Ngựa trắng không phải là ngựa trắng
- Details
- Written by Lê Anh Dũng
- Hits: 3464
Phamduy.com là bản tường trình đầy đủ nhất từ xưa tới nay về cuộc đời và sự nghiệp Phạm Duy. Ở đó, Phạm Duy tập hợp tất cả những gì liên quan tới ông: ca khúc, sưu khảo về dân ca, về trống, những bài phỏng vấn, nhận định về ông, 4 tập hồi ký… Các ca khúc được xếp theo nhiều cách khác nhau để dễ tìm kiếm: hoặc theo thể loại như tình ca, dân ca, bé ca, đạo ca, Hàn Mặc Tử ca, tục ca (?), thiền ca, nhạc trẻ, nhạc ngoại quốc lời Việt, trường ca Mẹ Việt Nam, trường ca Con đường cái quan…; hoặc theo thời gian v.v… Ta có thể nghe giọng hát của ông, một ca sĩ dở chưa từng thấy, nghe nhiều bài hát của ông qua đủ giọng ca, cả những bài được thâu thanh vào năm 1952 của Thái Thanh, Thái Hằng vợ yêu của ông nay đã khuất. Khoảng 1000 tác phẩm của ông được đưa lên website này. Ở phamduy.com ta thấy được sự nghiệp âm nhạc đồ sộ của nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, thấy được lòng yêu mến, trân trọng và hãnh diện về những tác phẩm của mình, dở cũng như hay. Website này do chính Phạm Duy xây dựng và bảo trì, sẽ không ai có thẩm quyền hơn ông để làm chuyện này. Qua hồi ký, ông kể lại cuộc đời mình từ ấu thơ tới giai đoạn tha hương sau 1975, lồng chung với lịch sử âm nhạc Việt Nam cận đại từ lúc phôi thai. Hồi ký của ông có vô số quan sát thông minh, nhạy bén của một nghệ sĩ lớn, chứng nhân một giai đoạn biến động nhất của lịch sử Việt Nam. Hồi ký này tỏ rõ ngoài việc là một nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, ông cũng là một nhà văn lớn, văn chương giản dị, tự nhiên. Hồi ký 1, 2 ,3 đã được ấn hành, chỉ có hồi ký 4 chưa in nhưng có trên mạng, mạng mất thì hồi ký 4 cũng mất. [1]
Cách đây trên 2 năm, trong một buổi gặp gỡ thân tình chỉ có vài người, ông sung sướng khoe với chúng tôi là khi về Việt Nam, ông được nguời ái mộ sưu tập, thâu tặng lại ông cả trăm bài hát của chính ông, rồi ông cười kiểu Phạm Duy “đâu có cấm tôi được, đâu có xóa tôi đi được”. Gần đây biết ông sức khoẻ yếu kém, mổ tim, tiểu ra máu… rồi sắp về Việt Nam ở luôn, tôi có hơi bâng khuâng nhưng cũng mừng. Chỗ ở của một ông già 86 tuổi phải là quê hương, nơi mà vừa bước ra ngõ đã nghe tiếng Việt lao xao khắp chốn. Để mọi người có một chỗ đứng, một tiếng nói trên quê hương, dù người đó có khác mình như chim với cá, là bổn phận và trách nhiệm của mọi chính quyền Việt Nam hiểu biết trong thế kỷ 21. Việc hòa nhập tiệm tiến, hòa ái giữa trong và ngoài là chuyện rất đáng mừng.
Gần đây khi vào phamduy.com, chúng tôi chỉ còn thấy
Website này
đã ngưng hoạt động
Good Bye!!!
Cảm giác đầu tiên là như bị tát vào mặt. Chúng ta đều biết việc duy trì một website hoạt động là chuyện rất dễ dàng, không tốn kém. Nếu Phạm Duy về Việt Nam nên không trực tiếp bảo trì được trang nhà của mình, thì có thiếu gì người ái mộ ông sung sướng gánh vác. Có gì rất bất thường trong việc đóng trang nhà theo kiểu này. Tôi nói với bố tôi “ông Phạm Duy vì về Việt Nam nên chấm dứt website của ông rồi”. Phạm Duy đã tự xóa sạch bản thân một cách ngoài tưởng tượng. Tôi thấy chán ông quá sức.
