lần một người bạn hỏi tôi thích bài nào nhất với giọng Duy Quang, tôi bật ra ngay cái tên "Bao giờ biết tương tư" (Phạm Duy & Ngọc Chánh). Bao giờ cũng vậy, với tôi nghe "Bao giờ biết tương tư" là nghe với giọng Duy Quang chứ không phải giọng nào khác. Chỉ với Duy Quang hát tôi mới nghe ra... "Bao giờ biết tương tư". Chỉ có giọng hát ấy mới gợi cho tôi những cảm xúc ở "thuở ban đầu" của bài hát (1971).

Trong cái thuở ban đầu của bài hát ấy, có người tôi yêu và có tiếng hát Duy Quang.

Còn nhớ, ít hôm sau ngày Duy Quang mất, vào một đêm mưa rả rích tình cờ tôi nghe một đài truyền thanh phát đi những bài hát quen thuộc với giọng Duy Quang, là cách người ta vẫn làm để tưởng nhớ một nhạc sĩ hay ca sĩ được công chúng yêu mến mới vừa chia tay với cuộc đời này. Tôi chờ mãi, chờ mãi đến cuối chương trình mới nghe được bài hát ấy.

Ngày nào cho tôi biết
biết yêu em rồi / tôi biết tương tư...
Ngày nào / cánh thiên đường đã mở hé
tình yêu là trái táo thơm
Tôi ghé răng cắn vào / miệng môi ngọt đắng...

Tôi ngồi lặng yên một lúc, nghe hết bài nhạc. Những cảm xúc ngày xưa ấy vẫn còn nguyên vẹn. Bài hát cho tôi gặp lại tôi, gặp lại chàng trai mới lớn, mới vừa "biết tương tư", biết thẫn thờ, biết nhớ nhung quay quắt, biết nghe tình yêu réo gọi.

Ngày nào biết mong chờ / biết rộn rã buồn vui / đợi em dưới mưa...

Hai nốt nhạc "rộn rã" rướn từ thấp lên cao nghe sao mà... rộn rã.

Là trối trăn cuối cùng / giấc mơ não nùng vội tan...

Hai nốt nhạc "não nùng" rơi từ cao xuống thấp nghe sao mà... não nùng.

Bao giờ biết tương tư -  nhạc Phạm Duy - Duy Quang trình bày


Tôi chưa nghe ai nói "giấc mơ não nùng" bao giờ cả. Và giọng hát khào khào của Duy Quang nghe cũng "não nùng". Về sau này cứ mỗi lần nghe tiếng kèn saxo nghèn nghẹn, não nùng của Trần Vĩnh trỗi lên là tôi lại nhớ đến giọng hát ấy, giọng hát đánh thức trong tôi những nhớ thương dịu dàng của...

Ngày nào / lòng tôi đã
biết vui biết buồn / ôm mối tương tư

Nghe "Bao giờ biết tương tư" là phải nghe lại cái version trước năm 1975 ấy mới nghe ra cái giọng điệu của anh chàng ca sĩ si tình thuở nào. Bài hát mỗi lần nghe lại là mỗi lần gặp lại những xao xuyến, rung động tưởng như mới ngày hôm qua, cho dù bài hát ấy đã cũ, cho dù "mình đã già hơn xưa", nói như câu hát trong bài "Hai năm tình lận đận".

Hầu như mỗi người đều tìm thấy qua giọng hát của Duy Quang bài hát nào đó mình yêu thích. Không thể không nhắc đến "Còn chút gì để nhớ" (Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định), một bài rất quen thuộc và được tuổi trẻ, đặc biệt những "người lính trẻ" ngày ấy rất yêu thích. Bài hát phù hợp với giọng nữ Thái Thanh hoặc giọng nam Duy Quang.

May mà có em đời còn dễ thương...
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ, để quên

Bài hát cũng là một trong những bài phổ thơ hay nhất và phổ biến nhất của nhạc sĩ Phạm Duy. Nhạc điệu vừa thể hiện được tình ý của bài thơ lại vừa phảng phất âm điệu dân ca Jarai và Bahnar rừng rú của núi rừng tây nguyên.