Ngày đầu Phạm Duy về tới Việt Nam, có rất nhiều báo ra tận phi trường làm phóng sự, phỏng vấn ông. Ngay ngày đầu, trên những báo như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Viễn Xứ trên mạng, đã thấy ông tuyên bố: quên hết thời gian vừa qua, 30 năm qua là đêm tối…, rằng ông đã và sẽ xin phép lưu hành một số bài hát của mình, rằng ông muốn về đúng vào ngày 30-4 để mang một ý nghĩa tích cực, nhưng vì sức khỏe kém nên phải về trễ hơn… Duy Quang cũng góp lời rằng đất nước đã hoàn toàn đổi mới. Tại sao lại như vậy? Muốn xin phép thì cứ xin, nhưng nghỉ ngơi vài ngày cho khỏe đã (trước khi về, sức khoẻ của Phạm Duy rất kém, phải nhập viện). Một ông già 86 tuổi, còn có gì để được, để mất, mà phải sớm cao giọng xin phép trên báo chí ngay từ ngày đầu trở lại, một cách ồn ào cho đồng bào trong và ngoài nước nghe như vậy? Có những điều chối tai khi Phạm Duy trả lời phỏng vấn (báo mạng Nguời Viễn Xứ ngày 21.5.2005), như khi ông gọi người khác là u mê, và “bấy lâu nay mình cứ tưởng bên kia có một lực lượng nhưng chẳng có gì cả, chỉ là một vài người lợi dụng danh từ ‘chống Cộng’ để làm tiền”... Tự do phát biểu là quyền đáng tôn xưng, nhưng phát biểu, nhận định về nguời khác cần có một sự thận trọng nào đó, nhất là khi có nhận xét tiêu cực. Sự sáng suốt của Phạm Duy sẽ vẹn toàn hơn nếu ông không có những phát biểu loại trên. [2]
Nhà văn Giao Chỉ viết trên Calitoday.com ngày 19-5 như sau, xin trích dài hơi:
“Trong thế giới di tản của dân Việt đã có cả trăm ngàn người về Việt Nam nhiều lần nhưng không ai ồn ào hơn ba nhân vật nổi danh trong ba lãnh vực. Tướng Nguyễn Cao Kỳ, thiền sư Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Duy. Chuyện bên ngoài của ba ông có vẻ giống nhau nhưng bề trong vẫn có nhiều khác biệt.
Đa số chúng ta, dù với tấm lòng bao dung chấp nhận thì vẫn phải phê phán nhẹ nhàng là ừ về thì về nhưng đâu cần phải ồn ào quá độ như thế. Vị thiền sư siêu thoát đi hòa giải dân tộc cần gì phải đến 4 lọng vàng với phường bát âm dẫn lộ và hàng trăm cao tăng quốc tế theo hầu. Nhà lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa một thời oanh liệt về đóng vai hàng thần lơ láo đâu có ai đòi hỏi mà phải tự động nhất bộ nhất bái.
Nhưng với người nghệ sĩ già Phạm Duy thì vẫn có một cái gì chưa tỏ tường. Cũng trong chỗ riêng tư, ông nói rằng phải chờ đến lúc nhạc sĩ qua đời thì những uẩn khúc mới được giãi bày.
Người nghệ sĩ khác với tướng công và thầy tăng. Nguyễn Du đã viết rằng: “Ba trăm nay sau, thiên hạ ai biết được lòng ta”.
Vì vậy, bình luận về quan điểm chính trị và câu chuyện thế tục của Phạm Duy là lãnh vực rất tế nhị, phiền phức và dễ gây tranh luận.
Chúng tôi chỉ xin giới thiệu với quý vị là tác giả ngàn lời ca trước khi từ giã Quận Cam về Sài Gòn đã để lại một tác phẩm gần như cuối cùng là 10 bản Hương Ca. Tất cả đều là thơ phổ nhạc, trong đó có những bài thơ rất nổi tiếng về tình yêu như “Tình sầu” của Huyền Kiêu mà chúng tôi đã thuộc từ năm 1940.
Đặc biệt, có hai bài rất đáng lưu ý là thơ phản kháng của Phùng Quán trong Nhân Văn Giai Phẩm với tựa đề “Lời mẹ dạy.” Chỉ với một bài thơ mà nhà thơ trẻ 25 tuổi viết năm 1956 đã phải sống suốt cuộc đời còn lại trong lao tù. “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét”.
Cho đến năm nay 2005, lần đầu tiên gần 50 năm sau Phạm Duy phổ nhạc “Lời mẹ dạy” để ghi lại câu sau cùng: “Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá”.
Đọc lại dòng chữ Good-Bye của ông trên phamduy.com, ta thấy một sự sỗ sàng, nửa xôi, nửa chè, nửa Việt, nửa Mỹ, chữ Good-Bye được chấm dứt bằng ba dấu chấm than (!!!), lời thông báo cụt ngủn, bằng chữ đỏ choét, trơ trụi trên một nền trống lốc. Phạm Duy có thể tạ từ khán giả của ông, đóng cửa trang nhà bằng những hình thức trang nhã hơn, nhưng ông đã lựa hình thức đập vào mắt nhất.
Trước khi về Việt Nam vĩnh viễn, Phạm Duy đã đi về ít nhất là 10 lần, đã chén chú, chén anh với các chức sắc cao cấp, ông đã bắt mạch, nắn gân, cảm nhận, suy đoán. Ông biết Việt Nam đang ở đâu, biết tâm trạng, thực trạng của các chức sắc có lẽ rõ hơn nhiều người trong chúng ta. Ông biết có không ưa ông thì người ta cũng chả làm gì ông, một ông già 86 tuổi, nhưng người ta có nhiều cách để làm gì con, cháu ông. Phạm Duy đã soạn khoảng 1000 ca khúc, sự tinh tế, bén nhạy của ông không cần bàn tới nữa. Viết Minh họa Kiều ắt hẳn ông đã suy gẫm từng câu, từng chữ, từng ý, từng tứ, đặt mình vào tâm cảnh Kiều. Phạm Duy viết hồi ký đầy thông minh, lão làng, không thể nói ông là ngây thơ, dớ dẩn. Thế thì chúng ta có gì để nói về Phạm Duy, với Phạm Duy, khi cảm thấy có điều trục trặc.
Tôi bỗng hoát nhiên đại ngộ, Tây có câu “một sự im lặng điếc tai” (un silence etourdissant). Bằng việc đóng cửa thô bạo trang nhà của mình; bằng việc ngày đầu vừa về tới Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn những báo có tầm lưu hành rộng rãi nhất, nêu lên ngay là sẽ xin phép cho một số bài hát của ông được lưu hành, Phạm Duy đã im lặng điếc tai, xin phép ầm ĩ.
Phạm Duy muốn trở về vào ngày lịch sử 30-4. Phạm Duy hết lời ca tụng Nghị quyết 36: “Chính phủ Việt Nam vừa làm một chuyện hết sức ngoạn mục là Nghị quyết 36. Đó là một cách đưa tay ra với những người thua trận. Thế là đủ rồi.”, “Đa số những người thầm lặng bên kia họ rất muốn về, nhưng bằng cách nào? Bằng cách ở đây mình phải cởi mở hơn nữa, thoáng hơn nữa. Nhưng tôi thấy, thế là thoáng rồi đấy!“… Tuyên bố như vậy nhưng Phạm Duy đồng thời cũng tự xóa trắng website của đời mình. Nhà nước Việt Nam, nếu thực tâm có thiện chí khi đưa ra Nghị quyết 36, nên suy gẫm, vì nhiều người Việt ở nước ngoài sẽ suy nghĩ về chuyện này. Những quan sát viên quốc tế chuyên trách Việt Nam rất tinh, nhạy cũng sẽ thấy. Phạm Duy, nguời nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam, một biểu tượng ngoạn mục của Nghị quyết 36, của chính sách đại đoàn kết dân tộc, của đất nước đã hoàn toàn đổi mới, mà còn phải xoá trắng đi chứng tích về đời mình khi về quê hương, thì những Việt kiều thường sẽ ra sao? Những trí thức, văn nghệ sĩ ở trong nước ra sao?