Còn chút gì để nhớ - thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy - Duy Quang & The Dreamsers trình bày


Không thể nào không kể đến những bài tình ca vẫn được nhiều người yêu thích qua giọng hát Duy Quang như "Cây đàn bỏ quên" (Phạm Duy), "Tạ ơn đời" (Phạm Duy), "Chuyện tình buồn" (Phạm Duy & Phạm Văn Bình), "Con đường tình ta đi" (Phạm Duy), "Làm sao mà quên được" (Phạm Duy & Nguyễn Tấn Phát), "Đưa em tìm động hoa vàng" (Phạm Duy & Phạm Thiên Thư), "Chỉ chừng đó thôi" (Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên), "Mimosa Thôi Nở" (Đan Thọ & Nhất Tuấn)... và "Kiếp đam mê" nữa, tất nhiên, một sáng tác của chính anh và chắc khó ai hát hay hơn anh. Cũng phải kể thêm những bài anh hát duet với các giọng nữ Thanh Lan, Thái Hiền, Ngọc Minh, Ngọc Lan... như "Thương nhau ngày mưa" (Nguyễn Trung Cang), "Tình khúc chiều mưa" (Nguyễn Ánh 9), "Chiều trên Phá Tam Giang" (Trần Thiện Thanh & Tô Thùy Yên), "Bản tình cuối" (Ngô Thụy Miên), "Hoa học trò" (Anh Bằng & Nhất Tuấn), "Trả lại em yêu" (Phạm Duy)...

Cũng không thể nào không nhắc đến một nhánh tình ca khác nữa là những ca khúc ngoại quốc được chuyển sang lời Việt rất được yêu chuộng qua các sinh hoạt "nhạc trẻ" sôi nổi một thời nào, đặc biệt là những bài "tình ca nhạc trẻ" vui nhộn khá thích hợp với giọng Duy Quang.

Này người em yêu dấu dưới căn lầu
những đêm đắm mê khiêu vũ nên đâu biết anh thơ thẩn trên này...
Dưới căn gác kia cô bé xinh đâu biết anh đã trót yêu thầm...
Hãy gõ lên trần! (Một-hai-ba)
là anh đón em ngay bên hành lang
("Knock three times", L. Russell Brown & Irwin Levine
"Xin em gõ ba tiếng", lời Việt Vũ Xuân Hùng)

Xin em gõ ba tiếng -  lời Việt Vũ Xuân Hùng - Duy Quang trình bày


Cho dù mấy mươi năm đứng trên sân khấu đã biến Duy Quang thành ca sĩ chuyên nghiệp, trước sau tôi vẫn nghĩ về anh như một "tiếng hát học trò" của thời nào The Dreamers (ban nhạc "trẻ" nhất trong số những ban nhạc trẻ ngày ấy). The Dreamers không phải là ban nhạc xuất sắc so với các ban nhạc trẻ cùng thời, nhưng tạo được sự chú ý và được yêu mến vì hai lẽ: thứ nhất, là ban nhạc "Những đứa con của Phạm Duy"; và thứ hai, ca sĩ là những giọng hát mới toanh, có chất giọng đặc biệt và rất được yêu chuộng là Julie Quang và Duy Quang.

Giọng Duy Quang không vang lộng, không ấm hơn những giọng ấm áp khác, cũng không có chút "tạo dáng" hay phô diễn kỹ thuật nào trong cách trình diễn; thế nhưng, chính cái vẻ tự nhiên và "thật thà thua thiệt" ấy, chính cái chất giọng thoải mái, hiền lành như là tiếng hát trong sân trường ấy lại thích hợp với những bài tình ca học trò, dễ tạo được cảm giác gần gũi và làm "mềm" những trái tim.

Giọng Duy Quang về sau này có chín hơn, có "già hơn xưa", thế nhưng cái thời giọng hát ấy tạo được nhiều cảm xúc nhất và được yêu mến nhất vẫn là thời tuổi trẻ của anh, của chúng tôi.

Thời của tiếng hát ấy cũng là thời của những bài thơ học trò thật hồn nhiên và những mối tình phất phơ trong những trang thơ Nguyễn Tất Nhiên. Thời của tiếng hát ấy cũng là thời của những xao xuyến "hình như là tình yêu" và những câu chuyện tình lãng mạn nhẹ nhàng trong truyện Hoàng Ngọc Tuấn (tác giả những "Hình như là tình yêu", "Nhà có hoa mimosa vàng", "Ở một nơi ai cũng quen nhau"...). Nguyễn Tất Nhiên–Hoàng Ngọc Tuấn–Duy Quang, "bộ ba" này (một anh chàng làm thơ, một anh chàng viết văn, và một chàng ca sĩ) có thể được xem như những chàng nghệ sĩ tiêu biểu của một thời tuổi trẻ đáng yêu. (Bộ ba này, kẻ trước người sau lần lượt theo nhau từ biệt cuộc sống nhiều hoan lạc nhưng cũng lắm hệ lụy). Đấy cũng là cái thời người ta muốn đi tìm một lối thoát, tìm chút lãng quên, chút hạnh phúc nhỏ nhoi và một cõi trú yên bình trên một quê hương rách nát vì chiến tranh.