Vài ngày trước khi về nước hẳn, trả lời phỏng vấn của báo Chí Linh, Phạm Duy nói: “Tôi khẳng định lại là tôi dùng âm nhạc để ‘kiếm cơm’, để nuôi sống tôi và gia đình”. Mộng bình thường rất đáng hoan nghênh. Đất nước mà từ đời này qua đời nọ, cứ ra ngõ là gặp anh hùng, là một đất nước khốn khổ. Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện có thơ tả mặt khác của sự có lắm anh hùng là “giấy báo tử rơi đầy mái rạ, tất cả đều buồn, chỉ có cái loa là vui”.
Dù chỉ muốn làm một nguời bình thường, cuộc đời Phạm Duy cũng là một tác phẩm thật lớn, lớn hơn bài toán cộng giữa Kim Vân Kiều truyện và Chiến tranh và Hòa bình. Phạm Duy tài sắc hơn Kiều, đa tình hơn Kiều, sống lâu hơn Kiều. Ảnh hưởng của Phạm Duy lên xã hội chung quanh cũng hơn Kiều cả ngàn lần, dù ông tự hạ mình rằng viết nhạc chỉ để kiếm cơm. Cuộc đời Phạm Duy trải dài từ cuối thế chiến thứ nhất của đầu thế kỷ 20 qua tận đầu thế kỷ 21. Vào thế kỷ 24 có thể người ta vẫn còn nhắc tới ông. Ông sinh ra khi cờ các đế quốc Anh, Pháp còn phất phới trên khắp mặt địa cầu, khi sừng của Liên Xô chưa mọc, khi Trung Quốc/nước ở giữa còn ngầy ngật trong cơn thức tỉnh ê chề sau khi bị bát quốc giày vò, mới tìm được đôi hia 7 dặm của chủ nghĩa cộng sản. Phạm Duy sống qua Cách mạng tháng Tám, thấy những người Việt yêu nước vừa chiến đấu giành độc lập dân tộc, vừa bắt đầu giết nhau. Phạm Duy sống qua cuộc chiến tranh thảm khốc, dai dẳng nhất thế kỷ 20, trên chiến địa vang đủ thứ tiếng, giương đủ các ngọn cờ Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Tự do hay là chết. Một cuộc chiến tranh có sự tham dự tích cực của Liên Xô, Hoa Kỳ, những đế quốc lớn nhất địa cầu; của Trung Quốc, cựu đế quốc khá thành công khi cố gắng “đại nhảy vọt” về vị trí cũ của mình, với cái giá là chủ nghĩa cộng sản; có sự chầu rìa của Pháp, đế quốc hết thời xuân sắc, vẫn lăng xăng liếc mắt đưa tình, một vai phụ lúc nào cũng cất tiếng rằng có ta đây. Cuộc chiến có sự tham dự trực tiếp cũng như gián tiếp của cả chục quốc gia Đông-Tây, cuộc chiến mà tất cả các vũ khí mới nhất, tốt nhất, hữu hiệu nhất, thông minh nhất đều được sử dụng, trừ vũ khí nguyên tử, cuộc chiến mà chính người Việt Nam sẵn sàng đốt cháy cả dãy Trường Sơn, thiêu đốt cả dân tộc để tiến hành. Chiến tranh nào cũng phải chấm dứt, hòa bình xuất hiện, một hòa bình “đêm nay hòa bình, sao mắt mẹ chưa vui”. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, hàng triệu người đi xuống biển, đi về phía không phải là quê hương. Phạm Duy lại sống qua thứ hòa bình đó. Phạm Duy cũng đã thấy những đế quốc, quốc gia sinh, bệnh, lão, tử trong đời mình; thấy một trật tự cũ sụp đổ, một trật tự mới, bất trắc vì thiếu đối trọng, đang thành hình. Rồi một tối tháng 5, Phạm Duy rời Mỹ quốc/đất nước xinh tươi để trở về cố thổ, rời đất nước mà quyền tự do phát biểu được long trọng xác định trong tu chính án thứ nhất [3] , là quốc hội sẽ không ra điều luật nào đụng chạm tới quyền này, cái quyền mà mọi công dân bản địa cũng như tân công dân đều biết đến và thuộc lòng. Tự do phát biểu, quyền đẹp đẽ nhất con người xác định được cho mình từ khi có mặt trên trái đất.
Rời đất nước của quyền phát biểu được tuyên xưng, đóng cửa website, về nước, Phạm Duy đã viết đời mình thành một tác phẩm thật đẹp. Con người hiếm khi trải qua nhiều cảnh đời như vậy, trải qua Chiến tranh và Hòa bình như vậy.
Không thể nào xóa sạch hoặc hạn chế sự lưu hành của nhạc Phạm Duy một cách hiệu quả. Nhạc của Phạm Duy hiện được lưu trên vô số website, CD, DVD, sách vở… và có đời sống riêng của nó. Duy trì một bản gốc vẫn tốt hơn là có nhiều dị bản phát triển chỉ vì mất gốc. Chúng ta chưa ý thức đủ tầm quan trọng của vấn đề. Dù có những bài “có vấn đề” như Huyền sử ca một nguời mang tên Quốc, nhưng việc Phạm Duy đóng cửa website là một thất lợi cho Nghị quyết 36. Những bài hát như trên thuộc về một giai đoạn lịch sử, và không chính quyền văn minh nào lại để xoá đi những dấu vết của lịch sử. Đối tượng của Nghị quyết 36 là Việt kiều, đa số là những người tị nạn, thuyền nhân, rồi sau đó là ODP, cựu tù nhân HO. Nhưng đối tượng chính yếu không phải là mấy ông già, bà cả mà là thế hệ kế tiếp, con cháu của họ, những nguời có khả năng, có vốn, ít thành kiến và ràng buộc với những gánh nặng cũ của cha, ông. Nhưng ai của thế hệ kế tiếp này sẽ bị hấp dẫn bởi chuyện phải tự khóa mồm mình lại, xóa quá khứ mình đi? Nhà nước Việt Nam cứ xây dựng một đất nước tốt đẹp, một xã hội nhân văn thì rất nhiều vấn đề sẽ tự nó được giải quyết.
Trong thiện chí, tôi xin có 2 đề nghị xây dựng với nhà nước Việt Nam:
1. Hoặc nhà nước xin phép Phạm Duy cho đưa dữ liệu của Phamduy.com vào thư viện quốc gia, để mọi người vẫn có thể tham khảo bình thường. Trong khi “hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng, hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành, từng vùng thịt xương có mẹ, có em” thì mảnh đất nuôi dưỡng Trịnh Công Sơn đã để anh hát lên lời phản chiến. Việt Nam thiếu trầm trọng những khuôn mặt văn hóa, dưới bất cứ thể chế nào văn hóa vẫn là nền tảng để xây dựng sự ổn vững lâu dài cho đất nước. Văn hóa un đúc nên con người, và con người quyết định sự hưng vong của đất nước. Trồng cây gì, thì ăn quả đó. Cả trăm năm mới có một Phạm Duy, một Trịnh Công Sơn, một Nguyễn Du… Dù thích hay ghét Phạm Duy, cũng nên coi sự nghiệp của Phạm Duy là một di sản quốc gia quý báu, trân trọng nó, bảo dưỡng nó. Đề nghị này dựa trên cơ sở đã có sự lưu hành các tác phẩm Tự Lực Văn Đoàn mà nhiều tác giả thuộc hàng ngũ “Việt gian”, “phản động”, một số nhà văn thuộc Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hoạt, ngay cả danh xưng Việt Nam Cộng Hòa cũng đã bắt đầu được dùng lại trong nước. Chuyện gì làm sớm được thì nên làm ngay, đừng đợi tới lúc Phạm Duy gặp Nguyễn Du, Nhất Linh, Văn Cao…