Duy Quang chắc khó mà nhớ được bài hát đầu tiên của anh khi đứng trên sân khấu ban nhạc trẻ The Dreamers, có lẽ là một bài nhạc Pháp hay Mỹ nào đó với lời Việt, thế nhưng anh lại nhớ rất rõ bài nhạc Việt đầu tiên mà anh trình bày trong "đời ca hát" của mình. Trả lời câu hỏi "Sự nghiệp của anh bắt đầu như thế nào?" của phóng viên báo chí, anh cho biết, "Tôi bắt đầu hát trên sân khấu với dòng nhạc trẻ Anh, Pháp theo trào lưu thời đó, nhưng bài nhạc Việt đầu tiên tôi hát năm 17 tuổi có phong cách trữ tình là bài 'Ngậm ngùi'."

"Ngậm ngùi" (Phạm Duy phổ thơ Huy Cận), được nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, là một trong hai bài nhạc của ông được nhiều ca sĩ trình bày nhất (bài kia là "Còn chút gì để nhớ"). "Ngậm ngùi" là bài nhạc dễ hát nhưng lại khó hát cho hay, theo nghĩa thể hiện được tình cảm "ngậm ngùi" trong bài thơ được phổ nhạc. Thường thì các ca sĩ vận dụng ít nhiều kỹ thuật khi trình diễn bài hát ấy. Ở Duy Quang là một "Ngậm ngùi" khác, anh hát thật dễ dàng, thật tự nhiên nhưng đủ gieo vào lòng người những cảm xúc rưng rưng, tựa như trong giọng hát anh từ thuở nào vốn pha sẵn âm điệu ngậm ngùi.

Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây
Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường

Duy Quang không chọn cho mình bài hát cuối cùng; thế nhưng, điều khá bất ngờ là, bài hát mà người ta được nghe anh hát lần cuối cùng (trên sân khấu một nhà hàng trong đêm sinh nhật lần thứ 62 của anh) cũng lại là bài "Ngậm ngùi". Với lần "trình diễn" sau cùng này, và với bài hát mà anh từng cất tiếng hát lần đầu tiên cách đây 45 năm, hẳn Duy Quang cũng muốn được "xin đi lại từ đầu". Anh đã hát "Ngậm ngùi" biết bao lần trong đời mình, riêng lần cuối cùng này giọng anh không còn trẻ, không còn khỏe như trước nữa, nhưng vẫn cứ là cái giọng thủ thỉ, giọng vỗ về thiết tha, ân cần, đã khiến người nghe thật cảm động và "ngậm ngùi" hơn bao giờ.


Duy Quang hát "Ngậm ngùi" trong đêm Sinh Nhật 4/11/2012

Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

"Ngậm ngùi" được cất lên lần cuối trong đêm ấy. "Hát để tặng người thân và bạn bè," anh nói thế trong lúc đưa mắt nhìn mọi người bên dưới, rồi cất tiếng hát bài nhạc Việt đầu tiên và cũng là cuối cùng trong sự nghiệp ca hát của mình. Vẫn là giọng hát thoải mái, vẫn là giọng nói bình thản trong lúc đón chờ những gì xấu nhất đến với mình, như tính cách mạnh mẽ của anh, luôn bình thản và tỉnh táo trước những nghịch cảnh và những điều bất như ý trong cuộc sống. Bình thản và tỉnh táo như những dòng viết ngắn được anh ghi xuống tấm thiệp nhỏ gửi đến những người mình thương yêu trước giờ từ biệt để đi về một thế giới khác.


"Xin chia tay với bạn bè thân quý... Các bạn ở lại, và xin hãy trân quý cuộc đời này.
Xin chia tay cùng gia đình yêu thương... Đừng buồn khổ, vì anh Quang ra đi gặp Mẹ Thái Hằng yêu dấu của chúng ta. Anh sẽ luôn nhớ các em, và mang theo hình ảnh những ngày đầm ấm bên nhau. Xin chia tay cùng ba cô con gái rất yêu quý của Bố. Bố ước gì được ở lại để nhìn các con khôn lớn, để được bồng bế cháu ngoại của mình. Không ai có thể cãi lại số mệnh, nhưng các con ngoan của Bố phải tin rằng, Bố luôn ở cạnh để phù hộ cho các con, mãi mãi.
Và sau cùng..., thưa Bố con đi!
Duy Quang."

Duy Quang, anh đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã rong chơi trong cuộc đời này, đã mang đến chút hạnh phúc nhỏ nhoi cho bao người, những người yêu tiếng hát anh và yêu những bài hát nào anh đã từng hát. Như thế cũng đủ, "có còn hơn không". Và cứ mỗi lần nghe những bài hát quen thuộc ấy cất lên đâu đó, người ta lại nhắc đến tên anh, Duy Quang.
Giọng hát ấy đã đi xa, những bài hát vẫn còn ở lại.


Lê Hữu
(25/1/2013)