2. Hoặc nhà nước tạo điều kiện cho chính Phạm Duy phục hoạt website của mình.
Tôi mong là một ngày rất gần đây, Phạm Duy truyện có một đoạn đơn sơ, kể chuyện chủ nhân của những VoVanKiet.com, VoVanAi.com, NguyenHoa.com, NguyenTruong.com, TranTrungDao.com, HaVanThuy.com [4] ... gặp nhau ở Việt Nam, nguời nào nói lời xác đáng thì vẫn tiếp tục nói lời xác đáng, người nào thông tin (và chú giải) thì vẫn tiếp tục thông tin (và chú giải), người nào muốn bảo lưu ý kiến vẫn có thể bảo lưu ý kiến… không có ai thông báo "Website này đã ngưng hoạt động, Good-bye, Adieu, Vĩnh biệt !!!". Đoạn “hòa mà không đồng” này của Phạm Duy truyện sẽ lại được đăng trên phamduy.com. Tôi cũng mong anh Nguyễn Hòa, nếu thấy đề nghị của tôi phù hợp với đề nghị “hướng tới tương lai” của anh, thì xin anh vận động giúp ở những nơi cần vận động (kể cả với Phạm Duy) cho phamduy.com được sống lại. Chúng ta có thể bắt đầu chuyện hướng tới tương lai bằng những việc làm nhỏ, cụ thể trong hiện tại. Chúng tôi cũng lắng nghe những đề nghị từ anh. Tôi đề nghị talawas mở thêm chuyên đề “Hòa bình nhìn từ nhiều phía”, tôi tin rằng chuyên đề này sẽ rất sớm tỏ rõ rằng chúng ta có nhiều ước mơ chung, những công việc có thể làm chung để mang lại hòa bình thực sự trong lòng chúng ta. Chuyên đề này mà vắng khách thì cũng không có gì phải than phiền, nhờ vậy mới biết là chúng ta chưa sẵn sàng lắm cho hòa bình.
*
Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng: Bài đã viết xong lại mở ra một khả năng mới. Công ty Vitek (Viet Technological Joint Stock Company) đã mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan với giá 100 triệu đồng VN (US$ 6,400), theo đó, 50 năm sau ngày nhà thơ Hữu Loan mất, Vitek mới hết hạn độc quyền, hợp đồng được ký khoảng tháng 12.2004. Năm 2003, Nxb Trẻ đã mua bản quyền các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, sau đó Công ty Văn hoá Phương Nam đã lần lượt ký những hợp đồng bản quyền khác nhau với nhà văn Nguyễn Khải, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, nhà văn Nguyễn Văn Xuân... (http://www.laodong.com.vn/pls/bld/folder$.view_item_detail(75154) Có thể có khả năng Phạm Duy sẽ bán bản quyền toàn bộ tác phẩm của mình cho một công ty nào đó, do đó ngưng website của mình từ trước.
Nếu khả năng trên trở thành hiện thực, quả thật tôi đã quá lo, tôi sẽ nợ một lời tạ lỗi với Phạm Duy, và có lẽ với nhà nước Việt Nam. Theo thiển ý, người quan sát có quyền ưu tư khi sự việc xảy ra theo thứ tự: đóng cửa website, về Việt Nam, trong lúc nhà nước Việt Nam chưa hề có bằng chứng rõ ràng về tự do tư tưởng, phát biểu. Nếu phamduy.com được đóng cửa trễ hơn, sau chuyện bán bản quyền (còn ở thể gỉa định), thì hợp lý hơn. Dẫu vậy, khả năng sang nhượng bản quyền mở ra một số suy nghĩ:
Trong công nghiệp, việc một công ty mua đứt bản quyền một sản phẩm, rồi giữ kỹ trong một góc thật kín, để bảo vệ sản phẩm của mình là chuyện thường xảy ra. Với văn hóa phẩm, chuyện có vẻ lôi thôi hơn, hậu quả cũng trầm trọng hơn. Cứ thử tưởng tượng, nếu có người mua đứt bản quyền Tiếng gọi công dân/sinh viên của Lưu Hữu Phước hay Tiến quân ca của Văn Cao, và độc quyền phát hành, không thích thì không cho lưu hành nữa, thì sao? Làm gì nhau? Sắp vào WTO rồi, không bảo vệ tác quyền coi sao được. Trong trường hợp Phạm Duy, dù việc bán bản quyền là quyền tự do của ông (rất nên, vì Việt Nam ta có thói dùng đồ chùa, mà nhà nghệ sĩ dù lớn tới đâu cũng có những nhu cầu vật chất bình thường), nếu người mua quyền này chỉ lưu hành hạn chế một số tác phẩm của ông, cất đi phần còn lại, công chúng sẽ mất rất nhiều.
Vì phẩm chất âm thanh của những bài hát trên phamduy.com có tác dụng tham khảo hơn là giá trị thương mại, chuyên nghiệp; theo thiển ý, điều lý tưởng vẫn là phục hoạt phamduy.com. Sự biến mất của phamduy.com luôn là một mất mát rất lớn, kính mong Phạm Duy lưu tâm. Có lẽ chỉ có cách là kêu gọi nhà nước Việt Nam mua bản quyền toàn bộ tác phẩm của Phạm Duy rồi đưa vào thư viện quốc gia (cho công chúng tham khảo toàn bộ, chứ không cất đi, hoặc phổ biến vài bài làm vì) là thượng sách.
Lê Anh Dũng
© 2005 talawas
--------------------------------------------------------------------------------
[1]Lời diễn tả ở trên về phamduy.com được viết theo trí nhớ, có phần sai và thiếu sót, tiếc là không thể chính xác hơn vì không thể tham khảo trang nhà này nữa.
[2]Ông Nguyễn Cao Kỳ đã có lời than phiền về việc báo Thanh Niên cắt xén, không diễn tả đúng lời ông, nên tôi cũng xin dè dặt về những nhận định của tôi về Phạm Duy, vốn dựa trên bài phỏng vấn trên báo mạng Người Viễn Xứ hôm 21.5.2005. Lời trích Phạm Duy vì bị tách khỏi văn cảnh nên cũng không thể diễn tả hoàn toàn đúng ý của ông.
[3]Amendment I: Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the government for a redress of grievances.
[4]Tôi theo dõi trao đổi giữa Lê Xuân Khoa, Nguyễn Hòa, Nguyên Trường, Trần Trung Đạo, Hà Minh… và gần đây là Hà Văn Thùy. Lần đầu đọc Hà Văn Thùy, tôi bị sốc, dù muốn bình tâm mà cứ bị chọc vào mắt bằng những chữ như “tay sai”… thì thật khó mà bình thản đọc tiếp. Sau khi suy nghĩ về Phạm Duy, tôi đọc lại bài viết của Nguyễn Hòa, Hà Văn Thùy một cách khác. Anh Nguyễn Hòa đã có thể im lặng ngay từ đầu trước bài của giáo sư Lê Xuân Khoa trên talawas gửi tới anh, một chuyện vốn dĩ bình thường từ xưa tới nay, thế nhưng anh đã lựa chọn trả lời. Đây là một hành động tách khỏi đám đông. Với Hà Văn Thùy, tôi cũng khám phá được nhiều điều ý nhị.
***
Phạm Duy
Trả lời
Những ý nghĩ của ông Lê Anh Dũng trong một bài viết nhan đề “Ngựa trắng không phải là ngựa trắng” đăng trên website talawas đã khiến cho tôi phải có vài lời sau đây…
Tôi vô cùng cảm kích trước những lời tốt đẹp của ông Lê Anh Dũng về cái nghề soạn nhạc của tôi. Nhưng tôi đã không vui khi thấy ông ta viết về cái website mang tên phamduy.com mà tôi mở ra trong vòng gần 20 năm nay rồi vừa đóng lại cách đây ít tháng. Vì tôi đã không giải thích sự mất đi hay giữ lại của một cái thú riêng của tôi là sưu tập tài liệu cho thiên hạ đọc, nghe và hát mà không phải trả một xu teng nào, cho nên tôi đã bị ông Dũng nặng tiếng với tôi. Đáng lẽ ra, tôi nên cho mọi người biết rằng website này vẫn còn đó, nếu quảng đại quần chúng đã không còn có thể vào website phamduy.com nữa thì cái đống tài liệu về âm nhạc và về con người của tôi vẫn còn nằm chình ình trên web, dưới một danh xưng khác. Ai cũng có thể tiếp tục vào website này một cách dễ dàng nếu được tôi mến tặng một bí danh mới để mở cửa đi vào. Nếu ông Dũng là bạn thân của tôi thì ông đã được tôi tặng password đó và sẽ không có cảm giác bị tát vào mặt khi không còn được coi nó mà không phải trả tiền.
Ông Dũng nói với cụ thân sinh: Phạm Duy vì về Việt Nam nên chấm dứt website của ông rồi. Phạm Duy đã tự xóa sạch bản thân một cách ngoài tưởng tượng. Tôi thấy chán ông quá sức. Như vậy là Ông Dũng, trong một cơn chán chường, đã nói xấu về tôi với cha, trong khi trong thực tế tôi không xóa website của mình nghĩa là không tự xóa sạch bản thân như ông tưởng tượng, không hề có ý định ngăn những người như Giáo sư Eric Henry ở North Carolina, USA đang viết về TÂN NHẠC VIỆT NAM và muốn hiểu biết tường tận về một trong những người sáng lập và đang còn họat động ráo riết trong ngành nghệ thuật này. Tôi còn tặng Eric những tài liệu không nằm trong website nữa.
Một tiểu tiết: có khá nhiều người Âu, Mỹ vào thăm website của tôi (như Jason Gibbs ở San Francisco, USA, Rylan Holey ở Durham University, England...) cho nên nếu tôi có thêm hai chữ good bye vào chỗ báo tin website ngưng họat động… thì đó không hẳn là chuyện xôi chè như ông Dũng đã phê bình.
Tiện đây, tôi cũng xin được nói thêm rằng vì đã bán bản quyền toàn bộ tác phẩm cho một công ty ấn hành ở Việt Nam từ nhiều năm trước, do đó tôi bắt buộc phải ngưng mở rộng website này.
Dòng tư tưởng của ông Dũng lan man sang những chuyện khác, xoay quanh một việc mà ông cũng tán thành: người già cần trở về sống nơi quê hương của mình. Nhưng bịa ra chuyện tôi đã chén chú, chén anh với các chức sắc cao cấp để làm gì? Trách tôi ồn ào qua những bài trả lời phỏng vấn nhưng chính ông Dũng cũng ồn ào ra phết khi ông kéo ông Giao Chỉ hay ông Chí Thiện vào cuộc chơi. Ông Dũng ơi, bây giờ là năm 2005, ở Việt Nam, tìm đâu ra những cái loa báo tử nữa? Tôi đã yêu ông vì ông yêu nhạc Phạm Duy, nhưng tôi cũng đã chán ông rồi, vì ông thích bới móc những chuyện đau thương của thế kỷ qua để tự giam mình vào sự thù hận. Và để hạ bệ những người không “chống cộng” như mình.
Tôi thú thật là có những lúc tôi rất thích ồn ào, vì đối với tôi, những chuyện công khai nói tốt cho một chính quyền có chính sách văn hóa tốt với gia đình tôi, nói không tốt về một số người ở xứ bon chen, đã có đôi lúc đối xử không tốt với tôi, vu cáo tôi, phỉ báng tôi… là những chuyện ân oán giang hồ phải có. Đã là cô Kiều như ông Dũng nói, tôi phải làm một chuyện tầm thường là báo ơn, báo oán mà thôi.
Còn có vài ba điều tôi muốn thảo luận thêm với ông Dũng, nhưng vì tôi hãy còn mệt sau một chuyến đổi đời, xin tạm nghỉ.
Chỉ xin đề cập tới đề nghị xây dựng với nhà nước Việt Nam của ông Dũng là: hoặc đưa dữ liệu của phamduy.com vào thư viện quốc gia để mọi người vẫn có thể tham khảo bình thường… hay tạo điều kiện cho chính Phạm Duy phục hoạt website của mình. Ối giời ơi, nếu được dzậy thì dzui quá.
Phạm Duy
Mùa Hạ, 2005
© 2005 talawas